Hội thảo khoa học quốc tế ‘Các công nghệ hiện đại và sự ứng xử lâu dài của đập’.[06/10/11]
07/10/2011 09:46
‘Các công nghệ hiện đại và sự ứng xử lâu dài của đập’
(International Symposium on Modern Technologies
and Long-term Behavior of Dams)
27-30/9/2011, Trịnh Châu (Zhengzhou)– Trung Quốc.
Phiên toàn thể
Trong những ngày 27-30/9/2011, tại TP Trịnh Châu (Trung Quốc) đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế ‘Các công nghệ hiện đại và sự ứng xử lâu dài của đập’. Đây là hoạt động học thuật trong chuỗi các Hội thảo ‘Đập Đông Á’ (East Asia Dam Conference – EADC) được tổ chức 2 năm một lần do các Hội Đập lớn Trung Quốc (CHINCOLD), Nhật Bản (JCOLD) và Hàn Quốc (KCOLD) lần lượt đăng cai. Khoảng 400 đại biểu, trong đó có gần 100 đại biểu quốc tế từ các châu lục. 120 báo cáo khoa học từ 20 quốc gia đã được gửi tới Hội thảo giới thiệu những thành tựu mới nhất và những vấn đề thời sự trong phát triển công nghệ xây dựng & quản lý đập hiện nay.
GS.TSKH. Phạm Hồng Giang thuyết trình tại phiên toàn thể
Đại biểu từ VNCOLD có:
· GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, Chủ tịch VNCOLD, trình bày 1 báo cáo chính (keynote lecture) tại phiên toàn thể chiều ngày 28/9/2011 về chủ đê ‘Dùng chất phụ gia để gia cố đất đắp đập và khả năng áp dụng tại miền Trung Việt Nam’;
· KS. Michel Hồ Tá Khanh, chuyên gia cao cấp Tập đoàn Phát triển Điện lực Pháp (EDF) trình bày 1 báo cáo tại phiên tiểu ban ‘Quản lý hồ chứa & những vấn đề khác’ chiều ngày 29/9/2011 về chủ đê ‘Những giải pháp mới cho các đập mới’.
Trong số các thuyết trình tại Hội thảo có báo cáo ‘Công trình đập Sơn La, đập bê tông đầm lăn lớn nhất tại Việt Nam’ của tác giả Nhật Bản Shigeru Tsuchida.
Hội thảo đã vinh danh 5 đập bê tông trọng lực truyền thống trên thế giới:
· Hoover (Hoa Kỳ) (www.vncold.vn đã giới thiệu trên trang /Web/Content.aspx?distid=821 );
· Sanxia (Tam Hiệp - Trung Quốc) (www.vncold.vn đã giới thiệu trên trang /Web/Content.aspx?distid=193 );
· Grande Dixence (Thụy Sĩ);
· Itaipu (Brazil & Paraguay);
· Ertan (Nhị Than - Trung Quốc).
Sau Hội thảo có tổ chức tham quan một số công trình thủy lợi – thủy điện của Trung Quốc như; đập đá lõi sét Xiaolangdi (Tiểu Lãng Để) cao 160m, tunen có lưu lượng 320m3/s vượt sông Hoàng Hà, đập bê tông trọng lực Tam Hiệp (Sanxia) cao 181m, đập đá phủ mặt be tông Thủy Bố Á (Shuibuya) cao 233m, đập vòm-trọng lực bê tông Cách Hà Nham (Geheyan) cao 151m,...
www.vncold.vn sẽ lần lượt giới thiệu các tư liệu của Hội thảo.
TP Trịnh Châu có 8,6 triệu dân với lịch sử rất lâu đời là kinh đô của các triều đại từ hàng ngàn năm trước Công nguyên(CN) và hiện là thủ phủ tỉnh Hà Nam với hơn 94 triệu dân. Tỉnh Hà Nam ở phía đông lưu vực sông Hoàng Hà là vùng trung tâm văn hóa Trung Hoa thời cổ, thường được gọi là vùng ‘Trung Nguyên’, có 4 thành phố (trong 8 thành phố của cả nước) là kinh đô của những triều đại lớn của Trung Hoa: Lạc Dương (các triều: Đông Chu, Đông Hán, Ngụy thời Tam Quốc, ..), An Dương (vua Thuấn, vua Vũ, nhà Thương,..), Khai Phong (nhà Tống) và Trịnh Châu (nhà Hạ, nhà Thương, nhà Ân,..). Những địa danh trong các bộ tiểu thuyết nổi tiếng: Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc, Thủy Hử,.. luôn được gặp trong tỉnh Hà Nam. Không xa Trịnh Châu còn có ngôi chùa Thiếu Lâm thường hay được nhắc đến.
PV.