Trao đổi ý kiến: Có nên làm các cống ở bờ Tây sông Hậu (Nam Bộ)? (2).[28/12/11]

27/12/2011 11:23

14

Trao đổi ý kiến:

Có nên làm các cống ở bờ Tây sông Hậu (Nam Bộ)? (2)

BBT. Một số ý kiến trao đổi đã được đăng trên www.vncold.vn/  trang Web/Content.aspx?distid=2893 . Xin tiếp tục chuyển đến bạn đọc một số ý kiến nữa chung quanh chủ đề này.

ooo

Xây dựng 8 cống sẽ lãng phí và làm nghiêm trọng thêm vấn đề thoát lũ

 TS. Tô Văn Trường

Theo đề nghị  của anh Bảy Nhị (Web/Content.aspx?distid=2893  , BBT) rằng cần phản biện gấp kế hoạch của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Tỉnh An Giang đang xúc tiến kế hoạch xây dựng 8 cống ven sông Hậu (kẻo chuyện đã rồi như dự án Bô Xít Tây Nguyên), tôi xin có một số ý kiến sơ bộ rất khách quan và biện chứng như sau:

Trước hết, cần thống nhất rằng mục tiêu của các dự án phát triển thủy lợi là đảm bảo cấp nước/thoát nước một cách chủ động, khoa học và hiệu quả cho các đối tượng dùng nước, đồng thời góp phần chống suy thoái, cải tạo đất, cải tạo môi trường và phát triển tổng hợp, tiết kiệm năng lượng, phát triển xanh, sạch. Thực tế sản xuất và kinh nghiệm thu được đến nay cho thấy, đối với vùng Tứ giác Long Xuyên cần lập quy hoạch rõ và cụ thể các vùng ba vụ ổn định, các vùng quy hoạch phân, chậm và thoát lũ (khi có yêu cầu) và chế độ chính sách cũng như quy trình vận hành  các khu vực này.

Luồng ý kiến thứ nhất: Cho rằng việc làm 8 cống sông Hậu là cần thiết. Bộ NNPTNT đã làm xong quy hoạch chống ngập cho TP. Cần Thơ (thực tế  Cần thơ ngập nặng hơn TP.HCM). Hiện đang làm chống ngập cho TP. Vĩnh Long và Cà Mau, vừa rồi Tiền Giang lại đề nghị làm do ngập nặng ở đợt lũ 2011. Bộ đang thực hiện chống xâm nhập mặn cho Bến Tre. Để ngăn triều và lũ không có giải pháp nào khác là phải đắp đê, có đê thì phải có cống - vấn đề đê và cống như thế nào? Đó là vấn đề ngành thuỷ lợi phải nghiên cứu và đề xuất. 4 tuyến đường dọc sông Tiền và sông Hậu thực chất là 4 tuyến đê rồi. Nếu chúng ta có cống để điều tiết khi cần thiết thì rất chủ động. Tất nhiên cống cần rộng bằng và gần bằng mặt cắt kênh, với nhiệm vụ biến lũ lớn thành lũ đẹp và đóng một thời gian ngắn vào cuối mùa lũ khi cần gieo cấy vào những năm lũ lớn và muộn như năm nay để người dân không phải bơm tiêu. Khi mực nước ở Tân Châu lớn hơn 4,5m thì cống có nhiệm vụ điều tiết để mực nước trong đồng bằng mực nước khi Tân Châu là 4,5m, nơi nào có yêu cầu giao thông thuỷ thì làm âu thuyền, thực tế cống và âu thuyền ở trạng thái mở là chính, nhưng rất chủ động trong việc lấy lũ và thoát lũ.

Luồng ý kiến thứ hai:

Một số nhà khoa học cũng đồng tình với ý kiến của Anh Bảy Nhị là không cần làm 8 cống ven sông Hậu vì lãng phí, chưa tính hết các tác động xấu đến môi trường kể cả phía bạn Campuchia.

