Đập Phước Hòa (Bình Dương – Bình Phước) cần hay không cần cống xả cát?[06/12/11]
06/12/2011 10:42
ĐẬP PHƯỚC HÒA (BÌNH DƯƠNG – BÌNH PHƯỚC) CẦN HAY KHÔNG CẦN CỐNG XẢ CÁT?
Tô Văn Trường
Theo thông tin từ Cục Quản lý Xây dựng Công trình Thủy lợi cho biết có sự cố gốc cây làm kẹt cửa cống xả cát công trình thủy lợi Phước Hòa làm dấy lên câu hỏi "Cần hay không cần cống xả cát"? Phía nói "không cần" dẫn chứng Hồ Thạch Nham ở Quảng Ngãi cũng có cống xả cát, nhưng hơn 10 năm sau khi đưa vào sử dụng không vận hành và sau đó thì không dám vận hành nữa.
Ngược lại, nhà tài trợ thì dứt khoát yêu cầu phải có cống xả cát (và đường cá đi) vì lý do môi trường. Phía nói không cần cống xả cát lập luận: Các cao trình thiết kế với mực nước chết 42,50 m; Mực nước dâng bình thường 42,90 m; Ngưỡng cống lấy nước 38,90 m. Ngưỡng tràn xả lũ: 32,50 m (xả sâu) cho nên không cần cống xả cát 2*(5m x 3,5m), cao trình ngưỡng (+23,50).
Mặt khác Phước Hòa có diện tích lưu vực 5.193 km2, phía trên còn có các hồ thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, SrokPhumieng, Cần Đơn.
Công trình đầu mối và kênh dẫn Phước Hòa - Dầu Tiếng thuộc các huyện Bình Long và Chơn Thành tỉnh Bình Phước, các huyện Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương. Kênh chính và khu tưới Tân Biên thuộc các huyện Tân Biên, Châu Thành tỉnh Tây Ninh. Kênh chính Đức Hòa đi qua các huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh, Củ Chi Tp. Hồ Chí Minh (khu tưới Thái Mỹ bổ sung) và huyện Đức Hòa (khu tưới Đức Hòa) tỉnh Long An.
Mục tiêu đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Phước Hòa lấy nước từ sông Bé cấp tại chỗ cho các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và chuyển về hồ Dầu Tiếng để cấp bổ sung cho các tỉnh Tây Ninh, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng vào các mục đích dân sinh kinh tế và cải thiện môi trường. Nội dung và quy mô đầu tư xây dựng các hạng mục đầu mối, kênh chuyển nước Phước Hòa - Dầu Tiếng để cấp nước cho Bình Dương, Bình Phước và chuyển nước bổ sung cho hồ Dầu Tiếng; Xây dựng kênh chính và các kênh cấp 1, 2, 3 để tưới cho các khu tưới Tân Biên, Đức Hòa; xây dựng các công trình phục vụ quản lý vận hành để thực hiện các nhiệm vụ:
- Cấp 38,0 m3/s nước thô cho nhu cầu công nghiệp và dân sinh, gồm cấp cho Bình Dương 15,0 m3/s, Bình Phước 5,0 m3/s, Long An 4,0 m3/s và cấp bổ sung cho Tây Ninh 3,5 m3/s, Thành phố Hồ Chí Minh 10,5m3/s;
- Tưới cho 29.980 ha đất nông nghiệp mới mở (khu tưới Tân Biên 11.520 ha, khu tưới Đức Hoà 17.560 ha, khu tưới Thái Mỹ huyện Củ Chi 900 ha);
- Cấp nước cho nhu cầu tưới của Bình Dương 1.950 ha, cho 7.064 ha khu tưới mở rộng (dự kiến) của Tây Ninh và cấp hỗ trợ để tưới cho 21.000 ha thiếu nước của khu tưới Dầu Tiếng cũ;
- Xả cho hạ du sông Bé tối thiểu 14m3/s, sông Sài Gòn tối thiểu 16,1 m3/s, góp phần đẩy mặn, hỗ trợ tạo nguồn tưới cho 28.800 ha ven sông Sài Gòn và 32.317 ha ven sông Vàm Cỏ Đông.
- Cải thiện môi trường và chất lượng nguồn nước vùng hạ du 2 sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông.
- Tần suất lũ kiểm tra: P = 0,1%
- Tần suất dẫn dòng thi công: P = 5%
- Tần suất đảm bảo tưới: P = 75%
- Tần suất cấp nước công nghiệp và dân sinh P = 95%
Theo chúng tôi hiểu, về nguyên tắc cống xả cát là một hạng mục của cụm công trình đầu mối ở các đập, có nhiệm vụ chủ yếu là xả bùn cát lắng đọng dưới mức nước chết trong hồ chứa. Ngoài ra, khi cần thiết, nó còn được dùng để tháo cạn hồ (sửa chữa đập, tận dụng lượng nước dưới mức nước chết cho các nhu cầu dưới hạ du), và tham gia xả lũ. Người kỹ sư xem xét kỹ các yêu cầu kỹ thuật để thiết kế cống xả cát. Các công trình được xây dựng ở Việt Nam ngay từ đầu thế kỷ trước như đập Bái Thượng (Thanh Hóa), Đồng Cam (Phú Yên),... đều có cống xả cát.
