Sổ tay An toàn đập - Chương 9.[01/12/14]
01/12/2014 13:46
CHƯƠNG IX
9.1 YÊU CẦU CHUNG VÀ CÁC CƠ SỞ ĐỂ KIỂM ĐỊNH ĐẬP
9.1.1 Yêu cầu chung
1. Điều 2, Khoản 6 Nghị định 114/2010/NĐ-CP về bảo trì công trình xây dựng đã định nghĩa kiểm định chất lượng công trình xây dựng nói chung như sau: Kiểm định chất lượng công trình xây dựng là việc kiểm tra xác định chất lượng hoặc đánh giá sự phù hợp chất lượng của công trình so với yêu cầu của thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật thông qua việc xem xét hiện trạng công trình bằng trực quan kết hợp với phân tích đánh giá các số liệu thử nghiệm (quan trắc) công trình.
2. Điều 17, Nghị định 72/2007/NĐ-CP quy định cụ thể hơn cho công tác kiểm định đập, trong đó đã xác định rõ:
- Chủ đập là người chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kiểm định đập.
- Việc kiểm định an toàn đập được thực hiện theo định kỳ không quá 10 năm đối với hồ chứa có dung tích trữ bằng hoặc lớn hơn 10 triệu m3 nước và không quá 7 năm đối với hồ có dung tích trữ nhỏ hơn 10 triệu m3 nước.
- Nội dung kiểm định an toàn đập cho hồ chứa có dung tích từ 10 triệu m3 trở lên được quy định tại Mục 1c của Điều 17 nghị định 72/2007/NĐ-CP.
- Nội dung kiểm định an toàn đập cho hồ chứa có dung tích dưới 10 triệu m3 được quy định tại khoản 2 của Điều 17 Nghị định 72/2007/NĐ-CP. Căn cứ vào các cơ sở pháp lý nói trên, chương này sẽ trình bày một số nội dung, yêu cầu của công tác kiểm định đối với các đập có dung tích trên 10 triệu m3 . Các đập có hồ nhỏ hơn 10 triệu m3 khi kiểm định có thể tham khảo lựa chọn những nội dung phù hợp với yêu cầu nêu trong Khoản 2 Điều 17 của Nghị định 72/2007/NĐ/CP để thực hiện.
9.1.2 Cơ sở để kiểm định đập
Công tác kiểm định đập được thực hiện dựa trên cơ các sở sau đây:
1. Nghị định 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, Nghị định 114/2010/NĐ-CP cung các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các văn bản pháp luật liên quan khác.
2. Quy trình vận hành và bảo trì hiện hành của đập đã được phê duyệt.
3. Hồ sơ thiết kế ban đầu, thiết kế tu bổ nâng cấp đập.
4. Hồ sơ hoàn công các đợt xây dựng và sửa chữa nâng cấp.
5. Hồ sơ vận hành quản lý từ khi đập đi vào vận hành hoặc từ đợt kiểm định lần trước (bao gồm các tài liệu quan trắc đo đạc, quy trình vận hành điều chỉnh hàng năm, các báo cáo, các văn bản của chủ đập, của cơ quan quản lý cấp trên và các cơ quan, đơn vị khác liên quan đến công tác quản lý vận hành hồ đập…). Tư vấn cần phân tích, đánh giá các tài liệu này và nếu cần sẽ thực hiện những hiệu chỉnh thích hợp để có những số liệu chính thức làm cơ sở cho việc kiểm định an toàn đập.
6. Tài liệu khí tượng thủy văn lưu vực hồ chứa, khu vực hạ du và các khu vực lân cận.
7. Đề cương kiểm định đập: Theo Khoản 2, Điều 12 Nghị định 114/2010/NĐ-CP, trước khi triển khai kiểm định, chủ đập cần yêu cầu tổ chức tư vấn thẩm định lập yêu cầu đề cương kiểm định đập để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Trên cơ sở các quy định trong Nghị định 114/2010/NĐ-CP, Nghị định 72/2007/ND-CP và hiện trạng cụ thể của đập, đề cương cần xác định cụ thể các nội dung công việc, kết quả đạt được, thời gian và kinh phí thực hiện.
8. Tư vấn nên tham khảo sổ tay này khi lập đề cương và thực hiện công tác kiểm định đập.
9. Các tài liệu khác.
(Ban Biên tập vncold.vn sẽ lần lượt đăng tải 10 chương, 01 phụ lục của Sổ tay vào chuyên mục này, mời bạn đọc đón xem)