Xem lại vai trò cống ngăn triều để chống úng ngập tại thành phố Hồ Chí Minh. Liệu có phải thế không??[13/11/11]
14/11/2011 08:22
XEM LẠI VAI TRÒ CỐNG NGĂN TRIỀU ĐỂ CHỐNG ÚNG NGẬP TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH. LIỆU CÓ PHẢI THẾ KHÔNG??
Nguyễn Văn Tăng
Công ty Sông Cầu
1- Tình hình úng ngập tại thành phố Hồ Chí Minh mùa mưa năm 2011.
- Một nửa mùa mưa đã trôi qua, báo chí đã ít – hay hầu như không đề cập đến tình hình xuất hiện úng ngập ở thành phố Hồ Chí Minh. Một lần duy nhất báo chí có nêu ở đợt triều cường ngày 26, 27/10, được đồng thời đăng tải trên các báo Tuổi Trẻ, Tiền Phong, SGGP, Vietnamnet và chương trình thời dự 19 giờ 27/10 của VTV1.
- Theo đó có nêu tình hình ngập úng do triều tại các điểm: Đầu cầu Bùi Hữu Nghĩa, đường Mai Thị Lựu, đường Ngồ Tất Tố, đường Vườn Lài…. Đây là thời điêm đỉnh triều đạt kỷ lục: Tuy báo có nêu nhiều điểm ngập, nhưng xem trên bản đồ, phạm vi không rộng. Các điểm ngập trên đường Phan Đình Phùng - đầu cầu Kiệu từ nhà số 14 đến 150, một đoạn ngằn đường Bùi Hữu Nghĩa cách nhau không xa, thuộc khu vực tiêu thoát nước của dự án kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè.
- Các điểm ở đường Vườn Lài thuộc vùng đất trũng, dân cư thưa thớt. Trên chương trình thời sự VTV1 thông báo đỉnh triều là +1,57, thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn một số điểm ngập, hoàn toàn không tồn tại ở những điểm ngập cố hữu tại quận 2, quận 5, quận 10, quận Tân Phú.....
- Đến lúc này, cùng với kết quả điều tra thực tế trong, có thể thấy rằng, về cơ bản tình hình úng ngập gần như đã vằng bóng trên phố, chứng tỏ các giải pháp chống úng ngập mà thành phố Hồ Chí Minh thực hiện vài năm qua chưa dùng đến cống ngăn triều là hiệu quả, lý do chính ở chỗ các chuyên gia ngành tiêu thoát nước đã chữa đúng bệnh. Cái bệnh đó là gì?
- Trước đây, mỗi khi nói úng ngập thành phố Hồ Chí Minh, người ta thường nghĩ ngay và không úp mở chính tại triều cường. Thực tế đã không phải vậy.
- Cái bệnh mà các nhà tiêu thoát nước vừ trị là không bàn cãi: Chỉ tiêu thoát nước mưa chứ không đụng tý nào đến việc ngăn triều cường cả.
- Vật chứng đã rõ: trong và ba năm qua, chưa có một công trình chống ngập bằng cống ngăn triều - ngoài một số dự án nạo vét kênh mương, khơi rộng được vài đoạn nhưng vẫn chưa đồng bộ, đoạn có đoạn không, chẳng làm cho mực nước triều giảm đi một cm nào.
- Từ đó, người viết bài này muốn đặt vấn đề xem xét lại bài toán chống úng ngập thành phố Hồ Chí Minh với những công trình to lớn ngăn triều ở các cửa sông sâu tới vài chục mét, tiền vốn được tính theo hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng….đã chính xác chưa.
- Không ai phủ nhận đây đó có vùng bị úng ngập do triều cường, vì trong thành phố còn nhiều nơi khá thấp. Nhưng ngập do triều cường đã tồn tại từ lâu, không đại diện cho tình hình ngập úng thành phố.
2- Bản chất của vấn đề úng ngập năm 2011 đã được cải thiện so với năm trước.
- Quá trình hình thành úng ngập có thể được trình bày nôm na như sau:
Nước mưa từ mỗi mái nhà được gom vào các cửa nhận nước dọc từ các hẻm nhỏ, len lỏi khắp nơi.
