Quy hoạch thủy lợi Đồng bằng Sông Cửu long trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng (2).[09/02/12]
08/02/2012 09:09
QUY HOẠCH THỦY LỢI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
TRONG ĐIỀU KIỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
VÀ NƯỚC BIỂN DÂNG
(Dự thảo)
(tiếp theo)
(2)
...
Các đập Trà Sư – Tha La (An Giang) rất quan trọng để kiểm soát lũ tứ giác Long Xuyên |
- Tưới tiêu, cấp nước:Toàn ĐBSCL hiện có trên 15.000 km kênh trục và kênh cấp I, gần 27.000 km kênh cấp II, khoảng 50.000 kênh cấp III và nội đồng, 80 cống rộng trên 5 m (lớn nhất là cống-đập Láng Thé 100 m và cống-đập Ba Lai 84 m), trên 800 cống rộng 2-4 m và hàng vạn cống, bộng nhỏ, trên 1.000 trạm bơm điện lớn và vừa, hàng vạn máy bơm nhỏ để chủ động tưới, tiêu.
- Kiểm soát lũ: Để kiểm soát lũ, hiện vùng ngập lũ ĐBSCL đã hình thành hệ thống đê và bờ bao với tổng chiều dài khoảng 13.000 km, trong đó có 7.000 km bờ bao chống lũ tháng 8 để bảo vệ lúa Hè-Thu. Ngoài ra còn có hơn 200 km đê bao giữ nước chống cháy cho các Vườn Quốc gia và rừng tràm sản xuất tập trung.
- Kiểm soát mặn và triều cường:Vùng ven biển ĐBSCL đã xây dựng 450 km đê biển, 1.290 km đê sông và khoảng 7.000 km bờ bao ven các kênh rạch nội đồng để ngăn mặn, triều cường và sóng bão cho vùng ven biển.
- Cấp nước sinh hoạt: Hầu hết dần cư ở các thị trấn, thị xã, thành phố ở ĐBSCL hiện đều được cấp nước sạch (tuy có lúc, có nơi chưa đủ về mặt số lượng). Trong khi đó, dân cư vùng nông thôn chỉ được cấp nước hợp vệ sinh với tỷ lệ khoảng 40%. Bảng 4.1: Thống kê công trình thuỷ lợi chủ yếu ở vùng ĐBSCL
1. Vùng Tả sông Tiền
- Hệ thống kênh trục, cấp I: Toàn vùng Tả sông Tiền (TST) hiện có 45 kênh trục (1.068 km) và 343 kênh cấp I (3.116 km),rộng mặt từ 12-60 m và cao trình đáy từ -2,5m đến -4,0 m. So với yêu cầu, hệ thống kênh trục, cấp I vùng TST được coi là đủ. Tuy nhiên, do hầu hết chưa được nạo vét theo định kỳ nên chưa chủ động đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu và thoát lũ.
- Hệ thống kênh cấp II: Hệ thống kênh cấp II trong vùng TST khá dày đặc, với 2.187 kênh, tổng chiều dài 6.742 km, phân bố tương đối đều, tuyvẫn một số nơi còn thiếu và lại thường bị bồi lắng nên cần tiếp tục cải tạo và phát triển thêm.
- Hệ thống cống: Nhiệm vụ chính là ngăn mặn, giữ ngọt, tưới tiêu. Toàn vùng hiện có 22 cống rộng 5-21 m, song đến nay chỉ khoảng một nửa hoạt động tốt, số còn lại cần được sửa chữa. Số lượng cống còn thiếu và chưa đồng bộ nên còn hạn chế trong chủ động tưới, tiêu và ngăn lũ. Nhiều nơi vẫn phải đắp đập thời vụ trong quá trình sản xuất.
- Trạm bơm: Trạm bơm điện quy mô lớn được xây dựng chủ yếu từ những năm 1978-1990, nhưng hoạt động kém hiệu quả. Toàn vùng hiện có khoảng 10.000 máy bơm xăng dầu các loại tưới được khoảng 70-80% diện tích canh tác. Các trạm bơm điện quy mô nhỏ tưới 100-200 ha cũng khá phát triển trong thời gian gần đây, với khoảng 20-30% diện tích. Các trạm bơm điện nhỏ và bơm xăng dầu cũng góp phần quan trọng trong tiêu mưa và tiêu lũ cuối vụ.
- Hệ thống đê, bờ bao: Hệ thống đê, bờ bao cơ bản khép kín cho toàn bộ diện tích canh tác (mật độ khoảng 29,6 m/ha), song chủ yếu có quy mô bao vùng nhỏ, đắp bằng đất tại chổ, hàng năm sau mỗi mùa lũ đều bị sạt lở, xuống cấp nên phải tu sửa thường xuyên. Hệ thống đê ngăn mặn vùng dự án Bảo Định xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Vùng dự án giữa hai sông Vàm Cỏ, dự án 79 và Bắc Đông, hệ thống bờ bao chống lũ đầu vụ còn rất yếu kém, gần như cần phải xây dựng mới.
- Hệ thống nội đồng: Do mức độ thâm canh sản xuất và sự đầu tư hệ thống thủy lợi ở các tiểu vùng có sự chênh lệch lớn nên hệ thống thuỷ nông nội đồng phát triển không đồng đều và cũng chưa có nơi nào thật sự hoàn chỉnh. Các công trình nội đồng được xây dựng chủ yếu là kênh dẫn nước và bờ bao giữ nước, đập tạm ngăn triều. Hệ thống cống bọng còn rất thiếu.
- Những hạn chế: Vùng sông Vàm Cỏ có địa thế dạng lòng máng, là vùng trũng nhất của ĐTM. Gần 64% diện tích đất đai nằm dưới cao trình 1,0 m. Trên 66% diện tích đất phèn ĐTM tập trung ở đây nhưng việc thau chua, rửa phèn chưa được chú trọng nhiều. Mùa lũ đến Vàm Cỏ Tây muộn, chua phèn từ trung tâm ĐTM chảy xuống, tiêu nước lại khó khăn do ảnh hưởng thuỷ triều. Mùa kiệt cả 2 sông đều thiếu nước (Vàm Cỏ Tây nhờ tiếp nước từ sông Tiền còn khoảng 15-25 m3/s, Vàm Cỏ Đông nhờ tiếp nước từ Dầu Tiếng có khoảng 20-25 m3/s). Do khai thác nước quá mức và dòng chảy kiệt xuống thấp trong những năm gần đây mặn xâm nhập mặn ngày càng sâu trên cả sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Những hạn chế này khiến sản xuất nông nghiệp và cấp thoát nước vùng TST c̣n khó khăn và kém hiệu quả hơn so với những nơi khác.
2. Vùng giữa sông Tiền-sông Hậu
Đây là vùng có điều kiện thiên nhiên khá thuận lợi, với nguồn nước dồi dào được lấy trực tiếp từ cả 2 sông Tiền và Hậu, đất đai màu mỡ. Hiện tại, vùng giữa sông Tiền-sông Hậu (GSTSH) có hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh, với 32 kênh trục (chiều dài 1.039 km), 200 kênh cấp I (chiều dài 1.945 km), 1.072 kênh cấp II (chiều dài 3.363 km) và 24.773 kênh cấp III/nội đồng (chiều dài 21.853 km); 455 cống trung bình và lớn, 10.111 cống nhỏ và bọng; 494 trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ; 1.748 km bờ bao/đê bao kiểm soát lũ; 281 km đê sông-cửa sông và 133 km đê biển.
- Tiểu vùng Bắc Vĩnh An: Hệ thống thủy lợi cơ bản đã giải quyết được vấn đề tạo nguồn thông qua kênh trục Bảy Xã và hệ thống kênh cấp II, tưới, tiêu bằng bơm điện và bơm dầu nhỏ. Phần lớn Tiểu vùng đã được bao đê kiểm soát lũ (trong quy hoạch đây là vùng không kiểm soát lũ). Hàng năm, phần phía Tây kênh Bảy Xã (phần duy nhất còn lại của Tiểu vùng chỉ chống lũ tháng Tám) thường xuyên bị lũ tràn, gây sạt lở bờ và bồi lắng nghiêm trọng lòng sông/kênh.
- Tiểu vùng Bắc Vàm Nao: Hệ thống thủy lợi Bắc Vàm Nao được đầu tư khá đồng bộ, với hệ thống bờ bao có khả năng kiểm soát hiệu quả cả lũ tháng Tám và lũ chính vụ. Tuy nhiên, Tiểu vùng cần lập quy trình vận hành để kiểm soát lũ, giảm chi phí tưới tiêu, đảm bảo vệ sinh nguồn nước và nguồn lợi thủy sản, phù sa… tốt hơn.
