Cây mắc-ca – Huyền thoại hay ngộ nhận ?[11/03/15]
10/03/2015 09:38
Cây mắc-ca – Huyền thoại hay ngộ nhận ?
GS.TS. Nguyễn Tử Siêm
Cố vấn trưởng Kỹ thuật Quốc tế, Bộ Ngoại giao & Phát triển Canada
(Nguyên Cục trưởng cục Khuyến nông & Khuyến lâm)
Trong những chủ trương phát triển trồng trọt từ trước đến nay, ít có cây nào gây nên một sự bàn thảo sôi nổi như mắc-ca – một cây trồng mới được Chính phủ chủ trương mở rộng mạnh mẽ, triển khai một cách cấp tập và cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Người chủ trương và ủng hộ mệnh danh mắc-ca là “nữ hoàng” của các hạt, “cây tỷ đô”, “cây vàng”, người do dự cũng không ít lý do để mà cảnh báo. Chúng tôi cho rằng sự phát triển thành công mắc-ca quyết định ở tính bền vững của nó trong hệ thống cây trồng và tính cạnh tranh của nông sản này trên thị trường. Do vậy, đánh giá đúng tiềm năng cũng như lường hết sự rủi ro chính là đóng góp tốt nhất cho việc thực hiện chủ trương này của Chính phủ. Sau đây xin bàn nhiều về các thách thức.
Năng suất của mắc-ca chỉ bằng khoảng 1/3 so với năng suất các loại cây trồng cho quả hạch khác; tỷ lệ nhân trong hạt cũng thấp hơn nhiều (4 kg hạt tốt được 1 kg nhân), tỉ lệ hao hụt, sấy khô, khấu hao, nhân công làm cho giá thành nhân khá cao. Vỏ hạt rất cứng cần đầu tư thiết bị chế biến đặc biệt. Cũng do năng suất nhân thấp, đầu tư ban đầu cao, công nghệ cao và tiêu chuẩn chất lượng rất cao nên lợi nhuận phụ thuộc rất lớn vào giá thị trường đầu cuối chuỗi giá trị, và giá cả thì rất khó dự báo. Người quyết định sẽ là các công ty đa quốc gia về thực phẩm cao cấp, và mỹ phẩm và các tác nhân nắm công nghệ cao về chế biến; người làm ra sản phẩm sơ cấp chịu nhiều rủi ro hơn.
Về giá trị của hạt mắc-ca, khi lấy hàm lượng dinh dưỡng mà so sánh thì nó có những ưu điểm, nhưng không có cơ sở để kết luận không có loại hạt nào thay thế được. Với hàm lượng dầu cao vượt trội (chất béo 78,2%) hạt mắc-ca rất khó bảo quản. Còn về hiệu quả kinh tế thì không thể lấy giá trong siêu thị của các nước phát triển mà nhân với năng suất tối đa; vì để đạt được giá bán đó còn bao nhiêu điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm phải thỏa mãn. Giá hạt mắc ca trên thị trường thế giới vào khoảng 2-3 USD/kg hạt; giá có thể cao hơn thế chỉ là trong trường hợp nhất thời, không nên coi là giá trung bình. Có người nêu giá hạt 30 USD/kg là sự thổi phồng.
Về thổ nhưỡng, mắc-ca cần đất tốt, thoát nước; ít chua (pH 5.5 - 6.5). Đất đồi của ta phần lớn pH < 5.5); tương tự như lạc hay hướng dương, khi pH < 5 tỷ lệ lép rất cao. Cây cần khí hậu mát, mưa ẩm và khô hạn xen kẽ; cần lượng mưa bình quân 1.000–2.000 mm/năm, nhiệt độ bình quân 250C; không thấp dưới 10 oC. Nhiệt độ thích hợp nhất là 12 oC đến 32 oC. Một trong những yêu cầu sinh thái thiết yếu nhất đối với cây mắc-ca là biên độ nhiệt, đặc biệt là nhiệt độ thích hợp cho cây ra hoa. nhiệt độ tối ưu để cây ra nhiều hoa là từ 12 oC đến 21 oC, tốt nhất là 18 oC. Nếu nhiệt độ ban đêm thấp hơn 12 oC và cao hơn 21 oC , cây đều không thể hình thành chồi hoa. Sự phân hoá để hình thành chồi hoa diễn ra trong tháng 11 và nở hoa vào cuối tháng 2 đến đầu tháng 4. Hầu hết các giống mắc-ca đều bị khô đọt ở trên 35 oC và ngừng quang hợp ở 38 oC.
