Đê bao, bờ bao ở đồng bằng sông Cửu Long
15/11/2011 14:18
Đê bao, bờ bao ở đồng bằng sông Cửu Long
TS Tô Văn Trường
Khi mới thống nhất đất nước, đã có không ít người muốn áp dụng mô hình đê chống lũ sông Hồng và quy mô các trạm bơm điện lớn vào đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhưng với bờ bao là sáng kiến xuất phát từ thực tiễn sản xuất của người dân Nam bộ. Lũ năm 1978 về sớm và lớn, ngày 22/8 nước lũ tại Tân Châu đạt 3,94m, nhấn chìm tất cả diện tích lúa Hè-Thu trong vùng. Riêng có vài chục ha của ấp Hoà Thượng, xã Kiến An, huyện Chợ Mới (An Giang) vẫn an toàn nhờ người dân đắp bờ bao bảo vệ. Từ thực tế thành công của người dân, là cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu quy luật lũ sông Cửu Long. Kết quả phân tích cao trình đồng ruộng, thủy triều biển Đông và biển Tây và hiện trạng hệ thống kênh cấp I và cấp II sẵn có, các nhà nghiên cứu đề xuất mô hình đê bao và bờ bao, điều kiện áp dụng trong từng vùng với khả năng bảo vệ sản xuất Hè-Thu với mức nước lũ đầu mùa tại Tân Châu dưới 3,5 m. Sau khi thu hoạch lúa Hè Thu cho nước lũ vào đồng ruộng để lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng, rửa chua phèn, và khai thác thủy sản. Cuối mùa lũ, chủ động bơm vợi để làm vụ Đông Xuân. Nhờ có bờ bao mà 2 vụ Hè Thu và Đông Xuân đã trở thành những vụ sản xuất chính ở ĐBSCL. Các khu đô thị, cụm tuyến dân cư được làm đê bao chống lũ tần suất 2-3% tương đương lũ năm 2000. Đê bao, bờ bao ở đồng bằng sông Cửu Long là công trình đa mục tiêu nhằm bảo vệ an toàn cho người dân, cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đồng thời biết tận dụng công trình kiểm soát lũ để lấy phù sa, thủy sản và vệ sinh đồng ruộng”.
Trừ các trận lũ đặc biệt lớn, còn thông thường người dân ở ĐBSCL biết sống và lợi dụng các mặt có lợi của mùa nước nổi. Quan điểm “sống chung với lũ” đã được nhất quán trong công tác chỉ đạo và thực hiện các giải pháp thích nghi với lũ của nhà nước. Một vài nơi đắp bờ bao không theo quy hoạch, chưa có đủ khẩu độ đường thoát lũ, công trình kiểm soát lũ nên có làm mực nước dâng cao cục bộ, thoát nước chậm. Phía Việt Nam khi làm quy hoạch kiểm soát lũ đã tuân thủ Hiệp định Ủy hội sông Mekong (MRC) năm 1995 của 4 nước hạ du sông Mekong, căn cứ vào các điều kiện tự nhiên, địa hình, tính toán thủy văn, thủy lực để xác định các giải pháp công trình (đê bao, bờ bao, cống) và các giải pháp phi công trình như công tác dự báo, bố trí thời vụ thích hợp vv...
Theo số liệu đo đạc lưu lượng năm 1961, lưu lượng đỉnh lũ tại Kratie khoảng 62.300 m3/s, lưu lượng lũ Max qua Châu Đốc 8.500 m3/s, qua Tân Châu khoảng 34.000 m3/s. Trong khi ở trận lũ năm 2000, lưu lượng đĩnh lũ tại Kratie khoảng 64.500 m3/s (theo đường quan hệ H~Q do SOGREAH xây dựng) trong khi lưu lượng lũ Max qua Châu Đốc đo được chỉ là 7400 m3/s, qua Tân Châu 26.500 m3/s). Đỉnh lũ tại Kratie năm 2000 lớn hơn đỉnh lũ năm 1961 nhưng tổng đỉnh lũ qua Châu Đốc và Tân Châu năm 2000 lại nhỏ hơn năm 1961, chứng tỏ lũ năm 2000 chảy tràn bờ nhiều hơn so với trước, có nghĩa đã có sự gia tăng độ dốc thủy lực của dòng chảy tràn bờ ở bên Cămpuchia do tác động của việc đào kênh thoát lũ ở phía Việt Nam. Có thể rút ra kết luận là cho đến năm 2000 việc đào kênh, đắp bờ ở Việt Nam còn có tác dụng giảm mực nước lũ tràn bờ trên đất Cămpuchia. Tốc độ dòng chảy Vmax-năm của các trận lũ lớn 1978, 1984, 1991, 1996, 2001, 2002 tại Tân Châu, Châu Đốc và Vàm Nao không biến động quá ((3-5%). Sau khi có đê bao, bờ bao lượng dòng chảy tràn trên bề mặt đồng ruộng đã được dồn ép chảy theo lòng dẫn của hệ thống sông, kênh, rạch không đủ lớn để gây ra biến động dòng chảy trên hệ thống sông chính nhờ có một hệ thống sông, kênh, rạch có tổng chiều dài lên tới gần 40.000 km (chỉ tính đến kênh cấp II) được phân bố khá đều theo không gian trong vùng ngập ĐBSCL.
