QCVN 04 - 04 : 2012/BNNPTNT: Quy chuẩn về khoan nổ mìn đào đá.[19/11/12]
19/11/2012 08:23
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
Công trình thủy lợi - Khoan nổ mìn đào đá
Yêu cầu kỹ thuật
National technical regulation on Hydraulic structures
Drilling blast holes - Technical requirements
1. Phạm vi áp dụng
1.1. Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật khi khoan nổ mìn đào đá để xây dựng công trình thủy lợi.
1.2. Không áp dụng quy chuẩn này khi khoan nổ mìn để phá dỡ công trình cũ, nhà cửa, nổ xử lý mìn câm khi khoan nổ bằng các lỗ khoan đường kính lớn, nổ để mở rộng cọc khoan nhồi hoặc nổ văng định hướng để đắp các khối đắp cần thiết.
2. Tài liệu viện dẫn
Tài liệu viện dẫn sau đây rất cần thiết cho việc áp dụng quy chuẩn này :
QCVN 02 : 2008/BCT : Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp.
3. Giải thích từ ngữ
3.1. Đường cản chân tầng
Khoảng cách ngắn nhất từ đáy lỗ khoan để đặt các bao thuốc nổ (quả mìn) và vị trí đặt mìn đến mặt ngoài của khối nham thạch được nổ phá.
3.2. Nổ mìn lỗ sâu
Phương pháp nổ các quả mìn đặt trong các lỗ khoan có đường kính lớn hơn hoặc bằng 75 mm và sâu từ 5 m trở lên.
3.3. Nổ mìn lỗ nông
Phương pháp nổ các quả mìn đặt trong các lỗ khoan có đường kính dưới 75 mm và sâu dưới 5 m.
3.4. Nổ mìn lỗ khoan lớn
Phương pháp nổ các quả mìn đặt trong các lỗ khoan có đường kính từ 75 mm trở lên.
3.5. Nổ mìn lỗ khoan nhỏ
Phương pháp nổ các quả mìn đặt trong các lỗ khoan có đường kính dưới 75 mm.
3.6. Nổ mìn buồng
Phương pháp nổ các khối thuốc nổ có khối lượng lớn được đặt trong các buồng chuyên dùng (còn gọi là buồng nạp thuốc) đã đào sẵn trong đất đá.
3.7. Nổ mìn bầu
Phương pháp nổ các khối thuốc nổ nạp tập trung trong khoảng trống có dạng hình quả bầu được tạo thành bằng cách nổ mở rộng đáy các lỗ khoan.
3.8. Nổ mìn viền
Phương pháp nổ các quả mìn đặt trong các lỗ khoan được bố trí thành hàng song song và cách nhau từ 0,6 m đến 0,8 m tuỳ theo độ cứng của đá. Hàng lỗ mìn viền được bố trí trùng với mái hố đào để tạo ra mái bằng phẳng và ổn định.
3.9. Nổ mìn định hướng
Phương pháp nổ các quả mìn đảm bảo phần lớn nham thạch chỉ văng về một phía và rơi xuống vị trí quy định.
3.10. Nổ mìn vi sai
Phương pháp nổ mìn cho phép các bao thuốc được gây nổ lần lượt sau một khoảng thời gian Dt nhất định, được tính bằng ms. Thời gian vi sai Dt phụ thuộc vào loại vật liệu nổ và đặc tính cơ lý của loại đá cần nổ phá, phải đảm bảo bao thuốc nổ trước tạo thêm được mặt thoáng cho bao thuốc nổ sau và không làm câm bao thuốc sau.
3.11. Nổ mìn ốp
Phương pháp nổ các khối thuốc nổ nhỏ đặt ốp trực tiếp lên bề mặt của khối đá hoặc khối kết cấu để phá vỡ khối đá hoặc khối kết cấu đó.
3.12. Nổ mìn phân đoạn
Phương pháp nổ các quả mìn đặt trong các lỗ khoan nhưng thuốc nổ nạp vào lỗ khoan không liên tục từ đáy lỗ khoan trở lên mà được nạp thành từng đoạn theo chiều sâu lỗ khoan. Khoảng cách giữa các đoạn này nếu được lấp đầy đất cát thì gọi là phân đoạn thường, nếu để trống thì gọi là phân đoạn không khí, còn nếu để đầy nước thì gọi là phân đoạn nước (hay phân đoạn thủy lực).
3.13. Lấp bua
Biện pháp dùng đất hoặc cát lấp đầy phần để trống của lỗ khoan tính từ khối thuốc nổ trên cùng đến mặt đất nhằm ngăn chặn không cho các loại khí được tạo thành sau khi nổ phụt ra ngoài theo lỗ khoan làm giảm hoặc mất hẳn tác dụng của nổ mìn.
3.14. Mìn mồi
Một loại thuốc nổ có khối lượng không lớn nhưng có sức công phá rất mạnh. Mìn mồi được đặt ở trong khối thuốc nổ để kích thích cho khối thuốc nổ nổ được hoàn toàn, đảm bảo hiệu quả nổ phá.
3.15. Hộ chiếu nổ mìn
Loại tài liệu kỹ thuật quy định nội dung và phương pháp tổ chức thực hiện một vụ nổ mìn do đơn vị thi công lập dựa trên đồ án thiết kế khoan nổ mìn được duyệt.
4. Quy định chung
4.1. Chỉ được phép thi công khoan nổ mìn khi có đồ án thiết kế nổ mìn, hộ chiếu nổ mìn và có các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình thi công nổ mìn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, được Hội đồng nghiệm thu công tác chuẩn bị nổ mìn chấp thuận.