Quan điểm của Tô Văn Trường:

Dự án kiểm soát lũ đồng bằng sông Cửu Long do tôi làm chủ nhiệm cách đây hơn chục năm được Thủ tướng phê duyệt, nhiều công trình đã được triển khai trong thực tế theo đúng quy hoạch đề ra. Trong hạng mục các công trình kiểm soát lũ cho tứ giác Long Xuyên có đề xuất 8 cống ven sông Hậu. Việc xem xét xây dựng các cống dọc sông Hậu là cần thiết. Tuy nhiên, do diễn biến trong thực tế đã thay đổi rất nhiều so với quy hoạch, người dân ồ ạt lên đê làm lúa vụ 3 cho nên bắt buộc phải rà soát, cập nhật các tài liệu cơ bản kể cả địa hình, thủy văn, kế hoạch sản xuất, tính toán lại bài toán thủy lực cả hệ thống trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đánh giá môi trường chiến lược và chi tiết cho tứ giác Long Xuyên để nâng cao chất lượng của quy hoạch và phát huy hiệu quả của công trình, xét đến các tác động đến Campuchia, từ đó, mới có thể trả lời câu hỏi có nên tiếp tục làm 8 cống ven sông Hậu hay dừng hẳn lại.

Trong lũ 2011, khi vận hành đóng đập Trà Sư và Tha La thì mực nước vùng An Giang có giảm bớt (bao hàm mực nước và áp lực chảy của lũ) bởi vì tràn đồng nếu để nhiều diện tích thì áp lực ít hơn. Nếu để ít diện tích tràn thì áp lực mạnh gây sạt lở và uy hiếp các bờ bao. Tuy nhiên, thực tế mực nước vùng tứ giác Hà Tiên, đặc biệt là khu vực Hà Giang - Giang Thành tăng khá nhiều. Sau lũ 2011 đã có ý kiến nếu có các cống đầu sông Hậu thì kiểm soát chắc ăn khi lũ lớn cho vùng sản xuất 3 vụ của An Giang. Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam chưa nghiên cứu sâu với các tài liệu mới cập nhật thì UBND tỉnh An Giang đã tổ chức cho Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam báo cáo đề cương dự án 7 cống ven sông Hậu!?

Trước khi tiến hành lập Dự án quy hoạch tổng hợp thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu nước biển dâng, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam vẫn đề xuất 7 cống ven sông Hậu nhưng để ở giai đoạn sau. Hiện nay có ý kiến là hệ thống cống đầu sông Hậu phải đưa lên sớm và hệ thống cống này không phải lũ năm nào cũng kiểm soát mà chỉ những lũ lớn (như 2011 chẳng hạn) và cũng chỉ kiểm soát một thời gian nhất định. Ví dụ, giả sử hệ thống đê 3 vụ có thể chịu được khi mực nước tại Tân Châu là 4,5 m do vậy chỉ khi nào Tân Châu cao hơn 4,5 m mới đóng các cống này và lúc nào Tân Châu xuống 4,5 m thì các cống này lại mở.

Lưu ý lũ từ Campuchia về vào đầu mùa qua 7 cầu hầu hết là nước phèn, dòng nước này ngăn phù sa từ sông Hậu vào. Tới nay ta đã bỏ 7 cầu và giữ lại 2 đập Trà Sư-Tha La (có điều khiển) và đẩy lũ qua T5 ra biển Tây tạo lượng phù sa từ sông Hậu vào sâu Tứ giác Hà Tiên tạo điều kiện khai phá và phát triển (gồm cả nông nghiệp) vùng này.

Trao đổi với một số bạn đồng nghiệp, chúng tôi nhận thấy nhìn tổng thể ĐBSCL có các vấn đề lớn phân theo nguồn tác động: (i) Thượng lưu, (ii) Biển Đông - biển tây, (iii) và chính nội tại của nó (vấn đề sẽ phải ưu tiên sử lý cũng  tuỳ vùng cụ thể). Xu thế tương lai kiểm soát vĩ mô theo vùng lớn giữa sông Hậu, Tả sông Tiền và giữa hai sông phụ thuộc vào chiến lược công nghiệp hoá hiện đại hoá, nhưng thực chất là chuyên canh hoá vùng sản xuất tạo sản phẩm (sản xuất bằng máy hay áp dụng công nghệ khoa học, đây chỉ là phương thức sản xuất thời hiện đại). Đạt điểm cao tốc độ tăng trưởng chủ yếu là do công tác quản lý trong tương lai nhằm khai thác hợp lý nguồn tài nguyên đất - nước - con người.

