Khu tưới Văn Phong (Bình Định).[06/05/15]
03/05/2015 13:59
Giám đốc Ban Nguyễn Hữu Nghĩa KHU TƯỚI VĂN PHONG (BÌNH ĐỊNH) (TRÍCH DIỄN TỪ CỦA BAN QUẢN LÝ ĐẦU TƯ & XÂY DỰNG 6 TRONG LỄ KHÁNH THÀNH HỢP PHẦN KHU TƯỚI VĂN PHONG - DỰ ÁN THỦY LỢI ĐỊNH BÌNH, TỈNH BÌNH ĐỊNH - 27/4/2015)
…Khu tưới Văn Phong là hợp phần của Dự án thủy lợi Hồ chứa nước Định Bình, tỉnh Bình Định, được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt dự án đầu tư; với Tổng mức đầu tư toàn Hợp phần là 2.070 tỷ đồng (Đập dâng VP: 544 tỷ; Hệ thống kênh tưới: 1.526 tỷ), được đầu tư bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ; Hợp phần gồm có Công trình đập dâng Văn Phong do Ban QLĐT&XDTL6 thuộc Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư, và Hệ thống kênh tưới Văn Phong do UBND Tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư mà đại diện chủ đầu tư là BQLDA Hệ thống kênh tưới Văn Phong.
Mục tiêu của Hợp phần Khu tưới Văn Phong là sử dụng nguồn nước hồ Định Bình để tưới cho 12.009ha đất canh tác, kết hợp phát điện với công suất lắp máy 6 MW; đồng thời cấp nước cho dân sinh và chăn nuôi, kết hợp cải tạo môi trường trong khu vực.
+ Công trình Đập dâng Văn Phong: được xây dựng trên sông Kôn thuộc địa phận 2 xã Bình Tường và Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách Công trình Đầu mối hồ chứa nước Định Bình 30km về phía hạ lưu, nhằm nâng cao đầu nước từ dòng chảy cơ bản của sông Kôn và nguồn nước điều tiết từ Hồ chứa nước Định Bình để tưới tự chảy cho khu tưới Văn Phong. Đập dâng Văn Phong có quy mô công trình cấp 2, chiều cao lớn nhất 27,70m, chiều dài 565 m; trong đó, phần đập tràn dài 473,75m gồm 301,75m tràn phím đàn piano ở 2 bên và 172,00m tràn xả sâu ở giữa với 10 khoang tràn, được lắp cửa van cung thép, đóng mở bằng hệ thống xy lanh thủy lực. Còn lại là đập không tràn ở 2 bờ và Hợp phần Nhà máy thủy điện ở bờ phải; Có 02 cống lấy nước tưới. Trên đỉnh đập có cầu giao thông, trọng tải HL93.
+ Hệ thống kênh tưới Văn Phong: bao gồm Kênh chính dài 34,00 km và gần 212,5 km kênh cấp dưới cùng gần 3.000 công trình các loại trên kênh.
Các công trình thuộc Hợp phần khu tưới Văn Phong được thiết kế, thi công với kết cấu, công nghệ hiện đại, tiên tiến. Đây được coi là thành tựu ứng dụng tiến bộ khoa học trong ngành xây dựng thủy lợi.
Đập dâng Văn Phong là một trong những công trình đầu tiên và là công trình lớn nhất trong nước và trên thế giới được thiết kế phần đập tràn dạng phím đàn piano, kết hợp với đập tràn có cửa, nhằm tăng lưu lượng thoát lũ cho đập, giảm ngập ở thượng lưu khi lũ về; tiết kiệm chi phí xây dựng công trình. Đây cũng là đập phím đàn piano có quy mô lớn nhất hiện nay trên thế giới. Hệ thống kênh tưới được thiết kế hầu hết kiên cố hoá, đảm bảo ổn định lâu dài và nâng cao hiệu quả tưới.
Hợp phần được khởi công xây dựng ngày 22/6/2009 cùng với ngày khánh thành công trình đầu mối Hồ chứa nước Định Bình. Trong quá trình thi công phải xử lý nhiều vấn đề về kỹ thuật, công nghệ đặc biệt là phải nghiên cứu áp dụng thi công bê tông bằng phương pháp tự đầm, một phương pháp thi công tiên tiến lần đầu tiên được áp dụng để thi công các cánh tràn piano kết cấu mỏng, nhiều cốt thép với khối lượng bê tông lớn. nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công trình. Việc thi công hệ thống kênh tưới cũng khá phức tạp, khó khăn do dàn trải trên địa bàn rộng lớn, địa hình địa chất đa dạng; công tác đền bù GPMB rất đa dạng và phức tạp, với tổng diện tích đất phải thu hồi toàn dự án là 257 ha, số hộ bị ảnh hưởng trên 10.000 hộ (trong đó: có 57 hộ tái định cư)... Tổng khối lượng đã thực hiện cả Hợp phần rất lớn, gồm hơn 5.300.000m3 đào đắp đất đá, hơn 397.000m3 bê tông, 5.900m3 đá xây lát, trên 9.560 tấn thép và cơ khí các loại.
Trong suốt quá trình thi công, Hợp phần khu tưới Văn Phong đã được tổ chức quản lý, xây dựng bảo đảm an toàn, đạt chất lượng tốt về kỹ thuật, đẹp về mỹ thuật, đáp ứng tiến độ. Hệ thống công trình được tạm đưa vào sử dụng từ cuối tháng 5/2014, phát huy hiệu quả sớm, kịp thời phục vụ chống hạn cho gần 4.000ha diện tích vụ hè thu 2014. Từ tháng 10/2014 đã được thử tải toàn bộ đảm yêu cầu và đã vận hành an toàn trong mùa mưa lũ vừa qua. Đến nay, cơ bản các hạng mục chính của Hợp phần đã được hoàn thành, đảm bảo điều kiện vận hành phục vụ sản xuất (riêng hệ thống kênh đã hoàn thành giai đoạn 1; phần còn lại khoảng 20% đang chờ bổ sung vốn để thực hiện tiếp)
Để có công trình đẹp, bền vững như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ và các Cục, Vụ của Bộ Nông nghiệp & PTNT, UBND tỉnh Bình Định cùng sự đóng góp rất lớn của nhiều nhà khoa học trong và ngoài ngành; của các nhà thầu tư vấn thiết kế và của các đơn vị thi công, điển hình như Tổng công ty Tư vấn xây dựng thuỷ lợi Việt Nam – đơn vị Tư vấn khảo sát thiết kế chính, Công ty Cổ phần xây dựng 47 – đơn vị chủ lực thi công xây dựng, Công ty CP Cơ khí và Xây lắp 276 – đơn vị chế tạo và lắp đặt thiết bị cơ khí; sự phối hợp đầy trách nhiệm của các đơn vị quản lý dự án, giám sát, thẩm tra, kiểm định... đặc biệt sự vất vả, gian khổ của đông đảo các cán bộ quản lý và công nhân lao động của các đơn vị tham gia trực tiếp thi công xây dựng công trình.
Hợp phần Khu tưới Văn Phong hoàn thành sẽ phát huy hết công suất thiết kế của Công trình đầu mối hồ chứa nước Định Bình. Uớc mơ ngàn đời của nhân dân các vùng hạ du hưởng lợi từ công trình đến nay đã trở thành hiện thực. Hạng chục ngàn ha đất nông nghiệp, thuỷ sản sẽ có nguồn nước cung cấp ổn định để phát triển sản xuất; môi trường sinh thái sẽ được cải thiện đáng kể, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho nhân dân khu vực hưởng lợi, góp phần vào sự nghiệp XD nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định trong thời gian đến...