Khi thiết kế công trình đập dâng người ta hay xét đến vấn đề bồi lắng lòng hồ và phù sa cho hạ lưu, đây không chỉ là vấn đề môi trường mà còn với mục đích tăng tuổi thọ của công trình. Tuy thế, cũng gập không ít vấn đề vì chưa hiểu hết quy luật vận chuyển bùn cát trong hồ chứa nên có khi xây dựng xong hồ chứa, đưa vào vận hành mới thấy cống xả cát mình thiết kế không có tác dụng. Mặt khác, các công trình cửa van cần luôn luôn phải bảo trì, bảo dưỡng hàng năm phải đóng mở và phát hiện sự cố điều đó thì không làm nên khi hữu sự thì trục trặc, đó là do không làm đúng các nguyên tắc trong khâu quản lý.
Việc bố trí cống xả cát ở vị trí nào cho hợp lý, xả cát vào lúc nào là hữu hiệu là rất quan trọng. Thông thường với các hồ chứa kiểu hồ ( có bụng hồ), có dung tích lớn khi nước chảy vào hồ tốc độ dòng chảy giảm nên cát thô thường lắng đọng ngay ở cửa vào. Với hồ chứa kiểu sông, xây đập dâng, dung tích bé thì bùn cát có thể lắng đọng ngay chân đập lợi dụng những trận lũ lớn mở cống xả cát để giảm bớt sự bồi lắng lòng hồ. Về thời điểm xả cát thường sau một mùa khô những trận lũ đầu mùa có lượng ngậm cát lớn nếu có lũ, cần tranh thủ xả cát.
Cống xả cát không phát huy tác dụng là có rất nhiều nguyên nhân do cả thiết kế lẫn vận hành, khi thiết kế phải xem xét đầy đủ. Tuy nhiên, cống xả cát ở dưới sâu, lại ít sử dụng nên hay xảy ra 'trục trặc' khi cần đóng mở. Cũng vì ở dưới sâu nên cống xả cát thường không bị tác động của các vật nổi trong mùa lũ. Sự việc ở Phước Hòa có thể do nước trong hồ còn thấp. Việc tính toán bồi lắng và vận chuyển bùn cát trong hồ được nghiên cứu nhiều trên thế giới. Theo GS. Phạm Hồng Giang Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết tại Hội nghị Đập lớn Thế giới 2010 tại Hà Nội cũng có nhiều chuyên đề báo cáo về cống xả cát do các đại biểu quốc tế trình bày. Song những khảo sát & nghiên cứu trong nước còn quá ít và không mấy ai quan tâm. Chỉ không làm cống xả cát ở đập dâng nhỏ trên miền núi vì trường hợp này không cần trữ nước điều tiết.
Cống xả cát của hồ Phước Hòa xây dựng nhằm tháo xả cát về hạ lưu tràn tránh cát bồi lấp cửa lấy nước dẫn vào kênh chuyển nước Phước Hòa-Dầu Tiếng. Cống được thiết kế với kích thước 3,5m x 5m. Vừa qua khi đóng cửa xuống thì đụng gốc cây nằm sẵn ở dưới nên không đóng xuống kín được. Người ta đã dùng thợ lặn để vớt cây gỗ lên và việc đóng cửa đã được giải quyết xong. Sự việc này là bình thường khi công trình bắt đầu tích nước, giống như người làm nhà khi lắp cái cánh cửa thấy nó có chút lấn cấn dưới bản lề, thợ mộc phải rà lại để đóng cửa cho khít lại.
Việc xây dựng cống xả cát là cần thiết, để đảm bảo an tòan cho chuyển nước Phước Hòa- Dầu Tiếng. Tuy nhiên, do cao độ của cửa lấy nước khá cao hơn so với đáy cống xả cát nên việc bồi tắc, cũng không dễ. Mặt khác, hàng năm đều có thể xả lũ qua tràn sẽ có lượng cát trong hồ được xả theo lũ. Nói như vậy để thấy việc xây dựng cống xả cát Phước Hòa là đảm bảo an tòan chuyển nước Phước Hòa-Dầu Tiếng trong dài hạn và không nên cho rằng "không cần cống xả cát", nhất là thời điểm này không còn ở giai đọan thiết kế.
Trong vận hành, khi cần xả cát qua cống người ta mở cửa cống, dòng chảy qua cống xả cát rất cao sẽ "thổi" cát và rác chìm về hạ lưu qua cửa cống 3,5x5m. Giai đọan đầu thường có nhiều gốc cây và những cây to thường do “lâm tặc” chưa thu gom hết, trôi về ngang tuyến cống trình. Sau vài năm, các loại gỗ này cũng hết và thường "lơ lửng" hoặc "nổi" chứ không "chìm". Khả năng các gốc cây như vậy qua cống xả cát sẽ giảm hẳn.
Nói tóm lại: Trong thành phần công trình của Phước Hòa đã được Bộ Nông nghiệp &PTNT phê duyệt phải có cống xả cát. Do đó, phải coi “sự cố” gỗ làm tắc cửa cống vừa qua là việc bình thường. Cần phải lập quy trình vận hành cống xả cát và bổ sung làm lưới chống rác dưới sâu ngay trước miệng cống để phát huy hiệu quả của cả cụm tuyến công trình Phước Hòa - Dầu Tiếng.