Warren E. Buffett, nhà tỷ phú giàu lòng từ thiện và đề cao công bằng xã hội.[04/10/11]

05/10/2011 08:52

14

Warren E. Buffett, nhà tỷ phú giàu lòng từ thiện và đề cao công bằng xã hội

 

Theo tài liệu tạp chí Forbes phát hành đầu năm 2008, hai người giàu nhất Hoa Kỳ là ông Bill Gates người sáng lập hãng Microsoft có tài sản 57 tỷ đô la và ông Warren Buffett sáng lập công ty Bershire Hathaway với 50 tỷ đô la. Và cũng theo thông báo của tạp chí này năm 2011, cả hai ông vẫn đứng đầu danh sách các doanh nhân giàu có nhất Hoa Kỳ, và cũng đứng hàng đầu các tỷ phú của thế giới. Điều đáng quí hơn là cả hai ông đều là những nhà làm việc từ thiện vĩ đại nhất trên hành tinh này; triết lý và quan niệm nhân sinh của hai ông đáng để cho tất cả những kẻ giàu có trên thế giới noi theo.

Kinh doanh. Warren Edward Buffett  sinh ngày 30 tháng 8 năm 1930 tại Omaha, bang Nebraska, Hoa Kỳ, Ông được coi là nhà đầu tư thành công nhất thế giới.

Từ thuở ấu thơ, W. Buffett đã cố gắng dành nhiều thì giờ cho việc học hành và làm việc cật lực để kiếm tiền bằng cách đi bỏ báo. Số tiền kiếm được ông chỉ trích ra một ít để mua sách vở, còn dư ông tính toán để dành. Với số tiền đi bỏ báo dành dụm, năm 11 tuổi ông đã khởi sự tập đầu tư bằng cách mua cổ phiếu. Ba năm sau lúc 14 tuổi ông mua một trang trại nhỏ, học kinh nghiệm trong thương trường địa ốc. Năm 20 tuổi ông đậu bằng cử nhân và năm 21 tuổi ông tốt nghiệp bằng cao học MS tại đại học Columbia. Năm 1970 khi 40 tuổi WB nắm cả hai chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Bershire Hathaway; đại công ty đầu tư này đến ngày nay đã sở hữu 63 công ty khác như: Coca-Cola, Gillette, American Express, Wells Fargo, US Air Group, v…v… Một cổ phiếu loại A của Bershire Hathaway đã có trị giá 151 ngàn đô la vào ngày 11/12/2007.

Mỗi năm W. Buffett  chỉ nhắc nhở 63 Tổng Giám đốc điều hành của 63 công ty trực thuộc luôn luôn nhớ hai nguyên tắc chính:

Nguyên tắc 1: Phải làm lợi cho cổ đông, đừng làm mất tiền cổ đông.

Nguyên tắc 2: Phải luôn luôn thuộc lòng nguyên tắc số 1.

Văn phòng làm việc của ông rất đơn giản, Cuộc sống của ông càng giản dị hơn, ông tự lái xe, không có tài xế riêng, không có nhân viên bảo vệ an ninh. Ông không bao giờ dùng máy bay riêng để đi công tác xa, dầu ông làm chủ một công ty hàng không lớn. Dù là người giàu thứ nhì trên thế giới với tài sản 50 tỷ đô la, ông vẫn sống trong căn nhà chỉ có 3 phòng mà ông mua khi cưới vợ hơn 50 năm về trước, không có hàng rào bao bọc chung quanh, giá mua lúc năm 1958 chỉ có 31500 US$. Một tỷ phú giàu có và quyền lực như vậy, nhưng ông sống một cuộc đời giản dị nhất, không giao du với tầng lớp thượng lưu. Thú vui của ông là làm một túi ngô rang và đọc sách hoặc xem TV tại nhà.

W. Buffett quan niệm con người làm ra của cải tiền bạc, nhưng của cải tiền bạc không tạo ra nhân cách con người. Ông cho rằng để tiền bạc cho con cháu chỉ làm cho con cháu ỷ lại không giúp ích gì cho chúng, còn làm chúng mất ý chí và động lực tiến lên. Ông từng phát biểu: “Nếu ba đứa con họ Buffett của ông chỉ vì tình cờ may mắn được sinh ra trong gia đình Buffett mà lại có số tiền hàng chục tỷ Mỹ kim di sản để hưởng thụ cuộc đời, thì đó là điều vô cùng bất công, xã hội không còn công lý nữa.”

Năm 1999 ông có trong danh sách những nhà quản trị tài chính giỏi nhất thế kỉ XX do hãng Carson thực hiện, xếp trên Peter LynchJohn Templeton. Năm 2007 được tạp chí Time đưa vào danh sách "100 người nhiều ảnh hưởng nhất thế giới".

Năm 2002, Bill Gates tỷ phú trẻ và giàu nhất thế giới lúc đó mới 47 tuổi quyết định xin gặp bậc trưởng lão Warren Buffett, 72 tuổi, người giàu thứ hai thế giới. B. Gates, con người thiên tài điện toán vi tính nghĩ rằng cuộc viếng thăm và  hội thoại sẽ nhạt nhẽo buồn chán vì thuộc 2 thế hệ, cuộc sống rất khác nhau, đàm luận nhiều lắm sẽ chỉ kéo dài khoảng nửa giờ. Nhưng thật bất ngờ, cuộc trò chuyện thân mật, tâm sự lý thú của hai tri kỷ một già một trẻ tuy tài năng trên hai lĩnh vực khác nhau, nhưng cùng một tấm lòng từ thiện bác ái bao la, họ nói chuyện quên cả thời gian, cuộc tiếp xúc kéo dài 10 tiếng đồng hồ.

