Hội thảo lần thứ 3 “ Đề án tương lại vùng Mekong”.[23/11/11]

23/11/2011 08:42

26

Hội thảo lần thứ 3

‘ĐỀ ÁN TƯƠNG LAI VÙNG MEKONG’

Tô Văn Trường

Do tình hình Bangkok vẫn đang phải “vật lộn” với trận lụt thế kỷ, AuSAID (Cơ quan hỗ trợ phát triển của Úc) đã chuyển địa điểm hội thảo lần thứ ba của Đề án tương lai vùng Mekong “Exploring Mekong Region Futute” về địa điểm tại khách sạn Sheraton Hà Nội từ 14-15/11/2011. Tham dự hội thảo gồm các chuyên gia quốc tế của Úc, Đức, Phần Lan, Hà Lan, MRC (Ủy hội sông Mekong) vv…và các nhà khoa học, tư vấn của các ngành liên quan của 5 quốc gia Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Đề án được thực hiện từ 2009 đến 2012 do AuSAID tài trợ về kinh phí và CRISO hỗ trợ về kỹ thuật. Mục đích của đề án là thông qua các điểm nghiên cứu để phân tích đánh giá, xác định các tác động khai thác tài nguyên của các nước đến lưu vực sông Mekong. Từ đó, thiết lập mô hình “Agent Based Modeling” như mô hình tác nhân mô phỏng về kinh tế xã hội, môi trường, gợi ý, đề xuất các chính sách quản lý tài nguyên nước,  các giải pháp thích ứng, giảm thiểu do biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong tương lai của vùng Mekong.

Chuyên gia của các nước tập trung nghiên cứu vào  5 lĩnh vực như tác động của việc phát triển rừng cao su ở  Vân Nam, Trung Quốc, công trình thủy nông  Huai Sai Bart vùng Đông Bắc Thái Lan, đập thủy điện Nam Ngum của Lào, Tonlesap của Campuchia và xâm nhập mặn, nước biển dâng ở đồng bằng sông Cửu Long (đại học Cần Thơ thực hiện).

Trong khi thảo luận ở hội trường cũng như khi chia nhóm, các đại biểu tập trung phân tích về phương pháp luận, cách tiếp cận và hiệu quả thiết thực của đề án đối với các nước trong vùng Mekong. Nhiều vấn đề “nhạy cảm” cũng được đề cập phân tích như quy trình vận hành các đập thủy điện ở Trung Quốc, dự kiến xây dựng công trình Xayabury ở Lào, các công trình kiểm soát lũ của Việt Nam, dự kiến chuyển nước lên phía Đông Bắc của Thái Lan, việc khai thác sử dụng nước và thủy sản ở Campuchia.

Các chuyên gia của Lào đến từ các Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Năng lượng và mỏ và Bộ Tài nguyên môi trường có chung quan điểm nước Lào còn nghèo, tài nguyên thủy điện phong phú, công trình thủy điện Nam Ngum là minh chứng rất hiệu quả về phát triển kinh tế xã hội của Lào. Xayabury là đập dâng không phải hồ chứa nếu có tác động đến phù sa, thủy sản cũng không đáng kể, cần phải ủng hộ Lào xây dựng dự án này. Họ quan ngại khi được biết phía Việt Nam đưa tin ở hội thảo trước đây tổ chức ở Hải Phòng do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Nguyễn Thái Lai chủ trì đề nghị Lào hoãn lại 10 năm về dự án Xayabury.

