Vai trò của hệ thống đê bao, bờ bao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.[04/04/14]
03/04/2014 11:07
VAI TRÒ CỦA HỆ THỐNG ĐÊ BAO, BỜ BAO PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ -XÃ HỘI Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
VÕ VĂN KIỆT
BBT. Những ý kiến thảo luận về vai trò của đê bao, bờ bao tại Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu, quản lý, công luận,.. Cố Thủ tướng Võ văn Kiệt là vị lãnh đạo gắn bó, tâm huyết, hết sức am hiểu thiên nhiên và con người ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ông đã từng chỉ đạo cương quyêt và thành công nhiều chủ trương mạnh bạo để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có thủy lợi, tại Đồng bằng sông Cửu Long. Xin trân trọng đăng lại bài viết của ông năm 2006 mà vẫn mang tính thời sự sâu sắc.
oOo
Thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh một số ý kiến đánh giá những mặt ích lợi cũng như còn tồn tại của đê bao, bờ bao ở Ðồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đặc biệt, báo Lao động tổ chức diễn đàn:”Tìm hướng phát triển bền vững cho vựa lúa của ĐBSCL” liên quan đến đê bao, bờ bao được sự quan tâm, tham gia của nhiều giới từ các nhà khoa học, nhà quản lý, đến sinh viên và người dân. Các ý kiến trao đổi, thảo luận ở hội nghị, hội thảo hay diễn đàn đều là các kênh phản hồi khoa học, phản hồi xã hội rất cần thiết để cho các cấp có thẩm quyền và những người có trách nhiệm, quan tâm, xem xét, giải quyết. Những thông tin từ các tranh luận cũng giúp ích ngay cả cho những người phản biện có điều kiện để lắng nghe và kiểm chứng lại những ý kiến của chính mình. ĐBSCL có một vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và là chìa khoá chính trong chiến lược an ninh lương thực Quốc gia. Với tiềm năng to lớn về nông nghiệp và thuỷ sản, trong các năm qua, ĐBSCL đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực (khoảng 95% lượng gạo xuất khẩu), 65% lượng thuỷ sản và 70% lượng cây ăn trái của cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL cũng gặp những hạn chế đến sự phát triển kinh tế-xã hội, vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn không nhỏ như cơ sở hạ tầng còn yếu kém, tình hình lũ lụt ngày càng diễn biến bất thường, hạn hạn xảy ra ngày càng khắc nghiệt, mặn xâm nhập sâu hơn, cháy rừng, xói lở bờ ngày càng nghiêm trọng, nông-thủy sản xuất khẩu của ta trên thị trường thế giới cũng luôn gặp những rủi ro cả về thị trường, giá cả, chất lượng, hàng rào thuế quan… Chúng ta đều biết tài nguyên nước là sự sống còn của con người. ĐBSCL có 4 nguồn nước, đó là nước mặt sông Mê Công, nước mưa, nước ngầm và nước mặn từ biển, trong đó, nguồn nước sông Mê Công là quan trọng nhất. Mùa nước nổi xưa kia ở ĐBSCL gắn liền với lúa trời theo năm tháng đã chuyển dần thành mùa lũ với sản xuất 2-3 vụ trong năm do nhiều nguyên nhân: Khí hậu ngày càng biến đổi theo xu thế bất lợi, ngược lại, nhu cầu phát triển và tiêu thụ sản phẩm của con người ngày càng tăng cao. Năm 1970, độ che phủ rừng ở hạ lưu sông Mê Công chiếm 50% diện tích đất tự nhiên, nay chỉ còn 25%. Tốc độ sinh trưởng dân số tăng nhanh, vì cuộc sống nên con người cũng tác động vào tự nhiên nhiều hơn. Các chương trình xây dựng nhà máy thuỷ điện, đắp đê, xây đập, phát triển sản xuất ở các nước thượng nguồn sông Mê Công đều ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy sông Mê Công cả về chất lượng và số lượng. ĐBSCL chỉ chiếm 5% diện tích lưu vực sông Mê Công nhưng hàng năm phải hứng chịu lượng nước khoảng 400 tỷ m3 vào mùa lũ. Song song với các biện pháp phi công trình như dự báo lũ, cảnh báo lũ, thay đổi cơ cấu sản xuất cho phù hợp với vùng lũ, các biện pháp công trình cũng được quan tâm xây dựng để bảo vệ an toàn tính mạng cho nhân dân, bảo vệ sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng. Người dân, ngày càng hiểu rõ hơn, khi con người tác động vào tự nhiên, như xây dựng các công trình giao thông, thuỷ điện, thuỷ lợi… là bài toán đánh đổi giữa những cái “được” và cái “mất” vì theo quy luật biện chứng không ai cho ta tất cả. Vì thế, phải cố gắng sao cho những cái được là nhiều nhất và cái mất là ít nhất. Ví dụ như công trình thuỷ điện Sơn La đang được xây dựng sẽ góp phần to lớn vào lợi ích chống lũ, phát điện, phục vụ cho nông nghiệp, dân sinh, nhưng đất đai trong lòng hồ bị ngập, hàng ngàn hộ dân phải di dời khỏi nơi chôn rau, cắt rốn, cái mất, đôi khi cũng không dễ tính được bằng tiền. Nhà nước đã và đang quan tâm đến chính sách tái định cư, đền bù, bố trí lại sản xuất cho những người dân bị thiệt hại vì chính họ đã góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho cả cộng đồng. