Hội thảo VNCOLD lần 1 về biên soạn ‘Sổ tay An toàn đập’.

20/10/2011 15:03

12

Hội thảo VNCOLD lần 1 về biên soạn ‘Sổ tay An toàn đập’.

AN TOÀN ĐẬP, mối quan tâm lớn.

Đập Gold Ray trên sông Rogue (bang Oregon, Hoa Kỳ) bị vỡ ngày 11/8/2010

Đập là công trình ngăn dòng nước tạo ra độ chênh mức nước phía trước và phía sau đập. Phía trước đập hình thành hồ chứa điều tiết nước theo mục tiêu của đâp. Nhiều loại công trình khác như nhà, cầu, đường, cảng,…  khi bị đổ vỡ thì chủ yếu chỉ gây tổn thất tại chỗ. Trong khi đó, nếu đập bị vỡ, thường là khi nước đầy hồ, thì cả vùng rộng lớn phía hạ du dòng nước bị thiệt hại nặng nề.

Theo tổng hợp của Hội Đập lớn Thế giới (ICOLD), những yếu tố kỹ thuật thường trực tiếp dẫn đến mất an toàn đập là:

-       Nước lũ quá mức thiết kế tràn qua đập;

-       Nền đập yếu, bị biến dạng lớn do lún,  trượt;

-       Dòng thấm xói qua những chỗ chất lượng kém trong thân đập tạo thành dòng xói ngầm;

-       Những thiếu sót khác trong thiết kế, thi công và quản lý đập.

Sự quan tâm đến an toàn đập ngày càng tăng do:

- Số lượng đập, nhất là các đập được xây dựng trong các thời kỳ trước với những điều kiện kỹ thuật còn hạn chế, có khả năng mất an toàn ngày càng nhiều. Cũng theo thống kê (có thể  chưa thật đầy đủ) của ICOLD, trong khoảng 36000 đập lớn (cao trên 50m) được xây dựng thì đã xảy ra 300 sự cố nghiêm trọng.

- Ngày càng có nhiều đập  rất cao (cao trên 100m), thậm chí siêu cao (cao trên 200m) được xây dựng. Mức an toàn đập phải được xem xét cực kỳ nghiêm khắc.

- Ở một số nước , nguồn thủy năng đã được khai thác gần hết. Gần đây họ muốn nâng cấp các đập hiện có ở những chỗ còn có thể để góp phần tăng tỷ lệ năng lượng sạch. An toàn đập được đặt ra trong những tình huống mới.

- Biến đổi khí hậu tác động mạnh đến an toàn đập.

Ở Việt Nam, hàng nghìn đập được xây dựng trong những điều kiện khó khăn về vật chất và kỹ thuật của mấy chục năm từ thập kỷ 80 (thế kỷ 20) trở về trước. Một số đập bị vỡ và một số đập khác trong trạng thái nguy hiểm. Tất cả đã được xử lý để đảm bảo an toàn, nhất là các đập lớn như Dầu Tiếng (Tây Ninh), Đá Bàn (Nha Trang), Phú Ninh (Quảng Nam), Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Cấm Sơn (Bắc Giang),.. Tuy nhiên, rất nhiều đập, nhất là các đập vừa và nhỏ chưa được kiểm tra. Nhiều đập thủy điện vừa và nhỏ được xây dựng tràn lan khắp nơi. Việc xây dựng và quản lý đập chưa thành nề nếp và còn rất tản mạn. Hầu như ai cũng có thể xây đập và quản lý đập. Đánh giá an toàn đập còn nặng cảm tính. Sự cố đập thủy điện Hố Hô và đập Khe Mơ trong mùa lũ 2010 đã là các tiếng chuông báo động. Chính phủ đã ban hành Nghị định về an toàn đập, nhưng việc phổ biến và tổ chức thực hiện chưa được chú trọng đúng mức. Chưa có các văn bản pháp lý và hướng dẫn kèm theo.   

Quang ảnh Hội thảo ngày 19/10/2011

Để từng bước khắc phục  này Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Hoàng Văn Thắng  đã giao Hội Đập lớn & PT Nguồn nước VN (VNCOLD)  tổ chức biên soạnSổ tay An toàn đập’ với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành. Ngày 19/10/2011 tại Hội trường Tổng Công ty Tư vấn XD Thủy lợi VN (HEC), VNCOLD đã tổ chức Hội thảo lần 1 để tham khảo ý kiến về dự thảo đề cương cuốn sách trên. Gần 30 đại diện các cơ quan hữu quan và các chuyên gia đã  tham dự. Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng chủ trì Hội thảo. Dự thảo đề cương ‘Sổ tay An toàn đập’ sẽ được giới thiệu trên www.vncold.vn    

PV.