Tóm tắt ý kiến chung tại Tọa đàm về nguồn nước hạ du sông Hồng.[19/03/15]
18/03/2015 08:30
Tóm tắt ý kiến chung tại Tọa đàm về nguồn nước hạ du sông Hồng
Ban Khoa học – Công nghệ
Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam
Như tin đã đưa (mời xem trên www.vncold.vn , trang /Web/Content.aspx?distid=3743 , ngày 27/2/2015, Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam phối hợp với Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức tọa đàm về ‘Hiện trạng suy giảm nước về mùa khô và các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước hạ du sông Hồng’. Dưới đây là tóm tắt ý kiến chung tại Tọa đàm :
I. Thực trạng suy giảm mực nước về mùa khô vùng hạ du sông Hồng
1) Thời kỳ trước năm 1990: Trong thời kỳ này các hồ chứa lớn trên hệ thống Sông hồng chưa đi vào hoạt động (trừ hồ Thác Bà) nên chế độ mực nước trong mùa khô thay đổi theo điều kiện tự nhiên.
2) Thời kỳ từ 1990 – 2003: Hồ Hòa Bình và Thác Bà đã tham gia điều tiết theo nhiệm vụ thiết kế và vào mùa khô thông thường xả với lưu lượng 800 – 900 m3/s và mực nước hạ du tại các điểm quan trắc vẫn chưa có biểu hiện bị hạ thấp.
3) Thời kỳ từ 2003 – 2007: Ở hạ du sông Hồng bắt đầu có sự giảm thấp mực nước về mùa khô trong các tháng 1 & 2. Các hồ Hòa bình & Thác Bà đề tăng lưu lượng điều tiết xuống hạ du từ 900 – 1100 m3/s năm lớn nhất phải xả đến 1700 m3/s nhưng mực nước sông Hồng tại Hà Nội vẫn thấp hơn mực nước thiết kế.
4) Thời kỳ 2007 – 2011: Thời gian này bắt đầu có sự tham gia điều tiết của hồ Tuyên Quang và trong mừa khô cả 3 hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đều tham gia xả nước trong tháng 1 & 2 với lưu lượng có lúc đạt tới 2700 m3/s mới đảm bảo mực nước yêu cầu tại Hà Nội là 2,3 m. Vào thời ký đó có những năm mực nước sông Hồng tại Hà nội chỉ đạt cao trình +0,1 (năm 2010).
II. Các nguyên nhân của hiện tượng suy giảm mực nước về mùa khô tại hạ lưu sông Hồng
1) Sự hạ thấp cao độ, mở rộng lòng sông và tăng tỷ lệ phân nước sang sông Đuống đặc biệt là trong mùa khô:
a) Thực trạng: lòng dẫn sông Hồng, sông Lô, sông Đuống trong những năm gần đây đang bị xói sâu và mở rộng mặt cắt ướt ở nhiều đoạn. Sông Lô bị xói sâu 6 – 8 m có nơi 9 -12m; sông Đuống xói sâu 4 -5 m; sông Hồng có nhiều đoạn xói sâu đến 5m.
Hiện tượng xói lòng sông và mở rộng mặt cắt trên nhiều sông rất nghiêm trọng. Đoạn từ Sơn Tây đến Hà Nội hiện tượng xói chiếm ưu thế chủ đạo có những mặt cắt xói sâu và rộng lên đến 20 -25%.
b) Nguyên nhân: Kết quả nghiên cứu trong nhiều năm của nhiều chuyên gia có thể đưa ra những nguyên nhân chính sau đây:
- Do bồi lắng bùn cát tại các hồ chứa trên hệ thống sông Hồng. Hiện nay theo tài liệu điều tra được trên hệ thống sông Hồng (kể cả Việt Nam và Trung Quốc). Ở Trung Quốc có 52 hồ chứa đã đang và sẽ xây dựng trong đó có 8 hồ chứa đã xây dựng xong. Còn ở Việt Nam gồm có Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Nậm Chiến, Thác Bà, Bắc Hà, Tuyên Quang, Chiêm Hóa, Nho Quế… với số lượng hồ nhiều như vậy, lượng bùn cát lắng đọng trong lòng hồ rất lớn gây ra hiện tượng xói lòng sông ở hạ lưu theo đúng qui luật dòng chảy.
