Diễn đàn về hiện tượng nước thấm qua đập Sông Tranh 2(24).[21/05/12]

21/05/2012 08:18

19

Diễn đàn về hiện tượng nước thấm qua đập Sông Tranh 2

(24)

 

 

Trả lời bài “Trao đổi … về đập Sông Tranh 2” của ông KSCC Bùi Khôi Hùng

 

TS Nguyễn Bách Phúc

Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP Hồ Chí Minh (HASCON),

Viện trưởng Viện Điện – Điện tử - Tin học TP Hồ Chí Minh (EEI)

0918082601 ,   nguyenbachphuc@gmail.com

 

Cuối tháng 3/2012 chúng tôi đã viết bài “Sự cố Đập Thuỷ điện Sông Tranh 2: Vì an toàn sinh mạng của hàng vạn người dân hạ lưu”, kiến nghị Thủ tướng lập tức ra lệnh xả cạn hồ trong suốt thời gian tìm kiếm nguyên nhân và khắc phục sự cố kiến nghị Thủ Tướng Chính Phủ lập tức ra lệnh xả cạn nước ở đập Thủy điện Sông Tranh 2 nhằm đảm bảo an toàn cho hàng vạn người dân ở hạ lưu. Bài đã đăng lên trang web của Hội Đập lớn & PT nguồn nước VN www.vncold.vn (trang  /Web/Content.aspx?distid 2969 ). Kiến nghị này đã được sự ủng hộ rộng rãi của công luận, được đăng tải trên rất nhiều báo chí và rất nhiều trang mạng.

 Đầu tháng 4/2012 Chính phủ đã chỉ đạo EVN xả nước đập Sông Tranh 2 đến mức nước chết. Chúng tôi rất vui mừng, rất cảm ơn Chính phủ đã kịp thời ra quyết định này. Sau khi đã có quyết định đúng đắn xả bớt 70% nước, vấn đề quan trọng nhất là sửa chữa khắc phục sự cố của đập như thế nào? Ngày 18 tháng 4, một số tờ báo đưa tin EVN công bố phương pháp sửa chữa Đập Sông Tranh 2, trong đó không hề nói đến việc tìm nguyên nhân, mà vẫn khẳng định đập “an toàn”, “chỉ có nước thấm qua khe nhiệt”. Nhận xét việc EVN sửa chữa đập Sông Tranh 2, một nhà khoa học đã nói: chỉ là để “cho vui”! Chúng tôi cũng vô cùng ngạc nhiên, và vì vậy không thể không lên tiếng được. Chúng tôi đã viết bài thứ 2: “Đập Thủy điện Sông Tranh 2: Sao không tìm kiếm nguyên nhân trước khi khắc phục sự cố?”, đã đăng lên trên www.vncold.vn (trang  /Web/Content.aspx?distid=3001  ). Bài này cũng đã được sự ủng hộ rộng rãi của công luận, được đăng tải trên rất nhiều báo chí và rất nhiều trang mạng

 Ngày 10 tháng 5 năm 2012, trên mạng Iternet lưu hành bài viết của ông Kỹ sư cao cấp Bùi Khôi Hùng, nhan đề “Trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc về đập Sông Tranh 2”, trên   www.vncold.vn (trang  /Web/Content.aspx?distid=3015  ), trong đó ông Hùng chỉ lặp lại và bênh vực những ý kiến của EVN, nhưng không có một minh chứng khoa học nào. Chúng tôi buộc phải viết bài trả lời.

ooo

Rất vui mừng được đọc những lời mở đầu tốt đẹp của ông Hùng:“tôi thích tinh thần tự do, dân chủ, nhìn thẳng vào sự thật”, “Tôi thấy cần thiết phải viết bài này để bàn một số vấn đề mà TS Nguyễn Bách Phúc hiểu chưa đúng”.

Thưa ông Hùng, từ thuở ấu thơ đến nay, tôi vẫn sống theo triết lý: “Ai chỉ cho tôi một sơ suất nhỏ, người đó là bạn của tôi, ai chỉ cho tôi một sai lầm dù nhỏ, người đó là thầy của tôi, còn ai khen ngợi những điều mà tôi không có, người đó là kẻ thù của tôi!”. Tôi khấp khởi mong có thêm được một người bạn mới, một người thầy mới, là ông Hùng. Nhưng thú thực, tôi vô cùng thất vọng sau khi đọc hết bài của ông, vì ông chẳng chỉ ra được sơ suất nào hay lỗi lầm nào của tôi, những thứ mà ông cao giọng gọi là “một số vấn đề mà TS Nguyễn Bách Phúc hiểu chưa đúng”.

Phần đầu của mục 1 bài này, ông Hùng viết rất dài, nhưng tựu trung chỉ là hết lời chứng minh cho tính chính xác, tính đúng đắn của việc thiết kế đập Sông Tranh 2.

