Đâu là nguyên nhân tranh chấp nguồn nước giữa thủy điện và các nhu cầu khác?[10/04/13]

09/04/2013 14:36

27

Đâu là nguyên nhân tranh chấp nguồn nước giữa thủy điện và các nhu cầu khác?

Những tranh chấp nổi lên gần đây về nguồn nước giữa thủy điện và các nhu cầu khác (dân sinh, sản xuất nông nghiệp,…) ở miền Trung đang đặt câu hỏi trên. PV. Ngọc Tiến (báo Tiền Phong) đã phỏng vấn  GS.TSKH.  Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy hội Đập lớn Thế giới, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PT NT, về chủ đề này.

*

Câu hỏi 1: Gần đây một loạt các tranh chấp nguồn nước giữa các nhà máy thủy điện và các địa phương về nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp như tại Đà Nẵng, Kon Tum, theo Giáo sư đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Trả lời:  Nhu cầu dùng nước là thiết yếu của mọi hoạt động dân sinh-kinh tế và thường xảy ra những tranh chấp về nguồn nước giữa các quốc gia, giữa các cộng đồng và giữa các mục tiêu dân sinh-kinh tế. Trong phạm vi mỗi quốc gia, các nhà đương cục có trách nhiệm phải xử lý hài hòa những nhu cầu dùng nước nhằm đạt tới hiệu quả sử dụng nước cao nhất về kinh tế và xã hội. Những tranh chấp nguồn nước xảy ra gần đây tại một số địa phương cho thấy chúng ta chưa quản lý tốt nguồn nước. Khi xây các đập nước thì cần phải có các nghiên cứu kỹ về môi trường và xã hội, về qui trình vận hành hồ chứa một cách hợp lý nhất đáp ứng các mục tiêu  dùng nước: cấp nước dân sinh, phòng tránh thiên tai, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, phát điện,... 

Lòng sông Ba tại hạ lưu đập An Khê

 

 Câu hỏi 2: Việc các nhà máy thủy điện phát triển mạnh trong thời gian qua đã gây ra những hệ lụy nhất định, một số dòng sông tại Tây Nguyên bị lái dòng chảy khiến thành phố Kon Tum mất 50% nguồn nước của sông Đắk Bla, Giáo sư đánh giá như thế nào về thực tế phát triển thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên thời gian qua?

Trả lời:  Hiện nay trên thế giới, không nơi nào có nguồn thủy năng mà con người không tận dụng. Trong khi sản lượng điện từ than, dầu mỏ…, đang dần cạn kiệt thì thủy điện được ưu tiên phát triển số 1. Thủy điện hiện nay chiếm từ 15-20% tổng sản lượng điện của thế giới và chiếm tới 95% tổng sản lượng năng lượng tái tạo. Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo và được coi là sạch, lại dễ vận hành khi cần điều tiết sản lượng điện.

Thủy điện đã phát triển mạnh ở nước ta trong vài thập kỷ trở lại đây, cả thủy điện lớn, vừa và nhỏ, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của đất nước với khoảng 35% tổng sản lượng điện. Tuy nhiên quá trình phát triển thủy điện vừa qua cũng cho thấy một số thiếu sót do chúng ta chưa xem xét, nghiên cứu cẩn thận. Thứ nhấtQui hoạch thủy điện riêng rẽ, áp đặt, không xét đến việc khai thác tổng hợp nguồn nước mục đich nhằm sử dụng nước đạt hiệu quả kinh tế  - xã hội cao nhất trong lưu vực. Thứ haiCoi nhẹ, thậm chí bỏ qua, tác động của việc thay đổi dòng chảy đến môi trường và dân sinh ở hạ du. Thứ baThiếu năng lực và thiếu trách nhiệm trong quản lý qui hoạch và quản lý xây dựng thủy điện.     

Tác động của thủy điện đến môi trường,  trước hết là sự thay đổi về dòng chảy, và tác động về mặt xã hội, gây xáo trộn nhất định cuộc sống của người dân trong vùng chưa được xem xét kỹ lưỡng và nghiêm túc. Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) nặng về hình thức, chiếu lệ.  Buông lỏng quản lý vận hành nhà máy, bỏ qua các tác động tiêu cực của thủy điện đến môi trường và dân sinh ở hạ du.

Lẽ ra sự quản lý điều hành thủy điện cần phải dựa trên nguyên tắc sử dụng nguồn nước với hiệu quả tổng hợp và bền vững. Chúng ta đã phát triển thủy điện quá ồ ạt ở miền Trung và Tây Nguyên nên đã bỏ qua các nguyên tăc này.

