Tổng kết thi hành Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và các văn bản pháp luật liên quan.[17/02/13]

17/02/2013 20:08

24

TỔNG KẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ
CÔNG TRÌNH THỦY LỢI VÀ CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT LIÊN QUAN

(Tư liệu của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp & PTNT))

 

Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi, văn bản pháp luật quan trọng về thủy lợi, được Ủy ban Thường vụ Quốc Hội Khóa IX thông qua ngày 31 tháng 8 năm 1994. Qua quá trình thực hiện, từ thực tiễn của nhiệm vụ khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, Pháp lệnh được bổ sung, điều chỉnh để đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X đã thông qua Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL- UBTVQH ngày 04 tháng 4 năm 2001. Trong gần 20 năm kể từ ngày Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi được ban hành, Pháp lệnh là công cụ pháp lý quan trọng  để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhằm đánh giá kết quả thi hành Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi và các văn bản pháp luật có liên quan trong lĩnh thủy lợi, từ đó chỉ ra những bất cập, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực pháp lý và hiệu quả của công tác thủy lợi, phục vụ xây dựng Dự án Luật thủy lợi và thực hiện nội dung Định hướng Chiến lược Phát triển thủy lợi Việt Nam, theo Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 9 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Tổng cục Thủy lợi chỉ đạo việc tổng kết thực hiện pháp luật về thủy lợi. Tổng Cục Thủy lợi đã có văn bản số 863/TCTL-QLNN ngày 7 tháng 9 năm 2012 hướng dẫn và chỉ đạo việc tổng kết thực hiện Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi.

Trên cơ sở tổng hợp, phân tích thông tin tài liệu liên quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo và kiến nghị Thủ tướng về công tác thủy lợi như sau:

 

PHẦN I

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH PHÁT TRIỂN PHÁP LỆNH KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI VÀ MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THỦY LỢI

1. Giai đoạn từ 1994 trở về trước

Công tác thuỷ lợi giữ một vị trí quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Vì vậy, nhân dân ta có truyền thống và bề dày lịch sử làm thuỷ lợi, xây dựng hệ thống đê điều và mạng lưới kênh rạch “dẫn thuỷ nhập điền” rộng khắp, nhằm khai thác mặt lợi và hạn chế tác hại do nước gây ra. Từ khi giành độc lập, đặc biệt kể từ giai đoạn đất nước thống nhất đến nay, Nhà nước và nhân dân ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác thuỷ lợi. Kết quả đầu tư thuỷ lợi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc. Trong phát triển nông nghiệp, thuỷ lợi là biện pháp hàng đầu, nhờ có công trình thủy lợi, đã tạo điều kiện đưa khoa học kỹ thuật vào thực tế, nhất là giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Trước đây, nhiều khu vực ở miền núi, Trung bộ, Tây nguyên, Đông Nam bộ hầu hết dựa vào nước "trời", đến nay phần lớn diện tích gieo trồng lúa, và một phần diện tích của cây trồng cạn đã được tưới nước từ công trình thuỷ lợi.

Từ nhiều thập kỷ qua, cùng với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đầu tư xây dựng nhiều hệ thống công trình thuỷ lợi, hình thành cơ sở hạ tầng quan trọng, phục vụ đa mục tiêu cho cho nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, điều tiết lũ, giao thông, phát điện, ngăn mặn, giữ ngọt, du lịch, v.v…, bảo đảm cho sản xuất và đời sống dân sinh. Đặc biệt, thuỷ lợi đã góp phần ổn định sản xuất, giữ vững và nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo ở nông thôn, đưa nước ta từ một nước thiếu lương thực, trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới.

Trong quá trình phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, công tác thuỷ lợi luôn có vị trí quan trọng và nhận được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng với sự đóng góp công sức của nhân dân. Sự nghiệp phát triển thuỷ lợi đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để nông nghiệp nước ta có những bước nhảy vọt.

Về việc ban hành các văn bản pháp pháp luật liên quan đến công tác thuỷ lợi cũng được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, kể từ ngày thành lập nước đến nay, chưa có một văn bản Luật nào quy định toàn diện các nội dung của công tác thuỷ lợi, bao gồm từ khâu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi. Bên cạnh đó, nội hàm công tác thuỷ lợi cũng đã được hiểu và phân chia thành một số lĩnh vực khác nhau, thể hiện tính chất, mức độ quan trọng của từng nội dung công việc, dẫn đến việc ban hành chính sách đã được thể hiện ở nhiều luật khác nhau, trong đó có việc ban hành riêng một Luật chỉ quy định một hoặc một số nội dung của công tác thuỷ lợi (Luật Đê điều) hoặc có những nội dung, mà chủ yếu là nội dung công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng thuỷ lợi lại được ban hành và áp dụng ở nhiều luật khác nhau, do các cơ quan khác nhau chủ trì soạn thảo (Luật Tài nguyên nước, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu).

Riêng pháp luật về công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi (thuỷ nông trước đây) là thống nhất về văn bản. Ngay từ năm 1962, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66-CP ngày 05/6/1962 ban hành Điều lệ thu thuỷ lợi phí; năm 1963, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 141-CP ngày 26/9/1963 ban hành bản Điều lệ Quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ nông, trong đó cũng đã quy định nội dung, tổ chức, công tác bảo vệ và trách nhiệm của chính quyền các cấp hành chính trong lĩnh vực thuỷ nông.

2. Giai đoạn từ sau 1994

Bước phát triển tiếp theo của pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi là việc Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày 31/8/1994. Điểm mới của Pháp lệnh này là, đã quy định cả trách nhiệm đóng góp thuỷ lợi phí đối với đối tượng sử dụng dịch vụ thuỷ lợi, đồng thời quy định rõ chính sách thuỷ lợi phí chưa tính thu hồi vốn đầu tư xây dựng công trình. Bên cạnh đó, Pháp lệnh quy định rõ hơn nội dung bảo vệ công trình thủy lợi, quản lý nhà nước thuỷ lợi, công tác thanh tra chuyên ngành và nội dung khen thưởng, xử phạt về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Đến năm 2001, sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi, cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, vai trò ngày càng quan trọng của công tác thuỷ lợi đến dân sinh, đặc biệt với xu thế biến đổi thời tiết, khí hậu ngày càng khắc  nghiệt, cực đoan, sự chuyển dịch kinh tế nhanh chóng trong nông nghiệp, đòi hỏi công tác khai thác và bảo vệ công trình phải có bước tiến mới, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã sửa đổi cơ bản Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi, bổ sung một số quy định mới, nhằm đưa công tác thuỷ lợi đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế, xã hội, đáp ứng yêu cầu thuỷ lợi phục vụ đa mục tiêu.

Có thể nói, sự ra đời của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi năm 2001 có ý nghĩa rất quan trọng cả về thực tiễn và lý luận, góp phần tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi. Nhìn chung, qua mỗi lần ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi đã được hoàn thiện thêm một bước, góp phần đưa công tác thuỷ lợi đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh.


Mời download & xem file đính kèm.