Ông Hùng nói ông muốn “tranh luận”, nhưng theo tôi biết, chưa có nhà khoa học nào đưa ra lời bình luận về thiết kế của đập Sông Tranh 2, vậy ông Hùng “tranh luận” với ai? thật buồn cười, đúng là ở đây ông Hùng đang “tranh luận” một mình!

Xin ông Hùng hiểu cho điều đơn giản là các nhà khoa học chỉ bình luận khi có trong tay bản thiết kế, khi có điều kiện thẩm tra, tính toán lại. Còn ông Hùng không thấy ông nói rằng ông có trong tay bản thiết kế, và ông đã tính toán kiểm tra lại, nhưng ông vẫn hết lời ca tụng, là làm sao? Chắc có lẽ ông là một siêu nhân có thể hiểu thấu được mọi lẽ đời, mọi chân lý khoa học, có thể khẳng định mọi điều khi chỉ cần nghe người ta nói!

Phần sau của mục 1, ông Hùng nói: “Sau khi xảy ra rò, thấm nước về hạ lưu, Cơ quan tư vấn, chủ đầu tư và nhà thầu đã tiến hành điều tra đo vẽ chi tiết các hư hỏng và khuyết tật có thể có ở mái đập hạ lưu, mái đập thượng lưu (khi mực nước hồ đã hạ thấp xuống gần mực nước chết), ở 3 hành lang tiêu nước trong thân đập , đã xác định rằng nước hồ bị thấm, rò hoặc phun về phía hạ lưu chỉ theo 10 khe nhiệt.”

Lại một lần nữa ông Hùng tự chứng minh rằng ông là một siêu nhân, bởi vì chỉ có siêu nhân thì mới làm được cái việc mà ông tâm đắc: chỉ cần tiến hành điều tra đo vẽ chi tiết các hư hỏng và khuyết tật có thể có ở mái đập hạ lưu, mái đập thượng lưu, ở 3 hành lang tiêu nước trong thân đập là hoàn toàn có thể xác định rằng nước hồ bị thấm, rò hoặc phun về phía hạ lưu chỉ theo 10 khe nhiệt. Các nhà khoa học chân chính, không có trình độ siêu nhiên như  ông Hùng, họ phải tìm mọi cách kiểm tra chính xác tình trạng trong thân đập, rồi mới dám đưa ra kết luận

Tiếp đến ông Hùng nói đến 3 điều kiện mà TS Nguyễn Bách Phúc nêu ra, có lẽ đây là phần chủ yếu của bài báo có tính chất tranh luận” của ông Hùng.

Ông Hùng viết: “Theo TS Nguyễn Bách Phúc, điều kiện thứ nhất để đập ổn định là mỗi bloc đập bê tông trọng lực nằm giữa 2 khe nhiệt phải tự ổn định, không bị các vết nứt chia cắt thành 2 hoặc 3 cục nhỏ, khi đó dù trọng lượng vẫn đủ nhưng khả năng tự chống trượt, tự chống lật không còn nữa. Thấy rằng hiện nay trong mỗi bloc không hề có các khe nứt ngang dọc chia cắt, vẫn giống nguyên như điều kiện được tính toán thiết kế.”

Ở đây không thấy ông Hùng nói đến “vấn đề mà TS Nguyễn Bách Phúc hiểu chưa đúng”, có nghĩa là ông Hùng công nhận điều kiện thứ nhất là đúng, xin cám ơn ông Hùng.

Nhưng hết sức lạ lùng khi nghe ông nói “Thấy rằng hiện nay trong mỗi bloc không hề có các khe nứt ngang dọc chia cắt, vẫn giống nguyên như điều kiện được tính toán thiết kế.”

Ông Hùng viết câu này là câu vô chủ, xin hỏi ông: Ai thấy? Có lẽ chỉ có mỗi mình ông Hùng có con mắt của Tề Thiên Đại Thánh mới có thể thấy được trong mỗi bloc không hề có các khe nứt ngang dọc, còn các nhà khoa học chân chính, những người trần mắt thịt, thì không thể nào thấy được như ông Hùng, nên chúng tôi đã kiến nghị phải dùng các phương tiện kỹ thuật hiện đại để thăm dò và tìm kiếm khe nứt, khoảng trống trong thân đập.

