An toàn đập thủy điện.[08/11/12]
08/11/2012 09:13
An toàn đập thủy điện
Phóng viên Nguyễn Hà Ly, báo ‘Công an nhân dân’, mới đây đã phỏng vấn GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn & PT Nguồn nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy hội Đập lớn Thế giới, về an toàn đập thủy điện. Dưới đây là các câu hỏi & trả lời.
1. Hiện nay Việt Nam có bao nhiêu đập? Như thế nào được gọi là đập vừa và nhỏ?
Trả lời: Ở Việt Nam hiện có khoảng hơn 2000 đập lớn nhỏ, mỗi đập tạo hồ chứa có dung tích từ 0,2 triệu m3 đến 9,8 tỷ m3. Hiện chưa có tiêu chuẩn thống nhất về qui mô đập. Theo Ủy hội Đập lớn Thế giới (International Commission on Large Dams – ICOLD), đập có chiều cao dưới 15m là đập nhỏ. Đập có chiều cao từ 15m đến 50m thường được coi là ‘vừa’. Trên mức này là đập cao.
2. Bất cập lớn nhất trong phát triển thuỷ điện ở VN là gì? Dường như chúng ta phát triển thuỷ điện quá nóng và vội vàng?
Trả lời: Bất cập lớn hiện nay về phát triển thủy điện là quản lý yếu ở hầu như tất cả các khâu: qui hoạch, kỹ thuật xây dựng, bảo vệ môi trường, quản lý vận hành, hoạch định chính sách. Đúng là vừa qua phát triển thủy điện, nhất là loại vừa và nhỏ, vội vàng trong khi chưa chuẩn bị kỹ càng về kỹ thuật, môi trường, quản lý.
3. Thực chất thuỷ điện có mang lại lợi ích to lớn như người ta vẫn nghĩ hay chỉ là câu chuyện đánh đổi, mà người hi sinh luôn là người dân?
Hiện nay trên thế giới, không có nơi nào có nguồn thủy năng mà con người không tận dụng triệt để. Trong khi sản lượng điện từ than, dầu mỏ…, đang dần cạn kiệt thì thủy điện được ưu tiên phát triển số 1. Thủy điện hiện nay chiếm từ 15-20% tổng sản lượng điện của thế giới và chiếm tới 95% tổng sản lượng năng lượng tái tạo. Đặc biệt, sau vụ động đất sóng thần ở Nhật Bản năm ngoái, chương trình điện hạt nhân của các quốc gia hoặc bị dừng, hoặc đang xem xét lại, vì vậy sự thiếu hụt năng lượng trong tương lai chưa có cách nào bù đắp ngoài phát triển thủy điện.Thủy điện được coi là nguồn năng lượng sạch và kinh tế nhất, hầu như không tạo ra các chất khí làm ảnh hưởng đến môi trường khí quyển, dễ dàng và chủ động trong việc điều tiết sản lượng. Tuy nhiên, thủy điện tác động làm thay đổi môi trường, gây ngập trên diện tích rộng làm mất diện tích cư trú và sản xuất của người dân. Lưu ý rằng tác động thay đổi môi trường không phải chỉ là làm xấu đi. Tại các nước phát triển, hồ chứa thủy điện và vùng phụ cận thường là nơi đặt các cơ sở nghỉ dưỡng, vui chơi, hoạt động thể thao,.. hấp dẫn. Riêng đói với người dân vùng lòng hồ là đối tượng chịu thiệt thòi thì phải được quan tâm và đền bù thỏa đáng. Tiếc rằng rất ít nơi làm tốt việc này.
4. Qui trình nghiệm thu các đập hiện nay như thế nào?
Trả lời: Nghiệm thu công trình từ các nhà thầu xây lắp là việc của chủ đầu tư. Những công trình lớn hoặc có nguồn vốn công thì còn phải có thủ tục thông qua Hội đồng nghiệm thu. Song thủ tục này phần nào vẫn còn mang tính hình thức. Hơn nữa, việc đảm bảo chất lượng công trình phải được giám sát chặt chẽ, nghiêm túc thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình thi công.
5. Việt Nam hiện đã có qui trình kiểm tra an toàn đập chưa? Hàng năm việc kiểm tra được tiến hành như thế nào?
Trả lời: Chính phủ đã ban hành Nghị định 72/2007/NĐ-CP ngày 7/5/2007 về an toàn đập. Tuy nhiên chưa có những văn bản và qui định pháp lý cần thiết để có thể thực hiện đầy đủ Nghị định. Một số dự án Hỗ trợ kỹ thuật do Canada, Nhật Bản, New Zealand, Hà Lan, Ngân hàng Thế giới (WB),.. mới chỉ giúp khảo sát và kiểm tra an toàn một số đập. Chưa có những Qui định chung và cụ thể về kiểm tra an toàn đập. Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam đang soạn thảo cuốn ‘Sổ tay về an toàn đập’. Đây không phải văn bản có tính chất pháp lý mà là những hướng dẫn, khuyến nghị hữu ích cho những người tham gia xây dựng và quản lý đập.
