Trao đổi ý kiến: Có nên làm các cống ở bờ Tây sông Hậu (Nam Bộ)? (1).[25/12/11]
26/12/2011 08:19
Trao đổi ý kiến:
Có nên làm các cống ở bờ Tây sông Hậu (Nam Bộ)? (1)
BBT. Việc xây dựng các cống ở bờ Tây sông Hậu (đồng bằng sông Cửu Long - ĐBSCL) đã được đặt từ khá lâu, khoảng gần 20 năm nay khi lập Qui hoạch quản lý lũ ĐBSCL. Cùng với việc nâng cấp đê Vĩnh Tế, ở bờ Tây sông Hậu cũng sẽ ‘lên đê’ và làm các cống ngăn lũ sông Hậu vào vùng tứ giác Long Xuyên để ‘chống lũ triệt để’ và ‘tuyệt đối an toàn cho vụ 3’. Lúc đó, đề xuất này đã gặp nhiều ý kiến phản đối nên bị gác lại. Gần đây lại được nêu ra. Xin chuyển đến bạn đọc một số ý kiến chung quanh đề xuất này.
Không nên phá vỡ dự án Thoát lũ Biển Tây
Trần Văn Tám,
Công ty Khai thác thủy lợi, An Giang.
Về đê bao, tôi có một số ý kiến như sau:
· Công trình thủy lợi không phân theo địa giới hành chính, đê bao cũng không ngoại lệ. Theo tôi thì nên quy hoạch đê bao theo hướng toàn vùng như dự án Bắc Vàm Nao hiện nay hoặc dự án Chợ mới (Nam Vàm nao) đang triển khai, và trong tương lai còn có thể đầu tư thêm dự án Bắc Vĩnh An và Bắc Kênh Xáng, vì có những ưu điểm sau:
+ Tiết kiệm rất lớn diện tích mất đất và chi phí đầu tư do phải nâng cao cao trình đê bao từng tiểu vùng nhỏ kiểm soát lũ triệt để;
+ Bảo vệ tốt sản xuất theo hướng đa canh; bảo vệ cơ sở kỹ thuật hạ tầng, tính mạng và tài sản nhân dân trong mùa mưa lũ;
+ Vận hành các cống đê vành đai (bao quanh vùng có nhiều tiểu vùng) vừa đáp ứng yêu cầu giao thông thủy, vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái trong vùng;
+ Việc vận hành các cống dưới đê bao tiểu vùng đơn giản hơn, tiết kiệm được nguồn lực cho vận hành kiểm soát lũ như hiện nay.
· Đối với hệ thống đê bao kiểm soát lũ phiá tây Sông Hậu trên địa bàn tỉnh, nếu tiếp tục mở rộng trong tương lai thì theo tôi có 2 phương án:
+ Phương án 1: Đoàn Quy hoạch thủy lợi Nam Bộ đề xuất xây dựng 8 cống bờ Tây Sông Hậu. Vừa qua tôi có ý kiến xây 7 cống, riêng cống Xáng Vịnh Tre thì xây dựng Âu Tàu để đáp ứng yêu cầu giao thông thủy trong mùa lũ, đồng thời cải tạo 2 đập Tha La, Trà sư thành cống nhiều cửa bằng thép chớ đập bằng cao su không thể vận hành theo chế độ cưỡng bức như năm 2011 qua nhiều năm sau này.
Nếu thực hiện theo phương án này cần tính toán mức ngập lụt ở thượng lưu kênh Vĩnh Tế ( An Phú, Campuchia và các tỉnh lân cận phí hạ lưu như Cần Thơ, Vĩnh Long...) và cũng cần xét đến yêu cầu thoát lũ về Biển Tây (Kiên Giang).
+ Phương án 2: Tôn cao cao trình kiểm soát lũ kết hợp giao thông thủy bộ các tuyến kênh trục chính nối liền Sông Hậu với tiểu vùng tứ giác Long Xuyên và các tuyến lộ Mặc Cần Dưng-Tám Ngàn; Thọai Sơn-Tri Tôn; Lộ Kênh Ranh An Giang-Kiên Giang đảm bảo cao trình kiểm soát lũ triệt để.
Vùng đê bao thì vẫn quy hoạch theo vùng vừa và lớn, tùy theo hệ thống kênh chia cắt địa hình mà quy hoạch vùng sản xuất có diện tích tối thiểu từ 5.000 ha trở lên. Tất nhiên để đảm bảo yêu cầu tưới tiêu và giao thông thủy cũng phải đầu tư hệ thống cống dưới đê hoàn chỉnh.
Về quy hoạch sản xuất thì sản xuất 3 năm 8 vụ; hoặc 3 năm 7 vụ thì tôi không dám ý kiến, nhưng nếu sản xuất 2 vụ/năm đối với vùng này thì tốt hơn vì nó không phá vỡ dự án Thoát lũ Biển Tây và kinh phí đầu tư cũng rất ít tốn kém.
Người ta quyết tâm tiêu tiền!!.
Nguyễn Minh Nhị
Nguyên Chủ tich UBND tỉnh An Giang
Miền Tây sông Hậu sản xuất vụ 3 gần 100 ngàn ha rồi, nay làm cống để làm gì? Vả lại nếu đóng 7 cống thì nước sẽ dâng lên ngược về phía Campuchia, lên Vĩnh Tế ra T5-Võ Văn Kiệt, đồng thời đẩy ngược qua sông Tiền, mà sông Tiền bên Đồng Tháp cũng lên đê thì quốc lộ 91 và ba huyện cù lao trôi về đâu?, Campuchia sẽ nói gì?. Hôm giữa tháng 9 ta đóng lại hai đập cao su bạn biết thì đã muộn vì nước bắt đầu rút nên không có gì gay gắt, nay được đánh động, lần sau coi chừng. Đồng ý là đất ta ta làm nhưng còn hợp tác tiểu vùng sao đây?.
Nhưng nghe anh em Thủy lợi tỉnh thì Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam quyết tâm làm 7 cống dọc sông Hậu, từ Châu Đốc đến Long Xuyên, trong đó kinh Xáng Vịnh Tre có cả âu thuyền (trời đất!). Mong có ý kiến phản biện sớm, kẻo chuyện đã rồi như Bô-xít vậy!.