Nhìn lại 40 năm làm thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long.[19/01/15]

19/01/2015 08:26

11

Kênh Võ Văn Kiệt (T5)

(An Giang,Kiên Giang)

NHÌN LẠI 40 NĂM LÀM THỦY LỢI

Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Tô Văn Trường

Thời gian trôi rất nhanh, thấm thoát từ ngày thống nhất đất nước 1975 đến nay đã vừa tròn 40 năm.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nổi tiếng là mảnh đất giầu tài nguyên, đa dạng sinh học nhưng cũng gánh chịu những thách thức khắc nghiệt của thiên nhiên mà người dân nơi đây đã lưu truyền trong dân gian bằng những vần thơ:

Quê tôi nước mặn đồng chua

Nửa năm nắng hạn, một mùa nước dâng

Xuyên suốt quá trình lịch sử là sự nghiệp thủy lợi vô cùng khó khăn gian khổ nhưng thành tựu cũng rất to lớn và vô cùng vẻ vang.  Cha ông ta, đã đi từ khai mương, đắp bờ tát nước bằng các công cụ thô sơ và sức người đến thời vua Nguyễn và Pháp thuộc có nhiều kênh đào và đặc biệt sau năm 1975 với đường hướng phát triển kinh tế xã hội đúng đắn của nhà nước lấy vai trò của thủy lợi làm biện pháp hàng đầu để phát triển nông nghiệp, cùng với các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thiết bị hiện đại và sáng tạo của người dân Nam bộ hàng loạt các công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ đã được xây dựng.

Ngày nay, ĐBSCL chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Sản lượng nông nghiệp của ĐBSCL chiếm trên 50% cả nước, riêng lương thực xuất khẩu 90%, cây ăn trái và thuỷ sản khoảng 70% so với cả nước. Các thành quả về phát triển kinh tế-xã hội ở ĐBSCL trong các thập niên vừa qua đều có vai trò to lớn của hệ thống công trình thuỷ lợi do Trung ương, địa phương và người dân chung sức thực hiện.

Nhớ lại năm 1976, sản lượng lúa ở ĐBSCL chỉ khoảng 4,6 triệu tấn, phải nhập khẩu lương thực. Lúa Đông Xuân chủ yếu ở Cai Lậy khoảng 10 nghìn ha, còn lại là lúa mùa, trong đó 300 nghìn ha là lúa mùa nổi ở An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang vv…Hệ số quay vòng đất 1 vụ canh tác, chủ yếu nhờ nước trời, giống lúa dài ngày bị thoái hóa. Người dân cả nước thời ấy, phải ăn hạt bo bo, gạo hẩm, tấm, khoai lang, (bột mì nhập cho gia súc nhưng nhiều nơi con người vẫn sử dụng) vì đói. Đất đai ở ĐBSCL bị chua phèn,  nhiễm mặn, nhiều cánh đồng “chó ngáp”  bị bỏ hoang đã trở thành huyền thoại.

Riêng năm 1980, nước ta phải nhập lương thực đến 1,6 triệu tấn. Kết quả phần lớn các mục tiêu kinh tế của kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980) do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đề ra đều không đạt được. Mức tăng trưởng kinh tế tụt xuống chỉ còn 2,9% vào năm 1980 so với chỉ tiêu là 13%. Xuất khẩu chỉ bằng 20-25% nhập khẩu. Năm 1984, khoảng 75% dân số sống dưới mức nghèo đói. Lạm phát lên đến mức đỉnh điểm năm 1986 là 774,7%. Khủng hoảng kinh tế đã đe dọa ổn định chính trị, xã hội và bảo vệ môi trường.

Để tự cứu mình, nhà nước đã chủ trương toàn dân làm thủy lợi, trong sản xuất lấy lúa và cây lượng thực làm tiêu chí. Riêng các công trình thủy lợi lớn do nhà nước trung ương đầu tư với mục tiêu hàng đầu là phục vụ sản xuất và đời sống  của nhân dân. Nhiều cán bộ, lực lượng khoa học kỹ thuật ở miền Bắc được chi viện cho miền Nam là nòng cốt thành lập các Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam ngày nay.  

Năm 1976-1977 ở Đồng Tháp Mười hầu hết còn hoang hóa, đã được nhà nước tiến hành nạo vét khôi phục các kênh Nguyễn Văn Tiếp, Dương Văn Dương, Phước Xuyên, Đồng Tiến kết hợp với thủy lợi nội đồng  đào kênh cấp 2, cấp 3 để dẫn nước đến mặt ruộng. Mở rộng quy mô ngăn mặn, giữ ngọt ở khu thủy nông Gò Công, xây dựng mới các cống Gò Dừa, Xuân Hòa vv...  

Tấn công vào Đồng Tháp Mười, khi phải giải quyết bài toán đất phèn xảy ra tranh luận khoa học rất gay cấn giữa quan điểm giữ nguyên hiện trạng vì sợ đụng đến rốn phèn và lấy nước ngọt từ sông Tiền về để thau chua, rửa phèn. Nhờ sự quyết tâm của những nhà khoa học thủy lợi dám dấn thân và sự ủng hộ của số vị lãnh đạo thức thời, kênh Hồng Ngự đã được khởi công từ cuối năm 1977 dài 75 km nối từ Hồng Ngự nối qua Bình Châu vào rạch lớn của  sông Vàm Cỏ Tây tưới cho 150 nghìn ha. Thành công của kênh Hồng Ngự, mở ra kỷ nguyên mới về ý nghĩa của giá trị  khoa học và thực tiễn, lớn đến nỗi người dân trìu mến gọi kênh Hồng Ngự là kênh Trung ương.