6. Các sự cố về đập trong thời gian qua?
Trả lời: Sự cố vỡ một số đập nhỏ đã xảy ra từ những thập kỷ 80 & 90 của thế kỷ trước như: Am Chúa, Suối Hành (Khánh Hòa), … Gần đây có các sự cố ở đập Hố Hô (Quảng Bình), Khe Mơ (Hà Tĩnh), Đakrông (Quảng Trị), Tây Nguyên (Nghệ An),.. cũng là các đập nhỏ và vừa.
7. Dư luận cho rằng có nhiều sự cố đập đã bị ém nhẹm thông tin? Số sự cố công khai chỉ là tỉ lệ nhỏ?
Trả lời: Tôi chưa có thông tin cụ thể.
8. Kinh nghiệm của thế giới trong vấn đề an toàn đập?
Trả lời: Thế giới đặc biệt quan tâm đến an toàn đập. Đây là chủ đề hàng đầu nổi bật tại các hội nghị khoa học quốc tế lớn về đập. Điều này rất hiển nhiên vì:
a/ Khác với các công trình hạ tầng khác, khi đập bị vỡ thì cả vùng rộng lớn ở hạ du đập bị tàn phá.
b/ Ở những nước phát triển, khá nhiều đập lớn được xây dựng trên dưới 100 năm nay, đã hết ‘vòng đời (lifecycle)’ cùng với những thay đổi dân sinh-kinh tế rất lớn ở hạ du nên đòi hỏi phải kiểm tra và xử lý an toàn đập rất kịp thời và nghiêm túc.
9. Có thể rút ra bài học gì từ các sự cố Sông Tranh 2.và Đắkrông 3 cho vấn đề phát triển thuỷ điện?
Trả lời: Chất lượng thiết kế và thi công của các đập này có nhiều khiếm khuyết, những người phụ trách thiếu hiểu biết và trách nhiệm.
10. Việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đã khoa học, khách quan chưa khi mà chuyên gia chỉ đơn thuần làm theo đơn đặt hàng của chủ đầu tư?
Trả lời: Báo cáo ĐTM (‘Đánh giá Tác động Môi trường’) phần lớn chỉ được làm cho qua chuyện. Vừa rồi, có nhiều ý kiến phê phán báo cáo ĐTM của đập Sông Tranh 2. Tôi không bình luận về chất lượng phần đánh giá môi trường. Riêng về phần nói về động đất kích thích thì có thể có nhận xét ngay. Những nghiên cứu về động đất đòi hỏi phải nghiêm túc và sâu nên đương nhiên không thể đặt trong báo cáo nghiên cứu tác động môi trường (ĐTM). Tuy nhiên những vấn đề đó lại được ghi rất sơ sài trong ĐTM chứng tỏ chủ đầu tư đã coi nhẹ cả chuyện động đất và chuyện môi trường.
11. Hiện nay việc giao toàn bộ trách nhiệm cho chủ đầu tư liệu có nảy sinh bất cập, khi mà rất ít chủ đầu tư có đủ năng lực cũng như am hiểu chuyên môn về thuỷ điện, mục đích chính chỉ là lợi nhuận?
Trả lời: Quả thực đây là lỗ hổng lớn trong xử lý an toàn đập. Không thể phó thác an toàn đập cho chủ đầu tư. Khó tránh khỏi chủ đầu tư chỉ xử lý sự cố qua quít tạm thời để đối phó chứ không thấy trách nhiệm lâu dài.
12. GS có ủng hộ thuỷ điện không? Nếu không phát triển thuỷ điện thì phải phát triển cái gì để đảm bảo an ninh năng lượng?
Trả lời: Phát triển thủy điện là hết sức cần thiết và tất yếu như đã nêu ở trên, nhưng phải là sự phát triển bền vững với công trình an toàn, vận hành nhằm sử dụng tổng hợp nguồn nước đạt hiệu quả cao đồng thời giữ gìn và cải thiện môi sinh. Nguồn thủy điện lớn của nước ta đã được khai thác đáng kể. Trong tương lai chỉ còn các dự án thủy điện vừa và nhỏ (Na Uy là quốc gia sử dụng 99% điện năng từ khai thác thuỷ điện, nay cũng đang tiếp tục phát triển thủy điện nhỏ). Nhu cầu điện năng ngày càng tăng khi than và dầu đang dần cạn kiệt. Để bù vào đó, phải tính đến các loại năng lượng tái tạo khác (gió, mặt trời, sinh khối,..) và năng lượng hạt nhân.
Xin cảm ơn Giáo sư.