Giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường.[21/02/13]
20/02/2013 14:34
GIẢI PHÁP CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, ĐẨY MẠNH
CÔNG TÁC BẢO VỆ TÀI NGUYÊN & MÔI TRƯỜNG
(Hội thảo do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tổ chức ngày 28/01/2013)
GS.TS Lê Kim Truyền
Phó Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt
Phó Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt
I. Sự cần thiết ra đời của đề án ‘ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC BẢO VỆ TÀI NGUYÊN & MÔI TRƯỜNG’.
Sự phát triển của loài người nói chung và Việt Nam nói riêng hiện nay đang đứng trước những thách thức lớn lao: Tài nguyên cạn kiệt, môi trường đang có chiều hướng xấu đi, biến đổi khí hậu diễn ra ngày một ác liệt hơn, những vấn đề đó đang ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển toàn diện, bền vững của đất nước ta. Việc Trung ương lựa chọn đề án trên để thảo luận, ra nghị quyết về chủ trương, giải pháp cho những vấn đề trên là hết sức cần thiết, để khắc phục những tồn tại làm cho đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn, nó phù hợp với xu hướng chung của thời đại và đáp ứng những nhu cầu cấp bách của nước ta.
II. Vấn đề biến đổi khí hậu và lựa chọn tiêu đề của đề án.
Cần làm cho mọi người hiểu rõ tính chất của biến đổi khí hậu để có ứng xử “khôn ngoan” hơn.
Biến đổi khí hậu là một quá trình dài, diễn ra từ khi có nền công nghiệp phát triển, tốc độ diễn ra tùy thuộc vào ý thức sống của cả cộng đồng. Cần phải làm rõ vấn đề này để tránh tư tưởng “nóng vội” cứ nghĩ nó xảy ra nay mai, đầu tư lãng phí. Thực tế hiện nay rất nhiều đề tài, dự án thường gắn chữ “trong điều kiện biến đổi khí hậu” tuy nhiên điều kiện đó không xảy ra hoặc có xảy ra khi vòng đời của dự án đã kết thúc.
Biến đổi khí hậu diễn ra trong phạm vi rộng lớn mang tính chất toàn cầu. Nhận thức điều này để cùng cả cộng đồng chung tay góp sức làm giảm những tác động xấu đến khí hậu môi trường mà một Quốc gia, một vùng lãnh thổ không thể làm được.
Nhận thức đầy đủ hai tính chất trên để chúng ta có thái độ bình tĩnh, thận trọng, không nóng vội mà không chủ quan, phải có chiến lược lâu dài ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, cần thận trọng lựa chọn cái gì làm trước, cái gì làm sau, làm đến mức độ nào? Và cần có tư tưởng chủ đạo thích nghi là chính, ứng phó là phụ mới giải quyết được vấn đề khi biến đổi khí hậu toàn cầu trong điều kiện của nước ta.
Trong ba vấn đề: Biến đổi khí hậu, tài nguyên, môi trường có lên quan chặt chẽ, tác động lẫn nhau trong điều kiện hiện nay của nước ta vấn đề tài nguyên phải được quan tâm đầu tiên, rồi đến môi trường, biến đổi khí hậu.
Ngày nay vấn đề dân số - lương thực – tài nguyên – môi trường là bốn thách thức lớn, mang tính toàn cầu của loài người.
Những tài nguyên đất, nước, rừng, khoáng sản, năng lượng tái tạo, nguồn lợi thủy sản là những tài nguyên cơ bản cho sự sống của con người. Sử dụng tài nguyên thiên nhiên không hợp lý, làm cho tài nguyên bị cạn kiệt, suy thoái là làm tổn hại đến môi trường, môi trường bị tác động tiêu cực dẫn đến biến đổi khí hậu, đó là quy luật “nhân – quả”. Từ suy nghĩ trên tôi đề nghị tiêu đề của đề án là: Chủ trương, giải pháp tăng cường bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
III. Nội dung cơ bản của đề án
Nội dung của đề án khá chi tiết, soạn thảo công phu, nhưng theo tôi cần bổ sung, làm rõ thêm một số vấn đề:
1. Mục tiêu của đề án.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người lãnh đạo, của mỗi người dân và cả cộng đồng đến các lĩnh vực tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu để có ứng sử khôn ngoan, hài hòa hơn.
