Phát triển thủy điện trên dòng chính hạ lưu vực sông Mê Công – Tiến trình và quan điểm các bên liên quan (1).[01/08/11]

02/08/2011 10:09

10

PHÁT TRIỂN THỦY ĐIỆN TRÊN DÒNG CHÍNH HẠ LƯU VỰC SÔNG MÊ CÔNG.TIẾN TRÌNH VÀ QUAN ĐIỂM CÁC BÊN LIÊN QUAN (1)

TS. Đào Trọng Tứ, Ngụy Thị Khanh

Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN)

 

Thắng cảnh Thác Khon (Nam Lào) cũng là 1 địa điểm dự kiến xây dựng thủy điện

1.         SÔNG MÊ CÔNG –TÀI SẢN CHUNG VÔ GIÁ CỦA TẤT CẢ CÁC QUỐC GIA VEN SÔNG

Mê Công là con sông lớn nhất ở Đông Nam Châu Á, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc sông chảy qua lãnh thổ của 6 nước là Trung Quốc (tỉnh Vân Nam), Myanma, Lào, Thái Lan, Cămpuchia và Việt Nam.  Sông Mê Công có chiều dài dòng chính là 4880 Km, diện tích lưu vực 795.000 km2 và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỉ m3.  So với các lưu vực sông trên Thế giới, Mê Công đứng thứ 8 về tổng lượng dòng chảy, thứ 12 về chiều dài và thứ 21 về diện tích lưu vực.    

Mê Công là quê hương của trên 60 triệu người với trên 100 dân tộc khác nhau thuộc 6 nước sinh sống và làm thành một trong những vùng đa dạng văn hoá nhất trên thế giới. Ngoài nguồn tài nguyên nước dồi dào, lưu vực sông Mê Công  có tiềm năng thuỷ điện, nguồn lợi thuỷ sản, đất đai, thảm thực. Mê Công được đánh giá là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao so với nhiều khu vực khác trên thế giới. Lưu vực là nơi sản xuất một lượng lúa gạo đủ nuôi sống 300 triệu người trong năm và là một trong những vùng có sản lượng cá nước ngọt lớn nhất trên thế giới. Trong lưu vực có trên 1300 loài cá sinh sống và chế độ dòng chảy dao động theo mùa đã cung cấp môi trường và thức ăn cho các loài động vật thuỷ sinh của lưu vực.

Cho đến những năm 50 của thế kỷ 20,  Mê Công và sông Amazôn là 2 sông lớn duy nhất còn lại trên thế giới gần như chưa được khai thác. Tài nguyên nước nói chung, tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của các lưu vực sông hay vùng đầu nguồn là tài sản chung, vô giá của quốc gia. Những nguồn tài nguyên này là nguồn sống, là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế-xã hội và văn hóa của một đất nước. Nguồn tài nguyên cần được quản lý-bảo vệ-phát triển vì lợi ích của tất cả  cộng đồng-người dân của tất cả các quốc gia.

Các hoạt động phát triển liên quan đến tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của sông Mê Công đến nay đều được thực hiện trên các dòng nhánh (trừ phần thượng nguồn sông Mê Công trên lãnh thổ Trung Quốc). Nhờ sự hợp tác các nước Hạ lưu vực, đến nay các cộng đồng các quốc gia ven sông đang được hưởng lợi từ nguồn nước sông Mê Công do thiên nhiên ban tặng.

Mặc dù được đánh giá là con sông có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và có mức độ đa dạng sinh học cao, lưu vực sông Mê Công vẫn được xem là khu vực có nền kinh tế kém phát triển và tỷ lệ đói nghèo cao. Hiện nay, tất cả các nước trong lưu vực Mê Công  đều tìm cách đẩy mạnh phát triển kinh tế, kể cả việc tìm cách khai thác ngày càng nhiều các lợi thế về tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của lưu vực Mê Công  và coi đó là biện pháp cần thiết để vượt qua nghèo đói. Một trong những kế hoạch phát triển và sử dụng nguồn tài nguyên nước không bền vững có nguye cơ  đe dọa sự môi trường- đa dạng sinh học và sinh kế của hàng triệu người dân ven sông- an ninh lương thực và an ninh quốc gia và khu vực đó là kế hoạch phát triển thủy điện trên dòng chính hạ lưu vực Mê Công.

 

2.         HIỆN TRẠNG VÀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THỦY ĐIỆN DÒNG CHÍNH LƯU VỰC SÔNG MÊ CÔNG

 

A.         Trung Quốc (sông Lang Thương)

 

Mặc dù là một nước nằm trong lưu vực và đóng góp 16% lượng nước cho sông Mê Công, Trung Quốc không thừa nhận nguyên tắc sử dụng nước sông quốc tế. Trung Quốc không tham gia vào Ủy hội sông Mê Công (chỉ tham gia với tư cách là bên Đối thoại). Tất cả các hoạt động khai thác tài nguyên nước sông Mê Công ở phần lãnh thổ   Trung Quốc đều được thực hiện đơn phương, không có bất cứ một hợp tác nào với các quốc gia hạ lưu.  Một trong những lý do khác khiến Trung Quốc không tham gia hợp tác Mê Công chính là muốn được phát triển nguồn tài nguyên này một cách tự do, tránh sự can thiệp và gây khó dễ của các nước hạ lưu. Việc xây dựng các công trình thuỷ điện trên dòng chính Mê Công của Trung  Quốc đã gây nên sự lo ngại sâu sắc của các quốc gia hạ lưu. Tuy nhiên Trung Quốc luôn trấn an là các đập thuỷ điện Trung Quốc là những hồ chứa điều tiết năm, tích nước mùa lũ có tác dụng giảm lượng lũ mùa lũ và xả nước mùa kiệt, tăng lượng nước mùa kiệt cho hạ lưu.

