Bình luận về bài “ Ảnh hưởng của các loại khe thi công lên thời gian thi công đập bê tông đầm lăn”.[11/01/12]

11/01/2012 15:41

28

BÌNH LUẬN VỀ BÀI “ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC LOẠI KHE THI CÔNG LÊN THỜI GIAN THI CÔNG ĐẬP BÊ TÔNG ĐẦM LĂN”

Michel  HoTaKhanh

 

Thi công đập RCC Taskourt (Maroc)

BBT. Bê tông đầm lăn (RCC) được sử dụng lần đầu vào năm 1978 và nhanh chóng trở thành loai vật liệu chủ yếu cho các đập bê tông và và cả một số đập vòm lớn. Tuy nhiên cũng còn những vấn đề cần thảo luận về thành phần, cấp phối, chất phụ gia, công nghệ,… KS. M. HoTaKhanh, chuyên gia cao cấp của Tập đoàn Phát triển Điện lực Pháp, có một số bình luận về bài ‘ẢNH HƯỞNG CỦA THỜI GIAN BÓC LỘ KHE NÂNG ĐẾN TIẾN ĐỘ THI CÔNG ĐẬP BÊ TÔNG ĐẦM LĂN (RCC)’ (ThS. BÙI PHƯƠNG NAM,  Ban Quản lý Dự án THỦY ĐIỆN SƠN LA) đăng trên www.vncold.vn , trang  /Web/Content.aspx?distid=2823 ). Rất mong bạn đọc quan tâm và trao đổi ý kiến.

ooo

Bài báo của tác giả Bùi Phương Nam trình bầy một số ý kiến về:

1.     Xu hướng phát triển của đập bê tông đầm lăn (RCC)

2.     Phân chia các loại khe thi công

3.     Xác định thiết bị thi công (chính xác là năng lực trạm bê tông) theo dự án với ví dụ của đập Sơn La.

Tôi mong muốn được đóng góp một số bình luận về các chủ đề trên.

1.     Xu hướng phát triển của các đập RCC   

Theo một số thống kê do ông M. Dunstan cung cấp, có thể kết lại rằng các đập RCC “giầu chất kết dính” (theo định nghĩa của bài báo) là “tối ưu” vì các đập RCC thuộc loại này chiếm tới 53,42% số lượng và 75% tổng khối lượng của các đập RCC trên thế giới. Thực tế, như đã được trình bầy trong bài thuyết trình của tôi về đập RCC tại Hà Nội ngày 16 tháng 10 năm 2011, các con số trên khá phiến diện do vì các thống kê đã bao gồm các đập RCC ở Trung Quốc, nơi có rất nhiều và có những đập RCC lớn nhất thế giới. Trung Quốc có nhiều nhà máy nhiệt điện gần khu vực xây dựng đập và vì vậy dùng tro bay (“giầu chất kết dinh”, theo định nghĩa của ông Dunstan) là một giải pháp tốt. Nhưng trái lại, ở Braxin hay Maroc, tại đó không có tro bay, cũng như ở Trung Quốc trong những trường hợp vị trí đập cách xa nhà máy nhiệt điện, “giải pháp tối ưu” là sử dụng ít chất kết dính nhưng có chất độn chẳng hạn. Theo nhận xét của ông Schrader, các vật liệu mới đây cho các đập RCC luôn là vật liệu “giầu chất kết dính”, và chúng có thể được chế tạo từ vật liệu kết dính hoặc chất độn. Cách phân loại theo ông Dunstan sẽ trở nên chính xác hơn nếu sử dụng thuật ngữ “high cementitious materials” thay cho thuật ngữ “high paste”. (Vì tuy rằng cả hai đều có thể được dịch là “vật liệu giầu chất kết dính” song “high cementitious materials” bao gồm xi măng, xỉ lò cao và các vật liệu có phản ứng pozzolan như tro bay, pozzolan tự nhiên hay nhân tạo, một số hạt mịn tự nhiên hay bột đá – ND).   

Không có một loại đập RCC tối ưu nào cho mọi quốc gia, cho mọi vị trí xây dựng và cho mọi dự án; vì vậy, phải thiết kế riêng cho từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, nếu nhà máy nhiệt điện cách xa công trình hơn 300 km thì sử dụng tro bay luôn không phải là giải pháp tối ưu.  

2.     Các loại khe thi công

Ngay từ năm 1994, tổ công tác của Pháp về đập RCC (BaCaRa) mà tôi là trưởng nhóm thiết kế đập RCC, đã phân biệt ba loại khe thi công (nóng, ấm và lạnh) dựa trên tiêu chí lý-hóa học mà không theo tiêu chí thực nghiệm “độ - giờ” vì tiêu chí này không thích hợp và không đồng đều theo các dự án. Với từng loại khe thi công nêu trên chúng tôi đã đưa ra định nghĩa, các phương pháp xác định (đo đạc) khách quan và phương pháp xử lý để đạt được hệ số chống trượt tốt giữa các lớp thi công. Tôi cũng đã đưa cuốn sách “RCC dams by BaCaRa” cho một số kỹ sư Việt Nam ở EVN và ở Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn năm 2003.

Trong bài báo cuả mình, tác giả Bùi Phương Nam đã chia ra khe “lạnh” và “siêu lạnh” nhưng theo kết quả ở đập Sơn La đã không có khe “lạnh”. Tôi nghĩ rằng nếu đã hình thành khe “lạnh” hay “siêu lạnh” (theo định nghĩa của chúng tôi “khe lạnh” khi không còn phản ứng hóa học nữa và không có thâm nhập cốt liệu giữa các lớp) thì nên đặt một lớp vữa đệm.    

3.     Xác định năng lực thiết bị thi công theo kích thước các khối bê tông

Dường như tính toán trình bầy trong bài báo ứng với các lớp nằm ngang. Thực tế, kinh nghiệm cuả Trung Quốc về “phương pháp lớp nghiêng”, phương pháp này được khẳng định và làm nổi trội thêm bởi các kỹ sư Ma Rốc, đã chỉ ra rằng có thể giảm năng lực của thiết bị thi công (chính xác là năng lực của nhà máy bê tông) trong trường hợp diện tích mặt đổ RCC lớn. Có thể thực hiện được điều này bằng cách thi công theo các lớp nghiêng có kích thước nhỏ, song cần xử lý các khe lạnh cách nhau 3 m với các lớp đổ 0,30m.

Tuy không được nêu ra trong bài báo nhưng điều rất quan trọng đáng lưu ý để đẩy nhanh công tác đổ RCC (với năng lực thiết bị đã có) và để tối đa hóa tỷ lệ khe nóng (dẫn đến giảm chi phí đập RCC), giải pháp tốt nhất là tách biệt đập, nhà máy thủy điện và các công trình đi kèm (tràn, đường ống) như ở đập Salto Caixas và Longtan như đã được trình bầy trong bài thuyết trình mới đây của tôi ở Hà Nội.  

M.Ho Ta Khanh

Tháng 1 năm 2012.