Lũ lụt miền Trung – Các giải pháp giảm rủi ro và tổn thất.[05/11/11]
06/11/2011 07:49
Lũ lụt miền Trung – Các giải pháp giảm rủi ro và tổn thất
(Phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học ‘Đánh giá tình hình lũ lụt miền Trung những năm vừa qua’, Qui Nhơn – 22/10/2011)
GS.TS. Vũ Trọng Hồng
Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam
Như chúng ta đã biết, hàng năm chủ đề về lũ lụt vẫn được thảo luận ở các hội nghị bàn về phòng chống thiên tai trong cả nước cũng như ở miền Trung. Vậy tại sao cuộc hội thảo lần này cũng bàn về lũ lụt miền Trung và các giải pháp giảm rủi ro và thiệt hại?
Có một số lý do chính liên quan trực tiếp đến nội dung công việc này.
Thứ nhất, trong hai năm gần đây qui luật dòng chảy lũ ở một số sông suối diễn ra phức tạp hơn trước. Tại sao không có bão, chỉ có lũ trên thượng nguồn đổ về mà cường độ lớn hơn, thời gian nhanh hơn và kéo dài lâu hơn. Thậm chí có nơi bị lũ quét tràn qua.
Thứ hai, một số địa phương ở hạ lưu các thuỷ điện đang xây dựng tuy chưa có mưa bão nhưng đã bị xả lũ đột ngột từ các hồ chứa gây thiệt hại cho nông nghiệp, nhà ở, tài sản của dân.
Thứ ba, tuy không có mưa lớn, nhưng diện ngập lụt rộng hơn trước. Không chỉ những vùng đồng bằng ven biển bị ngập mà kể cả những điểm dân cư, ven sông, ven suối cũng bị ngập sâu.
Vì sao xảy ra những hiện tượng trên?
Chúng ta có thể bắt đầu từ hiện tượng đầu tiên. Trong nhiều năm theo dõi thì vào mùa mưa bão, chỉ khi có bão kéo theo mưa lớn thì thường mới có lũ lớn trên các sông. Vậy hiện tượng trái ngược này là do nguyên nhân gì.? Cơ sở khoa học nào để giải thích?
Chúng ta có thể đưa ra hai giả thuyết: thứ nhất, do biến đổi khí hậu nên sinh ra mưa và lũ lớn. Thứ hai, do hoạt động của con người có tác động xấu đến môi trường nên cũng gây ra hậu quả trên.
Theo lập luận là do thiên nhiên thì cần phải dựa vào tài liệu đo đạc thuỷ văn để đo về đỉnh lũ. Nói đến lũ lịch sử là phải nói đến hàng trăm năm mới lại xảy ra. Nhưng hiện nay người ta cũng gọi hiện tượng xảy ra lặp lại vài năm, cũng gọi lũ lịch sử. Do vậy khi cơ quan khoa học thông báo về mức độ lũ cần nói rõ, đỉnh lũ tương ứng với 10 năm, 20 năm mà không nên nói lũ lịch sử. Ngoài trị số đỉnh lũ thì đặc thù lũ miền trung được gọi là lớn khi có đi kèm mưa lớn, bao trùm diện rộng, nhiều lưu vực. Vậy trên cơ sở đo đạc thủy văn về lũ của các năm qua thì xu thế lũ ở miền Trung có thuộc loại lớn không?
Nói đến tác hại do hoạt động của con người gây ra thì có thể minh hoạ bằng cơ chế lũ quét . Nếu thời gian hình thành dòng chảy mặt trên các sườn dốc chỉ trong vòng 1 giờ đến 6 giờ và trong dòng chảy hàm lượng chất rắn lớn và thô nhiều thì có khả năng xảy ra lũ quét. Cơ chế lũ quét thực chất là cơ chế lũ vượt thấm nhưng được tạo nên trên nền cơ chế lũ bão hoà, do rừng đầu nguồn bị phá, tầng hoạt động của rễ cây bị huỷ hoại, lớp đất xốp bị bóc mòn. Tóm lại việc xảy ra lũ quét ở đây có phải bị tác động lớn do phá rừng không?.
Chúng ta cần làm rõ khái niệm độ che phủ đối với với sự hình thành lũ. Quan điểm bảo vệ rừng để giảm dòng chảy mặt và tăng dòng thấm thì ngoài tác dụng của lớp tàn che chúng ta phải bảo vệ lớp thảm tươi và thảm mục nhằm cung cấp nước cho các sông suối về mùa khô, còn về mùa lũ làm giảm hệ số tập trung nước không gây xói mòn các mái dốc. Chính vì vậy chúng ta đã kiên trì vận động đồng bào dân tộc vùng núi không du canh du cư phá rừng đốt rẫy để làm nương. Tiếc rằng trong xã hội vẫn tồn tại những lập luận cho rằng chỉ cần đảm bảo lớp tàn che mà quên mất vai trò của hai loại thảm trên. Chính vì vậy có chủ trương cho rằng hàng triệu hec ta rừng cây ăn quả, hàng trăm nghìn hec ta cây cao su cũng có thể thay thế loại rừng tự nhiên đã bị tàn phá. Nếu đi lên các vùng biên giới với căm pu chia, với Lào thì hàng nghìn hec ta rừng đang gọt trụi những lớp thảm thực vật để trồng cây cao su, cây lấy gỗ hoặc để canh tác nông nghiệp.