Công tác thuỷ lợi phục vụ cho nhiệm vụ trên, nhưng tất cả phải phát triển song hành để nâng cao nhận thức của người dân, muốn vậy phải đi từ hạ tầng cơ sở thấp nhất đi lên đó là nhóm hợp tác xã, thôn, ấp. Hệ thống khung của chúng ta đã tương đối tốt, các công trình tâp trung vào thời gian tới nên dứt điểm các công trình đã rõ mang lại hiệu quả cao. Triển khai mô hình thí điểm nông thôn chuyên canh (theo không gian và thời gian) một cách cụ thể tránh nửa vời như xã điểm nông thôn mới vừa qua. Mô hình Tân Hiệp cần được nhân rộng và chuyển đổi phù hợp cho các đặc thù khác nhau.

Để đảm bảo phát triển bền vững ở ĐBSCL quy hoạch khai thác tài nguyên đất và nước cần ngồi lại, vạch một chiến lược phù hợp theo đúng nghĩa khoa học cho lâu dài 2020 đến 2030. Các cường quốc và các nước phát triển cao hướng đi là xuất khẩu sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, nhập tài nguyên thông qua sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi (lúa gạo, bò, …. ) ĐBSCL phải nhận thức đúng lợi thế của mình. Việc dùng từ công nghiệp hoá vùng ĐBSCL là một sự lạm dụng và mở rộng phát triển công nghiệp ở đây cần xem lại (cả việc phát triển sân gôn) bài toán phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. ĐBSCL nên tập trung ưu tiên theo hướng sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản hiện đại (tức là áp dụng khoa học công nghệ và máy móc công nghiệp nhằm đạt hiệu quả tốt nhất), chế biến chỉ là một khâu trong dây chuyền sản xuất này.

Trở lại vấn đế thuỷ lợi cho ĐBSCL phải xác định rõ hệ thống cứng và đường ranh mềm. Hệ thống sông, kênh trục chính, kênh cấp 1, cấp 2, đê biển đê sông – lộ giao thông (hệ này đã hình thành và đang đi vào hoàn thiện hệ thống khung, (Hệ 1). Hệ thống mềm là hệ phân ranh mặn ngọn theo thời gian và hệ phân tách vùng chuyên canh khác nhau (Hệ 2). Hiện nay còn Hệ 3 là sự giao động giữa các quan điểm đầu tư chưa nhất quán như hệ thống công trình trên Tân Thành – Lò Gạch vùng Đồng Tháp Mười, cống dọc Vĩnh Tê, cống ven sông Tiền – sông Hậu và cống theo đê biển. Hệ 3 đầu tư xây dựng sẽ trở thành công trình cứng và vận hành mềm.

Xét về mục tiêu phát triển có cần thiết hay không và hiệu quả sử dụng thì Hệ 3, trong đó có kế hoạch xây dựng 8 cống ven sông Hậu là kém nhất. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nguồn vốn đầu tư công hạn chế, nợ quốc gia đến mức báo động), 8 công trình cống ven sông Hậu không phải là cấp bách (tương tự như đường sắt cao tốc Bắc Nam) cho nên theo tôi không cần xét đưa vào đầu tư trong kế hoạch đến năm 2030. Để đảm bảo thực tế sản xuất hiện nay với Hệ 1 và Hệ 2 chúng ta vẩn cần phải điều chỉnh một số  điểm để tăng hiệu quả của các công trình này hơn:

a.       Công tác quản lý: xây dựng mới và bổ sung bộ Luật liên quan đến quản lý khai thác tài nguyên và phòng tránh thiên tai (tất cả đưa vào Luật)

b.      Điều chỉnh phù hợp hệ thống hạ tầng trong điều kiện thiên tai bất thường và khai thác của thượng lưu, nội dung này phải xét trên nhiều hướng nhìn khác nhau, tức là quan điểm kiểm soát lũ và khắc phục kiệt sẽ có nhiều thay đổi mang tính phù hợp với tự phát hiện nay hơn (khắc phục bệnh bảo thủ, duy ý trí, tư duy nhiệm kỳ) và đưa tự phát vào khuôn khổ chủ động hơn.

c.       Thúc đẩy các mô hình như ở điểm 2, với vốn làm hệ 3 mà chuyển cho các mô hình này thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều, đồng thời việc hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL sẽ có đà phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn. Hiện nay đang thiếu “nhạc trưởng” chỉ huy dàn nhạc này. Khi đã có đà thì sẽ khắc phục được nhiều hạn chế kìm hãm khác của xã hội.

