Cơ hội sửa sai kịch bản biến đổi khí hậu.[21/05/13]

20/05/2013 14:47

17

CƠ HỘI SỬA SAI KỊCH BẢN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Tô Văn Trường

     

Những hiểu biết của thế giới và Việt Nam về quá trình biến đổi khí hậu cũng như các tác động của nó đối với các hoạt động kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế.

Các hoạt động của Việt Nam

Khí hậu, tài nguyên và môi trường là 3 lĩnh vực cực kỳ quan trọng, có nội dung phong phú, nhiều mặt và quan hệ mật thiết với nhau. Các nhà khoa học đã khẳng định biến đổi khí hậu là bất khả kháng ít nhất là trong thế kỷ 21 cho nên thích ứng là biện pháp tất yếu. Thích ứng không chỉ làm giảm hậu quả tác động do biến đổi khí hậu gây ra mà còn góp phần hạn chế và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, Nhà nước đã bước đầu quan tâm đến lĩnh vực biến đổi khí hậu. Ngày 02/12/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 158/2008/QĐ-TTg phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, 2 phiên bản kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã được công bố vào các năm 2009 và 2011. Nhiều chương trình/dự án hợp tác quốc tế cũng đã được triển khai thực hiện nhằm huy động các nguồn vốn thân thiện với môi trường, bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về biến đổi khí hậu.  

Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là các ngành, các địa phương khi xây dựng chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đều dựa vào các kịch bản 2009 và 2011. Độ tin cậy của công tác dự báo ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả ứng phó.

Sự giống nhau của 2 phiên bản 2009 và 2011

 Xét về nội dung, hai kịch bản nói trên có các điểm chung giống nhau là đều được xây dựng dựa trên 3 kịch bản phát thải khí nhà kính (theo IPCC, 2007): B1 (thấp), B2, A1B (trung bình) và A2, A1FI (cao); đều sử dụng phương pháp xây dựng kịch bản giống nhau là downscaling thống kê, lấy thời kỳ 1980-1999 làm thời kỳ so sánh (baseline); coi B2 và A1B là kịch bản trung bình, A2 và A1FI là kịch bản cao, nhưng không nói rõ kết quả được suy ra từ kịch bản cụ thể nào. Trong khi đó B2 và A1B biến thiên theo thời gian rất khác nhau, A2 và A1FI cũng biến thiên rất khác nhau. Hai cặp này chỉ xấp xỉ nhau về hàm lượng phát thải khí nhà kính vào cuối thế kỷ 21 (khoảng 2090). Đây là vấn đề cần phải được làm rõ. Cả 2 phiên bản 2009 và 2011 đều chưa đưa ra được mức độ tin cậy của các kịch bản (vì chưa có tập mẫu đủ lớn để đánh giá).

Sự khác biệt quan trọng giữa hai phiên bản 2009 và 2011 (PB2009 và PB2011)

So với PB2011 thì PB2009 chi tiết hơn về biến đổi theo thời gian (tính cho từng thập kỷ của thế kỷ 21) nhưng thô hơn về phân bố không gian (chỉ tính cho 7 vùng khí hậu). Còn PB2011 thể hiện sự phân bố không gian chi tiết hơn thông qua hệ thống các bản đồ nhưng không cho thông tin cụ thể về sự biến đổi qua từng giai đoạn trong thế kỷ 21, trừ kịch bản B2 trong đó nhiệt độ trung bình năm và lượng mưa năm chi tiết đến từng thập kỷ, các yếu tố khác lấy hai mốc thời gian là giữa và cuối thế kỷ 21. PB2011 có thêm các kịch bản biến đổi của nhiệt độ tối thấp và tối cao trung bình, số ngày có nhiệt độ cao nhất trên 35 độ C. PB2011 (theo trình bày trong văn bản) có tham khảo thêm kết quả của các mô hình PRECIS và MRI (của Nhật Bản) và của các mô hình thống kê SIMCLIM và SDSM.

Chưa đủ độ tin cậy

 So với PB2009 trong phiên bản cập nhật PB2011 Bộ Tài nguyên & Môi trường đã cố gắng đưa ra các kịch bản có thể nói là chi tiết về phân bố không gian, nhưng chưa có gì để đảm bảo rằng các kịch bản này là đáng tin cậy vì các lý do sau:

