Về ĐTM Dự án Cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).[19/09/12]

18/09/2012 14:59

10

Về ĐTM Dự án Cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)

Kính gửi TS. Bùi Cách Tuyến,

Rất tiếc hôm rồi vì bận công việc ở Thái Bình, tôi không tham dự cuộc họp ở Tổng cục Môi trường để nghe Cục Hàng Hải báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án Lạch Huyện, Hải Phòng. Ngoài bản nhận xét sơ bộ  6 trang đã gửi, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để góp ý bổ sung. Cục Hàng hải  đã quá đơn giản trong việc đánh giá tác động môi trường cho dự án cực kì lớn lao này.

Cảng Lạch Huyện là dự án lớn, ảnh hưởng và thay đổi hoàn toàn cảnh quan, môi trường và hệ sinh thái trong khu vực. Vì vậy cần có nghiên cứu tỷ mỷ, thận trọng hơn trước khi thành lập Hội đồng thẩm định .

Chỉ riêng vấn đề bùn cát và thay đổi hình thái đặc biệt nghiêm trọng trước, trong và sau khi khi xây dựng công trình đòi hỏi không những xây dựng mô hình toán mà có thể còn phải nghiên cứu mô hình vật lý?. Riêng vấn đề xả bùn cát nạo vét ở đâu và như thế nào cũng cần nghiên cứu tỷ mỷ. Bởi vì nồng độ các độc tố (contaminants) trong bùn cát cao đến hàng trăm lần trong nước.

Tham khảo các nguồn tài liệu ở nước ngoài cho thấy cảng biển (loại vừa) ở Guadeloup (tỉnh hải ngoại của Pháp) đã phải gọi thầu đo đạc tại chỗ và nghiên cứu mô hình (toán, vật lý) để xác định nơi đổ bùn cát nạo vét và tác động tới môi trường của việc đổ bùn cát này. Riêng nghiên cứu này, tốn tới vài triệu Euros.

Cũng có ý kiến không thể làm mô hình vật lý. Scale model chỉ có thể làm cho khu vực nhỏ như cống đập hay công trình. Phải dùng các mô hình toán. Phải tính kỹ các chế độ thủy văn, bùn cát đặc trưng của cả sông và biển (chuỗi số liệu dài) từ đó đưa vào mô hình để xem chế độ này thay đổi ra sao khi có dự án. Trong các mô hình thì quan trọng là các mô hình lan truyền (phù sa, chất thải ô nhiễm và ô nhiễm từ bùn cát nạo vét).

Đọc kỹ tài liệu ĐTM của Cục Hàng hải nhận thấy mô hình tính dòng chảy và lan truyền chất chưa đủ chi tiết nên khó nhận xét, đáng ra phải chi tiết hơn về cơ sở học thuật, điều kiện biên, thời đoạn mô phỏng đã đặc trưng chưa?. Trong khi đó mô hình tràn dầu lại khá chi tiết nhưng lại thiếu các thông tin như thành phần dầu, dầu bị bốc hơi, lắng đọng xuống đáy, bám vào bờ.

Lưu ý, vai trò của dòng chảy trong sông (nhất là thời gian lũ) chưa đánh giá kỹ (lấy trung bình) vì về mùa lũ tác động bồi lấp từ hệ thống sông Hồng rất lớn.

Các nhận xét về việc đổ thải cần phải được xem xét và cần cân nhắc kỹ do các nhận định này được căn cứ dựa trên mô hình tính toán SS. Tuy nhiên, mô hình không đưa ra các mô phỏng cũng như kiểm định trước khi chạy các phương án đổ thải, xây dựng đê cũng như không đưa ra các yếu tố chi tiết thông số đầu vào để tính toán nên do đó rất khó nhận xét chất lượng và độ tin cậy của mô hình ở mức độ nào.

Các lưới tính toán trong khu vực lõi là 100 m theo người đọc là quá thưa vì như vậy luồng tàu sẽ chỉ chiếm vài ô của lưới tính toán, và việc phân tích số liệu của 24 h cuối cùng đối với một mô hình bồi lắng là không hợp lý.

Trong báo cáo phân tích không cấn đối giữa mô tả tràn dầu (tập trung) và mô tả diễn biến lan truyền bùn cát (ngắn, ít thông tin). Cả 3 nội dung ứng dụng mô hình MIKE 21, MIKE 21 MT (mud transpot!) và MIKE 21/3 spill analysis đều có khiếm khuyết chung là:

(i) Chưa có phần hiệu chỉnh bộ thông số, kiểm định bộ thông số;

(ii) Phần mô tả đầu vào, điều kiện biên còn sơ sài;

Phần nội dung mô tả tràn dầu khó có thể đánh giá mức độ tin cậy đến đâu vì đây cũng là vấn đề mới ngay cả đối với DHI. Đến Đan Mạch nhiều lần và thường xuyên trao đổi công việc chuyên môn với các chuyên gia, nhận thấy DHI chưa có công cụ riêng cho mô tả tràn dầu.

MIKE 21/3 sử dụng trong báo cáo là một công cụ đa chức năng mà trong phần mô tả không nói rõ có giải quyết / mô tả quá trình oil spill (file kèm theo) mà chỉ nhận xét có tích chất chung chung. Tràn dầu là một quá trình phức tạp không chỉ sử dụng các quá trình advection, diffusion, dispersion để mô tả, vì dầu là một vật thể không ổn định, có thể tan, có thể lắng đọng, có thể tích tụ và cũng có thể từ những dạng trên lại trở về trạng thái lơ lửng, hòa tan.

Để mô tả tràn dầu, Cục Hàng hải cần tìm hiểu thêm những phần mềm chuyên nghiệp hơn công cụ MIKE sẽ phù hợp hơn với tình hình ở Việt Nam.

Thân kính,

TÔ VĂN TRƯỜNG