Ông Hùng viết: “Điều kiện thứ hai là mỗi bloc phải đủ trọng lượng (đủ nặng) theo như thiết kế. Nhưng TS Nguyễn Bách Phúc e ngại rằng do thi công và giám sát không chặt chẽ nên trong thân đập tồn tại những khoảng trống ghê gớm như các hố tử thần ở thành phố Hồ Chí Minh làm cho trọng lượng của đập bị giảm đi so với thiết kế.” Như đã trình bày ở trên, phương pháp thi công đập bê tông đầm lăn là rải từng lớp bê tông nghèo dày khoảng 30 cm rồi đầm chặt bằng lu rung với số lần quy định. Theo quy trình đắp đập thì phải thi công liên tục để không tạo ra khe lạnh giữa các lớp, định kỳ khoan lấy mẫu bê tông ở các lớp và thí nghiệm tính chất cơ lý của chúng để đối chiếu với yêu cầu của thiết kế. Dù công tác thi công và giám sát có thiếu sót đến đâu chăng nữa thì cũng không thể nào tạo thành các hố tử thần trong thân đập đến nỗi làm giảm trọng lượng của đập, chỉ có thể tại một số vị trí có chất lượng bê tông đầm lăn không đạt yêu cầu của thiết kế”.

Ở đây không thấy ông Hùng nói đến “vấn đề mà TS Nguyễn Bách Phúc hiểu chưa đúng”, có nghĩa là ông Hùng công nhận điều kiện thứ hai là đúng, xin cám ơn ông Hùng.

Tuy nhiên, để cố chứng minh rằng trong thân đập không có khoảng trống (“hố tử thần”), ông Hùng cố tình nói theo sách vở, theo bài bản. Đương nhiên sách vở bài bản thì có bao giờ sai!

Nhưng ông quên rằng chúng tôi đã viết: “Nếu thi công đúng theo thiết kế, và giám định chính xác, thì đương nhiên trong thân đập sẽ không có khoảng trống. Thế nhưng rất tiếc, thực tiễn nhiều công trình của chúng ta, mặc dù thiết kế, thi công, giám sát đều rất chặt chẽ, nhưng cuối cùng trong lòng công trình vẫn tồn tại những khoảng trống ghê gớm, các “hố tử thần” đầy rẫy trên các tuyến đường của Thành phố Hồ Chí Minh và các Thành phố khác, là những ví dụ không thể chối cãi được”

Như vậy cái khác nhau giữa chúng tôi và ông Hùng là ở chỗ: Chúng tôi xét về thực tiễn, trong khi ông Hùng né tránh thực tiễn mà chỉ nói chuyện lý thuyết sách vở. Thử hỏi ông “tranh luận” ở chỗ nào?

Ông Hùng viết: “Điều kiện thứ ba là nền đập phải được bảo đảm là ổn định, nếu nền đập bị lún, sụt, xói lở thì đập vẫn có thể bị trượt, bị lật. Theo thiết kế thì đập Sông Tranh 2 được đặt trên nền đá granit phong hóa nhẹ (đới IIA). Trong quá trình thi công, sau khi đào đất đá tới cao trình thiết kế thì các kỹ sư phải mô tả địa chất hố móng, yêu cầu phải cậy dọn các đá long rời trước khi đổ bê tông. Theo tài liệu địa chất hố móng hoàn công thì nền đập chủ yếu là đá granit phong hóa nhẹ (đới IIA) rất cứng chắc, có chỗ còn là đá granit tươi (đới IIB).Tại nền đập có gặp một số đứt gãy nhỏ bậc IV (có chiều rộng 1-3 m) và bậc V (có chiều rộng khoảng 0,5 m) đều đã được xử lý bằng cách đào bóc sâu 1-2 lần chiểu rộng của đứt gãy rồi đổ bê tông M150 lấp đầy. Sau đó toàn bộ nền đập được phụt xi măng gia cố để lấp đầy các khe nứt, làm tăng chất lượng của nền đá. Như vậy có thể khẳng định rằng nền đập Sông Tranh 2 không thể xảy ra lún, sụt, xói lở.”

Ở đây không thấy ông Hùng nói đến “vấn đề mà TS Nguyễn Bách Phúc hiểu chưa đúng”, có nghĩa là ông Hùng công nhận điều kiện thứ ba là đúng, xin cám ơn ông Hùng.

Chúng tôi đã viết: “Tình trạng nền đập Sông Tranh 2 sau hàng loạt các trận động đất kích thích vừa qua, liệu có còn được ổn định như thiết kế ban đầu hay không? hoặc có thể giữ được ổn định nếu còn tiếp tục động đất xảy ra sau này? Điều này EVN không chứng minh, nhưng EVN vẫn đưa ra kết luận là đập an toàn!”

Như vậy cái khác nhau giữa chúng tôi và ông Hùng là ở chỗ: Chúng tôi nghi ngại khả năng ổn định của nền đập và từ đó đề nghị kiểm tra lại, còn ông Hùng thì “khẳng định rằng nền đập Sông Tranh 2 không thể xảy ra lún, sụt, xói lở”.

Một con người bình thường có tư duy lành mạnh, một nhà khoa học chân chính có trí tuệ và có kiến thức, không bao giờ khẳng định một điều gì đó trước khi kiểm tra lại kỹ càng. Ông Hùng không cần kiểm tra mà mạnh miệng khẳng định, có lẽ đến Thượng Đế (nếu có) cũng không dám phán liều như ông Hùng!