Nhìn nhận một cách thẳng thắn trong công tác quản lý các lĩnh vực trên trong thời gian qua để rút ra những bài học kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, sửa chữa trong giai đoạn tới.
Đưa ra những chủ trương, giải pháp cơ bản làm đường dẫn cho các Bộ, Ngành, địa phương. Xây dựng mục tiêu chiến lược giải pháp cụ thể cho ngành, địa phương mình.
2. Đề nghị sắp xếp lại thứ tự trong báo cáo để nhấn mạnh vị trí của nó đối với nước ta hiện nay theo tiêu đề của đề án: Tài nguyên – Môi Trường – Biến đổi khí hậu.
3. Cần phân tích đậm nét hơn về những bài học, những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém. Trong đó cần đi sâu vào công tác tổ chức, quản lý, công tác kiểm tra giám sát thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của nhà nước. Trong đề án đã nêu 4 nguyên nhân dẫn đến hạn chế yếu kém, theo tôi cần nêu thêm nguyên nhân:
- Tổ chức bộ máy quản lý, điều hành chưa tập trung đồng bộ, chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực trên bị chia sẻ phân tán ra nhiều cơ quan nên bị chồng chéo và sơ hở, thể hiện rõ nét ở lĩnh vực tài nguyên nước.
- Công tác kiểm tra giám sát chưa được coi trọng thường xuyên, nên hiệu lực của các văn bản pháp quy, nghị quyết của Đảng thực hiện chưa đạt được mục tiêu yêu cầu đề ra.
4. Nội dung đề án.
Nội dung đề án viết tương đối đầy đủ, nhưng thiếu đánh giá những cái được và chưa được so với các chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhà nước đã ban hành. Nhiều luận cứ đã được nêu ra, nhưng những chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 là quá cao, đặc biệt là các chỉ tiêu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Những giải pháp chủ yếu nêu ra trong đề án là tổng quát và đầy đủ nhưng cần có lộ trình, giải pháp cụ thể hơn để những chủ trương trên nhanh chóng được nhà nước hóa, sớm trở thành hiện thực.
IV. Về công tác quản lý bảo vệ tài nguyên nước.
Xin có một số đề nghị cụ thể như sau:
1. Cần tập trung thống nhất quản lý tài nguyên nước theo quan điểm phát triển bền vững và quản lý tổng hợp tài nguyên theo lưu vực sông.
Nước là một trong những tài nguyên quan trọng và vô cùng cấp thiết đối với phát triển của nhân loại. Nhận thức về tài nguyên nước trong mấy thập kỷ gần đây đã có những chuyển biến cơ bản. Từ những năm 80 thế giới đã ghi nhận nước là một tài nguyên thiên nhiên cần phải quản lý trong một môi trường bền vững.
Hiện nay, sức ép của sự gia tăng dân số, của đô thị hóa và công nghiệp hóa, đã tác động ngày càng mạnh mẽ và làm suy giảm tài nguyên nước, khiến cho tình trạng thiếu nước đang trở nên phổ biến và nghiêm trọng tại nhiều khu vực, quốc gia trên thế giới.
Quản lý tài nguyên nước cần phải hiểu sâu sắc đặc thù riêng của nó đó là:
- Nó phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên rất chặt chẽ địa hình, địa chất, khí tượng thủy văn…
- Tính liên thông trong một phạm vi rộng
- Hai mặt lợi và hại luôn song hành
- Nó là tài nguyên thiên nhiên được thiên nhiên tạo ra theo một quy luật của nó.
- Nó luôn biến đổi theo không gian và thời gian…
Đối với nước ta hơn 60% lượng nước từ lãnh thổ nước ngoài chảy vào nên sự đe dọa về thiếu nước là tiềm ẩn và có thể xảy ra trong tương lai. Vì thế chúng ta cần có chiến lược phát triển bền vững tài nguyên nước (TNN).
