Về giải pháp mềm bảo vệ bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long.[02/03/15]
02/03/2015 15:00
Về giải pháp mềm bảo vệ bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long
Website của Viện Đổi Mới Công Nghệ Thủy Lợi Mekong (MWI) đã đăng bài ‘Ứng dụng giải pháp mềm bảo vệ bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)’ trên trang
Dưới đây là một số thư trao đổi ý kiến.
BBT
· Tôi xin hoan ngênh bàì cuả MWI tựa đề ‘Giải pháp mềm bảo vệ bờ sông ĐBSCL’.
Nhưng vẫn còn suy nghĩ về vấn đề di chuyển phù sa ở giữa lòng sông khi vận tốc tăng.
Nếu lòng sông bị xói mòn thì dần dần bờ cũng bị hư hại; tôi nghĩ chúng ta có thể chặn không cho phù sa di chuyển quá mức về hạ lưu bằng cách đặt các ngưỡng
chìm trong lòng đất,
chắn ngang sông ở dưới đáy sông;
tùy theo độ dốc và bề ngang khúc sông đặt ít hay nhiều ngưỡng.
Tôi không biết giải pháp đóng cọc sâu vài thước để giữ ngưỡng chìm có kinh tế không?
Xin kính chào và mong hồi âm,
Vĩnh Phong (Paris, CH Pháp)
· Kính gửi anh Vĩnh Phong,
Cảm ơn anh đã đọc bài báo về giải pháp mềm bảo vệ bờ sông ở ĐBSCL. Như anh biết, ở ĐBSCL kênh rạch dày đặc làm nhiệm vụ dẫn nước tưới, tiêu và đặc biệt phục vụ giao thông thủy nội địa rất hữu hiệu. Cho đến nay, bà con mới chỉ xem kênh rạch như "quà tặng của thiên nhiên" chứ chưa hẳn xem chúng như một hạ tầng giao thông thủy lợi mà con người cần duy tu nâng cấp chúng. Sạt lở bờ sông ở ĐBSCL rất phổ biến và phần lớn (không phải tất cả) do sóng của chính các phương tiện lưu thông gây ra. Giải pháp "mềm" chỉ là một trong những giải pháp bảo vệ bờ. MWI chủ trương "học từ người dân và nâng cao để quay trở lại phục vụ người dân", mà giải pháp bảo vệ bờ chúng tôi thử nghiệm tại Tiền Giang (bài báo giới thiệu) chỉ là một thí dụ. Nếu không có gì thay đổi chúng tôi sẽ áp dụng giải pháp này cho 3 km bảo vệ bờ sông tại Hậu Giang trong thời gian tới. Chúng tôi cũng đang dự kiến áp dụng 'giải pháp mềm' khác để bảo vệ tránh sạt lờ bờ biển Nam Bộ.
Quay trở lại vấn đề anh Vĩnh Phong nêu, Về sơ đồ chung, giải pháp mềm chúng tôi áp dụng tại Tiền Giang là sự kết hợp giữa 2 kết cấu: (1) Thảm cát (sand mattress) để bảo vệ chân bờ kè phòng xói cục bộ. Một khi lòng sông bị xói do vận tốc dòng chảy, thảm này sẽ không cho "xói gây hàm ếch" bờ sông đảm bảo ổn định tổng thể (overal slope stability); (2) các bao cát (sinh thái) gia cố mái kè chống sạt lở do sóng tàu thuyền. Nhìn chung, trong kênh rạch ở ĐBSCL đều có thể xảy ra bồi lắng phù sa (deposition) hoặc xói mòn (erosion). Để hạn chế bồi lắng có thể áp dụng các 'bẫy cát, bùn" (sediment trap) nhưng để hạn chế xói lở thì việc áp dụng các "ngưỡng" như anh gợi ý không thực sự hiệu quả do độ dốc lòng sông và độ dốc thủy lực (hydraulic gradient) rất nhỏ, khác với dòng chảy trên sông suối khu vực miền trung Việt nam. Thực chất vận tốc dòng chảy trên kênh rạch ĐBSCL khá nhỏ (hầu hết nhỏ hơn 1m/s) lại thay đổi chiều do thủy triều nên các giải pháp 'cứng" tốn nhiều tiền và dường như "quá mức cần thiết". Chủ trương của MWI là xác định được các giải pháp có chi phí thấp để giải quyết những vấn đề của đồng bằng theo hướng "thích nghi" và "thân thiện với môi trường".
Một lần nữa, cảm anh đã quan tâm và hy vọng tiếp tục nhận được sự hợp tác của anh Vĩnh Phong.
Trịnh Công Vấn (MWI, TP Hồ Chí Minh)
· Kính gửi anh Vấn,
Cám ơn anh đã dẫn giải rõ ràng về chủ truơng cuả MWI và thực tế kênh rạch ĐBSCL.
Tôi xin hoan nghênh chủ trương cuả MWI "học từ người dân và nâng cao để quay trở lại phục vụ người dân",
Tôi đồng ý với anh là giải pháp ngưỡng “cứng “ chống xói mòn là "quá mức cần thiết".
Không thể ứng dụng mọi nơi . Chỉ cần ở những nơi nào có độ dốc thủy lực cao; chẳng hạn trong khúc cong lồi cuả sông, kênh rạch ; và có thể trong tương lai khi phần lớn phù sa sông Mekong bị giữ lại trong các hồ chứa thủy điện ở thượng lưu, nếu các tua bin hiện hành với kích thước lớn (D7-8m) vận hành dưới cột nước khỏang 20m và lớn hơn vẫn được ứng dụng.
Hy vọng được học hỏi thêm từ MWI.
Kính chào anh,
Vĩnh Phong