Chuyện môi trường đầu năm Ất Mùi.[21/02/15]

21/02/2015 08:41

11

 Chuyện môi trường đầu năm Ất Mùi

Tô Văn Trường

Nhân dịp đón năm mới Ất Mùi, chúng ta cùng đàm đạo về lĩnh vực môi trường để tống cựu, nghênh tân: “Năm Mùi sẽ  đủ thứ mùi / Mùi thơm xin giữ, mùi hôi xin đừng!” 

Năm 2014 đã qua, với nhiều biến động, khó khăn và thách thức, tác động  rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt là môi trường sống của người dân.

Thành tựu

Năm 2014 ghi dấu ấn về những thành công của Bộ Tài nguyên & Môi trường trong công tác xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Luật bảo vệ môi trường đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Đây là tiền đề để xây dựng và từng bước hoàn thiện việc phân vùng môi trường và xác định khả năng tiếp nhận của các thành phần môi trường nhằm hoạch định các định hướng phát triển đảm bảo phát triển bền vững, xây dựng mạng lưới quan trắc và dữ liệu môi trường nền phục vụ việc phân tích đánh giá các tác động môi trường.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tiếp tục được tăng cường,  tiến hành xử phạt đối với 302 đối tượng được thanh tra và 42 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng với tổng số tiền xử phạt là hơn 62 tỷ đồng. Tạm đình chỉ hoạt động đối với 37 cơ sở/bộ phận gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 

Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường ngày càng tăng, đến nay, cả nước có 148/194 khu công nghiệp (đạt 76,3 %, tăng 7 KCN so với năm 2013) đã có hệ thống xử lý nước thải theo quy định; 19 khu công nghiệp (10%) đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý; chỉ còn 13,7% số khu công nghiệp còn lại hoạt động trước khi có Luật bảo vệ môi trường năm 2005 chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Triển khai thực hiện các đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông năm 2014 đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường lưu vực sông đã được bổ sung và dần hoàn thiện từ Trung ương xuống địa phương.  Về lĩnh vực đa dạng sinh học có khởi sắc hơn, nhờ sự quan tâm của các cơ quan chức năng về môi trường.

Các vấn nạn về môi trường

Rác điện tử, rác kim loại nặng, rác công nghiệp... Còn thêm bao nhiêu máy vi tính và mobile phế thải hàng năm? Phế thải không chỉ vì hư hỏng, mà còn vì giới trẻ chạy theo phong cách, thời trang do các quảng cáo cổ vũ. Nhà máy của Hyundai Vinashin ở Ninh Hòa là một hình thức ẩn giấu việc ta làm đống rác cho người. Họ có tàu cần tân trang nhưng không muốn gây ô nhiễm do hạt nix bên nước họ, bèn dựng nhà máy làm việc này ở Việt Nam.  Họ “ngoại giao” với giới chức Việt Nam xong rồi cứ thế mà gây ô nhiễm!

Hệ thống đường bộ.

Sự chậm phát triển và thi công lôi thôi hệ thống đường bộ gây vấn nạn lớn lao về môi trường. Xe chạy ì ạch, lại chạy trên nền đường chất lượng kém thải ra rất nhiều khí ô nhiễm và khí nhà kính cho mỗi km hành trình so với nước người. Đường mới làm  giá thành rất cao, nhanh lún, dăm ba năm sau phải dặm vá hàng loạt, trong khi đường cao tốc bên Thái Lan sau dăm, mười năm sử dụng dấu dặm vá rất ít. Người ta chạy bon bon 100-120 km/giờ  suốt tuyến, bên ta chỉ đến 60-80 km/giờ,  lại phải phanh khi lên và xuống cầu. Mỗi lần phanh là thêm khí ô nhiễm và khí nhà kính.

Thêm một vấn đề là không hiểu sao bánh xe bên ta khi bị bào mòn bởi mặt đường thải ra nhiều kim loại nặng, trong khi bánh xe ở các nước phát triển không đến nỗi tệ hại như thế. Kim loại nặng bốc lên theo bụi đi vào phổi người tham gia giao thông, rồi khi có mưa lan xuống sông rạch. Quá nguy hại! Hãy xem Xa lộ Hà Nội: vừa mới mở rộng đường song hành 2 bên nhưng chẳng bõ bèn gì, ùn tắc ngày càng nghiêm trọng. Như bên Bangkok, khi gặp vấn nạn tương tự thì họ xây hẳn đường trên cao 6 làn xe thì mới giải quyết được.

Asbestos (amiăng).

Các nước đã cấm sử dụng asbestos (amiăng) từ lâu. Đã có khuyến cáo nên làm theo ở Việt Nam, nhưng  mỗi lần khuyên đều bị bác bỏ. Do nhóm lợi ích chăng? Gần đây các tổ chức chuyên môn quốc tế cảnh báo tất cả các loại asbestos đều độc hại nhưng phía Việt Nam có người vẫn còn biện hộ asbestos là không độc!?

Môi trường nông thôn.

