Lụt lớn ở BANGKOK và đôi điều cần rút kinh nghiệm đối với TP Hồ Chí Minh

31/10/2011 09:02

10

LỤT LỚN Ở BANGKOK VÀ

ĐÔI ĐIỀU CẦN RÚT KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI TP HỒ CHÍ MINH

TS. TÔ VĂN TRƯỜNG

TP Hồ Chí Minh (HCM) và Bangkok có đặc điểm giống nhau nằm ở hạ lưu của sông lớn, đều là thành phố đông dân cư, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khá cao, đóng góp phần lớn vào GDP của cả nước. Cả 2 thành phố đều chịu chung nguyên nhân gây ra ngập lụt là mưa, thủy triều và lũ ở thượng nguồn. Địa hình nhiều nơi trong thành phố thấp hơn mực nước biển và hàng năm đất bị lún chủ yếu do việc khai thác nước ngầm không được kiểm soát một cách chặt chẽ.

Nguyên nhân gây ngập do mưa và do thủy triều ở 2 thành phố Bangkok và TP HCM có thể là tương tự như nhau tuy dao động triều của Bangkok chịu ảnh hưởng của Vịnh Thái Lan, còn TP HCM chịu tác động của triều biển Đông. Khách quan mà nói điều kiện ở TP HCM cũng thuận lợi hơn: triều biển Đông là bán nhật triều, biên độ lớn, chân triều thấp, dễ tiêu thoát hơn. TP HCM cũng không hoàn toàn nằm chắn ngang đường ra biển của các con sông như Bangkok và lũ sông Sài Gòn (2.800m3/s) nhỏ hơn lượng nước từ tỉnh Ayutthaya tràn vào Bangkok vừa qua có lưu lượng khoảng 4.000 m3/giây. Năm nay, Bangkok bị ngập lụt  chủ yếu do lượng mưa ở thượng nguồn quá lớn, dài ngày tạo thành cơn lũ khủng khiếp lại gặp triều cường càng làm tình hình thoát lũ trở nên khó khăn hơn. Cao trình đê mới ở mức 2,5 m nên số nơi nước sông dâng cao, tràn đê gây ngập lụt 4 quận trong thành phố Bangkok.

Phía thượng lưu của TP HCM rất may được điều tiết chủ yếu nhờ hồ chứa thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai và hồ thủy nông Dầu Tiếng. Có lần hồ Dầu Tiếng mới chỉ xả ở mức 600 m3/s đã làm dâng mực nước ở thành phố lên 1,52 m.  Nếu xả đúng như thiết kế sẽ dâng mực nước ở thành phố lên đến 1,75 m. Phía hồ Trị An mới xả khoảng 6000 m3/s đã ảnh hưởng đến mực nước ở Phú An. Như vậy, để chống ngập lụt ở TP HCM phải phối hợp kiểm soát đồng bộ cả 3 nguyên nhân mưa, triều và chế độ xả lũ ở hồ chứa thượng lưu. Kiểm soát ngập do mưa và triều thành phố có thể chủ động đối phó nhưng để kiểm soát chế độ vận hành điều tiết các hồ chứa phải phối hợp với các cơ quan chức năng của trung ương.

Tốc độ đô thị hóa của TP.HCM quá nhanh, các công trình hạ tầng thoát nước kể cả hệ thống cống rãnh không theo kịp nên hàng chục năm qua thành phố luôn chịu vấn nạn bị ngập lụt. Thành phố thiếu “nhạc trưởng’ đủ mạnh, có tầm nhìn xa nên các quy hoạch ngành, rời rạc thiếu tính hệ thống, đồng bộ kể cả quy hoạch cốt nền và quy hoạch chống ngập, giao thông, xây dựng vv…Quy hoạch của JICA (Nhật Bản) chỉ chống ngập do mưa cục bộ ở vùng nội đô. Quy hoạch thủy lợi chống ngập của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn (đã được Thủ tướng phê duyệt) chỉ chống ngập do thủy triều, trong đó vùng 1 đóng vai trò quan trọng nhất gồm khu bờ hữu sông Sài Gòn -Nhà Bè, vùng II gồm khu vực ngã ba sông Đồng Nai-Sài Gòn và vùng III gồm khu vực bờ tả sông Sài Gòn, được xác định là vùng đệm trong tương lai. Dự án này có thời gây tranh luận khá nhiều về tính hiệu quả do 12 cống lớn và hàng chục cống nhỏ. Theo tôi nghĩ, bờ tả của sông Sài Gòn (vùng đệm trong tương lai) cần phải tính toán lại sao cho kinh tế và ít gây xáo trộn đời sống nhân dân, nghĩa là cần quan tâm đến các giải pháp mềm, khu chứa nước, thoát nước, thích ứng với thiên nhiên, tránh “quy hoạch đuổi”, bị động, nặng về công trình như vừa qua. Từ trước đến nay, ngay các cơ quan chuyên nghiệp làm quy hoạch còn “lỗ hổng” lớn là chưa chú trọng đúng mức đến khâu quản lý sau quy hoạch.

Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc và căn cứ vào các khiếm khuyết của các dự án chống ngập hiện nay, Tổng cục thuỷ lợi đã đưa ra ý tưởng xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu-Gò Công, trong đó có đề cập việc chống ngập cho cả vùng Đồng Tháp Mười và khu vực TP HCM xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đây là ý tưởng hay, táo bạo nhưng còn cần câu trả lời cụ thể từ kết quả của 6 đề tài nghiên cứu khoa học đang thực hiện đánh gía “được-mất” về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường và kết quả khoan thăm dò địa chất của phía Hà Lan.

Việc thực hiện các dự án chống ngập ở TP HCM rất chậm, luôn phải lùi thời hạn kể cả các dự án ODA do nhiều nguyên nhân, chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng và năng lực của các cơ quan thực hiện. Năm 2008, thành phố có khoảng 66 trận mưa gây ngập, tăng 46% so với năm 2007. Ngoài ra, triều cường có xu thế ngày càng tăng cao hơn, trong khi hệ thống tiêu thóat hiện hữu không đủ khả năng thoát nước. Thậm chí ngay cả trong mùa khô, không có mưa mà các khu vực có cao độ đất thấp vẫn ngập nước do triều cường. Theo số liệu thống kê, nếu so sánh năm 2007 ở TP HCM thì năm 2011 tình hình ngập lụt đã giảm khoảng gần 60%, nghĩa là vẫn còn 38 điểm ngập. Các điểm ngập truyền thống ở Quận 1, Quận 3, Quận 5, Quận 10 về cơ bản đã được “xóa sổ” nhưng lại phát sinh nhiều điểm ngập mới chủ yếu ở ngoại thành thuộc các Quận 2, Quận 7, Thủ Đức, Bình Chánh, Bình Tân do chưa có dự án kiểm soát ngập. Hiện nay, TP mới hoàn thành về cơ bản dự án tuyến đê bờ hữu, đang khẩn trương thi công cống Nhiêu Lộc Thị Nghè, đặt hơn 100 van 1 chiều ở các cửa xả nâng tổng số hoàn thành gần 600 van, xây dựng trạm bơm Hồng Bàng, tiếp tục đấu nối các đường ống thoát nước. Cần lưu ý là việc thiết kế của các dự án tiêu thoát nước mưa của thành phố, vẫn dựa trên các chỉ tiêu cũ, nếu gặp các trận mưa lớn vượt tần suất thiết kế thì khả năng một số nơi ở nội đô vẫn có thể bị ngập trong thời gian nhất định.

Theo kế hoạch đến năm 2015 các dự án nguồn vốn ODA sẽ kết thúc, cải thiện đáng kể việc chống ngập nội đô do mưa cục bộ. Tuy nhiên, phía ngoại thành lại giống hệt “vết xe đổ” theo quy luật phát triển 20 năm trước ở nội đô nghĩa là tốc độ phát triển đô thị quá nhanh, trong khi chưa quan tâm đến hạ tầng cơ sở thoát nước.

Công tác quy hoạch chống ngập lụt các đô thị ở nhiều nơi trên thế giới không phải chỉ có Thái Lan và Việt Nam mà lâu nay vẫn thường theo phương pháp truyền thống là  căn cứ vào các tài liệu thống kê tính ra tần suất, dự đoán để làm công tác quy hoạch nên gặp nhiều rủi ro thiếu chính xác. Gần đây, trên thế giới đang khuyến khích các nhà quy hoạch áp dụng phương pháp mới tạm gọi là từ lý thuyết ra quyết định một cách đầy đủ coi trọng cả giải pháp cứng và mềm. Phương pháp quy hoạch này có tính tổng hợp rất cao, nhưng mềm dẻo, linh động, thích nghi, ưu tiên đầu tư phân kỳ cả không gian và thời gian một cách thực tế, hiệu quả đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.  

Bài học cụ thể qua kinh nghiệm của Bangkok là tập trung quá lớn vào biện pháp công trình lên đê nhưng tính toán lại chưa đủ cao trình, chưa coi trọng đúng mức đến các giải pháp thích nghi và giảm nhẹ như xác định khu chứa lũ, truyền lũ. Vấn đề chính của Bangkok là đã xây dựng đường giao thông và các khu đô thị chắn ngang đường thoát của nước lũ ra biển làm dâng mực nước phía trên. Ngoài ra, các đường sông thoát nước ra biển cũng không đủ khẩu độ để tiêu thoát nước. Đây cũng là bài học chúng ta phải quan tâm rà soát, chú ý khi làm quy hoạch giao thông, quy hoạch các khu đô thị và quy hoạch thoát lũ cho tất cả các con sông ở nước ta. Phía thượng nguồn rừng bị khai thác nhiều, quy trình vận hành các hồ chứa có vấn đề nên không phát huy được khả năng cắt lũ tối đa cho phần hạ lưu trong đó có Bangkok. Các hồ chứa thường lo tích nước để phát điện, gặp năm lũ lớn như năm 2011 không còn dung tích để chứa lũ. Công tác dự báo lũ chưa sát với thực tế và nhiều nơi còn chủ quan, ứng phó  theo kiểu “ nước đến chân mới nhảy”!