Riêng với An Giang ngoài các điểm nói chung nói trên, cần giải quyết các vấn đề sau về thuỷ lợi:

-          Vùng Tứ giác Long Xuyên có thể phát triển lúa vụ 3 cho toàn vùng nhưng phải tạo băng tràn và băng này sản xuất ăn chắc 2 vụ và rủi ro vụ 3 khi lũ lớn, đó chính là băng tràn thoát cho Tha La – Trà Sư (băng giữa kênh Tha La và kênh Trà Sư đoạn trên cầu 13 và giữa kênh Tri Tôn và kênh Mỹ Thái đoạn phía dưới còn lại), hệ thống bờ bao ở trong băng này phải đảm bảo cho thoát lũ tràn từ 15 tháng 8. Tính lại bài toán thủy lực để xem xét khẩu độ yêu cầu của cầu 13 cho nước tràn không làm dềnh mực nước thượng lưu. Để tạo được băng này cần có cơ chế chính sách hợp lý với người nông dân.

-          Vùng Chợ Mới trong giai đoạn này có thể khép lại thành các ô lớn hơn, sẽ thuận lợi hơn trong tưới tiêu và cải tạo môi trường, đẩy nhanh phát triển mẫu ổn định ở đây. Vùng Bắc Vàm Nao sẽ ổn định trong 10 đến 20 năm nữa, và không có tồn tại gì lớn. Vùng Bắc Vĩnh An để tự ổn định và sau 20 năm nữa dự kiến cũng sẽ như 2 vùng trên.

-          Sông Vàm Nao sẽ mở rộng hơn nữa do xu thế tất yếu của  dòng chảy tự nhiên ở đây, vấn đề kè cũng không giải quyết được vì vậy trong quản lý sử dụng đất phải quan tâm hơn cho khu vực sông này.

-          Việc giải quyết các vần đề cần triệt để, tôn trọng tính tất yếu của tự nhiên, điều tiết chuyển đổi tự phát phù hợp với quy hoạch lâu dài, tránh giải quyết sự cố do quản lý.

Nói tóm lại:

Nói chung, ở An Giang đã bao hết rồi: Bắc Vàm Nao đã có, Nam Vàm Nao đang lập dự án để làm như Bắc Vàm Nao. Phía trên vùng Bảy Xã cũng đã làm rồi. Chỉ còn lại 8 cống sông Hậu, nếu làm nữa thì những quan ngại của Anh Bảy Nhị là rất chính xác. Mà thực tế ở vùng đó của An Giang chương trình trạm bơm điện cũng đang được thực hiện, nói chung là đều theo xu hướng đưa lên 3 vụ, dựa vào các bờ kênh để bao vùng, cho nên trên thực tế 100.000 ha ấy rồi cũng sẽ được bao gần hết. Đây là xu hướng khó cản ở thời điểm này, hầu như là chuyện đã rồi.Vấn đề là làm 8 cống thì sẽ lãng phí, và làm nghiêm trọng thêm vấn đề, vì một mặt ta chủ trương thoát lũ ra biển Tây có tác dụng bồi đắp thêm phù sa cho vùng Kiên Giang, tứ giác Long Xuyên, mặt khác ta sẽ ngăn không cho lũ vào vùng đó.

Trong các chuyến đi thị sát thực tế trận lũ 2011 vừa qua ở An Giang, lúc đó do thấy nguy cơ thiệt hại lúa vụ 3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đều  nhất trí với tỉnh làm 8 cống ven sông Hậu. Thực tế trận lũ lớn 2011 vừa rồi, An Giang bị thiệt hại lúa vụ 3 là 5.600 ha so với 130.000 ha là không lớn, chỉ cần đầu tư nâng cấp hệ thống bờ bao hiện có là ổn. Việc làm 8 cống ven sông Hậu là câu chuyện của tương lai, khi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nguồn nước mùa cạn từ thượng lưu cạn kiệt. Đề nghị Anh Bảy Nhị trao đổi với lãnh đạo lãnh đạo Tỉnh An Giang cần phải vượt lên chính mình để tránh “lợi bất cấp hại” báo cáo Thủ tướng và Bộ NNPTNT chưa nên vội vã đưa vào kế hoạch xây dựng 8 cống ven sông Hậu. Mặt khác, cần kiểm điểm rút kinh nghiệm điều hành không để tái phát trường hợp như năm nay khi lũ chính vu tháng 9 lại đóng đập Tha La, Trà Sư vừa không an toàn về đập, vừa làm dâng mực nước phía bạn Campuchia trái ngược với quy trình vận hành đã được phê duyệt khi thiết kế công trình.