- Do khai thác cát với một khối lượng khổng lồ trên toàn bộ hệ thống sông. Hiện nay chưa có một số liệu thống kê về khối lượng khai thác cát hàng năm trên sông nhưng có thể nói rằng khối lượng khai thác cát là cực kỳ lớn đặc biệt là trong khoảng 10 năm trở lại đây nhằm phục vụ cho việc xây dựng đường sá và các khu đô thị. Số lượng khai thác cát đã vượt quá xa khả năng bồi đắp trở lại của bùn cát của dòng chảy trong sông.
- Sự thay đổi tỷ lệ lượng nước phân sang sông Đuống (lượng dòng chảy từ tháng 1 đến tháng 4)
Kết quả của nhiều năm nghiên cứu đo đặc như sau:
Ø Trước năm 2000 tỷ lệ phân lưu sang sông Đuống là 28%.
Ø Đến năm 2010 tỷ lệ phân lưu sang sông Đuống là 38 – 40%.
Sự thay đổi này góp phần đáng kể gây ra việc hạ thấp mực nước về mùa khô tạ sông Hồng.
2) Ảnh hưởng điều tiết của các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà
Do yêu cầu phải xả lưu lượng lớn xuống hạ du thời kỳ đổ ải nên EVN đã phải điều chỉnh biểu đồ công suất huy động đối với các hồ chứa này, theo đó trước và sau thời kỳ đổ ải các hồ chứa này đã diều tiết với lưu lượng rất nhỏ để đảm bảo công suất ở cuối mùa kiệt. Bởi vậy mực nước sông Hồng tại Hà Nội xuất hiện những giá trị thấp cực đoan.
3) Ảnh hưởng điều tiết các hồ chứa của Trung quốc
Có rất ít tài liệu về vận hành các hồ chứa của Trung Quốc, tuy nhiên theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia thì có những nhận xét sau:
Các hồ chứa của Trung Quốc làm giảm lượng dòng chảy xuống hạ lưu về mùa cạn trên sông Hồng khoảng 10 – 20%, trên sông Thao khoảng 9 – 15%, vì những tháng đó các hồ đã giảm phát điện tới mức thấp nhất – vào thời kỳ này thượng nguồn sông Đà lưu lượng chỉ khoảng 10 – 30 m3/s.
III. Những thiệt hại đối với kinh tế, xã hội, môi trường
1) Do mực nước sông Hồng cạn kiệt, các cống lấy nước và trạm bơm nước lấy nước cho các tỉnh hạ du sông Hồng bị trơ đáy, cho nên hàng năm vào khoảng cuối tháng 1 đầu tháng 2 các hồ chứa trên hệ thống sông Hồng đã phải xả xuống sông 4,5 – 5 tỷ m3 nước nhằm dâng nước sông Hồng lên cao trình 2,3 m. Tuy nhiên chỉ trên dưới 20% khối lượng nước được đưa vào đồng ruộng và gần 80% lượng nước trôi ra biển lượng nước trữ trong các hồ bị hao hụt đến 3 tỷ m3. Điều này dẫn đến không đảm bảo an ninh nước phục vụ cho các ngành kinh tế cũng như nước cho dân sinh nhất là về cuối mùa khô.
2) Ngành điện bị thất thoát điện năng rất lớn, các hồ xả nước qua tuyếc bin với lưu lượng lớn trong những thời điểm mà mạng lưới điện quốc gia không cần cung cấp bởi các nhà máy thủy điện, ngược lại trước và sau thời kỳ đổ ải các hồ chứa phải cho qua tuyếc bin lưu lượng rất nhỏ để đảm bảo không thiếu công suất về mùa kiệt, chính thời kỳ cuối mùa kiệt sơ đồ phụ tải lại lớn nhất trong năm. Qui trình vận hành các nhà máy thủy điện bị đảo lộn.
3) Ô nhiễm môi trường và cảnh quan hai bờ sông Hồng: Hiện nay tình trạng ô nhiễm sông Nhuệ và một số sông nhánh là vấn đề nhức nhối của thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Trong nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm thì việc không có dòng chảy trong sông Nhuệ thường xuyên để thau rửa nước bẩn và các chất gây ô nhiễm đã làm cho nước sông Nhuệ đen ngòm, hôi thối, bùn rác lắng động ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục vạn dân sống hai bên bờ.
