Quy hoạch thủy lợi Đồng bằng Sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng(3).[15/02/12]

15/02/2012 11:25

13

QUY HOẠCH THỦY LỢI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

 TRONG ĐIỀU KIỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

VÀ NƯỚC BIỂN DÂNG

(Dự thảo)

(tiếp theo)

(3)

...

 

Mực nước biển trong pha triều dâng

 

V. KỊCH BẢN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU – NƯỚC BIỂN DÂNG

1. Diễn biến khí hậu-thuỷ văn ở ĐBSCL những năm gần đây

            a. Diễn biến chung

Trong các thập niên gần đây, ĐBSCL đã và đang gánh chịu những tác động khá mạnh mẽ do biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây nên, trong đó lũ có những biến động ngày càng lớn giữa năm lũ lớn và lũ nhỏ, bão nhiều và mạnh hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn, cháy rừng, sạt lở bờ sông, tố lốc, triều cường... xuất hiện ngày càng nguy hiểm hơn. Chỉ tính trong 10 năm qua, ĐBSCL đã có:

- 3 năm liên tiếp từ 2000-2002 có lũ lớn, trong đó năm 2000 là lũ lớn lịch sử. Trong dãy tài liệu mực nước nhiều năm tại Tân Châu và Châu Đốc từ 1924 đến nay, 3 năm lũ lớn liên tiếp, trong đó có lũ năm 2000 là điều khá đặc biệt, do trước đó cũng có những nhóm năm lũ lớn như vậy nhưng không lớn bằng. Tại Tân Châu, đỉnh lũ năm 2000 (5,06 m) chỉ đứng thứ 2 sau lũ 1961 (5,12 m), trong khi tổng lượng đạt đến 430 tỷ m3, lớn hơn lũ 1961 chừng 15 tỷ m3.

- 7 năm liên tiếp, từ 2003 đến 2009, ĐBSCL có lũ dưới trung bình, trong đó tại Tân Châu năm 2006 có mực nước 4,00 m và năm 2008 chỉ đạt 3,65 m, thuộc năm cực nhỏ trong 70 gần đây. Lũ dòng chính nhỏ, tổng lượng nhìn chung chỉ đạt 80-90% tổng lượng trung bình, kéo theo mực nước lũ trong nội đồng cũng rất thấp, một vài năm hầu như nội đồng đói lũ (các năm 2003, 2008 và 2009, tổng lượng lũ chỉ đạt dưới 70% tổng lượng lũ trung bình). 

- 2 lần có bão lớn đổ bộ và ảnh hưởng đến ĐBSCL là bão Linda năm 1997 và bão Durian năm 2006. Theo thống kê, trong hơn 100 năm qua, ĐBSCL hứng chịu 3 trận bão đổ bộ trực tiếp, trong đó có trận bão năm 1904, cách bão Linda 93 năm, trong khi bão Durian chỉ cách bão Linda 9 năm.   

- 8 năm liền ĐBSCL gặp hạn, đặc biệt hạn kết hợp dòng chảy kiệt trên sông Mekong và xâm nhập mặn sâu vào năm 2004 và 2008. Diễn biến hạn-mặn đầu năm 2010 cũng cho thấy có xu thế gần với năm 2004.

- Tố lốc xuất hiện nhiều và gây hậu quả nghiêm trọng.

- Cháy rừng xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt đợt cháy rừng Vườn Quốc gia U Minh Thượng vào năm 2002 mà ảnh hưởng của nó đến nay vẫn chưa được khắc phục.