Nước được dẫn đi qua các ống to, ông cống nhỏ như mạng nhện rồi đổ ra các kênh dẫn hở chạy dọc ngang trong thành phố, mực nước trên kênh chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi triều.Vậy, triều cao hay thấp cũng chỉ ảnh hưởng tới được trước các cửa cống ra các kênh mà thôi.Theo chế độ thủy lực tiêu thoát nước mưa chảy trong cống ngập thì mực nước triều có thấp đến đâu đi chăng nữa (cứ cho là thấp đến cao trình -100), cũng chẳng hạ thêm được một cm nước ngập trong phố. Cũng nhắc lại là, mực nước triều có cao lắm cũng chẳng vượt cao trình +1,57.
- Vậy, triều ảnh hưởng đến úng ngập tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay ra sao?
Thứ nhất, chỉ nơi nào có cao trình mặt đất thấp hơn +1,6 thì mới bị úng ngập. Nếu vậy, khu vực cần phải chống ngập rất nhỏ, dạng da báo. Không khó để xác định khu vực đang bị ảnh hưởng ngập do triều bằng cách cho xác định trên bản đồ khi triều lên thông qua đợt triều cường ngày 27/10 vừa qua.
Thứ hai, những khu vực bị úng do triều cường thường khu dân cư được xây dựng từ rất xưa, cục bộ, hay khu vực còn hoang sơ, chưa được xây dựng mới.
- Vậy, bản chất vấn đề đã được giải quyết mùa mưa năm 2011 là việc tiêu thoát nước mưa. Vậy nên có cần thiết làm một số cống ngăn triều, kết hợp với bồ bao kín một khu vực lớn, gồm cả khu đất cao không cần thiết và tốn kém.
3- Giải pháp công trình chống úng ngập ở thành phố Hồ Chí Minh bằng cống ngăn triều nên phải được xem xét lại.
- Đầu tiên, thấy ngay được là, khi mưa lớn, chính lúc cần phải tiêu thoát nước nhanh, thì cống ngăn triều không những không giúp ích gì hơn lại ngăn cản dòng chảy, có thể nói, khi này cống ngăn triều phản tác dụng. Lý thuyết cho rằng, các lòng kênh rạch hay hồ điều tiết sẽ tích trữ lượng nước mưa kết hợp với việc hạ mực nước triều thấp để đón mưa. Nghe thì dễ, nhưng thực hiện thì không khả thi. Để khắc phục mâu thuẫn này, lại cần phải xây dựng trạm bơm nước khổng lồ như trường hợp chống úng của Hà Nội. Thật lạ lẫm với giải pháp gom nước mưa vào để xây trạm bơm bơm nước mưa đi, trong khi chỉ cần sử dụng, nâng cấp ống cống dẫn nước vào các kênh sẵn có là xong.
- Cống ngăn triều có tác dụng rất hạn chế trước tình hình mực nước triều nâng cao do biến đổi khí hậu. Ai cũng biết rằng, biến đổi khí hậu thì mức nước triều cao, hay nói cụ thể là mực nước đỉnh triều, mực nước chân triều đều dâng cao đồng thời. Khả năng chống úng lụt nội đô phụ thuộc cơ bản tới cao độ chân triều, cao độ chân triều mà dâng cao thì không có cách nào mà hạ mực nước úng thấp xuống được. Vì vậy, phương án nâng cao cốt nền các công trình là tốt nhất.
- Làm rõ ý kiến cho rằng cần lợi dụng dung tích kênh rạch, phải làm hồ điều tiết hay hầm chứa nước. Ý kiến này là tiêu cực bởi ở thành phố Hồ Chí Minh lấy đâu đất (đều là đất vàng cả) mà làm hồ điều tiết. Mặt khác,khi có hồ điều tiết rồi lại phải dẫn nước mưa vào, rồi lại dẫn ra (mới điều tiết được) thì làm sao có thể thực hiện trong khi mà nhà dân đã dày đặc….Còn việc lợi dụng mặt thoáng kênh dẫn thì chẳng được bao nhiêu. Lấy một ví dụ cụ thể ở dự án Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên tiêu úng cho lưu vực 14 700 ha, trong khi mặt thoáng kênh chỉ mức 90 ha, với chiều sâu chứa nước khó lớn hơn 1m (tính từ cao trình mà cống ngăn triều hạ được trước khi lũ đến, đến cao trình triều cường mà thôi) thì rõ ràng dung tích điều tiết chẳng có đáng là bao. Nếu không làm hai trạm bơm khổng lồ hai đầu kênh thì chắc chắn phải mở cống ngăn triều (nếu có) ra mà tiêu úng.