(1) Không rõ các bản đồ trong PB2011 được xây dựng dựa trên nguồn số liệu nào. Nếu chúng được xây dựng dựa vào số liệu tính toán từ mạng lưới trạm quan trắc, chắc chắn kết quả nội suy cho những vùng có mật độ trạm thưa thớt (các vùng núi cao, hẻo lánh) sẽ chứa đựng sai số lớn. Nếu sử dụng trực tiếp kết quả tính từ các mô hình số thì chưa đủ (vì sản phẩm của MRI chỉ có 2 giai đoạn 2015-2039 và 2075-2099) còn sản phẩm của PRECIS chưa được kiểm chứng. Nếu “trộn” cả hai loại trên cần phải chỉ ra phương pháp xử lý;

(2) Sự mập mờ trong việc lựa chọn phương pháp xây dựng kịch bản (chỉ nói là “chi tiết hóa thống kê” mà không nói rõ phương pháp nào) làm cho người sử dụng phải đánh dấu hỏi (?);

(3) Các sản phẩm của PRECIS, MRI, SDSM và SIMCLIM được sử dụng hay tham khảo như thế nào cũng không được trình bày cụ thể, dẫn đến việc có thể suy diễn rằng PB2011 được xây dựng như PB2009 (tức sử dụng các phần mềm thống kê MAGICC/SCENGEN). Nếu như vậy, hệ thống các bản đồ trong PB2011 chỉ thuần túy là nội suy các giá trị nhận được từ mạng lưới trạm bằng phần mềm nào đó, tức là còn tiềm ẩn sai số nội suy do không thể đưa vào sự ảnh hưởng của các nhân tố địa lý (biến thiên của nhiệt độ theo độ cao, sự bất đồng nhất lớn của lượng mưa theo không gian, v.v.);

(4) Dù đã sử dụng tất cả sản phẩm hiện có từ các phương pháp (thống kê, mô hình số trị PRECIS và MRI) thì tập mẫu vẫn còn quá ít để đánh giá, ước lượng tính không chắc chắn (hay tính bất định - Uncertainty).

Và do đó, kịch bản PB2011 vẫn chưa thể sử dụng làm cơ sở khoa học để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, lại càng không thể dựa vào đó để thực thi cái gọi là xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì nếu chưa có gì chắc chắn để nói biến đổi khí hậu tác động như thế nào thì không thể ứng phó được và hậu qủa sẽ dẫn đến “tiền mất, tật mang”.

  Để có được một kịch bản đáng tin cậy, cần phải có nhiều cơ sở và cá nhân cùng thực hiện và thực hiện độc lập với nhau để nhận được nhiều bộ kết quả dự tính biến đổi khí hậu (Projection of Climate Change) khác nhau. Mỗi một bộ kết quả đó được xem là một mẫu (sample) thống kê. Khi có số lượng mẫu đủ lớn sẽ tổ hợp lại (ensemble) để được kịch bản “tốt nhất có thể”. Đồng thời khi có số lượng mẫu lớn mới có thể đánh giá được độ tin cậy của các kịch bản. Ví dụ có 100 mẫu từ các cá nhân/tập thể về sự biến đổi của nhiệt độ trung bình sẽ xác định được khoảng biến đổi của nhiệt độ mà “phần lớn” (xác suất lớn) mẫu rơi vào khoảng đó.

Cần thiết phải có ít nhất một đơn vị có đủ năng lực chuyên môn đánh giá độc lập không thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường. Phương thức đánh giá độc lập cần phải thực hiện đầy đủ các qui trình, như báo cáo của đơn vị xây dựng kịch bản, thẩm định trực tiếp các công đoạn xây dựng kịch bản và không loại trừ việc mời phản biện Quốc tế.

Thay cho lời kết

Trong lúc chờ đợi có được những kết quả đáng tin cậy của các kịch bản mới, PB2011 có thể được sử dụng như là một thông điệp cảnh báo về sự biến đổi khí hậu ở Việt Nam, qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là quan trí.

   Hiện nay kịch bản phát thải khí nhà kính SRES (Special Report on Emission Scenarios) đã được thay thế bởi RCP (Representative Concentration Pathway) với các kịch bản phát thải như RCP 4.5 (phát thải thấp), RCP 6.0 (phát thải trung bình), RCP 8.5 (phát thải cao). Dựa trên các kịch bản phát thải này các mô hình khí hậu toàn cầu (GCM) sẽ được chạy để dự tính khí hậu cho tương lai. Các kịch bản được xây dựng trước đây dựa trên SRES như A1B, A2, B1, B2,… trong báo cáo lần thứ tư của IPCC (AR4) giờ chỉ còn có ý nghĩa tham khảo.

Vì vậy, việc xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam sắp tới cũng cần dựa trên kết quả dự tính theo các kịch bản phát thải RCP chứ không phải là SRES nữa. Điều đó cũng có nghĩa đây là cơ hội để sửa sai cho các kịch bản biến đổi khí hậu đã công bố (2009 và 2011) của Việt Nam.