Chuyển nước sông Mekong đi đâu?[15/08/15]

14/08/2015 13:52

11

Chuyển nước sông Mekong đi đâu?

GS.TSKH Phạm Hồng Giang trả lời phỏng vấn PV báo

 

Câu hỏi 1.  Chính phủ Thái Lan đang xem xét kế hoạch chuyển nước từ các dòng Mekong, Moei và Salween để tưới tiêu cho các vùng đất nông nghiệp, trong bối cảnh khô hạn đang tiếp tục gây thiệt hại 48 huyện trên 9 tỉnh của nước này. Trước đó, năm 2008, Thái Lan cũng đã từng đề xuất một dự án chuyển nước từ sông Mekong nhưng đã dừng lại do bị phản đối.

Thưa ông, với động thái mới trong kế hoạch chuyển nước có phải  tiếng chuông báo động Thái Lan sẽ chính thức thực hiện lại dự án này hay không? Nếu họ chính thức thực hiện thì sẽ ảnh hưởng tới dòng sông Mekong như thế nào, trong khi, hiện nay nó đang được đánh giá có mực nước thấp nhất trong vòng 30 năm qua? 

Trả lời: Dự án chuyển nước sông Mekong vào sâu trong lãnh thổ và vào các lưu vực sông khác tại Thái Lan đã được nêu lên từ khá lâu, gây nhiều tranh cãi. Khoảng 9 triệu ha canh tác ở đông bắc Thái Lan rất thiếu nước về mùa khô. Năm nay, vùng này đã trải qua nạn hạn hán nghiêm trọng nhất trong hơn 70 năm trở lại đây. Sông Chao Phraya là sông có lưu vực lớn nhất ở Thái Lan với vùng hạ du, trong đó có thủ đô Bangkok, cần rất nhiều nước cho phát triển.  Nước ngày càng khan hiếm gay gắt về mùa khô là tình trạng chung ở nhiều quốc gia hiện nay. Tuy nhiên giải pháp đơn phương chuyển nước của dòng sông quốc tế như sông Mekong sang các lưu vực sông khác là việc phi pháp, vi phạm các thỏa thuận quốc tế và tạo ra tiền lệ xấu trong khu vực và trên thế giới, gây nhiều thiệt hại cho các nước ven sông ở hạ du. Nếu dự án chuyển nước như đã nêu ở trên vẫn được thực hiện thì   trong mấy tháng mùa khô, sông Mekong ở hạ du sẽ là dòng sông ‘chết’, chỗ cao hơn thì cạn kiệt, chỗ thấp hơn như tại đồng bằng sông Cửu Long ở Nam Bộ thì ngập mặn.

Câu hỏi 2. Không chỉ có Thái Lan đưa ra các dự án chuyển nước sông Mekong, mà Trung Quốc cũng đang  thực hiện dự án đồ sộ chuyển nước Nam - Bắc trên lãnh thổ Trung Quốc với ba tuyến chuyển Đông, Trung và Tây. Trong đó, tuyến phía Tây có chuyển nước từ sông Mekong và sông Salween. Bên cạnh đó, Lào cũng đang muốn phát triển thủy điện vì ngoài dòng chính, các phụ lưu của sông Mekong trên lãnh thổ Lào có nguồn thủy năng đáng kể. Campuchia cũng trù tính lấy nước Mekong tưới cho 3 triệu ha đất hiện đang chỉ trồng được 1 vụ.

Nếu Thái Lan làm được thì có lo ngại tạo tiền lệ xấu cho những quốc gia khác sẽ ồ ạt thực hiện những dự án của họ hay không? Và khi đó, hệ quả chúng ta phải gánh là gì, thưa ông?

Trả lời: Như đã nêu ở trên, việc chuyển nước sông Mê Kông  sang các lưu vực sông khác trong lãnh thổ Thái Lan chắc chắn sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu để các nước ở thượng nguồn những sông quốc tế cũng hành xử như vậy. Cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc và dãy núi Himalaya, còn được gọi là ‘nóc nhà thế giới’, là nơi phát tích của nhiều sông lớn tại châu Á trong đó có các sông Mekong, sông Salween và sông Yangtse (Dương Tử hay Trường Giang) chảy giữa các tuyến phân thủy rất gần nhau. Sông Mekong từ Trung Quốc qua 4 quốc gia Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia rồi đến Việt Nam và ra  biển Đông. Sông Salween từ Trung Quốc xuống Myanmar, có đoạn  ngắn trên biên giới Myanmar – Thái Lan rồi ra biển Andaman. Sông Yangtse là sông rất lớn, chảy vể phía đông trong lãnh thổ Trung Quốc . Việc chuyển nước từ các sông Mekong và Salween sang sông Yangtse có thể được thực hiện không có gì khó khăn với kỹ thuật hiện nay và cũng đã được trù tính. Nước sông Yangtse đang theo các kênh đào lớn – mang danh ‘Vạn Lý Trường Thành về nước’ -, để chuyển lên phía bắc Trung Quốc cho vùng Bắc Kinh, Thiên Tân,…ngày càng rất thiếu nước. Nếu phần nước sông Yangtse vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu ấy thì chắc Trung Quốc sẽ phải ‘hỏi’ đến các sông Mekong và Salween, tuy ‘hại người’ nhưng cốt lấy ‘lợi mình’ đã.   Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với những nguy cơ về nhiều mặt từ các công trình thủy điện chắn ngang dòng chính, các kế hoạch mở rộng sử dụng nước của các quốc qia ven sông phía trên, nhất là việc chuyển nước sang các lưu vực khác. Ngoài những thiệt hại về môi trường và các nguồn lợi khác như phù sa, thủy sản,.. thì về dòng chảy, lũ và hạn, ngập mặn trở nên gay gắt và nguy hiểm hơn rất nhiều.         