- Cũng lại đã có đề xuất (tối kiến) tích nước mưa trên các lầu thượng các ngôi nhà thành phố- phải nói chưa thấy có sáng kiến nào tối hơn sáng kiến này.
- Vậy, vai trò của CỐNG NGĂN TRIỀU CÓ CẦN THIẾT KHÔNG, cần thiết đến mức nào so với vốn đầu tư vô cùng lớn trong bài toán giải quyết úng lụt thành phố Hồ Chí Minh. Qua những gì đã thấy, có thể kết luận rằng: Bài toán chống úng lụt thành phố Hồ Chí Minh thực chất là bài toán chống úng ngập trong mùa mưa, chỉ cần làm tốt hệ thống tiêu thoát nước mưa từ từng hộ gia đình đến kênh rạch là đủ, không nên làm những cống ngăn triều to lớn và tốn kém. Việc chống úng thời điểm mùa khô (nguyên nhân do Triều) sẽ gỉai quyết mang tính cục bộ, có thể làm cống ngăn triều nhỏ hay giải phóng tất cả các khu đất thấp, xã hội hóa đất nơi đó làm các dự án nhà cao tầng, xây dựng dự án mới thì tôn cao hơn mực nước triều tính toán…..Làm như vậy, sẽ giải quyết luôn việc phòng chống úng ngập cho trường hợp mực nước biển dâng cao do thay đổi khí hậu.
- Hãy chờ cho hết mùa mưa năm nay kết thúc sẽ chứng minh hiệu quả rõ của việc làm hệ thống tiêu thoát nước mưa vừa qua, xem xét dừng hay xây các dự án cống ngăn triều cũng chưa muộn.
4 - Bất hợp lý của các cống ngăn triều, đặc biệt là dự án Đê biển Vũng Tàu-Gò Công.
Dự kiến tuyến đê biển Gò Công – Vũng Tàu
- Phát huy ý tưởng lấy mục tiêu ngăn triều là chính để giải quyết bài toán úng ngập thành phố Hồ Chí Minh, Cục Thủy lợi, bộ NN&PTNN đưa ra đề xuất làm đê biển Vũng Tàu- Gò Công là một ý tưởng rất thiếu tính KHKT.
- Tác giả đã có nêu chi tiết về vấn đề này ở bài trước, có thể nhắc lại một lần nữa: Dự án đê Vũng tàu- Gò Công là ý tưởng hoàn toàn bất hợp lý, đã áp dụng một cách khập khiễng những dự án đế biển của Hà Lan, Nam Triều Tiên…xem hình dưới.Khập khiễng ở chỗ, các khu vực đê bao của họ là lưu vực kín - tức là không có các con sông lớn chảy vào, không phải chắn ngang các đường giao thông thủy sầm uất như dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công.
- Thật không ai nghĩ tới việc bỏ núi tiền làm cái việc: Gom nước lũ của tất cả các con sông lớn trong vùng: sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông lại rồi làm một công trình thoát lũ mới…..;rồi lại ngăn toàn bộ các con đường thủy có tầm mức vận chuyển lớn nhất Việt Nam, sau đó cho tất cả tàu bè lớn nhỏ chui qua những âu thuyền chật hẹp, vận hành phức tạp, tiền xây dựng tốn kém…
- Nếu có đê biển Vũng Tàu - Gò Công mà gặp những trận mưa liên tiếp nhiều ngày trời như Băng Cốc Thái Lan thì phương án phải phá đê để thoát lũ là cái phải tính đến. Việc tiêu úng ở Thành phố Hồ Chí Minh thuận lợi hơn Băngkok chính là bởi có hệ thống dòng sông rộng lớn chạy dọc thành phố ra biển như sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ Đông, nay ta bịt lại đưa thành phố Hồ Chí Minh vào giữa một hồ chứa mới, rồi lại làm một công trình tháo nước vĩ đại mới thì thật vô lý – xem so sánh bằng hình ảnh.