Mục tiêu để phát triển bền vững TNN: Phải ngăn chặn và cải tạo tình trạng suy thoái số lượng và chất lượng nước trên các lưu vực sông, điều hòa và sử dụng nước hợp lý, không để tình trạng thiếu nước trở thành phổ biến, phải chủ động đối phó với các thảm họa do thiên tai gây ra để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.
Xuất phát từ đặc thù riêng của TNN, chúng tôi đề nghị:
* Về thể chế và pháp luật.
Luật pháp về phát triển bền vững phải được hình thành trên nguyên tắc và chính sách thống nhất giữa các ngành, các lĩnh vực và từ Trung ương xuống địa phương tránh sự chồng chéo về quyền hạn, thiếu sót trong theo dõi, sự cạnh tranh, trùng lặp giữa các cơ quan khác nhau.
* Phát triển bền vững TNN đòi hỏi trong khai thác, sử dụng cũng như quản lý nguồn nước phải đạt yêu cầu bền vững, có nghĩa là: TNN phải được khai thác, sử dụng một cách hợp lý, không vượt quá khả khả năng của nguồn nước, để nước có thể phục hồi hay tái tạo theo chu trình thủy văn vốn có của nó, điều đó đòi hỏi phải có sự quản lý thông nhất như: dự báo khí tượng thủy văn, công tác quy hoạch dòng sông, quản lý lưu vực, quản lý nguồn nước, quản lý đê điều và các cơ quan nghiên cứu.
TNN phải được bảo vệ, kiểm soát cả về số lượng và chất lượng, đòi hỏi phải có một tổ chức thống nhất từ cấp Trung ương đến đến các hộ dùng nước và phải có đủ trình độ, đủ số lượng để thực thi nhiệm vụ. Hiện tại bộ TNMT quản lý nhưng lực lượng chuyên môn phần lớn đang ở Bộ NN&PTNT.
TNN là của tất cả mọi người, mọi nghành, nên tất cả đều có quyền sử dụng một cách bình đẳng để mang lại một hiệu quả cao nhất và mọi người đều có nghĩa vụ trách nhiệm bảo vệ nước. Vì thế trong quản lý sử dụng nước phải đảm bảo tính cộng đồng và tính công bằng, phải có sự tham gia bình đẳng của tất cả các thành phần liên quan trong sử dụng nước. Điều đó đòi hỏi phải có một tổ chức khách quan để điều hành, phân phối cấp phép trong việc sử dụng nước ( hiện tại thuộc Bộ TNMT).
Để thực hiện được yêu cầu phát triển bền vững các công trình khai thác và sử dụng nguồn nước phải là những hệ thống bền vững. Điều đó phải đặt dưới một tổ chức có kinh nghiệm, có khả năng quản lý tốt. Không nên để Bộ TNMT quản lý hồ chứa, nhưng bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm về an toàn đập như Nghị định 72/2007 ngày 7/5/2007.
Phát triển bền vững các hệ thống thủy lợi ( thủy lợi bao gồm: Cấp nước phát điện, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt cho công nghiệp, nông nghiệp, giao thông thủy…) là một quá trình bao gồm từ quy hoạch, lập dự án đến quản lý vận hành hệ thống…phải là một thể thống nhất đạt được sự bền vững về kỹ thuật, môi trường, tài chính, kinh tế xã hội và các quy định về thể chế và tổ chức.
Phát triển bền vững TNN không thể thiếu được sự phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai; Phòng tránh giảm nhẹ thiên tai là một nghiệm vụ quan trọng trong sự phát triển bền vững. Muốn phòng tránh giảm nhẹ thiên tai tốt thì công tác dự báo về thiên tai như: Mưa, nắng, lũ lụt, nước dâng….(nhiệm vụ này đang thuộc tổng cục khí tượng thủy văn thuộc Bộ TNMT) phải tốt, phải cùng trong một Bộ với cục phòng tránh giảm nhẹ thiên tai mà hiện nay là Cục đê điều và phòng chống lụt bão đang ở Bộ NN&PTNT.
Nói tóm lại: Quản lý TNN hiện nay đang có sự chồng chéo, phân khúc, thiếu sự thống nhất và đồng bộ.
