Quy hoạch thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.[05/02/12]
06/02/2012 09:29
QUY HOẠCH THỦY LỢI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
TRONG ĐIỀU KIỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
VÀ NƯỚC BIỂN DÂNG
(Dự thảo)
(1)
MỞ ĐẦU
Bản đồ hành chính đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thuộc lãnh thổ Việt Nam và nằm trong lưu vực sông Mekong. Sông Mekong dài 4.200 km, chảy qua 6 nước là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, có diện tích lưu vực 795.000 km2, trong đó vùng Châu thổ 49.367 km2. ĐBSCL là phần cuối cùng của Châu thổ sông Mekong, bao gồm 13 tỉnh/thành là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và T.P Cần Thơ, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, chiếm 79% diện tích toàn Châu thổ và bằng 5% diện tích toàn lưu vực sông Mekong.
ĐBSCL có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Với tiềm năng nông nghiệp to lớn, trong những năm qua, ĐBSCL luôn đóng góp trên 50% tổng sản lượng lương thực, quyết định thực hiện thành công chiến lược an ninh lương thực Quốc gia. Trong 20 năm trở lại đây, cứ trung bình 5 năm ĐBSCL lại tăng thêm khoảng 2,5 triệu tấn hay trung bình mỗi năm tăng thêm 500 ngàn tấn. Năm 2010 ước đạt trên 21 triệu tấn. Tổng sản lượng hải sản năm 2008 đạt trên 2 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt trên 1,42 triệu tấn, đặc biệt sản lượng cá da trơn tăng nhanh trong mấy năm vừa qua.
Để đáp ứng với nhu cầu phát triển của ĐBSCL, trong hơn 30 năm qua, nhiều công trình thủy lợi đã được đề xuất và xây dựng, đến nay diện tích ảnh hưởng mặn chỉ còn khoảng dưới 500.000 ha và diện tích ảnh hưởng chua phèn giảm đến mức tối thiểu chỉ còn dưới 100.000 ha. Đặc biệt, từ 1996, sau khi có Quyết định 99-TTg về phát triển thủy lợi kết hợp với giao thông và dân cư, phê duyệt quy hoạch kiểm soát và sử dụng nước lũ của Thủ tướng Chính phủ năm 1998, cộng với Quyết định 84/TTg về danh mục đầu tư thuỷ lợi trong giai đoạn 2005-2015, mở đầu cho hàng loạt công trình thuỷ lợi ra đời, là động lực và đòn bẩy quan trọng cho vùng ĐBSCL có cơ hội và điều kiện phát triển nhanh chóng hơn.
Song, với những biến động thiên nhiên và thị trường trong những năm qua, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất với quy mô lớn và rộng khắp từ năm 2001 đến nay, đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cho công tác phát triển thủy lợi. Thêm vào đó, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ nét và diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên 2 yếu tố dòng chảy từ thượng lưu và nước biển dâng. Nếu như tác động của BĐKH lên giá trị trung bình xảy ra từ từ, phải mất hàng chục năm, thì tác động lên các giá trị cực trị xảy ra nhanh và ngày càng khốc liệt hơn. Trong 10 năm qua, ĐBSCL đã xuất hiện 3 năm lũ lớn liên tiếp là 2000, 2001 và 2002 (trong đó lũ năm 2000 được xem là lũ lịch sử); 8 năm liền có lũ dưới trung bình và nhỏ (trong đó có lũ năm 2008 và 2010 là 2 năm lũ nhỏ lịch sử); 8 năm liền dòng chảy kiệt dưới trung bình (trong đó năm 2004, 2008 và 2010 là những năm thấp hơn cả, gây hạn hán nghiêm trọng và xâm nhập mặn sâu); bão lớn đổ bộ vào 2 năm 1997 (Linda) và 2006 (Durian); xói lở bờ sông, bờ biển xảy ra nhiều nơi với số lần tăng hơn (trên sông Tiền các năm 2001, 2002, 2004, 2005, sông Hậu các năm 2009, 2010 và ven biển Cà Mau 2 năm gần đây); cháy rừng xảy ra vào năm 2002 ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng; tố lốc xuất hiện ngày càng nhiều và nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm.
I. PHẠM VI QUY HOẠCH
Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh, thành phố là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, dân số khoảng 18 triệu người.
