Muốn trao đổi ý kiến với Cục Thủy lợi (Bộ NN & PTNT) và TS. Đoàn Thế Lợi về Thủy lợi phí (Phan Đình Anh).
01/04/2007 22:22
“Muốn trao đổi ý kiến với Cục Thủy lợi (Bộ NN & PTNT) và TS. Đoàn Thế Lợi về Thủy lợi phí” (Phan Đình Anh).
Thuỷ lợi phí là chủ đề đang được quan tâm. Gần đây, ngày 30/3/2007, Viện Khoa học Thuỷ lợi & Cục Thủy lợi (Bộ NN & PTNT) đã tổ chức Hội thảo về chủ đề này. Trên trang web của VNCOLD, sau khi đăng loạt bài của ông Nguyễn Xuân Tiệp, TS. Đoàn Thế Lợi và Cục Thủy lợi, bạn đọc ở trong & ngoài nước đã đặt nhiều câu hỏi. Bạn Phan Đình Anh (đang học tập ở nước ngoài) muốn trao đổi ý kiến với Cục Thủy lợi và TS. Đoàn Thế Lợi để làm rõ một số vấn đề. Rất mong quí Cục & TS. Đoàn Thế Lợi sớm trả lời và đề nghị các cơ quan, các nhà quản lý, các chuyên gia và bạn đọc cùng tham gia thảo luận.
BBT.
Tôi đang học ở nước ngoài luôn quan tâm nhiều đến kinh tế nông nghiệp Việt nam.
Tôi được biết lâu nay ở trong nước bàn luận nhiều đến vấn đề Thủy lợi phí (TLP). Tôi cũng cố gắng tìm hiểu và thông qua các bài viết của ông Nguyễn Xuân Tiệp ( trong đó thơ gửi cho Thủ tướng Chính phủ), tôi cũng như một số bạn đã hiểu được nhiều điều. Nhưng sau khi đọc 2 bài viết của Cục Thủy lợi (TL)-Bộ NN và PTNT và bài viết của TS Đoàn Thế Lợi, tôi bị “cụt hứng” vì ngay một cơ quan quản lý nhà nước, hoạch định chính sách như Cục TL cũng tỏ vẻ rất lung túng . Tôi muốn được Cục và ông Lợi trao đổi rõ thêm:
Xin quí Cục TL cho biết:
1, Mức thu thủy lợi phí liệu đã đúng chưa ? Theo cách tính mà Cục đã trình bày, tôi e rằng rất cực đoan đối với nông dân. Bởi lẽ mỗi công trình mức độ hoàn chỉnh, chất lượng rất khác nhau và các tác động khác lại không đề cập đến. Đặc biệt các hệ thống phục vụ đa mục tiêu, những hệ thống đã được kiên cố hóa kênh mương thì cách tính đó là không thỏa đáng
2, Giá trị công trình thủy lợi là 120.000 tỷ đồng, phần do dân đầu tư công trình mặt ruộng là bao nhiêu, suất đầu tư cho 1 ha là bao nhiêu ?
3, Công trình độc lập do dân đầu tư và quản lý là bao nhiêu ?
4, Phương án kiến nghị của Cục ( phương án 2 ) tôi có cảm giác là Cục muốn dung hòa ý kiến của Chính phủ ? Chính phủ cấp toàn bộ vốn cho Công ty Thủy Nông (TN), nông dân trong vùng có hệ thống do công ty TN quản lý được bao cấp phần chi phí cho công trình (do công ty quản lý ). Cục đã quên rằng, những nơi dân bỏ vốn đầu tư, kể cả Nhà nước bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình nhưng do dân quản lý, phải gánh chịu phần chi phí toàn bộ hệ thống công trình do dân quản lý ( nhất là miền núi ). Liệu đã công bằng chưa ?
5, Cục cho biết có 1300 tổ chức Hợp tác dùng nước (HTDN), ông Lợi nói là 1200, con số nào là đúng ?
6, Khi có thiên tai phá hoại thì công trình do tập thể, tư nhân quản lý có được Nhà nước hỗ trợ không ?
7, Đề xuất của Cục không rõ là ai sẽ làm, nếu không làm thì sao ?
8, Vùng nghèo, đặc biệt khó khăn, thì lâu nay công trình của họ, do họ quản lý, nhà nước không thu của họ thì làm gì có chuyện miễn TLP? Có đúng không ? Khi miễn thì người nhà nước vào quản lý thay cho họ ?
Xin ông Lợi cho biết:
Đọc bài viết của ông, tôi không được rõ lắm, muốn được hỏi
1, Tiêu chuẩn nào là hệ thống lớn, có hệ thống vừa, nhỏ không ?
2, Nước ta chỉ có 75 hệ thống lớn ?
3, Công trình mới phát huy được 50-60% năng lực thiết kế, có nghĩa là còn 40-50% không được tưới. Cục TL báo cáo tưới được gần 7 triệu ha lúa, còn 7 triệu nữa (50%) nằm ở đâu ?
4, Miễn và bỏ thủy lợi phí có khác nhau không? Tại sao không nói là bỏ thủy lợi phí ?
5, Căn cứ vào đâu để khẳng định là thiếu nước giảm 10% năng suất ?
6, Thiệt hại < 30% sản lượng thì được giảm 50% TLP, < 30% tương đương giảm 0% - 1% sản lượng thì giảm % TLP ?
Xin chân thành cảm ơn./.