Các loại bản tin báo bão và áp thấp nhiệt đới ở Việt Nam.[13/4/07]

12/04/2007 20:13

26

I. PHÂN LOẠI BẢN TIN BÃO:

 

  1. Tin bão theo dõi: Khi có bão hoạt động ở phía đông kinh tuyến 120 độ Đông nhưng có khả năng di chuyển vào biển Đông trong khoảng từ 12 giờ đến 24 giờ tới và hướng về phía bờ biển nước ta thì phát "Tin bão theo dõi".
  2. Tin bão xa: Khi tâm bão vượt qua kinh tuyến 120 độ Đông, vào biển Đông và cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta trên 1000km; hoặc khi vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta từ 500 đến 1000km và chưa có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta thì phát "Tin bão xa".
  3. Tin bão gần: Khi vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta từ 500 đến 1000km và có hướng di chuyển về phía đất liền nước ta; hoặc khi vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta từ 300 đến 500km và chưa có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta trong một vài ngày tới thì phát "Tin bão gần".
  4. Tin bão khẩn cấp: Khi vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta từ 300 đến 500km và có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta trong 1 đến 2 ngày tới; hoặc khi vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta dưới 300km thì phát "Tin bão khẩn cấp"
  5. Tin bão vào đất liền:
    • Khi bão đã đổ bộ vào đất liền nước ta có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên thì phát "Tin bão vào đất liền"
    • Khi bão đã đổ bộ vào nước khác có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta thì phải tiếp tục phát tin bão như quy định tại mục 3 hoặc mục 4 điều 6 của Quy chế này.  
  6. Tin cuối cùng về cơn bão: Khi bão đã tan hoặc bão không còn khả năng ảnh hưởng đến nước ta thì phát tin cuối cùng về cơn bão đó.

 II. PHÂN LOẠI TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI:

Căn cứ vào khả năng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đến nước ta, tin áp thấp nhiệt đới được phân loại như sau:

 

  1. Tin áp thấp nhiệt đới: Khi có áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta trên 500km; hoặc khi còn cách bờ biển đất liền nước ta từ 300 đến 500km và chưa có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta trong 24 giờ tới; hoặc khi bão đã đổ bộ vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới thì phát "Tin áp thấp nhiệt đói"
     
  2. Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ: Khi vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách điểm gần nhất thuộc bờ biển nước ta dưới 300km;hoặc khi vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển đất liền nước ta từ 300 đến 500 km nhưng có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong 24 giờ tới thì phát "Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ".

 III. NỘI DUNG TIN BÃO:

  1. Tiêu đề tin bão: Xác định loại tin bão theo Điều 6 của Quy chế này và số hiệu cơn bão theo thứ tự các cơn bão trong năm do Tổng Cục Khí tượng Thuỷ văn quy định. Không đặt số hiệu cho những cơn bão theo dõi.
  2. Tóm tắt thực trạng: Thông báo vị trí tâm bão, sức gió mạnh nhất và diễn biến của cơn bão theo số liệu có được tại thời điểm gần nhất. Nội dung cụ thể như sau:
    • Vị trí tâm bão (xác định theo toạ độ kinh, vĩ với độ chính xác đến 1/10 độ). Khi không có điều kiện định vị tâm bão tại một điểm toạ độ, thì xác định vị trí tâm bão trong ô vuông, mỗi cạnh bằng 1 hoặc 2 độ kinh vĩ. Trong "Tin bão khẩn cấp", ngoài vị trí tâm bão xác định theo toạ độ, phải ghi thêm khoảng cách từ vị trí tâm bão đến điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta; hoặc đến vùng bờ biển có khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão.
    • Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão, kèm theo gió giật, nếu có (xem bảng tốc độ gió)
    • Diễn biến của cơn bão trong 12 hoặc 24 giờ qua về hướng và tốc độ di chuyển (đổi hướng, nhanh, chậm, dừng), cường độ bão (mạnh lên, yếu đi...)
  1. Dự báo diễn biến của bão trong 24 giờ tới:
    • Hướng di chuyển của bão: ghi theo 1 trong 16 hướng chính hoặc giữa 2 hướng chính. Các hướng chính là: Bắc, Bắc Đông Bắc, Đông Bắc, Đông Đông Bắc, Đông, Đông Đông Nam, Đông Nam, Nam Đông Nam, Nam, Nam Tây Nam, Tây Nam, Tây Tây Nam, Tây, Tây Tây Bắc, Tây Bắc, Bắc Tây Bắc.
    • Tốc độ di chuyển của bão
    • Nhận định khả năng diễn biến của bão trong 24 giờ tới
    • Riêng đối với tin bão khẩn cấp, ngoài các yếu tố dự báo nêu trên, nếu bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong 12 đến 24 giờ tới thì phài dự báo thêm:

-          Thời gian và khu vực có thể bị ảnh hưởng trực tiếp của bão

-          Khả năng gây gió mạnh ở một số vùng

-          Khả năng mưa vừa, mưa to (Xem bảng phân cấp mưa )

-          Khả năng nước biển dâng và độ cao nước biển dâng do bão (m).

 

IV. NỘI DUNG TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI:

Nội dung tin áp thấp nhiệt đới tương tự như nội dung tin bão, bao gồm:

 

  1. Tiêu đề tin áp thấp nhiệt đới: Xác định loại tin áp thấp nhiệt đới (theo Điều 7 của Quy chế này). Không đặt số hiệu cho các cơn áp thấp nhiệt đới.
  2. Trường hợp áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong 24 giờ tới thì trong "Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ" phải ghi thêm:
    • Khoảng cách từ tâm áp thấp nhiệt đới đến điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta; hoặc đến vùng bờ biển có khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới. Nếu tâm áp thấp nhiệt đới không thể định vị bằng điểm toạ độ mà xác định trong ô vuông, mỗi cạnh bằng 1 độ kinh, vĩ thì khoảng cách đó được tính từ trung tâm ô vuông.
    • Thời gian và khu vực có khả năng bị áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp.
    • Khả năng gây gió mạnh và mưa vừa, mưa to (xem bảng tốc độ gió và bảng phân cấp mưa)

 V. CHẾ ĐỘ PHÁT TIN BÃO, LŨ

  1. Đối với tin bão theo dõi: Mỗi ngày phát 2 tin vào lúc 9h30 và 15h30 và cung cấp cho: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương.
  2. Đối với tất cả các loại tin bão, tin áp thấp nhiệt đới: mỗi ngày đều phải phát 4 tin chính vào lúc: 4h30, 9h30, 15h30 và 21h30. Trường hợp bão, áp thấp nhiệt đới diễn biến phức tạp thì ngoài 4 tin chính, khi cần thiết, có thể phát thêm một số tin bổ xung, xen kẽ giữa 2 tin chính./.