Diễn đàn về hiện tượng nước thấm qua đập Sông Tranh 2 (20).[30/04/12]
29/04/2012 22:59
Sông Tranh 2 (20)
Nếu ít lâu nữa phải sửa chữa lần hai thì sẽ tốn kém hơn nhiều
BBT. Ông Michel Hồ Tá Khanh, một chuyên gia Việt kiều làm việc lâu năm và rất có kinh nghiệm của Điện lực Pháp (EDF), hết sức quan tâm đến an toàn của đập ở Việt Nam nói chung và của đập Sông Tranh 2 nói riêng. Ông viết thư ngỏ bày tỏ ý kiến của mình đến các cơ quan hữu quan về biện pháp khắc phục sự cố Sông Tranh 2. Mấy chục năm trời làm việc cho EDF, ông đã từng tham gia xử lý rất nhiều sự cố đập, thử nghiệm nhiều công nghệ khác nhau.
ooo
Kính gửi Quý Vị,
Là một chuyên gia chịu trách nhiệm về theo dõi, kiểm tra và bảo trì của Điện Lực Pháp (EDF) đối với các đập, và hướng dẫn, giám sát thiết kế, thi công nhiều đập bê tông đầm lăn (RCC) ở Pháp và nước ngoài hơn 35 năm qua, tôi gửi tới quý vị thư ngỏ này trình bày một số ý kiến của tôi về sự cố đập Sông Tranh 2.
Qua những điều đã đọc và nhìn thấy vế sự cố đập Sông Tranh 2 trong vài tuần qua tôi có một số lo ngại như:
· Quyết định chặn dòng thấm qua các khớp nối và khe nứt bằng cách bịt trám chúng lại ở mặt hạ lưu đập và cố gắng khoan phụt.
· Các tuyên bố không đúng trên báo chí và truyền hình Việt Nam, của lãnh đạo và các kỹ sư địa phương – thường không chuyên về kỹ thuật công trình đập, đã không cung cấp các thông tin đúng cho những người ra quyết định và cho công chúng, họ có thể có lý do chính đáng để hoài nghi về độ tin cậy của những thông tin trên.
Liên quan đến điểm thứ nhất, như tôi đã lưu ý trong thư trước, các công việc đã làm là không thích hợp, lại còn gây bất lợi cho ổn định đập và không có tác dụng như tình hình thấm mạnh hiện nay đã cho thấy. May là các công việc trên hiện đã dừng lại.
Liên quan đến điểm thứ hai tôi lưu ý đến một số ví dụ về các tuyên bố không đúng, như:
· Các ước định khác nhau và thay đổi về tổng lượng thấm, và phát biểu đã đo đạc chính xác với sai số vài phần trăm: thực tế rất khó đo chính xác và kết quả không phải thấm qua toàn bộ đập.
· Về cái gọi là “giới hạn lớn nhất” về thấm đối với an toàn của một đập RCC: “giới hạn lớn nhất” này không có nghĩa vì nó phụ thuộc vào loại RCC được dùng trong đập, đặc tính của đập và nền, vị trí, độ lớn, điểm nguồn, thời gian và tiến triển thấm. Không thể thực sự quy định được “giới hạn lớn nhất” này ở đập Sông Tranh 2 nếu thuật ngữ này mang một ý nghĩa nào đó. Nguy cơ đối với an toàn đập cần được lượng định bởi các chuyên gia về đập, xét đến nhiều thông số kỹ thuật và phân tích, không chỉ dựa trên ước định về tổng lượng nước thấm!.
· Liên quan giữa tình hình thấm hiện nay với rủi ro trong trường hợp xẩy ra động đất: rủi ro này phải được xét đến và phải được đánh giá hợp lý theo thực tế hiện trường và cũng có thể theo phương pháp sửa chữa (ví dụ, lường trước các vết nứt có thể trong tương lai và độ mở của khớp nối), nhưng trước mắt, rủi ro trên không phải là vấn đề chính và khẩn cấp, có thể không dẫn đến nhiều lo ngại hơn đối với người dân sống ở hạ lưu đập.
Hiện nay, phương pháp sửa chữa hướng đến cho đập Sông Tranh 2 là xử lý các khe nứt và khớp nối ở mặt thượng lưu đập bằng màn chống thấm (geomembrane). Theo ý kiến tôi, đề nghị này là đúng và tôi có một số bình luận trên cơ sở các kinh nghiệm của tôi trong việc ứng dụng geomembrane để sửa chữa đập và các khuyến nghị nêu trong Bulletin 135 của Hội Đập Lớn Thế Giới (ICOLD - Geomembrane Sealings Systems for Dams).
1. Trước khi tiến hành lựa chọn phương pháp, cần đánh giá và phân tích đúng các nguồn gây thấm (như do kéo giãn khớp nối và các khe nứt, các mặt nằm ngang giữa các lớp RCC, vật liệu RCC không đủ độ kín nước…) và vị trí của chúng (sửa chữa dưới nước hay có thể trên khô).
2. Sửa chữa dưới nước đòi hỏi chi phí và thời gian lớn hơn nhiều và thường cho kết quả kém hơn so với sửa chữa trên khô. Do vậy, cần tham khảo kỹ việc áp dụng phương pháp đề nghị ứng với đầu nước tương đương với đầu nước yêu cầu ở Sông Tranh.
3. Nếu dự kiến khoan phụt, điều quan trọng là cần biết áp lực phụt lớn nhất đề nghị và các áp lực tham chiếu để lấp kín các khe nứt bằng chất dính kết tổng hợp đề nghị trong các điều kiện tương tự.
4. Sự cố định các màn chống thấm geomembrane ở bề mặt bê tông phải được đảm bảo bằng thiết bị cơ khí và không được bằng cách dán sử dụng chất keo dính.
5. Cần có thiết bị tiêu nước ngay sau geomembrane để kiểm soát độ kín nước của nó và để tránh áp lực đẩy ngược có thể hình thành trong trường hợp xẩy ra khuyết tật.
6. Phương pháp và vật liệu được chọn cho sửa chữa phải đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới và đã được kiểm chứng cho kết quả tốt thông qua các trường hợp, kinh nghiệm thực tế.
7. Việc lựa chọn không được chỉ dựa trên mỗi chi phí cho phương pháp áp dụng mà còn phải dựa trên tính hiệu quả và độ lâu bền. Thường yêu cầu thời gian bảo hành 10 năm vì những khuyết tật chỉ có thể xuất hiện từ sau vài năm trở đi.
8. Nếu phải sửa chữa lần hai sau vài năm thì sẽ tốn kém hơn nhiều so với lần đầu và tổng chi phí thực sẽ rất cao.
Tôi sẵn sàng tiếp tục trao đổi theo yêu cầu của quý vị.
Kính thư,
M. Ho Ta Khanh
Hội viên Hội Đập Lớn & PT nguồn nước Việt Nam
Hội viên Hội Đập và Hồ Chứa Pháp.