Trận lụt lịch sử Băng Cốc 2011- cái giá phải trả cho sự phát triển.[05/12/11]
05/12/2011 09:07
Trận lụt lịch sử Băng Cốc 2011- cái giá phải trả cho sự phát triển
TS. Đào Trọng Tứ
Thái Lan và lưu vực sông Chao Phraya
Trận lụt lịch sử xẩy ra ở nhiều vùng Thái Lan, đặc biệt ở Băng Cốc đã và đang gây ra sự quan tâm của dư luận trên toàn thế giới. Theo hãng tin Roi Tơ (Reuters) 9/11/2011, Thủ tướng Thái Lan ,Yingluck đã cam kết phải trích hơn 4 tỉ USD để hỗ trợ khắc phục hậu quả cho trận lụt lịch sử làm khốn đốn cuộc sống của hơn 12 triệu người dân thủ đô Bangkok và nhiều tỉnh Thái Lan. Theo dự báo tình trạng ngập lụt Bang Cốc còn kéo dài nhiều ngày nữa. Trận lũ lụt lịch sử này, nếu tính từ khi bắt đầu xẩy ra ngày 31/7/2011 đến nay đã kéo dài hơn 100 ngày, cướp đi sinh mạng của 527 người (đến ngày 9/11/2011), thiệt hại ước tính đã lến đến con số 156,7 tỉ Bạth (tương đương 5,0723tỷ USD)[1] Tác động kinh tế cho Thái Lan khoảng 4.1% GDP.
Những nguyên nhân nào gây nên hậu quả lớn lao như vậy, đây còn là câu hỏi khó khăn cho các cơ quan liên quan và nhiều nhà khoa học của Thái Lan. Ở góc độ hẹp, trên cơ sở thông tin ban đầu, bài báo đưa ra một số thông tin về diễn biến và một số nguyên nhân dẫn đến tai hoạc thiên tai này được các cơ quan, các nhà khoa học của Thái Lan cũng như khu vực đề cập đến nhiều trong những ngày gần đây.
Lưu vực sông Chao Phraya:
Lưu vực sông Chao Phraya, nơi trận lũ và lụt lịch sử trong hơn nửa thế kỷ qua, là một trong hai hệ thống sông lớn nhất chảy qua Thái Lan (sông Mê Công và Chao Praya). Lưu vực Chao Phraya là lưu vực sông quan trọng nhất ở Thái Lan, với diện tích 157, 924 Km2 (gần bằng diện tích sông lưu vực Hồng 169,020 Km2), Chao Phraya chiếm trên 30% diện tích nước Thái, là nơi sinh sống của trên 40% dân số đất nước, 78% lực lượng lao động và tạo ra 66% tổng sản phẩm quốc dân của Thái Lan.[2] Trong trận lũ lụt hiện tại nước từ mưa thượng và trung lưu lưu vực kết hợp với nước xả từ các đập thượng lưu đổ về Băng Cốc ước lên đến 16 tỉ m3 và theo Cục Tưới Hoàng gia Thái Lan (RID) nếu không có mưa bổ sung , để lượng nước này tiêu ra biển đã cần đến 30-45 ngày. Lượng nước khổng lồ trên đã tạo nên trận lụt kéo dài nhất trong thế kỷ qua tại Thái Lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dời sông-kinh tế của Thái lan đặc biệt thủ đô Băng Cốc-thành phố lớn nằm ở châu thổ sông Chao Phraya.
Diễn biến lũ 2011
Lũ lớn xẩy ra trong mùa mưa 2011 ở Thái Lan, đặc biệt nghiêm trọng ở sông Chao Praya và cũng xẩy ra ở lưu vực Mê Công. Bắt đầu từ cuối tháng 7 và kéo dài đến nay. Diễn biến lũ được bắt đầu sau cơn bão nhiệt đới Nock-Ten (cơn bão số 3) tấn công khu vực Đông Nam Á đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam gây mưa lớn ở Bắc và Đông Bắc Thái Lan và gây lũ quét ở nhiều tỉnh Thái lan. Hầu như toàn bộ các tỉnh miền Bắc và miền Nam của Thái Lan chịu tác động bởi lũ lụt. Lũ tiếp tục kéo dài đến cuối tháng 8 với những trận mưa lớn do tác động của hiện tượng La Nina. Trên nhiều sông nhánh của sông Chao Phraya, mức nước lũ lịch sử đã được ghi nhận.