II. MỤC TIÊU QUY HOẠCH
1. Mục tiêu chung
- Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nhằm hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới, chủ động thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
- Điều chỉnh, bổ sung các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi và kế hoạch thực hiện hàng năm giai đoạn 2010-2020; sau năm 2020 và định hướng đến năm 2050.
- Đề xuất, kiến nghị các vấn đề còn tồn tại, tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy hoạch nhất là trong điều kiện sử dụng nước thượng lưu sông Mê Công, tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dângtrong tương lai.
2. Mục tiêu cụ thể
- Phát triển thuỷ lợi góp phần đảm bảo an toàn dân sinh, sản xuất, cơ sở hạ tầng cho khoảng 32 triệu dân ĐBSCL (ước tính đến năm 2050), trong đó khoảng 20 triệu dân vùng ngập lũ và 12 triệu dân vùng ven biển.
- Hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi góp phần đảm bảo chủ động cấp nước, tiêu thoát nước, kiểm soát lũ, kiểm soát mặn ổn định cho 1,781 triệu ha đất lúa vùng ĐBSCL; chủ động nguồn nước đảm bảo lịch thời vụ và quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đề xuất giải pháp cung cấp nước ngọt, nước mặn ổn định và bền vững cho khoảng 0,7 triệu ha diện tích nuôi trông thuỷ sản nước lợ và nước ngọt.
- Hoàn chỉnh hệ thống đê biển, đê bao ngăn mặn ven biển và dọc sông, cùng với hệ thống cống điều tiết nhằm ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích, khai thác tốt nhất ba thế mạnh: sản xuất lúa, nuôi trồng thuỷ sản, trồng và chế biến các loại rau, quả và thực phẩm đem lại hiệu quả cao.
- Góp phần phục vụ xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của người dân nhằm ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng trong vùng.
- Chủ động các giải pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, dòng chảy kiệt thượng lưu; đề xuất giải pháp phòng chống xói lở, bồi lắng và bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái.
III. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Phần lớn có cao độ trung bình từ 0,7-1,2 m. Dọc theo biên giới Campuchia có địa hình cao hơn cả, cao trình từ 2,0-4,0 m, sau đó thấp dần vào đến trung tâm đồng bằng ở cao trình 1,0-1,5 m, và chỉ còn 0,3-0,7 m ở khu vực giáp triều, ven biển.
Ven bờ biển thường do hoạt động của hải lưu, gió và phù sa sông, tạo thành các giồng cát cao ven biển có hình cung lồi ra phía biển, nằm xen kẽ các vùng trũng thấp ngập triều. Vùng Bắc Đông - Bo Bo là vùng rất khó khan về tiêu thoát của vùng Đồng Tháp Mười, hạ lưu vực sông Cái Lớn-Cái Bé và U Minh Thượng, U Minh Hạ là những vùng đất thấp hơn cả, với cao độ từ 0,3-0,7 m, luôn ngập do triều cao, nước mưa nội đồng và nước lũ thượng nguồn.
Bản đồ sông ngòi & địa hình đồng bằng sông Cửu Long
- Vùng ĐBSCL bao gồm Sông Tiền và sông Hậu (Hai dòng chính sông Tiền và sông Hậu chi phối mạnh mẽ sự phát triển của ĐBSCL). Sông Tiền đóng vai trò quan trọng ngay sau khi phân lưu từ dòng chính Mekong và có các phân lưu lớn kế tiếp nhau là sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông, sông Ba Lai, sông Cửa Đại và Cửa Tiểu, sông Hậu qua cửa Định An và Trần Đề.
- Hệ thống sông Vàm Cỏ gồm 2 nhánh Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, đều bắt nguồn từ Campuchia.
- Hệ thống sông Cái Lớn-Cái Bé hoàn toàn là các sông vùng triều, xuất phát từ trung tâm BĐCM và đổ ra biển qua cửa Cái Lớn.
- Sông Giang Thành xuất phát từ vùng núi phía Tây-Nam Campuchia. Hiện nay, sông Giang Thành được nối với kênh Vĩnh Tế nên chế độ dòng chảy cũng bị chi phối bởi sự ảnh hưởng của sông Hậu.
