Nén tâm nhang trước trí tuệ & nhân cách một người lớn.[08/08/13]

08/08/2013 10:16

29

NÉN TÂM NHANG TRƯỚC TRÍ TUỆ & NHÂN CÁCH MỘT NGƯỜI LỚN

Tô Văn Trường

Danh tướng Trần Độ mất ngày 1/7/2002 âm lịch, tức ngày 9/8/2002 theo dương lịch. Tra lịch thì đúng vào ngày hôm nay 7/8/2013 dương lịch, kỷ niệm 11 năm ngày đi xa của vị tướng văn võ toàn tài.

Trần Độ tên thật là Tạ Ngọc Phách sinh ra ở xóm Bát Điếu, làng Thư Điền, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải (do Doanh điền Nguyễn Công Trứ khai khẩn từ 1828). Trần Độ tham gia cách mạng từ thuở thanh niên, trải nghiệm, thử thách giữ vững khí tiết của người dân yêu nước qua các nhà tù tàn khốc từ Thái Bình, qua Hỏa Lò đến Sơn La.

Ông là một vị  tướng nổi tiếng, tài kiêm văn võ, có nhiều công lao to lớn đi cùng dân tộc trong suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Ông là ủy viên Trung ương Đảng nhiều khóa, là Phó Chủ tịch Quốc hội.

Chẳng phải chỉ riêng ở quê tôi Thái Bình nơi đã sinh ra người con ưu tú Trần Độ mà rất nhiều nơi, nhiều người, đặc biệt là các anh lính cụ Hồ chia sẻ tấm lòng với người đã khuất, được gần như cả xã hội kính trọng và thương xót vì những oan khuất. Nhiều người dân đã biết tư tưởng, bản lĩnh, lập trường, nhất là cái khí phách và cái TÂM vì nước vì dân, vì nền dân chủ và đổi mới nền chính trị cùng như đổi mới xã hội thông qua các bài viết viết, bài nói của cụ Trần Độ.

Ông được người đời mến mộ bởi ‘tâm sáng, chí cao, bản lĩnh phi thường, lập trường kiên định’. Ở mặt trận xông xáo tác chiến, thắng giặc rồi vẫn bền chí trung kiên, sẵn sàng bút chiến.  Những  gì mà có hại đến uy tín của Đảng, có hại cho dân, bất lợi cho nước đều không nằm ngoài tầm kiểm soát và trăn trở của ông. Sự thẳng thắn, cương trực của ông đã làm cho những vị  quan chức quyền uy, thích vuốt ve, khoái nịnh bợ khó chịu, thậm chí hằn học.

Tuy ông đã đi xa, nhưng  người dân đều thấy những điều ông nói, suy cảm, những đề xuất ích nước lợi dân  nay vẫn còn mang đậm tính thời sự, và giá trị hiện thực. Tâm hồn, bản lĩnh, ý chí của ông như còn tươi nguyên. Về vấn đề Đảng lãnh đạo, Trần Độ phát biểu: "Tôi vẫn tán thành và ủng hộ vai trò lãnh đạo chính trị của Đảng. Nhưng lãnh đạo không có nghĩa là thống trị. Đảng lãnh đạo không có nghĩa là đảng trị. Kinh nghiệm lịch sử trong nước và thế giới đã chứng minh rằng mọi sự độc quyền, độc tôn đều đưa tới thoái hoá, ruỗng nát, tắc tỵ không những của cơ thể xã hội mà cả cơ thể Đảng nữa. Nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng tiêu cực trong Đảng và phần nào trong xã hội là ở cơ chế lãnh đạo toàn diện tuyệt đối của Đảng".

Anh Nguyễn Trung nguyên trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho biết trong đời có may mắn được đúng 2 lần tiếp xúc với tướng Trần Độ. Lần thứ nhất lúc Anh Nguyễn Trung đang là lính, được nghe tướng Trần Độ huấn thị trong chiến dịch Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp. Nghe phấn khởi thì nhiều, hiểu thì ít vì trình độ lính mới có hạn. Lần thứ hai Anh Nguyễn Trung được gặp tướng Trần Độ khi đang là đại sứ nước ta ở Bangkok Thái Lan, ấn tượng rất sâu sắc về vị danh tài võ tướng.   

Trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, con gái của nghệ sĩ, diễn viên nhà hát kịch Quang Thái hồi tưởng kể lại với con trai của Trung tướng Trần Độ : “Trước đây trong gia đình những khi có nói chuyện gì mà có dịp để cha tôi nhắc đến tướng Trần Độ thì đó là những lần tôi được nghe ông dành những lời ngưỡng mộ nhất, trân trọng nhất và kính nể nhất chưa từng được cha tôi nói như vậy về ai khác. ”

Ngay từ năm 1974, sau khi đi tham quan ở Cộng hòa Dân chủ Đức và trải nghiệm thực tế của bản thân, Trung tướng Trần Độ viết bức thư tâm huyết yêu cầu đổi mới (14 trang) gửi các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Lê Duẩn, Trường Chinh và Lê Đức Thọ.

Nội dung chủ yếu, ông kiến nghị đưa ra khỏi Đảng những nhân vật lười biếng, mất phẩm chất, chỉ biết nói về Nghị quyết của Đảng như con vẹt, không có năng lực nhưng chiếm chỗ quan trọng, là đầu mối gây bất hòa trong Đảng.

Trần Độ có 04 câu thơ giãi bày tâm sự thật ngao ngán (và được một số tài liệu đăng lại khác nhau):

Bản 1

Những mơ xoá ác ở trên đời

Ta phó thân ta với đất trời

Ác xóa đi, thay bằng cực thiện

Tháng ngày biến hoá, ác luân hồi.

 

Bản 2

Những mơ xoá ác ở trên đời

Ta phó thân ta với đất trời

Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện

Ai hay, biến đổi, ác luân hồi.

 

 

Chính vì các quan điểm nêu trên, ông bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đánh giá về Trung tướng Trần Độ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết (ngày 12/7/2006), nguyên văn như sau:

Trần Độ là một thanh niên yêu nước, sớm giác ngộ và tham gia đấu tranh cách mạng, trở thành người cộng sản kiên cường. Vào quân đội, Trần Độ là cán bộ trẻ thuộc lớp cán bộ Trung đoàn, Đại đòan, Quân khu đầu tiên, trở thành vị tướng có đức có tài, đã có nhiều công lao trong  hai cuôc kháng chiến vĩ đại chống đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Trần Độ có nhiều suy tư trăn trở về con đường phát triển tiến lên của đất nước, về xây dựng Đảng, sống liêm khiết trung thực, luôn đoàn kết với đồng bào, đồng chí, đấu tranh chống  biểu hiện tiêu cực tham nhũng, quan liêu mất dân chủ.

Trong tìm tòi nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Trần Độ manh dạn nêu ý kiến suy nghĩ cá nhân nhưng có lúc chưa tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc. Trung tướng Trần Độ là một con người yêu nước và cách mạng, suốt đời chiến đấu cho lý tưởng của Đảng, vì độc lập của dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Chúng ta mãi mãi thương tiếc Trung tướng Trần Độ.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (viết ngày 2/5/2007):

“Tôi biết nhiều về anh Trần Độ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cả anh và tôi cùng ở Trung ương Cục miền Nam. Năm 1941 anh bị thực dân Pháp bắt kết án 15 năm tù đầy đi Sơn La. Năm 1944, anh vượt ngục về công tác ở Ban tuyên truyền Trung ương.

Anh Trần Độ cống hiến gần hết cuộc đời mình cho dân, cho nước suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trực tiếp chiến đấu và chỉ huy ở chiến trường trên cương vị Phó Chính ủy Quân giải phóng miền Nam-Phó bí thư Quân ủy Miền (thời kỳ chống Mỹ). Đánh giá con người nói chung, sự cống hiến, một chặng đường dài trong đấu tranh cách mạng, ít ai không có vấp váp sai phạm ở mức độ khác nhau. Đó cũng là lẽ bình thường trong một chặng đường và cả cuộc đời.