2. Quản lý tổng hợp TNN theo lưu vực
Quản lý tổng hợp TNN theo lưu vực là một xu hướng tiến bộ được nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế công nhận và là xu thế của quản lý phát triển bền vững TNN. Chúng ta đã có 5 tổ chức quản lý theo lưu vực các sông, nhưng hoạt động chưa hiệu quả, còn phân tán, nhiều chức năng nhiệm vụ trong quản lý lưu vực ở các bộ phận khác nhau, ví dụ:
- Tham gia xây dựng cơ chế chính sách và thực thi chính sách của chính phủ ở cấp quốc gia cho lưu vực với sự thỏa thuận hoặc tham gia của tất cả các ngành dùng nước ( Bộ TN MT ) .
- Lập quy hoạch phát triên tài nguyên nước, xây dựng chiến lược nước bền vững cho lưu vực. Đề xuất các phương án, chương trình, kế hoạc đáp ứng mục tiều dùng nước đã xác định (Viện Quy hoạch thuộc Bộ NN&PTNT).
- Thu thập và quản lý thông tin về tài nguyên nước: Xây dựng hệ thống thu thập thông tin và lưu trữ số liệu ( Bộ TNMT và Bộ NN&PTNT).
- Đánh giá tài nguyên nước: Đánh giá số lượng và chất lượng , đánh giá sự cân bằng nước (Bộ TNMT).
- Phân chia nguồn nước và vận hành các công trình cấp nước phòng lũ, phát điện… (Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Công Nghiệp)
- Giải quyết điều hòa các mâu thuẫn về sử dụng nước trong lưu vực. (UBND các tỉnh và Bộ NN&PTNT)
- Quản lý , kiểm tra giám sát chất lượng nước trong lưu vực ( Bộ NN&PTNT và Bộ TNMT )
- Quản lý, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai như lũ lụt, lũ quét, hạn hán, xâm nhập mặn, xói mòn đất … (Bộ NN&PTNT).
- Quản lý tiêu thoát nước cho đô thị, nông thôn, úng ngập cho nông nghiệp… (Bộ NN&PTNT và Bộ Xây Dựng).
Trên đây , tôi chỉ nêu một số ví dụ chức năng, nhiệm vụ trong quản lý điều hành về TNN ở lưu vực.
3. Cần phân biệt giữa tài nguyên nước và các sản phẩm từ nước.
Tài nguyên nước bao gồm tất cả các nguồn nước từ các sông suối, nước ngầm và nước ở các hồ chứa. Hồ chứa là những kho nước dự trữ nước thừa để dùng khi thiếu. Nhiệm vụ của hồ chứa hiện nay thường là đa mục tiêu: Cấp nước cho phát điện, cho nông nghiệp, phòng lũ, môi trường…cho nên cần có cơ quan quản lý khách quan, cấp phép hoặc lập quy trình cấp cho các đơn vị sử dụng để đảm bảo lợi ích toàn cục. Nước sau khi ra khỏi hồ chứa (chảy qua cống lấy nước) là sản phẩm từ nước nó có mục tiêu phục vụ rõ ràng, cho nên đơn vị nào sử dụng nó thì đơn vị đó quản lý, có như vậy mới tiết kiệm và chủ động. Phân rõ được TNN và sản phẩm từ nước mới có những tổ chức quản lý hợp lý. Nếu không chúng ta cứ lúng túng trong việc quản lý TNN và sản phẩm từ nước.
4. Những kiến nghị.
Cần phải sớm tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước trên quan điểm phát triển bền vững TNN và quản lý tổng hợp TNN theo lưu vực sông là thể thống nhất, phù hợp với quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội. Quản lý TNN và quản lý lưu vực sông không thể tách rời nhau được. Từ đó, tôi mạnh dạn kiến nghị cần phải nhanh chóng thống nhất quản lý TNN tập trung cho một Bộ, nếu chia sẻ, phân tán ra nhiều cơ quan quản lý sẽ làm cho TNN bị suy giảm, thậm chí mang lại những hậu quả khó lường.