Diễn đàn về hiện tượng nước thấm qua đập Sông Tranh 2(18).[23/04/12]
23/04/2012 09:00
thấm qua đập Sông Tranh 2
(18)
THẤM QUA ĐẬP THỦY ĐIỆN SÔNG TRANH 2 –
NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM NÊN PHÁT NGÔN ĐÚNG KỸ THUẬT, RÕ RÀNG
VÀ NHẤT QUÁN
Hoàng Xuân Hồng - Trưởng Ban KHCN
Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam
Theo Vietnamnet, sáng 18/4 đoàn công tác của tỉnh ủy, quốc hội, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh cùng các ngành chức năng đã có chuyến tổng kiểm tra sự cố chảy nước tại hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2.
Khi trả lời các câu hỏi của đoàn công tác, ông Trần Văn Hải, giám đốc Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3, chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 đã có những phát ngôn chưa đúng kỹ thuật, không rõ ràng và nhất quán.
Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải từ thân đập trở ra đã lắc đầu bảo: nước vẫn còn chảy trong thân đập.
Còn ông Trần Văn Hải lại nói đến thời điểm này mực nước hồ chứa đã hạ thấp dưới cao trình 140 (?) nên việc thấm chảy nước đã tạm thời chấm dứt. Tất cả các điểm thấm nước đã được thu gom trong thân đập. Lượng rò rỉ qua thân đập vẫn đang ở mức 75 l/s, gấp 5 lần cho phép.
Xin hỏi tại sao lại mâu thuẫn, không nhất quán như vậy.
Ông Trần Văn Hải (Giám đốc Ban QLTĐ 3) nói rằng hàng loạt đập thủy điện, đập nào cũng thấm và đập bê tông đầm lăn (RCC) lại càng thấm. Độ thấm của đập Sông Tranh 2 thuộc vào loại trung bình.
Điều này xin đề nghị ông Hải nói chính xác vì theo tôi được biết thì Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN) chưa có tổng kết và phân loại các đập do EVN quản lý, cái nào là thấm nhiều, cái nào là thấm ít và Sông Tranh 2 vào loại thấm trung bình. Nếu thấm ở đập Sông Tranh 2 mới chỉ vào loại trung bình thì còn những đập nào nữa thấm nhiều hơn?
Nhiều đập bê tông được xây dựng trong hơn một thập kỷ vừa qua đã không hề có nước thấm, ví dụ như các , đập Tân Giang (Ninh Thuận), đập sông Lòng Sông (Bình Thuận) dùng bê tông truyền thống, và đặc biệt là đập Định Bình dùng RCC mà ở hành lang trong thân đập không có nước, mặt đập hạ lưu khô rang.
Như vậy, nói đập RCC lại càng thấm là phi kỹ thuật vì khi dùng loại vật liệu gì cho đập thì các kỹ sư thiết kế bao giờ cũng phải xem xét kỹ giải pháp đảm bảo nghiêm ngặt khả năng chống thấm của đập. Phải xác định cấp phối bê tông thân đập để bê tông đạt được các yêu cầu về cường độ chịu nén, cường độ chịu kéo và hệ số thấm bất kể đó là RCC hay bê tông truyền thống. Trước khi thi công phải tổ chức thí nghiệm cấp phối để chọn cấp phối tối ưu và phải đảm bảo các chỉ tiêu thiết kế đã đề ra. Đồng thời phải có biện pháp chống thấm ở mặt thượng lưu đập.
Thông thường với bê tông đập trọng lực (kể cả RCC và bê tông truyền thống) được thiết kế cấp phối để bê tông đạt được mác chống thấm W, hệ số thấm kt, . Kết quả một số thí nghiệm của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho thấy với RCC ở tuổi 90 ngày, mác chống thấm là 2, hệ số thấm kt = 10-8 cm/s, với hệ số thấm nhỏ như vậy thì phải mấy chục năm đến hàng trăm năm sau khi tích nước trong hồ mới có thể hình thành đường bão hòa trong thân đập và không bao giờ đường bão hòa chạy ra mái hạ lưu đập.
Việc hồ sông Tranh 2 mới tích nước được 3 tháng mà đập đã thấm với lưu lượng lớn như vậy tức là không tuân theo quy luật thấm của đập.
Nếu đánh giá 7% nước thấm qua bê tông, còn lại là thấm qua khe nhiệt dựa trên cơ sở nào? Thiết kế nào lại cho phép thấm qua khe nhiệt. Nên nhớ rằng khe nhiệt (thực tế hay dùng trong kỹ thuật thủy lợi-thủy điện gọi là khe co giãn) không bao giờ cho nước chảy qua vì phía thượng lưu các khe đã có 1 đến 2 vật chắn nước bằng đồng hoặc PVC được thi công lắp đặt rất kỹ, kiểm tra rất khắt khe để đảm bảo hoàn toàn kín nước.
Nguyên nhân thấm, theo ông Hải, là do hệ thống thu gom nước chưa hoạt động tốt. Đây chỉ là yếu tố rất phụ.
Vụ việc Sông Tranh 2 không phải chỉ có chủ đầu tư lo lắng mà cả nước lo lắng. Nếu hiểm họa xảy ra thì không có gì có thể bù lại cho sự mất mát to lớn này, bởi vậy ở thủy điện sông Tranh 2 cần có sự minh bạch rõ ràng, chính xác khi xác định nguyên nhân thấm.