Câu hỏi 3. Trước dự án của Thái Lan, các quốc gia trong khu vực có quyền bác bỏ quyết định của Thái Lan hay không? Cụ thể như thế nào, thưa ông?

Thực tế, chính quyền và đại diện các nước cũng đã lên tiếng cho rằng dự án chuyển nước trên dòng sông này cần được tính toán, đánh giá các tác động kinh tế, xã hội, môi trường, và cụ thể những thay đổi đối với dòng sông, lưu vực, những mặt được - mất đối với các quốc gia có liên quan khi dòng sông chảy qua nhiều nước. Những ý kiến này có được Thái Lan xem xét hay không, thưa ông?

Trả lời: Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission – MRC) là tổ chức quốc tế với các thành viên là 4 quốc gia vùng trung và hạ du sông Mekong. Ý kiến của MRC chỉ có tính chất tham vấn với các chính phủ song cũng là tiếng nói quan trọng, là cơ sở để bảo vệ pháp lý và thuyết phục. Dự án cuả Thái Lan chuyển nước ra khỏi lưu vực Mekong chưa được chính thức đưa ra MRC nhưng hết sức nhạy cảm và gây rất nhiều tranh cãi. Chắc chắn là dư luận quốc tế sẽ phản đối mạnh mẽ, đặc biệt là các quốc gia ở hạ du Mekong bị ảnh hưởng. Nếu MRC không giải quyết  thì vấn đề phải được xem xét ở các tổ chức cao hơn, ở cấp chính phủ và các cơ quan chấp pháp quốc tế.   

Câu hỏi 4. Trong thời gian qua, các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông đang khiến ĐBSCL phì nhiêu, sông rạch chằng chịt đối mặt với khô hạn. Hằng năm, lượng phù sa sông Mê Kông xuống hạ lưu khoảng 150-170 triệu tấn (trong đó từ Trung Quốc chiếm 50%). Hiện nay, các đập thủy điện sẽ làm giảm lượng phù sa xuống hạ lưu và vùng ĐBSCL. Cộng thêm các dự án chuyển nước, nằm ở hạ lưu của dòng sông này, nguy cơ đối diện hạn hán của VN sẽ ra sao? Trước mối nguy hại này, VN nên làm gì và lên tiếng như thế nào, thưa ông?

Trả lời: Những nguy cơ xâu xé, xâm hại sông Mekong, từ đó hủy hoại  đồng bằng sông Cửu Long đã được cảnh báo từ lâu và ngày càng có thêm những biểu hiện rất đáng lo ngại. Sông Mekong là nguồn tài nguyên quý của các nước ven sông và việc khai thác sử dụng nó phải đem lại lợi ích hài hòa cho mọi quốc gia từ thượng nguồn cho đến hạ du. Việc đơn phương chuyển nước Mekong sang các lưu vực khác là việc phi pháp và phải bị phản đối mạnh mẽ. Chúng ta phải sử dụng mọi biện pháp, mọi diễn đàn để không thể có việc đơn phương như vậy. Còn việc mở rộng phạm vi sử dụng nước trong lưu vực, chẳng hạn việc mở rộng diện tích tưới trong lưu vực như nhu cầu được thấy ở vùng đông bắc Thái Lan hay ở Campuchia thì lại thuộc quyền lợi của người dân ở đó tuy việc này có làm bớt đi đáng kể lượng nước sông về hạ du. Tỷ lệ phân chia nước dùng sao cho hợp lý giữa các nhu cầu của mọi quốc gia ven sông phải được bàn bạc kỹ  lưỡng.  Đồng bằng sông Cửu Long ở hạ du được hưởng những nguồn lợi tự nhiên nhất định của sông Mekong. Nay đứng trước những biến động ở thượng nguồn cùng với mối nguy từ tình trạng nước biển dâng, chúng ta phải tích cực chủ động đối phó với lũ lụt nặng hơn và kéo dài hơn về mùa mưa, hạn hán khốc liệt hơn và nước mặn ngập sâu, gây hại lớn cho sản xuất và môi trường khắp vùng đồng bằng. Ngoài những biện pháp phi công trình như cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp, bố trí lại dân cư, thì phải sớm nghiên cứu và từng bước triển khai các công trình đạt nhiều mục tiêu như thoát lũ, trữ nước ngọt mùa mưa để dùng cho mùa khô. Nước ngọt có thể được trữ trong hệ thống kênh rạch với các cống đập ngăn mặn. Cần khẩn trương xem xét chuẩn bị triển khai các đập trong vịnh, khả thi nhất là ở vịnh Rạch Giá.

PV. Thanh Huyền