Xin trích ở đây một câu thơ của một nhà thơ ở nước Nga nói về tầm quan trọng của rừng
“Hồn Tổ quốc ngự trong rừng sâu thẳm,
Rừng điêu tàn thì Tổ quốc suy vong”
Chúng ta chuyển sang ý kiến thứ hai là hiện tượng xả lũ của các hồ thuỷ điện. Vấn đề này đã gây ra nhiều cuộc tranh luận. Tại sao trước đây dư luận không gay gắt như vây? Rõ ràng là việc xây dựng ồ ạt các thuỷ điện nhỏ đã ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Theo ước tính của một số địa phương cho thấy, để có được công suất điện 10MW thì cần phá 100 hecta rừng. Bên cạnh đó qui trình xả lũ của các hồ thuỷ điện cũng có vấn đề. Ví dụ như báo đã nêu thủy điện sông Ba hạ bất ngờ xả lũ. Thực tế nếu xả để cắt lũ theo đúng thiết kế là đúng qui trình. Ở đây sợ công trình vỡ nên lũ chưa đến đã xả sớm và hậu quả là thời gian ngập lụt lâu hơn. Người dân quen với lũ về theo mùa, thời gian ngập chỉ khoảng một ngày, nay bị ngập bất ngờ, lại ngâm lâu hơn 3 – 4 ngày, thậm chí 7 ngày nên lúa, hoa màu chưa kịp thu hoạch bị mất trắng, tài sản, nhà cửa bị hư hỏng.
Dựa trên đường quá trình xả lũ sẽ thấy, nếu hồ chứa có dung tích điều tiết thì lưu lượng xả sẽ nhỏ hơn lưu lượng đỉnh lũ vì được chứa trong hồ. Khi hồ chứa không điều tiết được lũ thì lưu lượng xả sẽ lớn và đường quá trình xả sẽ dài hơn. Vậy vấn đề qui trình xả lũ cho các hồ chứa nhỏ còn những tồn tại gì?
Còn ý kiến thứ ba là tại sao mưa không lớn, nhưng diện phải cứu giúp người do bị ngập lụt lại ngày một nhiều hơn? Nguyên nhân trực tiếp là do mưa bão. Còn một nguyên nhân nữa là do nhận thức của con người về thiên tai bị hạn chế. Thực tế không phải năm nào cũng xảy ra những trận lũ lớn, có thể hàng chục năm mới lặp lại. Hơn nữa những vùng đất thấp ven sông, ven suối lại màu mỡ, gần nước nên canh tác thuận lợi hơn. Đó là nguyên nhân tại sao nhiều khu vực thuộc rốn lũ, nhưng người dân vẫn vào để định cư. Một lý do sâu xa nữa, khi dân số gia đình tăng lên, mảnh đất cũ không đủ để sinh sống nên phải đi xa hơn vào những chỗ còn vắng người ở. Hiện tượng này liên quan đến qui hoạch khu dân cư ở các địa phương.
Tất cả những câu hỏi trên cần được giải đáp một cách khoa học, kết hợp giữa lý luận tính toán với nhận thức thực tiễn ở các địa phương.
Bão, lũ ngập lụt hàng năm , thảm thực vật của rừng ngày một kiệt quệ, công trình xây dựng ồ ạt tác động mạnh đến môi trường sống, di dân không có qui hoạch, đang là những vấn đề nổi cộm của miền Trung . Vậy những giải pháp gì cần được lựa chọn để giảm rủi ro và thiệt hại.
1. Trong qui hoạch phòng chống lũ phải qui định mức độ an toàncho các vùng dân không nằm dưới cao trình dưới mực nước lũ, hoặc phải xây dựng đường sơ tán dân ở những vùng thấp. Cần xây dựng bản đồ ngập lụt, cắm các mốc về mực nước lũ ở gần khu dân cư, giúp cho người dân tự phòng tránh.
Thông qua so sánh những kết quả đo được về đường quá trình lũ để đánh giá khả năng làm chậm lũ do rừng nhằm giúp cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh diện tích chuyển đổi mục đích từ rừng tự nhiên sang rừng cây trồng trên cơ sở giảm thiệt hại cho cộng đồng hạ du do lũ gây ra.. Hiện nay việc nghiên cứu tác dụng của rừng đối với điều tiết dòng chảy ở Việt Nam, đang trong giai đoạn bắt đầu. Do vậy cần đẩy mạnhnghiên cứu trên, đưa ra những những mức bảo vệ rừng tự nhiên (dù là rừng nghèo) một cách hợp lý. Theo kinh nghiệm của một số chuyên gia lâm nghiệp, đối với rừng phòng hộ đầu nguồn có vị trí quan trọng đối với hạ du, chúng ta phải giữ tối thiểu là 70% rừng tự nhiên, còn lại 30% rừng nghèo cho phép chuyển đổi sang rừng khai thác theo cách trồng phân tán nhằm không làm mất thảm tươi hoặc thảm mục trên một diện rộng. Đối với miền Trung con số trên có phù hợp không?