- Tiểu vùng Nam Vàm Nao (Chợ Mới): Hệ thống công trình thủy lợi khá hoàn chỉnh từ bờ bao chống lũ, một số cống cấp và tiêu thoát nước, kênh cấp 2 và nội đồng, hệ thống đê/bờ bao bảo đảm kiểm soát lũ cả năm cho trên 21.500 ha, hệ thống trạm bơm điện đủ dày (50-200 ha/trạm). Hiện Tiểu vùng đang lập Dự án đầu tư.
- Tiểu vùng Bắc Măng Thít-Nam Cái Tàu Thượng: Hiện Tiểu vùng có hệ thống bờ bao/đê kiểm soát lũ khá hoàn chỉnh, có thể kiểm soát lũ chủ động. Tưới và cấp nước nhìn chung thuận lợi và hệ thống thủy lợi cơ bản được đáp ứng. Tuy vậy, kiểm soát lũ và tiêu úng (đặc biệt là úng và phèn do trầm thủy ở vùng trung tâm) vẫn cần được quan tâm hơn ở Tiểu vùng này.
- Tiểu vùng Nam Măng Thít: Phần lớn diện tích Tiểu vùng Nam Măng Thít nằm trong phạm vi của đường ranh mặn 4g/l. Đến nay, thông qua dự án của WB, hệ thống kiểm soát mặn của Tiểu vùng đã cơ bản được khép kín nhờ hệ thống đê-cống dọc sông Cổ Chiên (cửa Cung Hầu) và sông Hậu (cửa Định An). Hệ thống đê biển đã hình thành nhưng còn thấp, yêu so với yêu cầu.
- Tiểu vùng Bến Tre: Tỉnh Bến Tre gần như hoàn toàn chịu ảnh hưởng của ranh mặn 4g/l quanh năm, tuy nhiên hệ thống kiểm soát mặn chưa hoàn toàn được khép kín nên còn nhiều vấn đề về thủy lợi cần phải giải quyết, như tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống kiểm soát mặn, tăng cường khả năng cấp ngọt, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cấp III, nội đồng và đưa nước lên mặt ruộng. Đặc biệt, Dự án Bắc Bến Tre tuy đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt và từng bước đầu tư (trong đó có cống Ba Lai đã hoàn thành từ năm 2004) nhưng còn một số vấn đề cần được nghiên cứu sâu hơn. Vùng Nam Bến Tre cũng cần được xem xét hoàn chỉnh.
- Những hạn chế: Vùng ảnh hưởng lũ tuy được đầu tư khá hoàn chỉnh nhưng chưa ổn định, quy mô các vùng bao còn biến động, hệ thống cống điều tiết chưa đủ, chưa có quy trình vận hành hợp lý. Vùng mặn tuy đã được đầu tư nhưng chưa khép kín nên nảy sinh một số vấn đề về môi trường cũng như hiệu quả công trình. Tuyến đê biển-cửa sông tuy đã hình thành nhưng còn thấp, yếu, cần tiếp tục nâng cấp, hoàn chỉnh. Vấn đề kết hợp tuyến đê biển và giao thông ven biển còn hạn chế, đặc biệt các cầu qua sông đã và đang được ngành giao thông xây dựng trong khi các cống-đập ngăn mặn vẫn còn trong giai đoạn quy hoạch.
3. Vùng Tứ giác Long Xuyên
Với sự đầu tư mạnh mẽ trong những năm gần đây, vùng TGLX đã hình thành một hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, bao gồm hệ thống kiểm soát lũ, cống ngăn mặn, hệ thống kênh trục, cấp I, cấp II (tưới, tiêu), hệ thống đê/bờ bao, hệ thống trạm bơm và hệ thống thủy lợi nội đồng. Đến nay, vùng TGLX có 64 kênh trục (1.056 km), 2.313 kênh cấp II và III (7.374 km), 38 cống trung bình và lớn, 1.915 cống nhỏ và bọng, 319 trạm bơm điện quy mô vừa, 4.485 km bờ bao/đê bao kiểm soát lũ và 63 km đê biển. Một số cụm công trình đáng chú ý là:
- Cụm công trình thoát lũ ven biển Tây: Bao gồm tuyến đê biển Rạch Giá-Ba Hòn dài 75 km, rộng mặt 3-6 m, cao trình đỉnh +2,0 m; Hệ thống gồm 23 cống ven biển Tây; Các cửa thoát lũ là các cầu trên QL80 với khoảng 35 cửa.