Câu hỏi 3: Một số chuyên gia cho rằng việc chuyển nước từ lưu vực sông này sang sông khác là tối kỵ, ảnh hưởng đến hệ sinh thái toàn vùng, quan điểm của Giáo sư ra sao về thực tế này tại Tây Nguyên ?

Trả lời:  Việc chuyển nước từ lưu vực sông này sang sông khác hoặc chuyển nước cách đoạn trên một dòng sông không phải là chuyện cá biệt. Khi địa hình thuận lợi cho việc tăng cột nước phát điện, tăng đáng kể hiệu quả thủy điện, người ta đều tận dụng. Tuy nhiên, mặt trái của trường hợp này là nước qua tuabin thủy điện không xả vào dòng chính mà theo một ngả riêng để chảy vào sông khác hoặc cũng trở về dòng chính nhưng ở vị trí thấp hơn trên hạ du dòng chính. Vì vậy vùng lưu vực sông ngay sau đập sẽ hầu như không có nước, nhất là về mùa khô, gây khó khăn lớn cho nhân dân và tác động xấu đến môi sinh. Để khắc phục tình trạng này, phải hài hòa lợi ích về điện năng với yêu cầu đảm bào nước cho dân sinh và sản xuất trong vùng bị chuyển nước. Chưa làm được điều này chứng  tỏ việc quản lý nguồn nước của chúng ta còn quá yếu kém.

Tây Nguyên là cao nguyên, nơi phát tích của những dòng sông chảy về các vùng chung quanh thấp hơn: chảy về Nam Trung Bộ ra biển Đông, chảy về phia Tây qua Lào và Campuchia vào sông Mekong và chảy về phía Nam là hệ thống sông Đồng Nai qua vùng Đông Nam Bộ. Vì địa hình cao nên khi dứt mưa thì nước sông cũng cạn luôn. Tình hình này càng gay gắt khi rừng Tây Nguyên bị phá nghiêm trọng. Việc xây dựng đập và hồ chứa ở Tây Nguyên là cần thiết để điều hòa nguồn nước, giữ lại một phần nước mùa mưa để dùng trong mùa khô. Vẫn kết hợp phát điện nhưng phải chú trọng thích đáng các yêu cầu khác về nước. 

Câu hỏi 4: Để giải bài toán tranh chấp nguồn nước tại miền Trung và Tây Nguyên hiện nay theo Giáo sư cần một giải pháp tổng thế như thế nào?

Trả lời:  Theo tôi cần rà soát lại một cách nghiêm túc qui hoạch sử dụng nước các lưu vực sông, các vùng, trong đó có xem xét kỹ thực trạng hiện nay. Từ đó  chấn chỉnh vận hành hồ chứa hiện có và thận trọng triển khai các dự án khác trong tương lai. Việc rà soát này phải được tiến hành một cách độc lập, khách quan bởi các chuyên gia giỏi. 

Câu hỏi 5: Ngoài ảnh hưởng đến nguồn nước, các dự án thủy điện cũng gây nỗi lo về an toàn đập vào mùa mưa lũ, Giáo sư có cảnh báo gì về thực tế này?

Trả lời:  An toàn đập bao giờ cũng là mối quan tâm hàng đầu, là chủ đề lớn được bàn cãi rất nhiều trên thế giới. Khác với các loại kết cấu hạ tầng khi xập đổ chỉ gây những thiệt hại tại chỗ, đập bị vỡ gây ra thiệt hai to lớn cho cả vùng hạ du.  

Ở Việt Nam cho đến nay đã xảy ra một số trường hợp vỡ đập, song mới chỉ vỡ những đập nhỏ do lũ lớn. Đó là do khi xây dựng các đập lớn, chúng ta tập trung những chuyên gia có kinh nghiệm, học hỏi và áp dụng những công nghệ xây dựng tiên tiến. Những đập vừa và nhỏ (chiều cao dưới 60m) hầu hết đều là đập đất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi lũ đến.

Sự nghiêm túc và thận trọng đối với  an toàn đập phải  thể hiện  trong tất cả các khâu từ xây dựng đến quản lý.  Người đảm nhiệm những công việc đó phải có ý thức trách nhiệm cao, am hiểu chuyên môn, kịp thời cập nhật kiến thức. Không thể khoán trắng việc xử lý an toàn đập cho chủ đầu tư , chủ yếu là các doanh nhân ‘quốc doanh’ hay ‘ngoài quốc doanh’ luôn chỉ theo đuổi mục đích lợi nhuận.  Theo tôi, cần có tổng kiểm tra, rà soát an toàn của tất cả các đập đã được xây dựng trong thời gian qua, bởi nhiều đập được xây dựng trong một thời gian ngắn đã mắc phải không ít những điều phi kỹ thuật.