Ở Tây nguyên chỉ những vùng cao 500 đến 1.000m mới có thể có các điều kiện khí hậu như vậy, phối hợp với tiêu chuẩn đất nữa thì diện tích phù hợp cho mắc-ca không lớn. Những diện tích thích hợp như vậy đã được sử dụng cho các cây khác nên không còn nhiều, đòi hỏi liền khoảnh
Cây mắc-ca rất nhiều hoa, mỗi chùm bông hình đuôi sóc có từ 100-300 hoa, nhưng tỷ lệ đậu quả lại rất thấp, chỉ đạt 0,1 - 0,3%; khí hậu không thuận lợi có thể hoàn toàn không đậu quả. Ra hoa đậu quả đòi hỏi một nhiệt độ ổn định và thấp (khoảng 18-25 độ C), phải kéo dài trong vài tháng, trong khi khí hậu Việt Nam không có mức độ ổn định dài đến thế. Là cây tự thụ phấn và thụ phấn chéo, nếu trồng đơn lẻ hay trồng xen năng suất sẽ không cao. Bộ rễ ăn nông, cây dễ đổ khi gió lớn. Những trở ngại này rất dễ gặp ở Tây Bắc và Tây Nguyên và ngay trong 1 tỉnh không phải vùng nào cũng trồng được. Điều kiện đất đai-khí hậu phức tạp của ta đòi hỏi phải đánh giá tính thích hợp của mắc ca cho mỗi vùng trồng hẹp. Đây là điều kiện tiên quyết nhưng chúng ta chưa làm.
Theo quy hoạch đến năm 2020 sẽ có 200.000 ha trồng mắc-ca tại Tây Nguyên và 30.000 ha tại Tây Bắc. Dự kiến đến năm 2025 tổng sản lượng hạt mắc ca của Việt Nam đạt 200.000 tấn hạt. Mục tiêu này là quá cao nếu lưu ý rằng sau mấy chục năm phát triển, đến nay cả thế giới mới có 80.000 ha. Mặt khác cũng chưa lý giải được thỏa đáng tại sao nơi xuất xứ và thuận lợi cho mắc- ca lại có công nghệ cao như Úc, Nam Phi, Mỹ, Guatemala mà họ không mở rộng diện tích nhanh chóng.
Mắc-ca nhân giống bằng chiết ghép, và sau ít nhất 7–10 năm mới cho thu hoạch kinh tế; điểm hòa vốn rất chậm; nếu trồng bằng cây thực sinh sẽ không cho quả. Giống như các cây lâu năm (cà phê, cao su, …) khi cây còn nhỏ nông dân không thể nhận biết đâu là giống tốt, cây ghép hay thực sinh; sau khi trồng hàng chục năm mới biết thì chỉ có chặt bỏ. Hệ thống cung ứng giống chưa được tổ chức; hạt mắc-ca chủ yếu là nhập khẩu, không có mấy đơn vị sản xuất giống có chứng chỉ; nếu gặp rủi ro thì đương nhiên người trồng gánh chịu. Hiện nay giống mắc-ca hầu hết đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ít nhà vườn lai ghép những loại cây kém chất lượng người dân rất khó nhận biết. Ở Lâm Hà nhiều hộ dân đã phá bỏ hàng loạt vườn mắc-ca bởi dù tươi tốt nhưng lại không cho quả. Như vậy, muốn phát triển đồng loạt thì cũng không thể cung cấp giống tốt kịp được.
Về trồng xen, mắc-ca là cây tán rộng, chiếm đất (mật độ đông đặc 300 cây/ha), lá rậm, không thích hợp như các cây trồng xen che bóng cho cà phê hay chè (như muồng đen, muồng lá khế, keo dậu, …là những cây đã lọc lựa từ mấy chục năm qua). Khi trồng xen, chưa kể việc tranh chấp nước và chất dinh dưỡng, thì việc bón phân khoáng, phun thuốc sâu chắc chắn ảnh hưởng đến tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do khách hàng yêu cầu. Thử nghiệm trồng xen với cà phê đầu tiên năm 2004 ở 1 hộ huyện Krông Năng chưa rút ra kết luận đáng tin. Chúng ta cũng đã trồng xen cà phê với trẩu, quế, sầu riêng, v.v. và đã không thành công. Về bệnh, cây này rất mẫn cảm với Phytophthora, cần phải chọn tạo giống đủ sức đề kháng. Bệnh nấm này đã gặp ở cao su, khó trị và việc phun thuốc sẽ ảnh hưởng tới chất lượng hạt; bị vướng vào tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà khách hàng qui định nghiêm ngặt.
Về dự báo thị trường, đến nay chưa có dự báo thị trường một cách thuyết phục. Thông tin sau đây đáng để suy nghĩ: “Đến năm 2006 thì sản lượng mắc-ca ở Hawaii bắt đầu giảm do cung vượt cầu”1. Năm 2013 toàn thế giới sản xuất khoảng 135.000 tấn hạt chưa bóc vỏ. “Mỹ định trồng thương mại ở Florida nhưng thất bại vì năng suất thấp”2.
