Ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn miền Trung.[20/06/15]

18/06/2015 15:56

33

Ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ
tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn miền Trung

 

Hoàng Tuấn

Cục Quản lý xây dựng công trình

 

Nông thôn các tỉnh miền Trung Việt Nam là một trong những khu vực nghèo nhất trong cả nước với khoảng 37% dân số sống dưới mức nghèo đói. Nơi đây hàng năm thường xuyên chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai hạn hán, lũ, bão; trong khi đó các công trình hạ tầng kinh tế phục vụ sản xuất nông nghiệp còn sơ sài, nhiều bất cập, hạn chế, gây khó khăn lớn cho cuộc sống mưu sinh của người dân nông thôn vùng này. 

 

Trong những năm 2008-2014, được sự hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Hiệp định dự án “Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung” khoản vay ADB: 2357-VIE (SF), thỏa ước tín dụng AFD: CVN 6011 01C và thỏa ước tài trợ AFD: CVN 6011 02D; với tổng vốn đầu tư là 168,2 triệu USD đã được triển khai thực hiện, trong đó, vốn vay ADB là 90 triệu USD, vốn vay AFD là 40 triệu Euro(tương đương 52 triệu USD) và 1 triệu Euro (tương đương 1,3 triệu USD) không hoàn lại, vốn đối ứng của Chính phủ là 24,9 triệu USD. Ngoài ra ADB tài trợ không hoàn lại 1 triệu USD để nghiên cứu vận hành và bảo trì công trình.

Hình ảnh: Hệ thống kênh tưới Thạch Nham (tỉnh Quảng Ngãi)

 

 

Bộ Nông nghiệp và PTNT là cơ quản chủ quản của Dự án đã chỉ đạo tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 1 cho 13 tỉnh miền Trung, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận.

 

Hình ảnh: Công-Đê hữu sông Mơ, tỉnh Nghệ An

 

 

Kết quả thực hiện dự án trong giai đoạn này đã hoàn thành xây mới và nâng cấp 540km đường giao thông nông thôn bao gồm cả cầu, cống và các công trình phụ trợ; nâng cấp hàng ngàn km kênh thủy lợi, nhiều công trình cống, trạm bơm, đập tràn, đảm bảo phục vụ tưới trên 110.000 ha đất canh tác nông nghiệp; sửa chữa và nâng cấp, xây mới 18 chợ đầu mối, 04 công trình phòng chống lũ và xâm nhập mặn đạt chất lượng kỹ thuật và đưa vào sử dụng  hiệu quả, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư khu vực miển Trung phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

 

Chùm ảnh kết quả giai đoạn 1 của dự án.

Đường giao thông nông thôn Mỹ Hiệp – Mỹ Trinh (tỉnh Bình Định)

Kênh chính sông Tiêm tỉnh Hà Tĩnh hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 10/2013

Công trình cấp nước sinh hoạt thôn Xuân Tây, xã Linh Hải, tỉnh Quảng Trị

Chợ Hôm, tỉnh Nghệ An

Thi công trạm bơm Sa Loan, tỉnh Thanh Hóa

Kênh Bảo Đài-tỉnh Quảng Trị

 

Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế nông nghiệp của khu vực này vẫn là vấn đề cấp thiết. Để tiếp tục triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại các tỉnh miền Trung; căn cứ tình hình thực hiện Dự án “Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - giai đoạn 1”, được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cùng ADB thốngnhất triển khai tiếp Dự án giai đoạn 2 bằng khoản vay bổ sung:  3173-VIE (SF) để tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các công trình thuộc hệ thống thủy lợi kết hợp giao thông quản lý trên địa bàn 6 tỉnh: Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận với 24 tiểu dự án. Theo Quyết định số 4881/QĐ-BNN-KH ngày 10/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về “Phê duyệt Kế hoạch tổng thể dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung-Khoản vay bổ sung”, tổng vốn đầu tư của dự án là 92,5 triệu USD; trong đó: vốn vay ADB là 85 triệu USD, vốn đối ứng của Trung ương là 0,39 triệu USD, vốn đối ứng của các tỉnh là 7,11 triệu USD.

Hiện trạng kênh TL Lại Giang, Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định

Hình ảnh: Hiện trạng đập Họ (trái) và hệ thông kênh sông Tiêm tỉnh Hà Tĩnh (phải)

            

Theo Hiệp định vay cho Dự án - khoản vay bổ sung số 3173-VIE(SF) ký kết ngày 23/01/2015 giữa Chính phủ và ADB đã được Chủ tịch nước phê chuẩn tại Quyết định số 907/QĐ-TCN ngày 22/5/2015; dự án dự kiến sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp trên 100km kênh kết hợp đường giao thông cùng với trên 20 công trình thủy lợi phục vụ cấp nước, thoát lũ cho trên 29.000 ha canh tác nông nghiệp.

Hiện nay, Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT với tư cách là Chủ dự án đang cùng UBND các tỉnh có dự án là cấp quyết định đầu tư các tiểu dự án chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT là chủ đầu tư  khẩn trương triển khai các thủ tục để khởi động các tiểu dự án đã được phê duyệt.

Tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND các tỉnh có dự án, trong thời hạn hiệu lực của Hiệp định đến 31/12/2018, chủ dự án và các chủ đầu tư các tiểu dự án sẽ tổ chức triển khai thực hiện quản lý đầu tư xây dựng toàn bộ dự án hoàn thành đúng đạt mục tiêu, đảm bảo chất lượng và đưa các công trình hoàn thành vào khai thác sử dụng, phục vụ phát triển sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững các tỉnh miền Trung./.

(theo www.xdcb.vn)