Mục hai của bài ông Hùng viết: “Do nước thấm không chảy được vào hành lang nên đã phun và chảy ra ở mái hạ lưu. Ban quản lý và nhà thầu đã vội vã trám bịt các các chỗ này bằng polyurethane. Hình ảnh xử lý này đã được chiếu trên TV trông rất phản cảm, mặt khác Ban quản lý Dự án thủy điện 3 lại tuyên bố rò rỉ nước như vậy là bình thường. Điều đó khiến EVN bị rất nhiều nhà khoa học chỉ trích nặng nề, rằng nước phun ra ở mái hạ lưu là sự cố nghiêm trọng, rằng bịt nước ở hạ lưu là vô ích, rằng đó không phải là sửa chữa mà là phá hoại đập, rằng EVN sửa chữa đập như thế chỉ là để “cho vui”... Rõ ràng các sửa chữa như vậy là muốn “phi tang” do bệnh sợ trách nhiệm, che dấu khuyết điểm của Ban quản lý và nhà thầu, loại bệnh rất trầm kha trong xã hội ta hiện nay. Chắc là EVN phải ngậm đắng nuốt cay trước các phê phán của dư luận vì “con dại cái mang””.

Hoan hô Ông Hùng! Lần đầu tiên được nghe một người, tự nhận là thuộc EVN, thừa nhận rằng “Rõ ràng các sửa chữa như vậy là muốn “phi tang” do bệnh sợ trách nhiệm, che dấu khuyết điểm của Ban quản lý và nhà thầu”. Nhờ điểm này Ông Hùng thực sự chứng tỏ ông là người thíchnhìn thẳng vào sự thật”.

Nhưng đáng buồn cho ông Hùng khi ông viết “Chắc là EVN phải ngậm đắng nuốt cay trước các phê phán của dư luận vì “con dại cái mang””. Hóa ra ông Hùng tách EVN ra hai loại, “EVN cái” và “EVN con”, Ông đổ hết lỗi cho “EVN con”, và hết lòng bênh vực che chở cho “EVN cái”

Xin hỏi, ông Hùng đứng trên tư cách nào, thay mặt cho ai để phát ngôn như vậy? Chúng tôi chưa hề được nghe EVN nói như thế bao giờ, kể cả  “EVN cái” “EVN con”.

Nếu ông Hùng nói ông có trong tay những thông tin bí mật rằng EVN tự xác định “phải ngậm đắng nuốt cay trước các phê phán của dư luận vì “con dại cái mang””, thì chúng tôi không tin vào bí mật của ông. Bởi vì điều ấy không lôgíc, đơn giản là tại sao “EVN cái” không hề phê bình, khiển trách, kỷ luật “EVN con”? không hề công khai trước công luận về nông nỗi phải ngậm đắng nuốt cay vì “con dại cái mang”?

Tóm lại, tại mục này, ông Hùng có một cái được, ông đã thể hiện là người thíchnhìn thẳng vào sự thật”, và ông có một cái mất, là ông nói sai sự thật, nôm na theo tiếngViệt là “đổi trắng thay đen”.

Phần cuối cùng, ông Hùng ra sức ca ngợi phương pháp sửa chữa đập của EVN. Ở đây bộc lộ sự khác biệt cơ bản giữa chúng tôi và ông Hùng. Chúng tôi kiến nghị kiểm tra nghiêm túc toàn diện hiện trạng của dập theo 3 điều kiện, xác định chính xác nguyên nhân sự cố, sau đó tìm ra phương pháp sửa chữa. Còn ông Hùng khẳng định đập hoàn toàn an toàn, không cần kiểm tra gì hết, chỉ cần bịt 10 khe nhiệt là xong. Sự khác biệt này có thể hình dung như vầy: thấy 1 người bệnh đang đau đớn quằn quại, chúng tôi đề nghị đưa đến bệnh viện, nhờ các phương tiện hiện đại để khám và nghiệm, hội chẩn và đưa ra phương án điều trị, còn ông Hùng thì bảo không sao không sao, chỉ cần gọi bà lang băm đến bôi cho ít thuốc hôi nách hắc lào là lại khỏe như vâm!

Phải chăng đoạn này là mấu chốt của bài tranh luận của ông Hùng?

Kết thúc bài này tôi xin được nói rõ một niềm vui vớt vát của mình: ông Hùng không là kẻ thù của tôi, vì ông không hề khen những điều mà tôi không có, chỉ tiếc ông không trở thành người bạn, người thầy, như tôi khấp khởi mong muốn từ đầu.

BBT. Mời  xem những ý kiến đã phát biểu trên Diễn đàn

 

trang  www.vncold.vn

Bài tham gia Diễn đàn