Để tránh thiệt hại do lũ quét thì phải cấm người dân không được xây nhà trong lòng suối cạn, mặc dù đã nhiều năm không có lũ.
2. Tổ chức hệ thống dự báo và cảnh báo. Bên cạnh những qui định chung của nhà nước, cần xây dựng qui trình liên hồ chứa trên cùng dòng sông, suối và có hệ thống thông tin mực nước lũ cho hạ lưu khi thượng lưu xả lũ.
Đối với lũ quét luôn cảnh giác với những trận mưa lớn xảy ra dài ngày. Kinh nghiệm nhiều nơi cho thấy sau những ngày mưa liên miên khoảng 3 đến 7 ngày và trên sườn dốc đã xuất hiện dòng chảy, có nghĩa chỉ vài tiếng sau có thể xuất hiện lũ quét.
3. Công tác chuẩn bị trước mùa mưa lũ. Ngoài công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho dân trí, phải tiến hành kiểm tra an toàn của công trình hồ đập, kiểm tra phương án xả lũ an toàn cho hạ du, kiểm tra các lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất để ứng cứu kịp thời. Đặc biệt cần kiểm tra qui trình xả lũ của các hồ chứa kết hợp với phương tiện truyền thông để thông báo người dân nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Kiểm tra qui trình truyền tin về lũ giữa thượng lưu và hạ lưu. Kinh nghiệm thực tế cho thấy công tác phòng tránh lũ lụt thành công nhiều hay ít là nhờ vào công tác chuẩn bị này.
4. Công tác ứng phó khi có lũ. Công việc lúc này chủ yếu là triển khai thông tin, báo động và tiến hành cảnh báo thường xuyên. Di chuyển dân cư, tài sản đến nơi an toàn. Giữ gìn trật tự, an ninh xã hội. Điều cốt yếu là phải luôn sẵn sàng các phương tiện để ứng cứu và có những người chỉ huy có kinh nghiệm để điều hành, đặc biệt khi hồ chứa có sự cố, nguy cơ vỡ đập. Khu vực miền Trung có nhiều hồ chứa nhỏ của thuỷ điện mới xây dựng, rủi ro cao, nên cần nghiên cứu tính toán để biên soạn sách hướng dẫn đánh giá an toàn hồ đập và biện pháp xử lý.
5. Khắc phục hậu quả lũ lụt. Ngoài việc khôi phục cơ sở hạ tầng, ổn định đời sống người dân, cần thu thập số liệuđể đánh giá về mức độ lũ lụt, thông qua những số liệu đo đạc của thuỷ văn, ghi chép vết lũ và hiện trạng sạt lở của những đường lũ qua, sự xâm nhập sâu của thuỷ triều. Những kết quả thu thập được sẽ là cơ sở khoa học cho việc xây dựng những qui hoạch phát triển sau này.
Chúng ta cần lưu ý rằng, mọi giải pháp về phòng tránh lũ lụt và giảm nhẹ thiên tai phải là một bộ phận trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Đã đến lúc chúng ta phải đầu tư nghiên cứu để biên soạn sổ tay về nhận dạng thiên tai và biện pháp phòng tránh cho từng địa phương như chuyên đề “ Một số dạng thiên tai thường xảy ra ở tỉnh Lào Cai và cách phòng tránh” do Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai và sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xuất bản năm 1996.
Chúng ta phải công nhận một sự thật không thể tránh khỏi là những thành tựu mà chúng ta có thể đạt được về giảm nhẹ thiên tai chỉ ở một giới hạn nhất định tương ứng với cơ sở hạ tầng hiện có. Song với những kiến thức khoa học có được trong lý thuyết và trong thực tế, chúng ta có thể đưa ra những giải pháp hữu hiệu hơn để giảm thiểu rủi ro và tổn thất, làm cho sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung được bền vững.
Phía trước chúng ta đang còn nhiều thách thức do tác động biến đổi khí hậu toàn cầu. Vùng đồng bằng ven biển của miền Trung với diện tích 15%, đầy tiềm năng cho phát triển các cảng biển, các cụm công nghiệp tập trung, các khu du lịch và đặc biệt là những cánh đồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực cho vùng, đang bị đe doạ bởi hiện tượng nước biển dâng . Trong 7 khu vực ven biển của cả nước có xu thế chịu tác động biến đổi mực nước biển thì riêng miền Trung có 5 khu vực sẽ hứng chịu tác động trên. Rừng và ven biển là những lợi thế của khu vực miền Trung. Chúng ta phải làm gì để phát huy được thế mạnh đó trong bối cảnh thiên tai và hoạt động của con người đang có những chiều hướng xấu cản trở sự phát huy những thế mạnh đó ? Câu hỏi này cần được sự chia sẻ của hội thảo này.