Tham gia hội thảo với trách nhiệm là chuyên gia tư vấn độc lập, tôi phân tích về quan điểm đề nghị của phía Việt Nam hoãn xây dựng Xayabury 10 năm dựa trên tài liệu đánh giá môi trường chiến lược (SEA) của MRC. Cá nhân tôi, trước đây đã viết bài báo “Xayabury dưới góc nhìn đa chiều và thực tế” đăng trên VNN và TuanVN là không có cơ sở khoa học nào khẳng định Xayabury phải hoãn 10 năm. Vấn đề đặt ra, Lào phải tuân thủ Hiệp định MRC năm 1995, tổ chức nghiên cứu đánh giá một cách bài bản, thuyết phục theo quy định của quốc tế về đánh giá môi trường chiến lược (SEA) và đánh gía tác động môi trường (EIA) của dự án Xayabury và tham vấn các nước trong khu vực. Phân tích đánh giá bài toán “trade off” đánh đổi “được và mất” một cách thuyết phục có tính chất hệ thống vì  Xayabury là công trình khởi đầu trong kế hoạch xây dựng của 12 đập thủy điện ở dòng chính hạ lưu sông Mekong sẽ tác hại rất lớn đến đồng bằng sông Cửu Long. Theo quan điểm của tôi, thời gian nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Xayabury có thể vài năm hoặc hàng chục năm tùy thuộc vào mức độ làm rõ độ tin cậy kết quả nghiên cứu được các tổ chức quốc tế có uy tín và MRC thừa nhận. Tôi đã đọc kỹ tài liệu của công ty tư vấn Thụy Sĩ POYRY (do chính phủ Lào thuê) đánh giá tác động của Xayabury đến các nước trong lưu vực đã có bài phân tích, đánh giá cụ thể, kết luận chung là báo cáo của POYRY không đạt yêu cầu.

Phía Việt Nam, Bộ Khoa học công nghệ đã thiết lập đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước đánh gía tác động của hệ thống thủy điện ở thượng lưu sông Mekong đặc biệt là công trình Xayabury đến phát triển bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long. Ủy ban sông Mekong của Việt Nam dự kiến từ 1/2012 thực hiện “Nghiên cứu đánh giá tác động của phát triển thủy điện dòng chính sông Mekong đến đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam”. Vấn đề cần đặt ra là làm sao phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, tập trung được các chuyên gia giỏi có kinh nghiệm kể cả chuyên gia quốc tế và kết quả nghiên cứu phải có đủ luận cứ cơ sở khoa học và độ tin cậy để các nước trong MRC thừa nhận khi làm đối chứng với các nghiên cứu của phía Lào.     

Qua trải nghiệm của trận lũ 2011, khẳng định các giải pháp chống kiểm soát lũ ở đồng bằng sông Cửu Long rất hiệu quả so với trận lũ năm 2000 nhưng phía Campuchia đề nghị kiểm tra lại việc đóng 2 đập cao su Trà Sư và Tha La vào thời kỳ đỉnh lũ (không đúng theo thiết kế) ảnh hưởng dâng mực nước và thoát lũ vùng biên giới như thế nào!? Theo tôi hiểu việc đóng 2 đập cao su vào đỉnh lũ (sau 15/9) là ngoài qui tắc vận hành đã thỏa thuận giữa Kiên Giang và Campuchia. Cho dù hai đập vẫn tràn nước (trên cao trình 3,8 m), nhưng vẫn tăng ngập vùng Kiên Lương, Giang Thành (Kiên Giang) và có dâng lên mức độ phía Campuchia. Ý đồ đóng hai đập Trà Sư và Tha La là cứu vùng trũng Tứ giác Long Xuyên (thuộc huyện Châu Phú - hai xã Đào Hữu Cảnh và Ô Long Vĩ), nhưng kết quả vẫn vỡ đê bao, mất trắng lúa vụ 3. Cần rút kinh nghiệm về qui hoạch sản xuất 3 vụ trên nền đất ruộng ngập cỡ nào và chế độ luân phiên xả lũ chớ không phải bằng ý chí.

Từ nay đến hội thảo lần thứ 4 dự kiến tổ chức ở Bangkok vào tháng 4/2012 và hội thảo lần thứ 5 tại Trung Quốc còn rất nhiều việc phải nghĩ, phải làm để làm sao đề án tương lai vùng Mekong đáp ứng được mục tiêu đã đề ra.