Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Một biểu tượng của tính nhân văn.[08/10/13]
08/10/2013 10:30
ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
– MỘT BIỂU TƯỢNG CỦA TÍNH NHÂN VĂN
TS. Phạm Gia Minh
Đứng trước tượng đài các vị danh tướng trên thế giới công chúng thường hướng sự ngưỡng mộ về những chiến dịch và trận đánh nổi tiếng , những mưu kế và vũ khí lợi hại khiến đối phương bị khuất phục. Với tên tuổi Võ Nguyên Giáp thì tài năng quân sự lỗi lạc chỉ mới là bề nổi dễ nhận biết từ bên ngoài .
Đại tướng Võ Nguyên Giáp & nhạc sĩ Văn Cao
Đứng trước tượng đài các vị danh tướng trên thế giới công chúng thường hướng sự ngưỡng mộ về những chiến dịch và trận đánh nổi tiếng , những mưu kế và vũ khí lợi hại khiến đối phương bị khuất phục. Với tên tuổi Võ Nguyên Giáp thì tài năng quân sự lỗi lạc chỉ mới là bề nổi dễ nhận biết từ bên ngoài .
Điều quan trọng hơn đóng vai trò như nền tảng và cội nguồn nuôi dưỡng tài năng đó lại là chất CON NGƯỜI hay tính NHÂN VĂN của ông.
Điều đầu tiên ,Võ Nguyên Giáp lừng lẫy như một vị tướng của các cuộc chiến tranh vệ quốc chống ngoại xâm và điều này đã làm ông nhân văn hơn những danh tướng từng mang quân đi chinh phạt các dân tộc đau thương khác. Tính nhân văn vốn là một truyền thống ứng xử của dân tộc Việt Nam , bởi vậy , vị Đại tướng nhân dân chưa từng được đào tạo qua một trường quân sự chính quy nào ngay từ thuở niên thiếu đã thấm nhuần đạo lý yêu nước “ đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” .
Trong chiến tranh làm sao tránh khỏi đau thương và mất mát, nhưng liệu có mấy danh tướng trăn trở ngày đêm để làm sao giành được thắng lợi mà vẫn tiết kiệm tới từng giọt máu đào của chiến sĩ ? Ở Võ Nguyên Giáp lòng yêu nước nồng nàn, kiên trung với lý tưởng phụng sự Dân tộc và phẩm chất quý trọng xương máu của chiến sĩ đã hòa quyện với trí tuệ quân sự lỗi lạc một cách nhuần nhuyễn, góp phần hình thành nên phong cách cầm quân độc đáo , đó là biết NHẪN .
Phải có bản lĩnh như thế nào mới có thể ra lệnh vượt ngàn trùng hiểm nguy để lại rút pháo ra khi tưởng như có thể sẵn sàng tấn công căn cứ điểm Điện Biên Phủ . Phải là người hiểu được bản chất của sự vật tới mức sâu sắc tột cùng và có đủ phẩm chất cá nhân về lòng thương yêu chiến sĩ của mình mới có thể điềm tĩnh và tỉnh táo để tránh những hy sinh xương máu to lớn mà không đem lại chiến thắng tưởng như đã trong tầm tay.
Thánh Gandhi có lần nói:” nhẫn nhục ví như không khí , chẳng biết chống trả, nhưng có khả năng vô hiệu hóa những quả đấm của kẻ bạo tàn”.
Trong cuộc đời cầm quân , Đại tướng đã nhiều lần làm vô hiệu hóa những quả đấm từ phía đối phương bằng chữ NHẪN hay nói đúng với bản chất sự việc hơn là bằng thái độ khoan dung, độ lượng , điềm tĩnh và tỉnh táo vốn có của mình. Việc hoãn binh để kéo pháo ra ở Điện Biên chỉ là một minh chứng trong rất nhiều minh chứng sinh động.
Nhẫn để chờ thời cơ nhưng khi hành động thì khẩn trương, quyết liệt theo tinh thần của tờ quân lệnh ngày nào “ thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo , táo bạo hơn nữa … quyết chiến và quyết thắng ! ” Đó mới là phong cách Võ Nguyên Giáp.
Chất CON NGƯỜI ( viết bằng chữ hoa ) của Đại tướng được hòa quyện với những nét VĂN HÓA tinh hoa kết hợp giữa phương Đông và phương Tây . Đại tướng là người am hiểu nghệ thuật dùng binh của Lý Tthường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền ...từ truyền thống dân tộc, nắm vững binh pháp Tôn Tử của Trung Hoa nhưng cũng dùng tiếng Pháp, Hoa, Anh … ở mức văn hoa để giao tiếp đối ngoại và học hỏi nghệ thuật quân sự của các nước trên thế giới.
Ít người được chứng kiến Đại tướng khi rảnh rỗi vẫn tự chơi piano những bản nhạc của Chopin hay Tchaikovsky…và trong đời thường là một người chồng, người ông, người cha và người bạn rất mực tận tụy, chân thành , chu đáo và hiền từ.
Ông là người được giới văn nghệ sĩ, khoa học gần gũi để gửi gắm tâm tư những khi khó khăn, khúc mắc. Và không phải ngẫu nhiên những đối thủ một thời trong chiến tranh đã lấy làm hãnh diện được làm “ kẻ thù danh dự” ( honorable Enemy ) của ông .
Nhà sử học Võ Nguyên Giáp bằng cuộc đời dài hơn một thế kỷ của mình thực sự đã làm nên lịch sử.
Và chúng ta, những hậu duệ của ông hãy rút ra những bài học quý báu từ tính NHÂN VĂN của ông để lấy đó làm nền tảng, làm nguồn mạch cho mọi suy nghĩ và hành động của mình.
Một câu hỏi cho tới giờ phút này vẫn canh cánh trong tôi:” vì sao Cụ Hồ đã tặng ông biệt danh VĂN “ ? . Và phải chăng phải có VĂN, có chất CON NGƯỜI thì VÕ mới cao cường và bách chiến bách thắng?
Thăng Long- Hà Nội
6/10/2013