Trong lưu vực sông có hàng loạt các hồ chức được xây dựng phục vụ tưới, phát điện và chống lũ, trong đó hai hồ lớn nhất lưu vực, cũng là 2 hồ lớn nhất Thái Lan là Hồ Bhimibol (dung tích 13,5 tỷ m3) và hồ Sirikit (9,5 tỷ m3). Đầu tháng 10, tất cả các đập đã gần hoặc đầy hoàn toàn. Các hồ chứa này đã tích nước khá sớm, đề phòng thiếu hụt lượng nước phát điện và tưới như đã xảy ra trong mùa khô 2010, do đó khi lũ 2011 đến, các hồ gần như trữ đầy, và vì vậy, mặc dù hạ lưu ngập lụt nặng và kéo dài, các hồ thượng lưu vẫn phải tăng lượng xả để chuẩn bị đón những cơn mưa lớn dự kiến sẽ đến, bảo đảm an toàn cho công trình. Băng Cốc bắt đầu bị đe dọa nghiêm trọng từ giữa tháng 10. Mọi cố gắng tạo các tường chắn bằng bao cát để ngăn nước tràn từ sông Chao Phraya và kênh Rangsit tràn vào Băng Cốc, điều này dẫn dòng chảy chuyển sang một số khu vực khác và gây ngập cho các khu vực này. Do không được chuẩn bị trước, người dân các vùng bị tác động đã phản đối các biện pháp cứu Băng Cốc này.
Những nguyên nhân nào gây nên trận lụt lịch sử Thái Lan hiện nay:
Theo đánh giâ ban đầu của các cơ quan chuyên môn của Thái Lan cũng như của một số nhà khoa học và dư luận cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm họa này. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến đó là sự thay đổi bất thường của thời tiết, những cơn bão nhiệt đới và áp thấp liên tục ảnh hưởng đến Thái Lan trong một thời gian ngắn, mưa tập trung trong thời gian ngắn, tuy lượng mưa không thật lớn nhưng có cường suất cao, tạo nên sự tập trung nước lớn ở khu vực thượng và trung lưu lưu vực Chao Phraya. Trong điều kiện thiên nhiên như vậy tác động đến vận hành của các hồ chứa trong lưu vực- như nêu trên đàu tháng 10 các hồ chứa đã tích gần như hoặc hoàn toàn dung tích thiết kế- trong khi mưa lớn vẫn tiếp tục diến ra, buộc các hồ phải xả cả lượng nước đế tự nhiên và một phần lượng nước trong hồ đã trữ để chuẩn bị đón lượng nước đến mới- điều này làm tăng lượng xả xuống hạ du. Không khó hình dung rằng với tổng dung tích khá lớn từ các hồ thượng lưu việc xả bớt để bảo đảm an toàn cho hồ là khá lớn (con số này cần được kiểm tra). Như vậy yếu tố thiên nhiên kết hợp với những tác động do chính con người tạo ra đã làm cho tình huống lũ hạ du xấu hơn.
