Vài ý kiến về quản lý an toàn đập.[15/05/14]
15/05/2014 15:16
VÀI Ý KIẾN VỀ
QUẢN LÝ AN TOÀN ĐẬP
GS.TSKH Phạm Hồng Giang
Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam
Phó Chủ tịch danh dự Ủy Hội Đập lớn Thế giới
Nước là một trong những yếu tố tạo nên môi sinh trên trái đất và sự phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, nước phân bố không đều theo thời gian và không gian nên thường có lúc không phù hợp với các nhu cầu dùng nước. Thiếu nước hoặc thừa nước luôn gây tác hại. Để điều hòa nguồn nước, con người đã phải xây dựng những đập nước là những công trình thiết yếu trong hệ thống hạ tầng về nước phục vụ dân sinh, kinh tế. Nhu cầu điều hòa, sử dụng nguồn nước và giảm nhẹ thiên tai càng cao thì số lượng và qui mô đập càng lớn, an toàn đập càng trở nên quan trọng. An toàn đập bao hàm: (i) những giải pháp kỹ thuật khi xây dựng đập và vận hành hồ chứa, khi cứu hộ lúc xảy ra sự cố; (ii) những biện pháp xử lý khẩn cấp đối với cộng đồng.
Đối với nhiều loại công trình khác, khi xụp đổ, thiệt hại chỉ có ở tại công trình và ít nhiều ở trong vùng hẹp quanh đó. Nhưng khi vỡ đập thì ngoài thiệt hại cho bản thân công trình, dòng nước với sức tàn phá lớn còn gây những tổn thất nặng nề về sinh mạng, tài sản, kết cầu hạ tầng ở vùng rộng lớn ở hạ lưu đập, nhất là khi trong vùng có những trung tâm dân sinh kinh tế quan trọng. Vì vậy, an toàn đập bao giờ cũng là chủ đề ‘nóng’ hàng đầu trong các hội nghị khoa học quốc tế về đập. Những chỉ tiêu kỹ thuật an toàn đập tại nhiều nước ngày càng hoàn thiện hơn và nâng cao hơn.
Gần đây, nội dung an toàn đập được nhận thức rõ ràng và chuẩn xác hơn. Một là, yêu cầu an toàn đối với mỗi đập không chỉ căn cứ vào qui mô của đập, dung tích hồ chứa mà còn phải căn cứ vào mức an toàn cần có đối với cả vùng hạ du đập: dân cư, cơ sở kinh tế, văn hóa và hạ tầng quan trọng,... Hai là, an toàn đập chính là an toàn hồ chứa nên đồng thời phải xem xét đồng bộ cả an toàn của các hạng mục gắn với đập như cửa van của tràn xả lũ, đường ống dẫn nước, mái dốc, đường vận chuyển, …
Trong những nguyên nhân gây vỡ đập có các nguyên nhân bên ngoài, trường hợp bất khả kháng như thiên tai (động đất, trượt lở đất, mưa lũ lớn, …), và trường hợp lẽ ra có thể tránh được (quản lý bất cẩn,….). Còn nguyên nhân bên trong thì liên quan đến chất lượng đập, nền, các hạng mục gắn với đập. Dòng thấm qua đập sẽ gây tạo thành dòng xói ngầm tại những chỗ chất lượng kém rồi gây vỡ đập. Các nguyên nhân trên tác động khác nhau tùy theo các loại vật liệu (đất, đá, bê tông, bê tông đầm lăn,…), kiểu đập (trọng lực, vòm, bản chống,…) và qui mô đập (cao, thấp),… Chẳng hạn như khi lũ tràn đỉnh đập thì đập đất sẽ bị phá hủy còn đập bê tông vẫn có thể tiếp tục tồn tại.
Ở nước ta, theo thống kê của ‘Chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa nước’ (Bộ Nông nghiệp và PTNT) năm 2012, nước ta có 5579 hồ chứa, trong đó, có gần 100 hồ chứa lớn có dung tích trên 10 triệu m3, hơn 567 hồ có dung tích từ 1÷10 triệu m3, còn lại là các hồ nhỏ. Tổng dung tích trữ nước của các hồ là 35,8 tỷ m3, trong đó có 26 hồ chứa thủy điện lớn có dung tích là 27 tỷ m3, còn lại là các hồ có nhiệm vụ tưới là chính với tổng dung tích là 8,8 tỷ m3.