Môi trường đô thị đang dần được cải thiện, nhưng môi trường nông thôn ngày càng xuống cấp, về mặt quản lý nước thải, bảo vệ nguồn nước uống, quản lý rác... Nhiều vùng nông thôn 100%  trẻ em bị giun sán, do thiếu cầu tiêu, thiếu tuyên truyền về sự nguy hại của phân người không được kiểm soát. Việc đốt rác sinh ra dioxin thì ai trong ngành cũng biết, nhưng không thấy các cơ quan y tế, môi trường.... cấm đốt rác và chỉ dẫn cách quản lý rác tốt hơn. Cứ cái đà này thì chẳng bao lâu nữa các vùng nông thông tươi đẹp bị nhiễm dioxin còn hơn là do Mỹ rải xuống thời chiến!

Rồi bao nhiêu lưu vực nông thôn bị ô nhiễm nước? Những nơi mà từ xưa dân ta vẫn múc nước kênh rạch lên lóng phèn rồi uống. Bây giờ nhiều người biết uống như thế là quá nguy hại nhưng có nhiều người vẫn chưa biết.

 Ô nhiễm hóa chất.

Các loại hóa chất bị cấm hoặc không có trong danh mục được phép sử dụng vẫn được dùng tràn lan. Chợ Kim Biên là một ví dụ điển hình: ngang nhiên buôn bán bao nhiêu thứ độc hại từ bấy lâu nay. Hóa chất đi vào đồng ruộng, nương rẫy, ao tôm cá.  Người sử dụng không dám ăn sản phẩm họ dùng hóa chất, mà tách ra một ao nhỏ, một thửa đất nhỏ để nuôi trồng riêng mà dùng trong gia đình họ. Còn có hóa chất tẩm rau cho đẹp, hóa chất thúc gia súc mau lớn, hóa chất thúc trái non chín đẹp hoặc hóa chất giữ trái tươi mấy tháng trời. Nguy cơ lớn nhất là hóa chất độc trong thực phẩm nhập từ Trung Quốc, đặc biệt là hàng nhập lậu.

Hóa chất đi vào cơ thể con người trước mắt không thấy gì, nhưng cả dân tộc này sau dăm ba chục năm không rõ sẽ ra sao. Viêm gan? Viêm tụy? Viêm gì gì nữa? Ung thư? Sinh con dị dạng? Gen bị biến dạng? Tức là tác hại có thể không lường được, không thể nào tưởng tượng nổi. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã và đang đầu độc cả dân tộc.

Thủy điện tàn phá môi trường.

Thủy điện làm ngập lụt đất mầu mỡ nhất trong vùng, phá rừng ngay tức thì để xây dựng và cũng mở đường cho việc phá thêm rừng trong tương lai. Chỉ vì thủy điện, lâm tặc lợi dụng tàn phá  cả rừng nguyên sinh. Nhiều nhóm lợi ích chỉ biết kiếm tiền từ thủy điện mà không màng gì đến các biện pháp nêu ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, tái tạo rừng bị tàn phá, bảo vệ rừng còn sót lại, chăm lo cho dân tái định cư để họ có cuộc sống ổn định mà không phải phá rừng.

Nước thải.

Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa đạt được tiến độ đề ra. Nhiều khu công nghiệp và khu dân cư không có hệ thống nghiền và xử lý chất thải ở mức chuẩn tối thiểu. Các chất thải không được qua xử lý bị xả ra sông, hồ xung quanh các thành phố. Các con sông như Tô Lịch, Kim Ngưu và sông Sài Gòn vẫn còn bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các công nghệ xử lý nước thải được phát triển và ứng dụng được ở Việt Nam  (công nghệ vi sinh, ozon, màng, xúc tác quang hóa,…). Tuy nhiên, vì nhiều lý do,  các doanh nghiệp vẫn phải nhập công nghệ từ nước ngoài.

Xử lý khí

Vẫn rất nan giải do chi phí phải bỏ ra và các công nghệ tương thích chưa được nghiên cứu kỹ . Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn vẫn còn nghiệm trọng (do bụi, khí thải từ giao thông và từ các khu công nghiệp,…)

Chất thải rắn

Phương pháp chôn lấp giảm vì liên quan đến diện tích đất. Công nghệ thiêu đốt nổi trội hơn: đốt phát điện; nước rỉ rác có công nghệ xử lý được; rác được phân loại bằng máy tại cơ sở xử lý; Rác thải  y tế: công nghệ  tốt nhưng chi phí cao nên khó khả thi . Hiện một số cơ sở ứng dụng vi sóng và hấp để khử trùng

Đất nhiễm dioxin được xử lý theo công nghệ nhiệt phân và dùng tiền của Mỹ là chính. Nền kinh tế đất nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp và thu nhập của của người dân bị sụt giảm dẫn đến đầu tư cho bảo vệ môi trường không còn được quan tâm đúng mức.

Thay cho lời kết

Năm 2015 là năm đầu tiên Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các Nghị định hướng dẫn có hiệu lực thi hành.

Tất cả các vấn nạn về môi trường nói trên đều có tầm mức lớn lao trong lâu dài, không thể giải quyết là xong ngay. Giá như các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm kiểm toán môi trường thiết lập được mối liên kết chặt chẽ với giới truyền thông để hàng ngày, hàng giờ thông báo cho công chúng các chỉ số ô nhiễm môi trường đặc biệt liên quan đến nước, không khí, mức độ nhiễm độc của thực phẩm , rau quả thì nhận thức của xã hội sẽ thay đổi. Từ sự thay đổi đó sẽ hình thành động lực hành động nhằm bảo vệ môi trường. Nói rộng ra thì chính sự minh bạch và giải trình mới là điều không thể thiếu .