Sau 10 giờ đàm đạo, B. Gates đã hoàn toàn nể phục W. Buffett về mọi phương diện: tài đầu tư, cuộc sống giản dị, đạo đức nhân cách và làm từ thiện. Bill đã ngẩng lên trời, cảm tạ Thượng Đế đã sinh ra Bill, còn sinh thêm cả Warren Buffett nữa.

Làm từ thiện. Năm 2006 W. Buffett hứa tặng 35 tỷ US$ (85% giá trị tài sản của mình) vào Quỹ ‘Bill & Melinda Gates’, tổ chức từ thiện khắp thế giới này, nhằm mục đích chống nghèo đói, phát triển y tế chữa trị bệnh tật và gia tăng giáo dục cấp học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học, do vợ chồng ông Gates thành lập năm 2000. Số tiền khổng lồ này cộng với số tiền Bill Gates tặng vào Quỹ trước đây đã vượt quá 70 tỷ US$ trở thành tổ chức từ thiện có ngân quỹ hoạt động lớn nhất trên hành tinh này

Thực ra, ông bà Buffett cũng đã lập Quỹ từ thiện mang tên ‘Susan Thompson Buffett Foundation’ từ năm 1966 với số tiền hiện có trong quỹ khoảng 275 triệu US$ và ông W.Buffett đã tặng thêm 3 tỷ US$ nữa trong năm 2006. Nhưng vì sao ông lại đem thêm 35 tỷ US$ nữa tặng vào ‘Bill & Melinda Gates Foundation’?

 

Những người làm việc từ thiện vĩ đại sớm nhất của Hoa Kỳ như ông Andrew Carnegie năm 1919 đã hiến tặng 350 triệu US$ tương đương 7.2 tỷ US$ hiện nay, ông John D. Rockefeller tặng 450 triệu US$ năm 1937 trị giá bằng 7.1 tỷ US$ hiện nay; hai vị này đều cho rằng rất khó điều hành một quỹ từ thiện to lớn tránh khỏi phí phạm, lạm dụng và có khi gây ra tình trạng tham nhũng. Một Hội từ thiện hoạt động tốt và hiệu quả nhất  thì chi phí điều hành và nhân viên phải dưới 1% số tiền quyên góp được.

‘Thuế Buffett’. Từ năm 2008, Hoa Kỳ lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, ngân sách thâm hụt, nợ công cao. Có những đề xuất khác nhau nhằm tìm lối ra. W. Buffett đã đề xuất tăng thuế đối với những người có thu nhập trên 1 triệu US$/năm để đỡ phải thu thêm thuế của người nghèo. Ông lập luận:”… những người cực kì giàu có đã được hưởng từ lâu những ưu đãi thuế đặc biệt và đã đến lúc đáp lại sự ưu ái đó.. Những người giàu có  đang đóng thuế quá ít!...” và ông kêu gọi những người giàu có thực hiện “nghĩa vụ của mình đối với quốc gia”. W.Buffett cho biết năm 2010, ông chỉ phải nộp 6,93 triệu US$ tiền thuế. Con số này tương đương với 64 cổ phiếu hạng A của tập đoàn Berkshire Hathaway mà ông là Chủ tịch và bằng 17,4% tổng thu nhập của ông. Dẫn chứng cho những ưu đãi thuế đặc biệt mà mình đang được hưởng,  ông nói rõ  là mức thuế của ông chưa bằng một nửa so mức thuế suất trung bình 36% của 20 người khác trong cùng văn phòng. Những người này phải đóng thuế từ 20 - 41% dù thu nhập của họ kém xa nhà tỷ phú như ông  W. Buffett cho biết thêm rằng một số giám đốc điều hành chỉ phải đóng khoản thuế bằng 15% tổng số hàng tỉ US$ thu nhập của họ, trong khi tầng lớp trung lưu phải đóng mức thuế 25%. Thuế người giàu, còn được gọi là “thuế Buffett” do tỷ phú W  Buffett đề xuất có thể là một ý tưởng tuyệt vời nhưng quá khó để biến thành sự thực. Rât nhiều người ủng hộ thuế Buffett. George Soros, nhà đầu tư số 1 của phố Wall ủng hộ lời kêu gọi của W. Buffett. Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook cũng cho biết anh cảm thấy “thoải mái với vấn đề trên”. Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Ngân hàng JP Morgan Chase “không thấy có vấn đề gì khi phải nộp thuế nhiều hơn”.

 

Đồ thị mức thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ đã ‘kịch trần’

Tổng thống B. Obama hết lòng ủng hộ quan điểm của W. Buffett. 63% trong tổng số 1031 nhà đầu tư toàn cầu trả lời trong cuộc khảo sát của Bloomberg đứng về phía vị tỷ phú này. Hàng triệu người trung lưu Mỹ đồng thuận cao với “thuế Buffett”.

Tuy nhiên, còn khá nhiều người giàu có khác và cả đảng Cộng hòa đối lập lên tiếng phản đối thuế người giàu.

Steve Forbes, Tổng biên tập tạp chí Forbes, người ủng hộ quan điểm thuế phẳng