Tình hình khô hạn kéo dài ở miền Trung và giải pháp khắc phục.[15/06/15]

12/06/2015 09:35

11

Tình hình khô hạn kéo dài ở miền Trung

và giải pháp khắc phục

 

(GS.TSKH. Phạm Hồng Giang trả lời phỏng vấn)

Tình hình khô hạn kéo dài ở miền Trung, nhất là vùng Nam Trung Bộ, gây khó khăn và thiệt hại nặng cho sản xuất và đời sống nhân dân. Ngày 9/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã quyết định công bố thiên tai do hạn hán diễn ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/1 đến nay. Phóng viên nhiều báo đã nêu câu hỏi về thực trạng & giải pháp của vấn đề này và GS.TSKH. Phạm Hồng Giang,Chủ tịch Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam, đã trả lời chung như sau:

Nước ta ở trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hai mùa, mùa mưa thì xảy ra lũ lụt & mùa khô thì xảy ra hạn hán. Chính phủ và nhân dân ta đã nỗ lực trong nhiều năm qua để khắc phục, giảm nhẹ thiên tai, thu được những kết quả tốt ở chừng mức nhất định.Miền Trung là nơi luôn bị lũ và hạn nặng.

Chúng ta đã có một số kinh nghiệm đối phó với lũ. Thường thì  bão gây mưa lớn, nhất là trên thượng nguồn các sông rồi  lũ kèm theo. Việc dự báo bão có nhiều tiến bộ đáng kể và kết hợp tốt với các đài khí tượng quốc tế. Vì thế dự báo lũ cũng khá kịp thời. Việc phòng bị và di chuyển dân tạm thời trong một vài ngày diễn ra nhanh gọn.

Tuy nhiên, đối phó với hạn hán, nhát là khi hạn nặng kéo dài, thì khó khăn hơn nhiều. Nước cần hàng ngày cho đời sống & sản xuất, nhất  là sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi,..) nhưng không còn nguồn nào cung cấp. Nhiều vùng rộng lớn ở miền Trung hiện đã trải qua mấy tháng liền không mưa, nước sông hồ cạn hết, giếng khô kiệt,... Tình hình rất nguy hiểm và cũng rất nan giải, đặc biệt tại Ninh Thuận là nơi có lượng mưa chỉ bằng khoảng 25% trung bình của cả nước, độ ẩm rất thấp và lượng bốc hơi rât cao.

Để từng bước khắc phục tình trạng này, trước mắt, cần tận dụng khả năng hiện có của các hồ, kể cả các hồ thủy điện, như các hồ thủy điện tại Lâm Đồng có thể hỗ trợ cho Ninh Thuận, đồng thời huy động các phương tiện chuyển nước đến cho dân vùng khô hạn nhất.

Về lâu dài, để khắc phục hạn hán thì phải có thêm nhiều hồ chứa thượng du và trung du. Ở Ninh Thuận, các hồ chứa hiện nay đều là các hồ loại nhỏ đã cạn kiệt. Hồ Tân Mỹ với dung tích hơn 200 triệu m3 được chuẩn bị hơn 10 năm nay,nếu được đầu tư kịp thời thì đã có thể phát huy hiệu quả từ lâu.

Một số chuyên gia cho rằng không còn địa điểm nào làm hồ. Cần xét kỹ 2 loại hồ. Loại thứ nhất là hồ thủy điện, mục tiêu chính là phát điện nên là loại hồ mang nhiều tính thương mại, đòi hỏi phải đạt hiệu quả cao về sản lượng điện(cột nước cao, giá thành hạ,..), nên những địa điểm đạt  yêu cầu đó không còn nhiều. Loại thứ hai là những hồ thủy lợi phục vụ công ích,đa mục tiêu: tưới ruộng, cấp nước, phòng tránh thiên tai. Trước đây, ta chỉ lo trực tiếp tưới lúa nên vị trí làm hồ phải ở ngay chỗ có khu ruộng cần tưới, ngoài ra, qui mô hồ chỉ phụ  thuộc vào diện tích khu tưới đó. Bây giờ chúng ta cần thay đổi quan niệm, tức là cần làm hồ ở bất cứ đâu có thểđể trữ nước, đặc biệt ở vùng thường xảy ra khô hạn. Nước trữ  trong hồ sẽ lại chảy về theo sông suối  để phục vụ sản xuất và dân sinh, giữ gìnmôi trường ở hạ du nhất là trong mùa khô. Muốn có nước về mùa khô thì phải trữ lại nước từ mùa mưa, không có cách nào khác. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng chỉ đạo: ’Phải giữ được hết nước ở miền Trung!’.Nếu quả thực ‘hết chỗ’ trên thượng du và trung du thì giải pháp sau cùng là phải nghiên cứu làm đập ở cửa sông.

Bên cạnh biện pháp công trình như trên, rất cần đẩy mạnh việc trồng rừng, ngăn chặn tệ nạn phá rừng, bố trí sản xuất và dân cư hợp lý..