- Ngoài ra còn rất nhiều các sông, rạch khác như rạch Hồng Ngự, rạch Cần Lố, rạch Ruộng... (TST), rạch Cả Nai, sông Măng Thít, rạch Cần Chông... (GSTSH), sông Ô Môn, sông Cần Thơ... Đặc điểm các sông rạch này là có cửa vào lớn, sâu nhưng thu hẹp rất nhanh khi vào nội đồng. Dọc biên giới Việt Nam-Campuchia cũng có một số sông rạch chảy vào ĐBSCL, như sông Châu Đốc, sông Sở Thượng-Sở Hạ…
3. Đặc điểm khí tượng-thuỷ văn
a. Đặc điểm khí tượng
Vùng ĐBSCL, nhiệt độ trung bình tháng trong toàn vùng thay đổi từ 25,3-27,0oC, khá đều theo không gian và thời gian; số giờ nắng rất cao, từ 2.200-2.400 giờ mỗi năm, trung bình 6-7 giờ mỗi ngày; lượng bốc hơi trung bình từ 1.000-1.300 mm; độ ẩm tương đối của không khí cao, từ 78-82; lượng mưa trung bình toàn ĐBSCL vào khoảng 1.600-1.800 mm, ven biển Tây có lượng mưa cao hơn (2.000-2.400 mm) và ven biển Đông có lượng mưa thấp hơn (1.400-1.600 mm).
ĐBSCL nhìn chung rất ít bão. Theo thống kê bão đổ bộ vào bờ biển Đông trong gần 100 năm qua, chỉ khoảng 30% số trận bão là có ảnh hưởng đến vùng biển Nam Bộ, trong đó không quá 10% đổ bộ trực tiếp. Trong 100 năm qua, có 3 trận bão ảnh hưởng lớn đến ĐBSCL là trận bão khủng khiếp năm 1904, bão Linda năm 1997 và bão Durian năm 2006.
b. Đặc điểm thuỷ văn
Hàng năm, thông thường từ tháng VII, nước thượng nguồn dồn về nhiều làm cho mực nước tại đầu nguồn sông Cửu Long (Tân Châu và Châu Đốc) tăng nhanh. Khoảng từ nửa cuối tháng VII đến cuối tháng VIII, mực nước Tân Châu thường đạt trên mức 3,50 m và Châu Đốc trên 3,00 m. Mực nước lũ cao nhất năm thường xảy ra trong khoảng thời gian từ hạ tuần tháng IX đến trung tuần tháng X, với tần suất cao nhất vào thượng tuần tháng X. Mực nước cao nhất tại Tân Châu 5,12 m (1961) và 5,06 m (2000), tại Châu Đốc 4,90 m (2000). Bên cạnh đó, năm lũ nhỏ (1998), mực nước đỉnh lũ Tân Châu 2,81 m và Châu Đốc 2,54 m. Mực nước trung bình đỉnh lũ Tân Châu 4,13 m và Châu Đốc 3,62 m. Chênh lệch mực nước đỉnh lũ nhiều năm Tân Châu 2,31 m và Châu Đốc 2,35 m. Cường suất lũ lên và xuống thấp, trung bình 3-4 cm/ngày. Những trận lũ lớn và xuất hiện sớm 10-12 cm/ngày (1984), cao nhất có thể đạt 20-30 cm/ngày.
Lũ ở ĐBSCL thông thường có dạng 1 đỉnh, đỉnh lũ thường xuất hiện vào khoảng cuối tháng IX đến nửa đầu tháng X. Những năm lũ kép (2 đỉnh) thường là những năm lũ lớn (1961, 1978, 2000, 2001 và 2002), đỉnh phụ thuờng xuất hiện trong tháng VIII, hoặc đầu thánh IX, có khi xấp xỉ với đỉnh chính tháng X. Những năm lũ lớn, đỉnh thứ 2 thường xảy vào thời kỳ triều cường biển Đông, do vậy, tình hình ngập lụt càng nghiêm trọng ở ĐBSCL. Nếu căn cứ vào mực nước lũ tại Tân Châu để phân thành các nhóm năm lũ nhỏ (<3,5 m), lũ trung bình (3,6-4,4 m) và lũ lớn (>4,5 m) thì tần số xuất hiện năm lũ nhỏ là 21%, năm lũ trung bình là 46 % và năm lũ lớn là 33%.
…
(Còn nữa)