Hàng năm, sông Mekong chuyển vào ĐBSCL khoảng 180 triệu tấn phù sa, chủ yếu chảy tập trung vào lòng sông Tiền và sông Hậu. Theo các số liệu thống kê từ năm 1977-2005 cho thấy phù sa lơ lửng sông Cửu Long không lớn và chủ yếu tập trung vào mùa lũ với quy mô khoảng 600-700 g/m3 ở sông Tiền và khoảng 400-500 g/m3 tại sông Hậu.Sau khi vào ĐBSCL, có khoảng 70% tổng lượng phù sa chảy theo sông Tiền và sông Hậu tham gia vào quá trình bồi-xói dọc lòng sông và vận động dần ra hướng các cửa sông Cửu Long, còn khoảng 17% chảy theo kênh rạch xuyên qua các vùng trũng tiêu ra các hướng biển Tây, biển Đông và sông Vàm Cỏ,... chỉ có khoảng 13% từ sông chính và kênh rạch chảy tràn vào các vùng trũng bồi tụ đồng ruộng. Các kết quả quan trắc, khảo sát, tính toán này khá phù hợp với thực tế, góp phần giải thích vì sao vùng các cửa sông Cửu Long phía biển Đông và các cửa kênh phía biển Tây lại hay bị bồi lắng phù sa hàng năm (tất nhiên có sự đóng góp của phù sa biển do dòng triều mang vào), lòng dẫn sông Tiền và sông Hậu bị bồi-xói và sạt lở đất bờ sông diễn ra khá phổ biến, lòng kênh rạch nội đồng bị bồi và đồng ruộng được bồi đắp phù sa song không nhiều.
Riêng vùng trũng Tứ giác Long Xuyên qua nhiều năm đo đạc, khảo sát ghi nhận quá trình vận động dòng phù sa lơ lửng từ sông chính chảy vào hệ thống kênh rạch có hàm lượng tiết giảm rất nhanh. Lấy đầu các cửa kênh cấp I phía sông Hậu làm gốc để so sánh, thì khi vào sâu 15 km lượng phù sa giảm 25%, vào sâu 30 km giảm 40%, vào sâu 45 km giảm 60%, đến các cửa thoát lũ ra biển Tây (khoảng 60 km) chỉ còn 25%.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, được sự cộng tác giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế và các ngành, các cấp, ngay từ những năm đầu của thập niên 90, ngành thuỷ lợi đã bắt đầu thay đổi cách nghĩ, cách làm từ chỗ chỉ phục vụ cho nông nghiệp đã chuyển sang chiến lược khai thác tổng hợp, đa mục tiêu, đầu tư đồng bộ cả theo chiều rộng lẫn chiều sâu. Những mâu thuẫn phát sinh giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra những yêu cầu mới cho phát triển thuỷ lợi ở trình độ cao và công nghệ tiên tiến, cả từ bước nghiên cứu quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, đến thi công, quản lý vận hành, theo dõi, giám sát và điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ cho phù hợp với thực tế. Đối với ĐBSCL, để khai thác sử dụng tài nguyên nước sông Mê kông một cách bền vững, bên cạnh việc đòi hỏi các nước trong lưu vực phải tuân thủ Hiệp định Mê kông năm 1995, đặc biệt là thực thi hiệu quả các chương trình sử dụng nguồn nước (WUP), chương trình quy hoạch phát triển lưu vực (BDP), chương trình môi trường (EP), chương trình quản lý và giảm nhẹ lũ (FMMP)…
Đắp bờ bao, đê bao là một việc làm sáng tạo của ĐBSCL, nó làm dâng mực nước lên không đáng kể qua tính toán mô hình thủy văn, thủy lực và kiểm chứng bằng tài liệu thực đo. Đê bao, bờ bao ở ĐBSCL không thể dập khuôn như đồng bằng sông Hồng vì lũ lên từ từ, cần có công trình kiểm soát lũ để còn lấy được phù sa, thủy sản và vệ sinh đồng ruộng. Sản lượng lương thực tăng vững chắc hàng năm, đời sống người dân được an toàn hơn trong các cụm tuyến dân cư là minh chứng đúng đắn của quy hoạch kiểm soát lũ. Tuy vậy, do điều kiện thiên nhiên và kinh tế thay đổi, nhất là hiện tượng biến đổi khí hậu nên quy mô, việc xác định cao trình đê bao, tần suất chống lũ của đê bao có thể sẽ thay đổi, cần được xem xét lại trong các quy hoạch thủy lợi bổ sung, không thể là bất biến.