- Sạt lở bờ biển, bờ sông xảy ra với số lần, số vị trí và cường độ cao, như sạt lở ven biển Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và gần đây là biển phía Tây của tỉnh Cà Mau. Sạt lở bờ sông, kênh cũng xẩy ra với cường suất cao, ảnh hưởng nhất định đến ổn định kinh tế-xã hội của nhiều địa phương, như sạt lở bờ sông Tiền tại Tân Châu, Hồng Ngự, Sa Đéc, Vĩnh Long… sạt lở trên sông Hậu tại Châu Đốc và trên QL91 thời gian gần đây…

- Nước biển có xu thế ngày càng dâng cao, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Vũng Tàu (biển Đông), mực nước biển trung bình 50 năm qua đã tăng khoảng 12 cm. Triều cường trên nền nước biển dâng ngày càng uy hiếp nghiêm trọng các vùng đất thấp, kể cả các thành phố ven biển ảnh hưởng triều như Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long…

            b. Diễn biến mực nước ven biển

Trong 25 năm (1982-2007) mực nước trung bình năm cao nhất của trạm Vũng Tàu là -18 cm năm 1996 và thấp nhất là -36 cm năm 1982 (cao độ Quốc gia). Biến trình mực nước trung bình nhiều năm ở Vũng Tàu tuy có tính chu kỳ nhưng việc xác định chính xác còn khó khăn. Biến trình mực nước bình quân 5 năm liên tục ở Vũng Tàu có chu kỳ khoảng 18-20 năm. Biến trình mực nước trung bình 18 năm tại Vũng Tàu cho thấy sự gia tăng mực nước biển. Trong vòng 25 năm (1982-2007) mực nước biển trung bình 18 năm thời kỳ 1990-2007 cao hơn mực nước biển trung bình 18 năm thời kỳ 1982-1999 là 34,4 mm, trung bình mỗi năm gia tăng 4,7 mm.

Biến trình mực nước lớn nhất trung bình nhiều năm cũng cho thấy sự gia tăng rõ rệt. Tại Vũng Tàu, mực nước lớn nhất trung bình 18 năm thời kỳ 1990-2007 cao hơn mực nước lớn nhất trung bình 18 năm thời kỳ 1982-1999 là 46,7 mm, trung bình mỗi năm gia tăng 6,2 mm.

            c. Diễn biến mực nước vùng ĐBSCL

            - Tại Tân Châu-Châu Đốc: Mực nước trạm Châu Đốc khá nhạy cảm với diễn biến mực nước thượng lưu sông Mekong. Khảo sát diễn biến mực nước tại trạm từ  1978-2008 (30 năm) cho ta thấy trên biểu đồ diễn biến mực nước cao nhất hàng năm đường xu thế biến đổi trung bình tăng 1,5 cm/năm, trên biểu đồ diễn biến mực nước chân triều thấp nhất đường xu thế biến đổi tăng 1,33 cm/năm và trên biểu đồ diễn biến mực nước trung bình năm đường xu thế biến đổi tăng 0,46 cm/năm.   

- Tại Cần Thơ: Tài liệu từ năm 1977-2008 (32 năm) cho thấy do ảnh hưởng bởi nước ngọt thượng lưu nên chân triều tại khu vực TP.Cần thơ được nâng lên cao, mùa kiệt biên độ còn từ  2,2-2,6 m (từ Thốt Nốt tới Cần Thơ), mùa lũ biên độ chỉ còn 1,1-1,8 m (từ Cần Thơ tới Thốt Nốt). Đây vẫn là điều kiện khá thuận lợi cho việc tiêu thoát nước.

2. Phát triển thượng lưu sông Mekong

Hiện nay, trên các nước thượng nguồn sông Mekong, tài nguyên nước mặt được sử dụng chủ yếu cho tưới, thuỷ điện, sinh hoạt và phát triển công nghiệp. Về mùa cạn, khi dòng chảy sông Mekong ít đi, việc sử dụng nước cho các hoạt động kinh tế-xã hội tại hạ lưu sẽ bị ảnh hưởng.

Bảng 5.1. Các công trình hồ chứa lớn trên các sông tại các quốc gia trong lưu vực  sông Mekong (tính đến năm 2009)

Quốc gia

Số hồ chứa

Dung tích hiệu dụng

(triệu m3)

Trung Quốc (22%)

3

718

Mianma (3%)

0

0

Lào (25%)

3

5.408

Thái Lan (23%)

9

5.462

Campuchia (19%)

0

0

Việt Nam (8%)

5

4.000

Tổng cộng

20