Từ 1993 đến nay, Trung Quốc  đã xây dựng 4 công trình thuỷ điện  ngăn dòng chính sông Mê Công, đó là các công trình Mãn Loan (1993-2000) công suât 1500 MW, dung tích hồ 890 triệu m3, Đại Triều Sơn (Dachaoshan) (1995-2000), công suất 1350 MW, dung tích hồ 890 triệu m3, Jing Hồng (2003-2010), công suất 1.500 MW, đặc biệt là thuỷ điện Tiểu Loan (1995-2013), công suất lắp máy 4.200MW, dung tích hồ 15,13 tỷ m3.  Dự kiến đến 2020, trên sông Lang Thương  sẽ có 8 nhà máy thuỷ điện được đưa vào vận hành gồm Gongguo, Xiaowan, Manwan, Dachaoshan, Nuozhadu, Jinghong, Ganlanba và Mengsong với tổng công suất 15.6500 MW và hồ chứa có dung tích khoảng trên 40 tỉ m3 nước để đáp ứng nhu cầu điện năng trong tỉnh và xuất khẩu điện sang Thái lan và các tỉnh Đông Nam Trung quốc là Quảng Đông, Quảng Tây và Quí Châu. Dự kiến đến năm 2040 dự kiến xây thêm 6-7 nhà máy thuỷ điện nữa. Các dự ánthuỷ điện trung bình và nhỏ cũng sẽ được xây dựng trong lưu vực sông Lang Thương để khai thác hết tiềm năng thuỷ điện, thúc đẩy phát triển công nghiệp địa phương.

 

B.         Hạ Lưu vực Mê Công: Lào-Thái Lan-Cămpuchia

Trong khuôn khổ hợp tác Mê Công trải qua nhiều giai đoạn từ 1957 đến nay, đã có một số nghiên cứu phát triển thủy điện dòng chính đoạn Hạ lưu vực được thực hiện (vào các năm 1970,1987 và 1994). Các nghiên cứu cho thấy tiềm năng phát triển thủy điện dòng chính Hạ lưu vực nằm trên   lãnh thổ Lào, Lào và Thái Lan và Cămpuchia. Nhờ có cơ chế hợp tác của 4 nước Hạ lưu vực, đến nay trên dòng chính sông Mê Công phần Hạ lưu vực chưa có công trình thủy điện nào được xây dựng- sinh thái sông về cơ bản đang được duy trì ở trạmg thái tự nhiên (có tác động của phát triển và các công trình thủy điện dòng nhánh). Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sự gia tăng dân số nhanh trong khu vực, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Bên canh việc phát triển thủy điện dòng nhánh (ở Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) nguồn lợi thủy điện trên dòng chính sông Mê Công đang được các nước Lào, Thái và Campuchia đặc biệt quan tâm và tích cực lập kế hoạch khai thác.

Năm 2007 có thể xem là một mốc quan trọng khi các nước Lào, Thái Lan và Cămpuchia  đồng loạt khởi động việc nghiên cứu xây dựng các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Công. Trong một thời gian ngắn, từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2007, Lào đã ký  biên bản ghi nhớ với các nước để nghiên cứu chuẩn bị cho xây dựng hàng loạt các công trình thuỷ điện trên dòng chính cụ thể: tháng 3/2007 ký với công ty Mega First Malalaysia xây dựng thuỷ điện Đôn Sahong (tỉnh Chămpasak), tháng 5/2007 ký với công ty Karnchang Public Company Ltd Thái lan xây dựng thuỷ điện Xayabury (tỉnh Xayabouri), tháng 6/2007 ký với Sinnohdro Corporation China National Electronics, Trung Quốc  xây dựng thuỷ điện Pak Lay (tỉnh Xayaburi), tháng 8/2007 ký với công ty Datang International Power Generation Co. Ltd, Trung Quốc xây dưng thuỷ điện Pakbeang (tỉnh Oudomxay), tháng 10/2007 ký với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng thuỷ điện Luang Prabang (tỉnh Puang Prabang). Thái Lan đang tiến hành nghiên cứu xây dựng thuỷ điện Ban Koum. Cămpuchia  đã ký biên bản ghi nhớ với Trung Quốc nghiên cứu thuỷ điện Sambor. Các hoạt động sôi động này đều được thực hiện qua hợp tác song phương ngoài khuôn khổ hợp tác Mê Công. Tổng công suất lắp máy từ 12.920  MW (phương án thấp) đến 21.300 MW (phương án cao), dung tích chứa không điều tiết khoảng 8 tỷ m3.

...

(còn nữa)