Đâu phải lỗi tại ông Trời.[02/01/15]

29/12/2014 08:36

20

ĐÂU PHẢI LỖI TẠI ÔNG TRỜI

 

 

Tô Văn Trường

 

Có ý kiến của “người trong cuộc” cho rằng sự cố sập hầm thủy điện Đa Dâng, Lâm Đồng là do ông trời, nguyên nhân bất khả kháng!?

Nói tại ông Trời chỉ nghe tạm được khi thiên tai vượt quá khả năng kỹ thuật hay tài chính của nhân loại. Chẳng hạn, Thái Lan không thể xây con đập đủ cao để bảo vệ thị trấn Khao Lak nhỏ bé trước sóng  thần cao 20 m – 30 m. Các nước ven biển hay quốc đảo cũng chẳng thể dựng tường thành ngăn đại dương cuồng nộ.

Còn đây là hầm xuyên núi, các nước làm mãi rồi, đâu có lạ, ai chả biết Pháp, Áo, Nga, Ý, Nhật, …họ khoét núi cả trăm cây số. Quân dân ta đào hầm Điện Biên, Củ Chi, Vĩnh Mốc, …cuốc xẻng thô sơ mà có sập đâu. Còn Đạ Dâng mấy trăm mét, trang bị tận răng, đổ tại ông Giàng, nghe sao được.

Cũng may là chúng ta có phương tiện đào qua gần 20 mét đất đá để cứu thoát 12 công nhân bị sập tunnel. Bỏ qua một bên Trung Quốc với những vụ sập hầm lò mà nhà cầm quyền không hề có phản hồi về trách nhiệm. Vụ cứu sập này của Việt Nam, một mặt đề cao được công tác cứu hộ, mặt khác cho thấy rõ là những người có trách nhiệm không phòng bệnh mà chỉ chữa bệnh thôi, mà người chữa lại từ nơi khác tới. Về nguyên tắc khi đào hầm, gặp trời mưa, mực nước ngầm dâng cao, tạo thành cung trượt dễ gây sạt lở cho nên cần phải có biện pháp để hạ mức nước ngầm đảm bảo an toàn lao động. Khi đào xong gương hầm thứ nhất phải kiểm tra đánh giá sơ bộ hiện trạng và độ ổn định, gia cố nếu điều kiện cho phép mới được đào gương hầm tiếp theo.

Chỉ cần nhìn trên ti vi thấy mặt đất sụt xuống một mảng lớn là do khâu  khảo sát, đánh giá về địa chất công trình rồi. Hay nói cụ thể hơn:

1. Sự vi phạm trong khâu khảo sát thiết kế

- Khâu khảo sát tiến hành không đạt yêu cầu.

- Giải pháp chọn tuyến đường hầm trong thiết kế rất ấu trĩ. Đường hầm được thiết kế trong khu vực nguy hiểm nhất (mà chủ đầu tư đã lấp liếm đổ vấy cho ông trời). Điều này sẽ còn ảnh hưởng đến độ an toàn của tuyến hầm trong quá trình vận hành sau này.

- Nếu đường hầm này là tuyến năng lượng (dẫn nước có áp) thì thiết kế khung vỏ chống cũng sai.

2. Sự vi phạm trong thi công:

-  Vỏ chống (khung chống) của hầm không đạt yêu cầu (điều này cũng có thể vi phạm ngay từ khâu tính toán trong thiết kế);

- Vỏ chống tạm được thiết lập quá dài, quá lâu so với thời điểm thiết lập/gia cố thành vỏ chống cố định (vĩnh cửu). Đây là vi phạm nghiêm trọng nhất;

3. Sử dụng lao động nữ.

Trong số 12 công nhân bị kẹt trong đường hầm có công nhân nữ. Trên thế giới từ những năm 70 của thế kỷ trước, hầu như tất cả các nước đều cấm sử dụng lao động nữ dưới lòng đất.

Người ta nói từ xưa là nếu không biết phòng bệnh là thày thuốc dốt, thiếu trách nhiệm. Những người có trách nhiệm và liên quan đến vụ sập hầm nên gọi họ là gì? Phải qui trách nhiệm toàn bộ là chủ công trình, bồi thường toàn bộ là của nhà thầu, không thể lấy tiền thuế của dân được.