Vài ý kiến về cây thốt nốt.[09/01/15]
05/01/2015 09:38
Thốt nốt là cây nhiều công dụng, có đến 800 kiểu sử dụng, tất cả các bộ phận đều có ích.
Gỗ cứng có giá trị đặc biệt trong xây dựng; lá làm mỹ nghệ, làm giấy viết bút châm; dịch thốt nốt là nước uống tuyệt vời, làm đường đặc sản, chế rượu arac và làm thuốc giải độc... Dịch hừng từ cụm hoa khoảng 1 lít/đêm; năng suất quả khoảng 130 tấn/ha/năm.
Nó là cây di sản gắn liền với các nền văn minh lớn, các công trình cổ từ châu Phi, Trung Đông đến Ấn Độ, Khmer,… Thôt nốt là 1 phần không thể thiếu của nhiều chùa, tháp Nam Bộ. Tạo lập cảnh quan với cây này rất khó, vì chỉ có thể gieo bằng hạt, 5 - 6 năm mới thành thân; phải mất 12 – 20 năm mới ra hoa, kết trái trong khi vì lợi ích trước mắt, nó đang bị tàn phá nhanh chóng. Ở cấp độ thế giới thốt nốt được liệt kê trong sách đỏ IUCN là loài dễ thương tổn và đang nguy cấp (A1c).
Thú chơi thốt nốt làm cảnh, nếu sản xuất cây con thì vô hại, nhưng không dễ thành công ở những nơi ngoài vùng sinh thái truyền thống của nó (An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An và Tây Ninh). Cứ nhìn vài cây bao bắp mọc ở Huế thì biết nó đâu có giống cây bao bắp châu Phi hùng vĩ !.
Còn việc đào bứng các cây to đem bán là hành động phá hoại cảnh quan sinh thái quần thể thốt nốt còn sót lại của các tỉnh Tây Nam Bộ mà cha ông đã tạo lập từ hàng thế kỷ trước. Mua cây lớn về chơi cũng là tiếp tay cho thương lái hay kẻ xấu triệt nguồn nguyên liệu của các làng nghề truyền thống, nguồn sống của hàng vạn dân, phá hoại cảnh quan du lịch của hàng triệu du khách, là một tội ác. Triệt hạ, mua bán cây trong sách đỏ là vi phạm công ước mà nước ta đã ký. Cần phải ngăn chặn.
GS TS Nguyễn Tử Siêm
Cố vấn Trường Kỹ thuật Quốc tế
Bộ Ngoại giao, Thương mại & Phát triển Canada