 Đảng ta không chủ trương lấy công thay cho lỗi lầm, ngược lại cũng không vì lỗi lầm mà phủ định hết giá trị của sự cống hiến. Vấn đề ở đây phải hết sức công bằng, có sức thuyết phục cao.

Hơn nữa, chúng  ta cần xem xét thuộc quan điểm, chủ trương như trước đổi mới và đổi mới ban đầu và ở những chặng sau này. Có những cái ta cho là đúng trước đây, khi đổi mới và càng về sau càng thấy là nó sai hoặc trước đây là sai nghiệm trọng nhưng khi đổi mới lại là đúng như trường hợp đồng chí Kim Ngọc (Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú).

Ngay cả đổi mới lúc đầu với mức hiện nay cũng có nhiều mức khác biệt, ngay cả trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Lịch sử sẽ phán xét công minh nhưng trước tiên mỗi một cá nhân  cũng phải sòng phẳng với lịch sử. Với tinh thần ấy, tôi tin việc xuất bản cuốn sách “Tướng Trần Độ” là việc làm kịp thời và rất có ý nghĩa”.

Nói về  tướng Trần Độ  phải khẳng định đó là một nhân vật văn võ toàn tài. Thế hệ chúng tôi, những người nay đã trong độ tuổi 60-70, những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước luôn háo hức, say sưa và xúc động đọc trên báo, và nghe trên đài phát thanh rất nhiều những bài viết, bài nói của một người tên là Trần Độ. Những bài báo, những câu chuyện phần lớn ông dành cho thanh niên giầu cảm xúc , hấp dẫn, hóm hỉnh và rất lôi cuốn. Cuộc đời binh nghiệp hiển hách của ông càng làm tăng thêm sức thuyết phục của những bài viết và bài nói của ông. Có lẽ những đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hai trong số những công thần hàng đầu của nước Việt Nam hiện đại về tướng Trần Độ là đầy đủ, chí tình, chí lý.

Thời gian đã trôi qua, xã hội bây giờ cái nhìn đen trắng, xấu tốt, rất may cũng dần sáng tỏ hơn  vì quá khứ và thời cuộc cay đắng, rút cục đến lúc nào đó, sẽ phải trả lại những giá trị đích thực- “của Ceasar phải trả lại cho Ceasar” là vậy.

Không hiểu sao, tôi vẫn tin rằng ở cõi vĩnh hằng cụ Trần Độ vẫn dõi theo nhân thế mỉm cười lặng lẽ, chiêm nghiệm lại tất cả cái nhìn đi trước thời cuộc của mình, và vì thế cụ đã phải chịu nhiều oan khuất, hệ lụy. Nhưng chắc chắn cụ không hề hối tiếc. Chính sự trân trọng của xã hội những ngày này với số phận của cụ, với vong linh cụ khiến cho các con cháu của cụ ấm lòng hơn. Và tin rằng họ sẽ sống xứng đáng với cha ông mình.

Người tài ở nước ta không bao giờ hiếm. Người tài ở nước ta lại còn có một điểm khác với những nơi khác là họ tận trung với nước, họ có ước vọng được đóng góp cho quốc dân, họ có niềm tự hào sâu sắc về cội nguồn. Tìm đường cứu nước đúng là không phải đi đâu xa, những đường hướng để hưng thịnh quốc gia đều đã được vạch ra rồi.

Nhân ngày giỗ vị danh tướng Trần Độ, xin hãy cùng thắp nén nhang, và cầu chúc linh hồn cụ có linh thiêng, xin hãy phù hộ cho chúng ta  những người trần thế hiểu và dũng cảm cùng nhau xây dựng một xã hội Việt Nam văn minh, mãnh liệt tinh thần Lạc Việt, một sự thay đổi tích cực, vì dân tộc này.