Phản đối việc xây đập thủy điện Hutgyi ở biên giới Thái Lan - Myanmar.(26/3/07)

25/03/2007 22:55

25

Một số tổ chức phi chính phủ đang phản đối việc xây các đập thủy điện Hutgyi  trên sông Salween ở biên giới Thái Lan với Miến Điện tức Myanmar.

Đây là dự án được nói là do sự phối hợp của ba bên Trung Quốc, Thái Lan và chính quyền Miến Điện nhằm xây hệ thống thủy điện Hutgyi trị giá một tỷ đôla.


Vị trí sông Salween


Phía những nhà phản đối cho rằng hậu quả về môi sinh của dự án là không thể lường trước hết được.

Họ cũng lên án việc đầu tư của hai tập đoàn Trung Quốc và Thái Lan vào dự án, cho rằng nó “trợ giúp tài chính cho chính quyền quân nhân Miến Điện.”.


Cá nước ngọt trên sông Salween


Hai tổ chức Northern NGO Coordinating Organization (NGO-Cord) và Salween Watch, tụ họp người Thái, Miến và một các nhân vật quốc tế, đang vận động chống lại dự án với đợt sớm nhất ngày 28.2 này ở Thái Lan, Mỹ, châu Âu và Úc.

Các đập thủy điện này dự tính sẽ sản xuất lượng điện năng 12,700 MW khi hoàn tất.

 
Cảnh trên sông Salween (đoạn thượng nguồn và hạ du)

 



Dự án ba bên


Phía Trung Quốc trong dự án là tập đoàn Sinohydro Corporation, còn phía Thái Lan là Cơ quan Điện năng Quốc gia. Các bên đã ký biên bản ghi nhớ và sẽ khởi công việc xây cất tháng 12.2007.

Trước đó dự án chỉ gồm hai bên Thái Lan và Miến Điện bị tạm ngưng vì bất ổn trong vùng nhưng nay thì quân đội Miến Điện đã bình định xong các hoạt động chống đối của dân thiểu số.

Những tổ chức phi chính phủ phản đối việc này cho rằng không chỉ dân Miến Điện mà cả dân thiểu số sống ở bên đất Thái Lan không được hỏi và thông báo về các hậu quả của dự án.

Từ những năm qua, các dự án thủy điện lớn ở Đông Nam Á, đặc biệt là trên thượng nguồn sông Mekong và các sông nhánh khác thường gây ra phản đối từ các nhà hoạt động vì môi trường.

Sông Salween, tiếng Hoa là Nộ Giang, dài 2815 km, chảy từ Tây Tạng, qua Vân Nam sang Miến Điện và ra biển Ấn Độ Dương.

Khu vực sông này chảy qua được Unesco công nhận năm 2003 là Di sản Thế giới vì cảnh trí và sự phong phú của hệ động thực vật.

Cho đến nay Trung Quốc đã cho xây nhiều đập trên Nộ Giang thuộc phần đất của họ nhưng lần này, một tập đoàn của Trung Quốc tham gia dự án Hutgyi, lớn nhất từ trước tới nay ở Miến Điện./.

(Ths. Nguyễn Hoài Nam - tổng hợp)