Giảm nhẹ khô hạn ở Đồng Bằng Mê Kông.[16/09/13]

16/09/2013 10:23

16

Giảm nhẹ khô hạn

ở Đồng Bằng Mê Kông

M. Ho Ta Khanh*

1.     Sự cần thiết giảm nhẹ khô hạn ở đồng bằng Mê Kông

Nhiều vùng rộng lớn ở đồng bằng Mê Kông đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng trong thời kỳ mùa khô, đó là:

-       Không đủ dòng chẩy tự nhiên để cấp nước tưới, dẫn đến tổn thất đối với vụ lúa này,

-       Không đủ nước cho sinh hoạt của người dân,

-       Xâm nhập mặn vào các diện tích canh tác do triều tiến sâu hơn vào đất liền,

-       Ôxy hóa các đất chứa axit sulphat trong thời kỳ khô hạn kéo dài do tiếp xúc với ôxy trong không khí,

-       Tác động có hại đến hệ thủy sinh.

Các vấn đề bất lợi trên chắc chắn tiếp tục gia tăng trong tương lai do hệ quả của biến đổi khí hậu.

Một trong những giải pháp giảm thiểu các bất lợi trên có thể là trữ nước trong mùa mưa để sử dụng trong mùa khô, chí ít cũng cho các vùng khó khăn nhất, và để tăng dòng chẩy kiệt.

2.     Những điểm bất lợi của các hồ chứa lớn trên sông Mê Kông và các dòng nhánh

Các hồ chứa lớn ở đồng bằng Mê Kông sẽ có thể rất hữu íchtrong mùa khô thông qua cấp nước sinh hoạt, cấp nước tưới, đẩy lùi xâm nhập mặn và giảm quá trình ô xy hóa các đất chứa a xit sulphat. Tuy nhiên, việc xây dựng các hồ chứa lớn trên sông Me Kông và các dòng nhánh đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các kỹ thuật gia cũng như phần đông công chúng và các phương tiện truyền thông do bởi các nhược điểm sau:

-       Phải di dời nhiều người người dân, thường rất nghèo, đang sinh sống hai bên sông dựa vào đánh bắt cá và chuyên chở sông nước.

-       Gây ngập các diện tích lúa và cây ăn trái rất phì nhiêu, sinh lời hai bên sông.

-       Phải xây dựng các âu tầu lớn để duy trì giao thông thủy.

-       Nguy cơ ngăn cản đường di cư của các loài cá (đánh cá và nuôi trồng thủy sản có tầm quan trọng bậc nhất đối với kinh tế vùng này).

-       Nguy cơ bồi lắng nặng nề ở thượng lưu các đập, giảm nghiêm trọng lượng phù sa xuống hạ lưu (gây thiệt hại to lớn đến quá trình cung cấp các chất mầu, dinh dưỡng và bảo vệ chống xói mòn lòng sông, vùng ven bờ và xa bờ).

Ngoài ra, các đập trên sông Me Kông có chi phí xây dựng khá cao do vì:

-       Các vấn đề về nền móng (ở thung lũng sông thường có các tầng đất mềm yếu chiều dầy lớn).

-       Các han chế liên quan đến công trình dẫn dòng thi công.

-       Tràn xả lũ và cống lấy nước đều phải lớn.

-       Phải xây dựng các đường cá đi (hay nâng cá) và âu tầu lớn.

 

3.     Giải pháp khả dĩ gồm các hồ chứa nhỏ gần sông

Dường như có thể tăng dòng chẩy mùa khô ở những vùng thiếu nước nghiêm trọng bằng cách nghiên cứu phương án gồm các hồ chứa nhỏ, dung tích khoảng vài triệu đến chục triệu mét khối –gần và dọc theo đê với chiều cao tối đa 10 đến 15 m, cách làm này hiện được đánh giá cao đối với các đập thượng lưu ở các trạm thủy điện tích năng. Ở đồng bằng Mê Kông, các vật liệu bồi tích và sét rất phong phú và chắc chắn đủ cho xây dựng các đê và hồ chứa đạt độ chống thấm cần thiết với chi phí xây dựng khá thấp.

Những hồ chứa này được bố trí ở những khu vực kém sinh lợi như khu vực đất axit sulphat hay đất ngập nước(nhưng phải xét đến tác dụng quan trọng của rừng đước), bên ngoài nhưng gần sông. Những hồ này cũng có thể góp phần cải thiện kinh tế khu vực do phát triển nuôi trồng thủy sản.

Với diện tích đã định, có thể tăng dung tích hồ chứa bằng cách nâng cao mức nước lớn nhất trong hồ chứa, cao hơn mức nước cao trung bình trong thời kỳ mùa lũ bằng cách sử dụng các trạm bơm.Hiện nay, có thể chấp nhận được chi phí cho bơm và lưu lượng bơm.Trong những trường hợp thuận lợi, có thể tính đến lắp đặt những tua bin nhỏ sử dụng lại dòng chảy từ hồ ra.

Giải pháp này có ưu điểm là tránh đượcphần lớn các bất lợi đã trình bầy bên trên và cóưu điểm đáng kể khác là các hồ chứa vận hành độc lập, có thể tối ưu vận hành theo yêu cầu và đặc điểm cụ thể của từng hồ.

Hoàn toàn có thể tiến hành đầu tư các hồ nhỏ dần theo từng bước, trong thời kỳ dài.

Cũng cần lưu ý là các hồ tự nhiên và nhân tạo có chức năng trữ, điều tiết như trên đã hình thành và đang được khai thác ở đồng bằng Me Kông, song chúng cần đươc mở rộng, hiện đại hóa và gia tăng số lượng trong tương lai.

Cần xem xét tính khả thi về phương diện kỹ thuật và kinh tế của giải pháp này trong quá trình nghiên cứu, thiết kế của các đoàn công tác Việt Nam và nước ngoài (Quản lý, Tư Vấn, Nhà Thầu, trường đại học và các trung tâm nghiên cứu) được giao trách nhiệm về các vấn đề biến đổi khí hậu ở đồngbằng Mê Kông.

Ủy ban kỹ thuật lâm thời của ICOLD “Tương lai và những thách thức mới đối với đập và hồ chứa ở thế kỷ 21“, vừa được thành lập ở Seattle trong thời gian Hội nghị thường niên  lần thứ 81 của ICOLD, đã quyết định tiếp tục thảo luận giải pháp trên và sẵn sàng cộng tác với các nhóm chuyên môn, chuyên trách về vấn đề trên.

TP Hồ Chí Minh (Tháng 9 2013).

 *Chuyên gia, hội viên các  Hội Đập Lớn & Phát triển nguồn nước Việt nam (VNCOLD) và Hội Đập & Hồ chứa Pháp (CFBR) , thành viên Ủy ban kỹ thuật của Ủy hội Đập lớn Thế giới (ICOLD) về “Tương lai và những thách thức mới đối với đập và hồ chứa ở thế kỷ 21”.

 

(mời xem nguyên bản tiếng Anh trên www.vncold.vn trang  /En/Web/Content.aspx?distid=579 )