Nghiên cứu lâu nhất về so sánh giống mắc-ca là của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên là từ 2002, đến nay mới chọn được 10 giống có triển vọng, đem trồng khảo nghiệm diện hẹp ở mấy nơi quanh Buôn Ma Thuột và các chuyên gia của Viện đưa ra khuyến nghị rất thận trọng là cần phải được đánh giá kỹ trước khi phổ biến rộng rãi ra sản suất, đặc biệt là công tác chọn giống và quy hoạch vùng trồng cho cây mắc ca. Phải khẳng định rằng Việt Nam chưa có nhiều chuyên gia về cây mắc-ca, còn chuyên gia về sản phẩm mắc-ca thì gần như chưa có. Trong khi đó thì nhiều ý kiến khác (chủ yếu là người không nghiên cứu) lại khuyến nghị mở rộng một cách thái quá rất dễ gây ấn tượng mắc-ca là một huyền thoại. Một số Ngân hàng lớn nhanh chóng hưởng ứng, cam kết đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng. có vị lãnh đạo Ngân hàng nói “sẽ không chỉ bàn mà làm luôn”, vị khác quyết tâm : “Không ai làm thì tôi cũng tự trồng”. phải chăng cứ có tiền là trồng được; vốn là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Cũng có người có trách nhiện quản lý vốn cho rằng: “…cần có quy hoạch, xây dựng các quy chuẩn tạo giống và chăm sóc, hướng dẫn việc chế biến, làm sao để chế biến sâu và thực sự tạo nên được các chuỗi giá trị từ hạt mắc-ca”; đây là sự thận trọng cần thiết. Trong luồng ý kiến bàn thảo vừa qua, đáng lưu ý là chưa thấy tiếng nói của những người trồng mắc-ca đích thực.
Cơ sở khoa học phát triển mắc-ca còn nhiều điểm chưa chắc chắn, chưa thể yên tâm. Để phát triển cây trồng chủ lực như cà phê, cao su, ngô,…chúng ta có các Viện nghiên cứu tương xứng mà cũng phải nhiều thập kỷ mới định vị được các cây này trong hệ thống nông nghiệp. Tuổi thọ vườn cây chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để nghề sản xuất mắc-ca bền vững phải xét từ khía cạnh kinh tế (hiệu quả trên đơn vị đầu tư, giá trị gia tăng,…); khía cạnh xã hội (tổ chức chuỗi giá trị, hài hòa mức độ hưởng lợi của các bên tham gia) và môi trường (tài nguyên đất, nước, xử lý ô nhiễm, v.v.). Như vậy chắc chắn phải qua nghiên cứu và thử nghiệm từng bước giống và canh tác, song đến nay vẫn chưa có một bộ giống chuẩn về cây mắc-ca cho vùng Tây Nguyên. Hiện mới chỉ có vài mô hình nhỏ trong khi Tây Nguyên, Tây Bắc thì rộng lớn, vì thế phải khảo nghiệm, thử nghiệm rộng hơn trước khi cho trồng mở rộng. Để có cơ sở khoa học, ít nhất phải có 1 đề tài lớn nghiên cứu triển khai một cách toàn diện và đồng bộ.
Phát triển mắc-ca là một chủ trương lớn, nhưng chưa được chuẩn bị đầy đủ. Để chắc chắn thành công cần phải: đánh giá và dự báo thị trường tốt hơn; nắm chắc khách hàng yêu cầu tiêu chuẩn gì (nếu là sản phẩm hữu cơ nghĩa là không được bón phân khoáng và phun thuốc thì cực khó); đánh giá mức độ thích hợp (cả đất và khí hậu); qui hoạch chi tiết; nghiên cứu thử nghiệm (R&D) trước khi mở rộng; khảo nghiệm để có bộ giống tốt; tổ chức hệ thống cung cấp giống xác nhận; chọn công nghệ và tổ chức hệ thống thu mua, chế biến bảo đảm tiêu chuẩn ATTP; thông tin đầy đủ và tập huấn người trồng. Đấy là các bước không thể bỏ qua, chứ không phải thái độ lừng chừng, thiều quyết tâm.
[1] "Hawaii Macadamia Nuts: Final Season Estimates". Hawaii Department of Agriculture. July 13, 2007. Retrieved April 7, 2012.
[1] Boning, Charles (2006). Florida's Best Fruiting Plants: Native and Exotic Trees, Shrubs, and Vines. Sarasota, Florida: Pineapple Press, Inc. p. 117.