Hội thảo lần 1 về‘AN NINH NGUỒN NƯỚC’, Hà Nội 1/11/2011.[06/11/11]

07/11/2011 14:38

28

Hội thảo lần 1 về

AN NINH NGUỒN NƯỚC’,

Hà Nội 1/11/2011

 

Ngày 01/11/2011, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao tổ chức Hội thảo lần thứ nhất về AN NINH NGUỒN NƯỚC. Tham dự cuộc họp có khoảng 90 đại biểu là chuyên gia, học giả  về An ninh nguồn nước đến từ các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí trong nước.

Trong lời khai mạc, TS.Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao nhấn mạnh Hội thảo nhằm tăng cường đối thoại, nâng cao nhận thức và hiểu biết, hình thành nên mạng lưới liên kết các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài nước, phục vụ cho việc xây dựng chiến lược thúc đẩy hợp tác về an ninh nguồn nước trong khu vực.

Hội thảo bàn về các chủ đề:

1.     Tăng cường vai trò Ủy hội sông Mekong;

2.     Tăng cường vai trò của ASEAN và các thể chế khu vực trong việc bảo vệ an ninh nguồn nước;

3.      Thúc đẩy hợp tác liên khu vực;

4.     Tăng cường vai trò của khối tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự;

5.     Xây dựng môi trường pháp lý và chuẩn mực quốc tế về an ninh nguồn nước;

6.     Vai trò của giới truyền thông đối với vấn đề An ninh nguồn nước.

Đại diện Hội Đập lớn & PT nguồn nước VN(VNCOLD) đã báo cáo đề dẫn tại phiên thảo luận chủ đề 4. 

Quang cảnh Hội thảo (trái), TS. Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao khai mạc (phải)

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng trong những năm gần đây, An ninh nguồn nước đã trở thành một chủ đề ngày càng nóng của khu vực và thế giới. Lũ lụt, hạn hán, tranh chấp nguồn nước, bắt nguồn từ các con sông chảy qua nhiều nước là nhân tố tiềm ẩn nguy cơ xung đột, căng thẳng trên thế giới. Tại khu vực, Việt Nam bị đánh giá là nước chịu tác động nặng nề nhất từ nguồn nước do là nước hạ nguồn của các hệ thống sông ngòi khu vực. Tình trạng nước mặn xâm thực ở đồng bằng sông Cửu Long, cạn kiệt tại sông Hồng vào mùa khô; ngành trồng trọt, nuôi trồng thủy hải sản của nước ta đối mặt với khó khăn bắt nguồn từ những thay đổi dòng chảy, tác động của con người tại các vùng thượng nguồn được triển khai xây dựng thời gian vừa qua, và ở phạm vi rộng hơn là mối liên quan với an ninh con người, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, bệnh tật, di dân v.v…  đã và đang đặt ra cho Việt Nam trước nhiều thách thức to lớn, đòi hỏi chúng ta phải tăng cường liên kết với các nước trong khu vực, đưa ra các giải pháp, cơ chế hợp tác hữu hiệu để hóa giải, giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn từ bên trong và cả bên ngoài tới ổn định, phát triển bền vững.

Để ứng phó với các thách thức này, các đại biểu cũng nhất trí rằng Việt Nam cần thúc đẩy, tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, cùng nhau thực hiện khái niệm “cơ hội phát triển”, chia sẻ lợi ích, đồng thuận giữa các nước trong khu vực, thúc đẩy hơn nữa vai trò của các tổ chức xã hội và báo chí trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý. Đồng thời cần phải có sự liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ, các thể chế hợp tác khu vực như ASEAN, EAS, ASEAN+1, ASEAN+3…, các tổ chức xã hội và các cơ chế, diễn đàn hợp tác quốc tế, giới tài chính một cách nhuần nhuyễn; các nước liên quan trong khu vực cần tuân thủ xây dựng các văn bản, hoàn thiện các thể chế, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, các hiệp định khu vực về nguồn nước; cụ thể hóa Hiệp ước Mekong 1995, tăng cường xây dựng các quy tắc ứng xử khu vực trong quản lý và sử dụng nguồn nước; tăng cường củng cố môi trường pháp lý khu vực và quốc tế về quản lý sử dụng nguồn nước.

PV.