Dự án ‘Hệ Mạch cấp nước kết hợp phát điện, giao thông, cải thiện môi trường cảnh quan thủ đô Hà Nội’(1).[26/02/12]

24/02/2012 12:38

9

Dự án

‘Hệ Mạch cấp nước kết hợp phát điện, giao thông,

cải thiện môi trường cảnh quan thủ đô Hà Nội’

(1)

TỔNG QUÁT

MỞ ĐẦU

 

Tổng Giám đốc

 Tập đoàn Bình Minh Phùng Văn Hệ,

người đề xuất dự án

Hà Nội là thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của cả nước, đô thị loại đặc biệt; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học quan trọng quốc gia; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Ngày 26 tháng 07 năm 2011, Thủ tướng chính phủ ra Quyết định số 1259/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu phát triển của Thủ đô được tóm tắt như sau: Xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế trí thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.

Dự án Hệ – Mạch cấp nước, kết hợp phát điện, giao thông, cải thiện môi trường cảnh quan của thủ đô Hà Nội là một dự án lớn, đa mục tiêu và có ảnh hưởng lớn đến việc phát triển cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường của thủ đô Hà Nội nói chung và khu vực phía tây nói riêng. Phạm vi nghiên cứu của dự án có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và ảnh hưởng trên một khu vực rộng lớn thuộc địa giới hành chính của các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ và thành phố Hà Nội.

1.      Tóm tắt quá trình nghiên cứu

Từ năm 2002, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu Đề án Hệ – Mạch. Từ năm 2002 đến năm 2007, Công ty đã tiến hành viết ý tưởng, lập hồ sơ, báo cáo xin ý kiến các cấp có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương thuộc vùng dự án. Đến tháng 6 năm 2007, công ty đã hoàn chỉnh Đề án trình Chính phủ và Báo cáo UBND các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Tây (trước đây), Hòa Bình và Phú Thọ.

Ngày 22 tháng 6 năm 2007, Văn Phòng Chính Phủ có văn bản số 3461/VPCP-CN, Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương liên quan xem xét, nghiên cứu Đề án Hệ –Mạch, trình Thủ tướng Chính phủ.

Bình đồ vùng dự án

Ngày 28 tháng 12 năm 2007, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 9564/BKH – KTNN về Dự án Hệ - Mạch trình Thủ tướng Chính phủ. Nội dung công văn tổng hợp các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương bao gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ (CV số 2063/BKHCN-ĐTG ngày 10/08/2007), Bộ Nông nghiệp và PTNT (CV số 2202/BNN-TL ngày 9/08/2007), Bộ Công Thương (CV số 150/BCT-NLDK ngày 13/08/2007), Bộ Tài Chính (CV số 11011/BTC-ĐT ngày 17/08/2007), Bộ Xây dựng (CV số 1760/BXD-HTĐT ngày 15/08/2007), Bộ Tài nguyên Môi trường (CV số 3334/BTNMT-TĐ ngày 7/06/2007), UBND tỉnh Hà Tây (Tờ trình số 2090TTr/UBND-TH ngày 07/06/2007), UBND tỉnh Hòa Bình (CV số 1452/UBND-ĐT ngày 15/08/2007), UBND tỉnh Phú Thọ (Tờ trình số 1279TTr-UBND ngày 15/06/2007), UBND thành phố Hà Nội (CV số 4734/UBND-KHĐT ngày 30/08/2007).

Ngày 01/02/2008 Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 775/VPCP-CN, hoan nghênh ý tưởng của đề án và Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành địa phương liên quan nghiên cứu Đề án Hệ –Mạch, sau khi được bổ sung, hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ngày 27/03/2009, Bộ Xây dựng có văn bản số 499/BXD-HTKT trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ: Bộ Công Thương (văn bản số 8185/BCT-NL ngày 15/09/2008), Bộ Tài nguyên Môi trường (CV số 3640/BTNMT-KH ngày 22/09/2008), Bộ Nông nghiệp và PTNT (CV số 2914/BNN-TL ngày 29/09/2008). 

Ngày 05/12/2009, Văn phòng Chính phủ có công văn số 8702/VPCP-KTN giao Tập đoàn Bình Minh chủ động đề xuất báo cáo Bộ Xây dựng một số nội dung liên quan đến hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô Hà Nội và trình bày các ý tưởng có tính khả thi trong quá trình lập Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Ngày 25/05/2010, Thủ tướng Chính phủ có công văn số 853/TTg-KTN giao Tập đoàn Bình Minh lập Báo cáo đầu tư Dự án Hệ – Mạch cấp nước, kết hợp phát điện, giao thông, cải thiện môi trường cảnh quan của Thủ đô Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 07/07/2011, Văn phòng Chính phủ có công văn số 4581/VPCP-KTN thông báo ý kiến Thủ tướng, giao Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh bổ sung hạng mục đập dâng sông Hồng vào dự án Hệ Mạch cấp nước, kết hợp phát điện, giao thông, cải thiện môi trường cảnh quan của Thủ đô Hà Nội, trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương bao gồm: Bộ Nông nghiệp và PTNT (CV số 703/BNN-TCTL ngày 16/03/2011); Bộ Công Thương (CV số 1777/BCT-NL ngày 03/03/2011); Bộ Xây dựng (CV số 561/BXD-KTQH ngày 19/4/2011); Bộ Kế hoạch và Đầu tư (CV số 2113/BKHĐT-KTĐPLT ngày 06/4/2011); Bộ Tài nguyên và Môi trường (CV số 842/BTNMT-KH ngày 08/03/2011); UBND thành phố Hà Nội (Công văn số 1730/UBND-NN ngày 15/03/2011); UBND tỉnh Phú Thọ (Công văn số 858/UBND –KT5 ngày 30/03/2011).

Thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương... Công ty Cổ phần tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh đã ký kết hợp đồng tư vấn với Tổng công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam – CTCP (HEC), cộng tác với nhiều chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực giao thông, kiến trúc, môi trường, cấp thoát nước, thủy lợi, thủy điện, ..., phối hợp tiến hành nghiên cứu, khảo sát, lập Báo cáo đầu tư dự án Hệ Mạch cấp nước, kết hợp phát điện, giao thông, cải thiện môi trường cảnh quan của Thủ đô Hà Nội, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2.      Cơ quan lập Báo cáo đầu tư

-             Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh (Hà Nội) là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện lập Báo cáo đầu tư.

-             Tổng công ty Tư vấn xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam – CTCP thực hiện nhiệm vụ khảo sát, lập Hồ sơ Báo cáo đầu tư.

3.      Tên dự án:

Dự án Hệ Mạch cấp nước kết hợp phát điện, giao thông, cải thiện môi trường cảnh quan thủ đô Hà Nội.

4.      Địa điểm xây dựng:

Tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ và Thủ đô Hà Nội

5.      Mục tiêu dự án

Góp phần thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, xây dựng Thủ đô phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa, bảo vệ và tăng cường cảnh quan môi trường. Nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng hưởng lợi. 

Các mục tiêu cụ thể bao gồm:

-             Cấp nước: cung cấp nguồn nước sạch chủ động, ổn định bền vững, chi phí thấp cho sinh hoạt, công nghiệp và các nhu cầu dùng nước khác cho Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận.

-             Kết hợp phát điện: xây dựng nhà máy thủy điện nhằm bổ sung điện năng cho khu vực, tăng cường an ninh năng lượng cho Thủ đô Hà Nội.

-             Kết hợp giao thông: cải thiện hệ thống giao thông trong vùng dự án, phù hợp quy hoạch và tiết kiệm chi phí đầu tư.

-             Cải tạo môi trường, cảnh quan: góp phần chống ô nhiễm, cải tạo môi trường các sông hồ của Thủ đô Hà Nội. Đảm bảo môi trường nước trong sạch, lưu thông dòng chảy, gắn với chỉnh trang đô thị và dân cư nông thôn nhất là vào mùa khô.

-             Góp phần cắt lũ sông Hồng.

6.      Nhiệm vụ của dự án

-             Cấp nước: xây dựng hệ thống cửa nhận nước thuộc dự án thành phần Hệ Mạch 1, đường dẫn lấy nước từ hồ Hòa Bình, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch chủ động, ổn định bền vững, chi phí thấp cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp sạch và các nhu cầu dùng nước khác cho Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận. Giảm và dần thay thế hoàn toàn việc khai thác nước ngầm;

-             Kết hợp phát điện: xây dựng nhà máy thủy điện Hệ Mạch 1 kết hợp trên tuyến đường dẫn cấp nước Hệ Mạch 1, công suất lắp máy dự kiến khoảng 100MW và nhà máy thủy điện Hệ Mạch 2 kết hợp trên tuyến đập dâng sông Hồng, công suất lắp máy dự kiến khoảng 90MW;

-             Kết hợp giao thông: xây dựng tuyến giao thông kết hợp với tuyến trục dẫn nước và các hạng mục công trình khác thuộc dự án đảm bảo phù hợp quy hoạch và giảm chi phí đầu tư xây dựng. Góp phần tăng cường giao thông đô thị của Thủ đô, các đường vành đai, đường nối Hà Nội – Việt Trì, đường Xuyên Á; kết nối Thủ đô với các tỉnh lân cận và phát triển giao thông thủy nội địa.

-             Cải tạo môi trường, cảnh quan: tiếp nước cho sông Tích, cải tạo và làm sống lại dòng sông Đáy, cấp bổ sung nước sạch để cải tạo môi trường sông Nhuệ, sông Tô Lịch, Hồ Tây và một số các sông hồ khác của thủ đô Hà Nội để lưu thông dòng chảy, nhất là vào mùa khô. Duy trì ổn định mực nước hồ Đồng Mô, tăng cường cảnh quan khu du lịch và Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

-             Tham gia cắt lũ sông Hồng.

...

 

(còn nữa)