Phần lớn các đập cao không quá 60m đều là đập đất, lấy đất tại chỗ đắp đập. Những đập này được xây dựng từ nhiều nguồn nhằm mục tiêu khác nhau. Loại thứ nhất là các đập tạo hồ chứa cung cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp do ngân sách nhà nước, trung ương và địa phương, đầu tư hoặc do nông trường, do dân tự làm từ giữa thế kỷ trước, nhất là từ sau năm 1975. Do hạn chế về kỹ thuật và vốn đầu tư, tuổi đời đã quá lâu nên đã xảy ra hoặc tiểm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố ở loại đập này. Các đập Suối Hành, Am Chúa (Khánh Hòa), Buôn Bông (Đắc Lắc) bị vỡ vào đầu những năm 1990 do chất lượng đập kém. Nhiều đập khác đã được củng cố kịp thời như Pa Khoang (Điện Biên), Khe Chè (Quảng Ninh), Vân Trục (Vĩnh Phúc), Ea Kao (Đắc Lắc), Dầu Tiếng (Tây Ninh),… Hàng loạt đập khác thuộc loại này đang cần được sửa chữa gấp. Vài năm gần đây, những đập thủy điện vừa và nhỏ do các doanh nghiệp đầu tư ồ ạt. Do những yếu kém về kỹ thuật và thiếu trách nhiệm trong thiết kế, thi công mà đã xảy ra không ít sự cố như ở các đập Đắc Krong 3 (Quảng Trị), Khe Mơ (Hà Tĩnh), Đăk Mek 3 (Kon Tum), Ia Krel 2 (Gia Lai),... làm cho nhân dân và công luận hết sức quan ngại.
Một số đập lớn là đập đá và đập bê tông được xây dựng trong vài thập kỷ gần đây, kể cả các đập cao nhất như: Hòa Bình (128m), Sơn La (138m), Bản Vẽ (Nghệ An) (137m), Cửa Đạt (Thanh Hóa) (119m), nói chung, yêu cầu kỹ thuật được giám sát chặt chẽ và chưa ghi nhận có sự cố nào. Tuy nhiên, đáng tiếc là đã xảy ra sự cố ở đập Hố Hô (Quảng Bình) (2012) và đập Sông Tranh 2 (Quảng Nam) (2012) là các đập bê tông vừa và lớn do vô trách nhiệm trong xây dựng và vận hành.
Về quản lý nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/NĐ-CP ngày 7/5/2007 về ‘Quản lý an toàn đập’; Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ra Thông tư số 33/2008/TT-BNN ngày 04/02/2008 hướng dẫn thực hiện một số điều thuộc Nghị định số 72/2007/NĐ-CP và Quyết định số 3562/QĐ-BNN-TL ngày 13/11/2007 Quy định tạm thời về yêu cầu năng lực kỹ thuật của đơn vị quản lý đập. Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Công thương là hai Bộ được giao quản lý an toàn cho 2 loại đập: (i) đập đa mục tiêu trong đó chủ yếu phục vụ tưới, cấp nước và (ii) đập thủy điện. Hai Bộ này đã thành lập các cơ quan giúp việc quản lý an toàn đập. Tuy nhiên, kết quả công việc còn nhiều hạn chế trong quản lý an toàn đập cũng như trong quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn nước. Nguyên nhân chính là quản lý nguồn nước phân tán và thiếu những thể chế và nhân lực thích hợp để thực hiện thể chế. Các Bộ quản lý đa ngành với một khối lượng rất lớn các nhiệm vụ khác nên cũng khó quan tâm đầy đủ đến quản lý an toàn đập. Hơn nữa có những vấn đề phải được kết nối và giải quyết chung. Chúng ta đã phân việc theo ‘chiều ngang’ nhưng chưa có sự phối hợp theo ‘chiều dọc’. Nói chung, ai cũng nhận thức tầm quan trọng của an toàn đập. Tuy nhiên trong mùa khô, hồ chứa không đầy nước, mọi chuyện có vẻ ‘êm ả’, thì những tiềm ẩn mất an toàn đập ít được để ý. Đến mùa mưa lũ, nguy cơ lớn mất an toàn đập xuất hiện, bộc lộ những bất cập trong quản lý về qui hoạch, thể chế, bộ máy, kỹ thuật,… thì việc xử lý rất bị động trước việc ‘đã rồi’.
Nước cần cho mọi ngành, mọi người. Mỗi ngành lập qui hoạch khai thác, sử dụng nước riêng rồi xây dựng đập và các công trình nước theo qui hoạch của mình, tuy một số trường hợp cũng có thông báo chung với nhau. Sau đó thì mạnh ai nấy xây, nhất là tại các địa phương. Lẽ ra, qui hoạch nguồn nước phải được xây dựng thống nhất trong một lưu vực sông, hài hòa các nhu cầu, lợi ích sử dụng nước, sao cho đạt hiệu quả tổng hợp và đảm bảo môi trường bền vững.