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn và luồn lách thiên nhiên để phát triển ở ĐBSCL, nhờ có sáng kiến của người dân ở Nam bộ, một mô hình bờ bao quy mô nhỏ bảo vệ diện tích lúa Hè-Thu ít ỏi khoảng gần trăm ha đã được an toàn trong mùa lũ ngay từ năm 1978 ở An Giang. Từ đó, được sự quan tâm của Nhà nước, với kinh nghiệm thực tế của người dân, Bộ Thuỷ lợi, các ban ngành trung ương, địa phương đã nghiên cứu các quy luật hình thành, diễn biến của lũ, đặc điểm địa hình, xem xét, phối hợp với các chương trình kiểm soát lũ của các nước thượng lưu để xây dựng hệ thống bờ bao ở ĐBSCL, và một số nơi, chuyển từ bờ bao sang đê bao, nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe hơn đối với độ an toàn khu dân cư và sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình hình thành và phát triển đê bao, bờ bao đã có hàng chục các cuộc họp, hội thảo lấy ý kiến của các giới, các ngành, các nhà khoa học cả tự nhiên và xã hội. Chính từ sáng kiến của người dân, rút kinh nghiệm từ các nước và tri thức của các nhà khoa học đã giúp cho những nhà hoạch định chính sách có cơ sở để quyết đoán lựa chọn quan điểm “chung sống với lũ” một cách chủ động ở ĐBSCL. Đê bao ở ĐBSCL hoàn toàn khác với đê ở sông Hồng. Ở vùng ngập sâu, không kiểm soát lũ như phía Bắc của các kênh Vĩnh Tế, kênh Vĩnh An, kênh Tân Thành-Lò Gạch bờ bao chỉ chống lũ đến trung tuần tháng 7. Vùng kiểm soát lũ ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, bờ bao chống lũ tháng 8, sau khi thu hoạch lúa Hè-Thu cho lũ chính vụ tràn đồng để tận dụng các mặt lợi của lũ như lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản và các sản phẩm khác liên quan đến lũ. Hệ thống đê bao có các cống, tràn thoát lũ để chủ động điều tiết nước. Chính nhờ có đê bao, bờ bao mà cuộc sống của người dân được an toàn hơn, sản xuất chủ động, ngành nghề đa dạng phát triển, hệ thống đê liên hoàn với đường giao thông.Các đề tài nghiên cứu khoa học và số liệu thống kê về lợi ích kinh tế, xã hội trước và sau khi có đê bao, bờ bao ở ĐBSCL là một minh chứng không còn gì để bàn cãi. Các ý kiến phê phán hay băn khoăn về các mặt tồn tại của đê bao, bờ bao được đề cập như mức độ ảnh hưởng đến thoát lũ, khả năng lấy phù sa, sạt lở bờ bao sau mỗi trận lũ, phát triển quá nhiều lúa vụ 3 trong đê bao là rất đáng hoan nghênh, trân trọng bởi vì nó giúp cho những người có trách nhiệm phải xem xét, điều tra, tính toán để cần thiết bổ sung, đưa ra những biện pháp khắc phục các mặt còn khiếm khuyết. Tuy nhiên, cần tránh những nhận xét phiến diện, chủ quan, cục bộ, chỉ biết khai thác những điểm còn tồn tại, hạn chế cả trong quá trình thực thi cũng như trong quản lý, vận hành, mà không dựa vào tổng thể chung của cả hệ thống để đánh giá một cách khách quan và khoa học những hiệu ích to lớn do đê bao, bờ bao mang lại. Sở dĩ tôi phải nhấn mạnh như vậy vì trong quá khứ đã có không ít các nhà khoa học, kể cả một số người làm công tác quản lý đã phê phán, phản đối chủ trương xây dựng hồ Dầu Tiếng, kênh Hồng Ngự, cống đập Ba Lai, chương trình thoát lũ ra biển Tây, cầu Mỹ Thuận vv... Song, trên thực tế, lợi ích to lớn của các công trình nói trên cho đến nay thì ai cũng hiểu (ngay kênh Hồng Ngự được người dân biết ơn Nhà nước, đặt tên là kênh Trung ương). Đê bao ở ĐBSCL không phải chỉ có ở vùng ngập lũ mà còn được xây dựng ở vùng ven biển để ngăn triều. Bài học kinh nghiệm, đắp đê, khai hoang, bảo vệ sản xuất, lấn biển đã có từ thời Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ giúp cho dân lập nên 2 huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) và Phát Diệm (tỉnh Ninh Bình). Dải đất dọc bờ biển, ven các cửa sông ở ĐBSCL, giai đoạn trước năm 1945, thời Pháp cho đắp 3 tuyến đê ven biển: Tuyến đê từ thị xã Bạc Liêu đến Gành Hào (đê Trường Sơn), tuyến đê từ Long Phú đến cửa sông Mỹ Thanh hình thành năm 1973 được tiếp tục bổ sung nâng cấp dần; Vùng An Biên, An Minh thuộc tỉnh Kiên Giang, trước giải phóng cũng đã hình thành đoạn đê biển dài 24 km từ kênh 6 đến kênh Chủ Vàng. Đê biển Gò Công được hình thành từ dự án của Hàn quốc trước năm 1975, sau giải phóng đã được xây dựng vv... Hệ thống đê biển, đê cửa sông ở ĐBSCL thực sự phát triển mạnh mẽ từ năm 1975 đến nay với mục đích bảo vệ dân cư, phát triển sản xuất, giao thông đường bộ, an ninh quốc phòng. Quá trình phát triển đê biển, đê cửa sông ĐBSCL đã được hình thành qua nhiều giai đoạn do yêu cầu thực tế của từng nơi. Tuy nhiên, hệ thống đê hiện có, khả năng chống triều cường, bão gió, nước biển dâng, trữ ngọt, kết hợp giao thông nông thôn còn rất hạn chế. Kích thước mặt cắt đê nhiều nơi chưa đủ, các tuyến đê chưa khép kín, lại thiêú các cống 2 chiều, bờ bao để phân ranh mặn ngọt, chủ động kiểm soát mặn phục vụ cho những nơi có nhu cầu nuôi trồng thuỷ sản vùng nước mặn, lợ, ngọt . Bão LINDA năm 1997 và cơn bão số 4 năm 2004 đã làm dâng mực nước ở các trạm ven biển lên 1,5-1,9 m gây nhiều thiệt hại cho cư dân ven biển ĐBSCL là nơi có địa hình thấp và khá bằng phẳng. Trước tác động mạnh mẽ của thủy triều, sóng gió và bão tố, đê biển, đê bao cửa sông càng dễ bị phá vỡ, xói mòn. Theo dự báo của các nhà khoa học, khả năng mực nước biển ngày càng dâng cao đã trở thành nỗi lo chung cho cả cộng đồng. Trước mắt, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và các tỉnh ven biển cần rà soát, đánh giá, tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đê biển, đê cửa sông theo quy hoạch. Hệ thống rừng phòng hộ ven biển (các cây sú, đước, vẹt, bần…), ngoài chức năng đa dạng sinh học, còn là “tấm chắn” hữu hiệu góp phần bảo vệ đê biển. Về lâu dài, để thực sự chủ động đối phó với sự khắc nghiệt của thiên nhiên (bão tố, triều cường, nước biển dâng…), cùng với khả năng nguồn nước ngọt sông Mê Công ngày càng cạn kiệt, quý hiếm, cần nghiên cứu các mô hình tương tự đã xây dựng ở trên thế giới và khu vực. Hà Lan có diện tích tự nhiên, dân số tương tự như ĐBSCL, trong khi mặt đất rất thấp so với mực nước biển. Nhờ có hệ thống đê biển, âu thuyền hiện đại, vững chắc, cùng với cảng biển, phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, GDP của Hà Lan gấp hơn 40 lần so với ĐBSCL. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội theo xu thế bền vững, Chính phủ đã xác định 3 khâu đột phá cần tập trung đầu tư ở ĐBSCL đó là: Phát triển giao thông, phát triển thủy lợi, và đào tạo nguồn nhân lực. Đê bao, bờ bao là một hạng mục quan trọng của công trình thuỷ lợi. Chính từ những thành quả và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn của đê bao, bờ bao đã giúp cho chúng ta xây dựng tầm nhìn cho ĐBSCL: ”Quản lý thiên tai một cách khôn ngoan, sử dụng tài nguyên nước một cách hiệu quả vì một ĐBSCL kinh tế ổn định, thịnh vượng, môi trường đa dạng và bền vững". Để hướng tới tầm nhìn nói trên, các ngành ở trung ương, trước hết là 2 Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Tài nguyên-Môi trường còn nhiều việc phải nghĩ, phải làm để có chiến lược- quy hoạch tổng thể thích ứng với các kịch bản phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng và lưu vực sông Mê Công. Ngay trong lĩnh vực sử dụng đất ở nước ta, nhiều nơi, người dân vẫn còn bức xúc, khiếu kiện, trong đó, có cả lỗi của quy hoạch “treo”. Đất đai là bất động sản lại nằm trọn vẹn trong ranh giới chủ quyền lãnh thổ quốc gia, mà vẫn còn lúng túng trong việc quy hoạch sử dụng như vậy! Do đó, xây dựng chiến lược quy hoạch và sử dụng hợp lý tài nguyên nước cho lưu vực sông Mê Công, đặc biệt cho ĐBSCL, vùng kinh tế nông sản trọng điểm của cả nước, phải được đặc biệt coi trọng ở tầm vĩ mô, trước mắt cũng như lâu dài.