- Cụm công trình kiểm soát lũ dọc kênh Vĩnh Tế: Bao gồm tuyến đê ngăn lũ tràn biên giới từ Châu Đốc đến Tịnh Biên và từ Ba Chúc đến đầu kênh Hà Giang; Tuyến đê được đắp phía bờ Nam kênh Vĩnh Tế; Công trình kiểm soát lũ tràn biên giới với 2 đập cao su Trà Sư (rộng tràn 90 m, ngưỡng +1,50 m, đỉnh +3,80 m) và Tha La (rộng tràn 72m, ngưỡng +1,50 m, đỉnh +3,80 m); Nạo vét và mở rộng kênh Vĩnh Tế với chiều rộng đáy 30 m, cao trình đáy -3,0 m nhằm đảm bảo nước tưới mùa cạn với lưu lượng 37 m3/s, mở rộng bãi tràn dọc kênh Vĩnh Tế để thoát được lưu lượng lũ 1.940 m3/s; Xây dựng đường tràn kết hợp cầu cạn ở phía Bắc cầu Xuân Tô với chiều rộng 300m, cao trình đáy +1,0m để có thể thoát được lưu lượng lũ khoảng 1.220 m3/s.
- Hệ thống kênh thoát lũ và dẫn nước:Nạo vét và đào mới 23 kênh thoát lũ từ kênh Rạch Giá-Hà Tiên ra biển Tây; Hệ thống kênh trục, cấp Ibăng qua vùng TGLX với nhiệm vụ chính là thoát lũ, dẫn nước tưới, tiêu và giao thông thủy. Hầu hết các kênh trục, cấp I đều thẳng góc với thế nước sông Hậu và thủy triều biển Tây nên chế độ thủy lực các kênh tốt.
- Hiện trạng hệ thống đê bao, bờ bao: Do nằm trên băng thoát lũ nên ở vùng TGLX đã hình thành 2 loại đê bao: Đê bao kiểm soát lũ cả năm và bờ bao kiểm soát lũ tháng Tám. Hiện An Giang có 103 ô bao kiểm soát lũ cả năm (tổng chiều dài đê bao 1.020 km), bảo vệ 40.899 ha đất 3 vụ, 396 ô bao tháng Tám (tổng chiều dài 2.365 km), bảo vệ 97.234 ha đất 2 vụ. Ở Kiên Giang đã có hệ thống bờ bao tháng Tám bảo đảm khoảng 70.000 ha 2 vụ.
- Hệ thống kênh cấp 2: Hệ thống kênh cấp II có mật độ trung bình trên toàn vùng 5,5 m/ha, nhưng phát triển không đều giữa các khu vực. Khu vực Đông-Nam kênh Tri Tôn kênh cấp II khá dày, khoảng cách từ 1-2 km/kênh, kích thước đáy 6-8 m, cao trình đáy -1,0 m đến -2,0 m, hàng năm bồi lắng và sạt lở mạnh. Khu vực Tây-Bắc kênh Tri Tôn (vùng TGHT), hệ thống thủy lợi cấp II mới hình thành nên đến nay mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sản xuất.
- Hệ thống cống và trạm bơm tưới đầu mối: Ngoài các cống ngăn mặn ven biển thuộc 2 huyện Hòn Đất, Kiên Lương và TP.Rạch Giá (Kiên Giang), hiện nay trong vùng hầu như chưa có hệ thống cống đầu mối phục vụ tưới. Phần Kiên Giang trong vùng TGLX có 42 cống các loại với tổng độ rộng 360 m, chủ yếu là cống hở, xây kiên cố, mỗi khoang rộng 5 hay 8 m và từ 1-3 cửa. Ngược lại, phần An Giang trong vùng TGLX tuy có đến trên 1.000 cống các loại, nhưng chỉ là cống bọng nhỏ trong nội đồng, với nhiệm vụ chủ yếu tưới và giữ nước. Từ kênh trục, cấp 1,cấp 2, nước được lấy trực tiếp vào ruộng qua các cống bọng hoặc máy bơm nhỏ (dùng động cơ D12, Kohler 10 )…
- Hệ thống hồ chứa nhỏ: Hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên có diện tích đồi núi khá lớn, có tiềm năng nông nghiệp nhưng lại thiếu nguồn nước. Để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, tại đây hiện đã xây dựng 4 hồ chứa nước nhỏ với tổng dung tích 750.000 m3, ngoài tưới còn cấp nước sinh hoạt 12.000 người.
- Hệ thống thủy lợi nội đồng: Trong vùng TGLX, hệ thống này được giới hạn sau hệ thống bờ bao các ô (đê bao kiểm soát lũ cả năm hoặc bờ bao kiểm soát lũ tháng Tám). Nước lấy từ kênh cấ