Diễn đàn về hiện tượng nước thấm qua đập Sông Tranh 2 (1).[21/03/12]

21/03/2012 15:52

29

Diễn đàn về hiện tượng nước thấm qua đập Sông Tranh 2 (1)


Trao đổi ý kiến ngắn với GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, Chủ tịch VNCOLD 
 

Mời thảo luận và xem bài đã có trên website của VNCOLD:

www.vncold.vn/Web/Content.aspx?distid=2957

 BBT. Hiện tượng nước thấm qua đập Sông Tranh 2 gần đây đã làm ‘nóng’ dư luận trong giới chuyên môn cũng như trong toàn xã hội. Văn phòng Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD) & Thường trực Ban biên tập (BBT) www.vncold.vn nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ các báo (báo giấy, báo hình, báo mạng) và đông đảo mọi người quan tâm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ý kiến ngắn với GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, Chủ tịch VNCOLD, về chủ đề này để mở đầu ‘Diễn đàn’.

Hỏi:  Về hiện tượng nước thấm qua đập Sông Tranh 2 gần đây, ông đã trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong và đă được đăng lại trên website của VNCOLD (www.vncold.vn/web/Content.aspx?distid=2957). Tuy nhiên Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3 ‘khẳng định dòng thấm chảy ra phía hạ lưu đập và toàn bộ lưu lượng được xác định là khoảng 30 l/s không ảnh hưởng đến an toàn, ổn định đập…. Hiện tượng nước chảy ra ở 3 vị trí hạ lưu đập là các vị trí khe nhiệt chứ không phải khe nứt. 30 khe nhiệt được thiết kế bố trí và thi công đều trên toàn tuyến đập... Các khe nhiệt này xuyên suốt từ phía thượng lưu về hạ lưu’. Theo ông thì nhận định như vậy đã thỏa đáng chưa?

Trả lời: Hiện tượng nước thấm qua đập Sông Tranh 2 như được tường thuật trên  báo chí (kể cả các loại báo hình, báo mạng,..) là nghiêm trọng và phải được xử lý nghiêm túc và khẩn trương. Dòng thấm phát sinh do mức nước chênh lệch giữa thượng và hạ lưu đập. Cho đén nay, tỷ lệ đập bị mất an toàn do tác động của dòng thấm (trong thân đập và cả trong nền đập) là khá cao trên thế giới. Không được phép để nước thấm tràn ra mái hạ lưu. Nước thấm trong  đập đất thì phải qua tầng lọc trước khi ra phía hạ lưu.   Nước thấm trong đập bê tông thì được gom lại trong các hành lang ở thân đập để chuyển xuống hạ lưu theo đường riêng. Dòng thấm xuyên qua  đập Sông Tranh 2 chảy tràn ra mái hạ lưu đập phải được khắc phục ngay và triệt để. Tôi chưa rõ căn cứ từ đâu để cho phép thấm  30 l/s ra mái hạ lưu đập bê tông đầm lăn là loại bê tông ít xi măng được dùng ở nước ta trong khoảng 10 năm nay. Thi công công trình bê tông khối lớn thì đương nhiên phải thức hiện theo từng khối đổ. Tuy nhiên các chỗ tiếp giáp (’khe’) bao giờ cũng phải được xử lý chống thấm rất cẩn thận chứ không thể để nước từ thượng lưu xuyên qua đập ra mái hạ lưu.

 Hỏi:  Các chỗ nước chảy ra mái hạ lưu đang được trám để bịt lại. Theo ông thì biện pháp này đã đủ chưa? Nếu chưa thì có thể dùng các biện pháp nào?

Trả lời: Việc bịt các chỗ nước chảy ra mái hạ lưu không thể coi là biện pháp đảm bảo chống thấm triệt để, ổn định lâu dài, cho đập bị thấm như thế này. Phải chống thấm từ mặt thượng lưu đập. Có nhiều cách giải quyết như hạ thấp mức nước hồ, làm khô mái thượng lưu rồi dán màng địa kỹ thuật (geomembrane) chống thấm, sơn phủ chống thấm,  phụt lớp gia cố chống thấm cho bê tông phía mặt thượng lưu,… Việc  dán màng địa kỹ thuật chống thấm cũng có thể thực hiện ngay cả trong nước lúc đầy hồ.

 

www.vncold.vn