Tứ giác Long Xuyên diện tích tự nhiên khoảng 500 nghìn ha là ví dụ điển hình về hiệu quả công tác thủy lợi từ kiểm soát lũ, đến tưới tiêu, khai thác sử dụng đất phèn làm thay đổi hẳn bộ mặt kinh tế xã hội của cả vùng. Xa xưa là công trình kênh Vĩnh Tế của cha ông để lại được thế hệ sau mở rộng, nạo vét, nâng cấp, đặc biệt là hệ thông công trình thủy lợi  khá hoàn chỉnh như kênh ông Kiệt (người dân và chính quyền địa phương nhớ ơn, lấy tên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thay cho kênh Tuần Thống-T5). 

Hàng loạt các hệ thống công trình thủy lợi ở vùng kẹp giữa hai sông (Nam-Bắc Vàm Nao) và hệ thống công trình đê vùng ven biển như khu Tiếp Nhật, đào kênh Long Phú,- Lịch Hội Thượng tưới tiêu cho 1.700 ha, đào kênh Cái Xe, Hợp Thành tiêu úng, giữ ngọt cho 19.000 ha, xây cống Tiếp Nhật và An Nổ, đào kênh Phụng Hiệp-Sóc Trăng tiêu úng, giữ ngọt 21.000 ha góp phần đáng kể về phát triển kinh tế xã hội vùng bán đảo Cà Mâu. Chỉ tính riêng đến năm 1980, ĐBSCL đã đắp được 14 hệ thống đê ngăn mặn cho 650 nghìn ha và 5 hệ thống đê bao bảo vệ lúa Hè Thu, đầu tư nạo vét khôi phục 75 kênh trục lớn, dẫn nước tưới cho 450 nghìn ha, xổ phèn 300 nghìn ha.  

Với hệ thống công trình thủy lợi được xây dựng đến ngày nay, riêng năm 2014 đã đóng góp tích cực vào sản lượng lúa đạt trên 25 triệu tấn, năng suất lúa trước đây 2 tấn/ha nay 5,6 tấn/vụ , hệ số quay vòng đất lúa 2,3 vòng/năm. Nhờ chủ yếu là công trình thủy lợi cùng với giống lúa thích hợp tăng diện tích lúa Đông Xuân 1 triệu 550 nghìn ha, Hè Thu 1 triệu 700 nghìn ha và lúa Thu Đông 800 nghìn ha. Trong thâm canh, theo ước tính của các chuyên gia nông nghiệp nhờ có công trình thủy lợi tăng 30% năng suất. Nhờ có thủy lợi mới tăng vụ và phát huy các biện pháp kỹ thuật như sử dụng phân bón, thuốc diệt cỏ vv...   

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển thủy lợi ở ĐBSCL cũng rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đó là sự thất bại khi xây dựng một số trạm bơm điện trong khu Ba Rinh-Tà Liêm.  Nhiều kênh đào phục vụ cho nông nghiệp không tính đến khả năng thoát lũ. Không coi nước mặn là tài nguyên (nuôi tôm nước lợ) nên ở vùng ven biển thời kỳ đầu chỉ đắp đập ngăn mặn, không phải kiểm sóat mặn cho nên có làm cống cũng thiên về 1 chiều (không phải cống 2 chiều). Nhiều nơi không kiểm soát được việc phát triển đê bao tràn lan  đưa lúa vụ 3 ở vùng ngập lũ thành chính vụ . Một số nơi, tính toán thiết kế  khẩu độ cống không hợp lý, phải làm bổ sung như cống La Ban B (vùng Nam Mang Thít).  Công trình thủy lợi Ô Môn- Xà No hiệu quả chưa tương xứng với nguồn vốn đầu tư của nhà nước (vốn vay ODA).

Hệ thống công trình thủy lợi hiện hữu phục vụ cho cây lúa, đầu tư chưa đồng bộ khép kín, yêu cầu về quản lý nước, cấp thoát nước đối với nuôi trồng thủy sản chưa đủ năng lực phân chia ”mặn-ngọt”  như ở vùng Bắc Bến Tre, vùng Quản Lộ-Phụng Hiệp. Hệ thống cống  tự động 1 chiều, không vận hành cưỡng bức được nên không chủ động cấp thoát nước theo yêu cầu của nuôi trồng thủy sản, kênh cấp thoát nước kết hợp, dễ gây nên ô nhiễm môi trường nước. Sông rạch, nhiều vùng giáp nước gia tăng mức độ ô nhiễm và bồi lắng vv...    

Để ĐBSCL  ổn định và phát triển bền vững , trong chiến lược phát triển khai thác sử dụng tài nguyên nước sông Mekong và định hướng xây dựng hệ thống công trình thủy lợi phải có tầm nhìn dài hạn, đa mục tiêu, xem xét các yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các tác động của hệ thống công trình thủy điện ở thượng  lưu sông Mekong.