4.2. Trong quá trình khoan nổ mìn không làm cản trở đến công đoạn xúc và vận chuyển đất đá đã được nổ phá cũng như các hoạt động khác trên công trường.
4.3. Phải căn cứ vào đặc điểm địa hình, địa mạo, địa chất của khu vực trong đó đặc biệt quan tâm đến độ cứng, mức độ nứt nẻ và thế nằm của đá…, quy mô của hố đào, khả năng cung cấp máy móc, thiết bị khoan, vật liệu nổ và tiến độ công việc yêu cầu để lựa chọn thông số kỹ thuật phù hợp. Các thông số tính toán dựa trên tài liệu khảo sát phải được điều chỉnh chính xác trên cơ sở kết quả nổ mìn thử nghiệm và rút kinh nghiệm trong quá trình thi công thực tế ở công trường.
4.4. Các thông số kỹ thuật khoan nổ mìn cần xác định là sơ đồ bố trí các loại lỗ khoan, chiều sâu và đường kính lỗ khoan, khoảng cách giữa các lỗ khoan và giữa các hàng lỗ khoan, chiều dài đường cản ngắn nhất ở chân tầng, chiều sâu khoan quá của các lỗ khoan, loại thuốc nổ và khối lượng thuốc nổ cần nạp trong một lỗ khoan và cho từng đợt nổ, chiều dài bua và vật liệu lấp bua, phương pháp kích nổ mìn v.v… Các thông số kỹ thuật được chọn phải đảm bảo sử dụng tối đa năng lượng của thuốc nổ; giảm thấp nhất công tác san lấp mặt bằng và các công tác phụ trợ; đạt được những mái dốc ổn định (khi bạt mái), các hố đào có hình dạng và kích thước yêu cầu của thiết kế. Phải đảm bảo độ vỡ vụn đồng đều (tính theo mét dài hố khoan, theo khối lượng đất đá bị nổ phá) và vị trí cần thiết của khối đất đá bị nổ phá, phù hợp với năng lực của các phương tiện bốc xúc và vận chuyển.
4.5. Phải chọn loại thuốc nổ có các tính năng kỹ thuật như sức công phá, tính chịu nước, tính ổn định và biến chất, khả năng chịu va đập, kỹ thuật sử dụng, chỉ số cân bằng oxy, giá thành rẻ … phù hợp với điều kiện cụ thể của từng công trình. Ưu tiên sử dụng loại thuốc nổ sản xuất trong nước được bao gói theo quy mô công nghiệp (để thuận lợi trong khâu vận chuyển và nạp thuốc nổ vào lỗ khoan).
4.6. Để nâng cao hiệu quả thi công đào đá bằng nổ mìn, có thể áp dụng đồng thời nhiều phương pháp nổ mìn khác nhau như nổ mìn lỗ nông, nổ mìn lỗ sâu, nổ mìn lỗ khoan nghiêng, nổ mìn buồng, nổ mìn bầu, nổ mìn hầm, nổ mìn phân đoạn thường hoặc phân đoạn không khí, nổ mìn viền, nổ mìn vi sai, nổ mìn với lỗ khoan phụ thêm và nổ mìn trong môi trường nén v.v…
4.7. Sau khi khoan xong phải đo đạc kiểm tra trị số đường cản chân tầng, khoảng cách giữa các lỗ khoan trong một hàng và giữa các hàng lỗ khoan, chiều sâu và góc nghiêng của các lỗ khoan. Trong các hố đào có mặt cắt riêng phải kiểm tra vị trí của các hàng lỗ khoan phối hợp và của từng lỗ khoan riêng biệt. Các lỗ khoan sau khi khoan xong nếu chưa nạp mìn đều phải có biện pháp bảo vệ phù hợp.
4.8. Khi khoan các gương tầng có điều kiện địa chất thủy văn phức tạp, gây hư hại các lỗ khoan đã được khoan thì phải nạp bao thuốc vào các lỗ khoan này ngay sau khi rút dụng cụ khoan ra nhưng phải tuân theo quy định trong QCVN 02 : 2008/BCT.
4.9. Trước khi nạp thuốc nổ vào các lỗ khoan, các bầu hoặc buồng phải kiểm tra, đối chiếu với đồ án thiết kế về vị trí, chiều sâu, chiều dài, kích thước, tiết diện ngang của chúng. Các lỗ khoan, bầu và buồng phải được vét sạch các mạt đá khoan hoặc bùn khoan, còn các buồng, bầu nạp mìn phải được dọn sạch hết đất đá, gỗ và các vật lạ khác.
4.10. Phải đảm bảo nạp thuốc nổ và bố trí các thiết bị gây nổ vào các lỗ khoan đúng chủng loại, đúng khối lượng và đúng vị trí theo thiết kế.
4.11. Phải sử dụng vật liệu rời hạt mịn để lấp bua. Khi nạp bua không làm hư hại các bộ phận gây nổ hoặc làm ảnh hưởng đến quá trình kích nổ mìn.
4.12. Tất cả các loại vật liệu nổ, máy móc và thiết bị phục vụ nổ mìn chưa sử dụng đều phải cất giữ và bảo quản trong các kho chuyên dụng, đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định.
4.13. Phải xác định những vùng nguy hiểm tương ứng với từng phương pháp nổ mìn dựa trên những điều kiện tại chỗ và phù hợp với những yêu cầu trong nguyên tắc an toàn của công tác nổ mìn.
4.14. Cho phép áp dụng các phương pháp nổ mìn tiên tiến trên thế giới để thi công xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện nhưng phải đảm bảo yêu cầu của tư vấn thiết kế, điều kiện về an toàn lao động quy định tại điều 7 và phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Mời download & xem file đính kèm ( xem dạng .doc , xem dạng .pdf)