Ngoài những lý do trên các nhà phân tích còn cho rằng, yếu tố phát triển đã góp một phần đáng kể làm tăng nguy cơ thảm họa, đó là sự phát triển kinh tế nhiều thập kỷ qua gần như không xem xét đến tác động của lũ lụt - những biện pháp phi công trình hay gọi là giải pháp sử dụng thiên nhiên làm chậm lũ. Các vùng đất ngập nước có vai trò rất lớn trữ nước bị biến thành khu vực công nghiệp-đô thị. Đường xá, nhà cửa và các công trình bê tông khác được xây dựng không hề nghĩ sâu đến tác động cản đường lũ. Đối với toàn đồng bằng Chao Praya, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho rằng do việc xây dựng quá nhiều hồ chứa thượng nguồn, ngoài sự thay đổi cơ cấu dòng chảy tự nhiên, sự thiếu hụt phù sa đã làm các vùng đất đồng bằng chìm dần. Điều này cũng được nhận thấy ở châu thổ sông Mississipi của Mỹ[3]. Đối với Băng Cốc, ngoài nguyên nhân chung của châu thổ, còn một yếu tố, Băng Cốc đang bị lún do việc khai thác nguồn nước ngầm quá mức cho sinh hoạt và công nghiệp. Đã có nhiều dự báo cho rằng Băng Cốc sẽ nằm dưới mực nước biển trong khoảng 2025-2030. Và một nguyên nhân cũng cần lưu ý đó là tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và mực nước biển dâng. Với rất nhiều kịch bản nước biển dâng ở vùng bờ biển đồng bằng Chao Praya, các nhà khoa học cho rằng tác động lũ lụt đến châu thổ sông Chao Praya và đặc biệt Băng Cốc sẽ ngày càng lớn, nếu không có những biện pháp thích hợp để đối phó với thực trạng này. Như vậy, ở mức độ phân tích ban đầu, có 4 nguyên nhân chính được cho là gây nên trận lụt lịch sử cho Băng Cốc, trong đó có 1 nguyên nhân do thiên nhiên đó là mưa kéo dài và lớn hơn bình thường. Tuy nhiên có đến 3 nguyên nhân do con người là: i) dự báo chưa tốt dẫn đến điều hành không hợp lý các hồ đập thượng lưu; ii) phát triển cơ sở hạ tầng tràn lan, không bền vững vừa làm mất khu chậm lũ thiên nhiên vừa cả đường đi của lũ; iii) sự chìm xuống của vùng đồng bằng châu thổ do suy giảm phù sa gây nên từ việc xây quá nhiều hồ chứa thượng lưu và sự sụt lún của thủ đô Băng Cốc do khai thác nước ngầm quá mức. Ngoài ra còn có vấn đề kế hoạch quản lý thiên tai đã không lường hết được những tình huống xẩy ra, việc chống đỡ bị động cũng gây nên những tổn thất nặng nề cho Thái Lan nói chung và Băng Cốc nói riêng.
Những bài học được nhìn nhận từ trận lũ lụt xẩy ra ở Băng Cốc và Thái Lan vừa qua. Nhiều nhà phân tích đã phải đưa ra câu nhận xét rằng không thể phát triển (hạ tầng-kinh tế) theo kiểu này, tức là chúng ta phát triển và coi thường mọi quy luật thiên nhiên, cho rằng con người có thể chinh phục được hết thảy- trong quy hoạch phát triển đã bỏ qua quy luật thiên nhiên. Lợi ích trước mắt luôn là mục tiêu cho phát triển nóng-các hạ tầng cơ sở lớn (đường xá, cầu cống, cao ốc..) vì lợi ích của nhà đầu tư- hoặc lý do khác đã thay đổi lớn điều kiện thiên nhiên. Việc xây các con đập và hồ chứa càng ngày càng lớn để chứng tỏ sức mạnh chinh phục của con người đối với thiên nhiên và đáp ứng những yêu cầu phát triển đang bắt đầu đưa lại hậu quả- Những hậu quả này có thể thấy ngay, nhưng phần lớn sẽ tích lũy và để lại hậu quả cho các thế hệ mai sau.
Sự phát triển là tất yếu, nhưng phát triển vì lợi ích trước mắt vì lợi ích cục bộ không phải là tất yếu- phát triển bền vững- là khái niệm rộng nhưng rất cần và là con đường tất yếu phải đi nếu không muốn đem đến nhiều thảm họa hơn cho con cháu. Các nhà chuyên môn, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp, vì thời lượng bài có hạn, xin được trao đổi sau.
Chống lụt ở Băng Cốc Đập Bhumibol của Thái Lan Đập Hoàng hậu Sirikit