Đập được phân loại theo qui mô rồi phân cấp cho các địa phương duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật,… và cho xây dựng. Xây dựng và quản lý đập, an toàn đập là lĩnh vực chuyên môn hẹp và mang tính đặc thù, người chịu trách nhiệm phải có hiểu biết đáp ứng nhiệm vụ được giao, nghĩa là phải được đào tạo nghiêm túc, có kinh nghiệm thực tế và kiến thức phải được cập nhật. Vừa qua, khi phát biểu về sự cố đập do mình sở hữu hay do mình phụ trách, người quản lý đã chứng tỏ hầu như không hiểu biết gì. Một số chuyên gia, cả các chuyên gia mang tiếng ‘thủy lợi’, vừa qua đã có những phát biểu khá ‘ngô nghê’ về sự cố đập. Không thể kéo dài tình trạng cứ có tấm bằng kỹ sư nào cũng có thể thiết kế, thi công đập. Bất cứ ai cũng có thể quản lý đập. Ở nhiều nước, chủ nhiệm thiết kế đập, chỉ huy và giám sát thi công đập phải là người đạt chứng chỉ ‘kỹ sư chuyên nghiệp (professional)’ do tổ chức thực sự có uy tín và thực sự có trách nhiệm công nhận. Tư vấn cho các cấp quyết định, từ trung ương đến địa phương, phải là các kỹ sư chuyên nghiệp với trách nhiệm rất rõ ràng.
An toàn đập hiện nay dường như được khoán cho các chủ đập, nhưng thiệt hại thì không phải chỉ có chủ đập. Có phải lúc nào chủ đập tư cũng đủ và sẵn sàng đền bù thiệt hại ở hạ du đập? Chủ đập ‘quốc doanh’ thì sẵn có tiền ngân sách rồi, nhưng trách nhiệm thì sao đây? Thế là phải cố gắng bưng bít được càng nhiều càng tốt. Khi xử lý sự cố thì chọn biện pháp tức thời cốt sao cho qua ‘nhiệm kỳ’ chủ đập ‘quốc doanh’! Những vấn đề này cần được làm rõ và qui định chặt chẽ.
Có vàì vấn đề nổi lên hiện nay tuy ít trực tiếp liên quan đến an toàn đập là trách nhiệm chia sẻ nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai và tạo môi trường bền vững tại các đập thủy điện. Khi lập dự án, việc chia sẻ nguồn nước cho các mục tiêu dân sinh và giảm nhẹ thiên tai chưa được đặt ra rõ ràng. Chủ đầu tư thủy điện quan tâm trước hết là lợi nhuận do phát điện. Các mục tiêu dân sinh và giảm nhẹ thiên tai làm sụt giảm lợi nhuận thì xử lý sao đây?
Mấy năm nay luôn xảy ra tranh luận về việc xả nước hồ khi lũ về làm cho lũ hạ du lớn hơn lũ tự nhiên? Đúng là hồ thường phải xả nước trong mùa lũ trong lúc mức nước ở hạ du đã cao. Muốn kết luận là có ‘lũ chồng lên lũ’ thì phải xem xét. Nếu sau lũ, mức nước hồ cao hơn so với lúc trước lũ thì một phần nước lũ đã được giữ lại trong hồ, như vậy là hồ đã làm giảm nhẹ lũ cho hạ du. Ngược lại, nếu sau lũ, mức nước hồ hạ thấp hơn so với lúc trước lũ thì một phần nước hồ đã được xả xuống hạ du kèm theo lũ tự nhiên, làm tăng lũ ở hạ du.
Hiện nay, mọi hoạt động ở hạ lưu không như trước khi có đập, dân cư đông hơn, nhiều công trình hạ tầng được xây dựng thêm mà không kể đến tình huống bị ngập lụt do xả lũ của hồ. Người thiết kế chỉ tính lưu lượng xả để chọn kích thước cho đập tràn chứ không chú ý gì đến những đề phòng cần thiết ở hạ du. Lưu lượng xả của hồ trong thời gian qua tuy thấp hơn nhiều so với lưu lượng được phép xả theo thiết kế nhưng đã gây úng ngập lớn ở hạ du. Ví dụ như hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) khi lũ lớn có thể phải xả 2800m3/s, nhưng mới xả khoảng 600m3/s thì đã gây lụt lớn ở hạ du. Năm 2010, hồ Kẻ Gỗ xả khoảng 500m3/s đã gây ngập lớn cho Quốc lộ 1, trong khi nếu có lũ rất lớn tì hồ phải xả 1500m3/s. Đó là do thiếu những qui dịnh đầy đủ và cụ thể cho vận hành hồ chứa như vậy nên khó phân định trách nhiệm khi xảy ra những thiệt hại ở hạ du do xả lũ.
Để công tác quản lý an toàn đập đạt kết quả tốt hơn, cần có sự phối hợp theo ‘chiều dọc’ như đã nêu ở trên, nghĩa là cần có cơ quan có trách nhiệm tổng hợp và giúp việc Chính phủ chỉ đạo sâu sát các ngành và địa phương, hạn chế và tiến đến tuyệt đối không xảy ra các sự số đập. Cơ quan này có thể đặt ở một Bộ thích hợp có trách nhiệm thường trực, nhưng là cơ quan liên ngành.
(Bài đăng trên báo ‘Nhân Dân’)