- Đối với sông Đáy, do mực nước sông Hồng bị hạ thấp quá lớn nên dự án làm sống lại sông Đáy đã được thực hiện một phần song không thể vận hành được do mực nước sông Hồng tại cống Cẩm Đình xuống thấp hơn ngưỡng cống, nước không thể chảy vào sông Đáy được.
- Đối với sông Hồng, nhiều năm đáy sông thường bị trơ ra ở nhiều đoạn, hai bờ sông rất bẩn mất mỹ quan làm xấu đi vẻ mặt của thủ đô đặc biệt là đoạn từ cầu Thăng Long đến Khuyến Lương.
4) Hạ thấp mức nước ngầm và gây lún đất nền của thành phố: Việc nước sông Hồng bị hạ thấp gây ra sự hạ thấp mục nước ngầm ảnh hưởng lớn lớn đến lưu lượng và chất lượng nước của các nhà máy nước cung cấp nước sạch cho hàng triệu dân Hà Nội.
Mặt khác việc mực nước sông Hồng cạn kiệt cùng với việc khai thác nước ngầm bị ảnh hưởng gây ra việc lún đất nền của nhiều vùng trong thành phố.
5) Cản trở giao thông thủy: Do nước sông Hồng bị hạ thấp, hàng năm ngành giao thông đường thủy phải tiến hành nạo vét luồng lạch với khối lượng rất lớn tốn đến hàng trăm tỷ đồng.
IV. Các giải pháp khắc phục
Đã có rất nhiều đề tài nghiên cứu về các giải pháp khắc phục tình trạng trên trong đó có cả các biện pháp phi công trình, biện pháp công trình. Tuy nhiên sau khi so sánh đều nhất trí cho rằng chỉ có biện pháp công trình mới có thể khắc phục được những thiệt hại nói trên. Cụ thể như sau:
- Trên hệ thống sông Hồng & sông Đuống xây dựng các đập dâng nước về mùa khô với các yêu cầu như sau:
+ Đảm bảo cho cao trình mực nước trên sông Hồng đủ để chảy vào các công trình lấy nước ven sông Hồng & sông Đuống cung cấp đầy đủ nước tưới cho cây trồng, đủ lưu lượng để có thể thau rửa nước cho sông Nhuệ khắc phục ô nhiễm, đảm bảo nước vào cống Cẩm Đình chảy vào sông Đáy thực hiện được mục tiêu dự án làm sống lại sông Đáy, nâng cao mực nước ngầm bảo đảm công suất cho các nhà máy nước và đảm bảo chất lượng nước sạch, đảm bảo vận tải thủy trên toàn tuyến sông Hồng, giảm tối đa công tác nạo vét luồng lạch, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp cho hai bờ sông Hồng đặc biệt là đoank từ Sơn Tây đến Thường Tín.
+ Đảm bảo thoát lũ chính vụ trên sông Hồng và các sông nhánh, không cho phép thu hẹp mặt cắt thoát lũ và các công trình cản trở việc thoát lũ.
+ Đảm bảo ổn định lòng dẫn sông Hồng trong các mùa, không làm xói lở hay bồi lắp khi xây dựng công trình.
+ Phải xây dựng các âu tàu, âu thuyền cho giao thông thủy thông suốt trong các mùa và an toàn trong mùa lũ.
+ Bảo đảm cảnh quan môi trường đô thị đặc biệt là đoạn từ Sơn Tây đến Thường Tín.
- Việc xác định vị trí từng công trình, hình thức kết cấu công trình sẽ được tính toán nghiên cứu kỹ lưỡng và quyết định khi lập dự án.
- Các loại hình kết cấu công trình phải đảm bảo bền vững với độ tin cậy cao, hình thức đơn giản dễ quản lý vận hành, có thể chế tạo lắp đặt và thi công bởi các đơn vị trong nước, hạn chế nhập khẩu thiết bị của nước ngoài đảm bảo thi công nhanh và giá thành hạ.
V. Kết luận
1) Hiện trạng suy giảm nước trên sông Hồng vào mùa khô trong nhiều năm nay đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường.